Những lo ngại về cây đa Tân Trào

Những lo ngại về cây đa Tân Trào
TP - Cây đa Tân Trào nằm trong Khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia ATK (Tuyên Quang) đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Điều này đã được phát hiện cách nay gần bảy năm nhưng giải pháp bảo tồn vẫn chưa thực sự khả thi.

>> Cần có ngay biện pháp hữu hiệu cứu cây đa lịch sử Tân Trào

Những lo ngại về cây đa Tân Trào ảnh 1
Cây đa Tân Trào

Dư luận cho rằng, nếu không quyết tâm cứu chữa bằng những dự án mang tính tổng thể, toàn diện thì hình ảnh cây đa Tân Trào đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người dân Việt Nam sẽ phải chấp nhận theo quy luật “sinh-tử” thường thấy.

Vào quãng trung tuần tháng Tư, người bạn cùng lớp thời phổ thông gọi điện báo cây đa Tân Trào đang phải chống chọi với sự héo khô từng ngày. Những tưởng cú điện thoại nhằm kéo chúng tôi lên Tuyên Quang để gặp nhau sau bao năm chia tay, nào ngờ vừa đến thị xã, chiếc xe máy cà tàng của người bạn chạy vụt lên Sơn Dương rồi đến cây đa Tân Trào và khi nhìn thấy ai nấy mới thực sự tin.

Xe vừa dừng đỗ trước trụ sở Bảo tàng ATK, người bạn chỉ tay về phía cây đa Tân Trào, giọng khẩn khoản: “Xem đi, có đúng đang chết khô không?”. Đứng ở vị trí này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên rằng, chỉ cách đây chừng một năm thôi, trong chuyến công tác từ Hà Giang về cả đoàn rẽ vào Khu di tích ATK và nhận thấy cây đa Tân Trào, nhân chứng lịch sử cách mạng còn đương xanh tốt, tỏa bóng xum xuê cả một vạt, còn nay thì đã khác xa.

Lại gần hơn một chút nữa, những cành cây chính xum xuê lá đã “bay” đâu mất, những cành khô leo khoeo giữa trời nắng chang chang. Với khoảng cách chừng hai, ba trăm mét có thể cho phép mình nhầm lẫn, song khi tiến gần hơn, lúc này chỉ còn 50m, những cành chính bị chết khô hiện dần rõ hơn và “hình như” hiện tượng này đang lan dần xuống phần thân.

Người bạn đi cùng nói toạc móng heo rằng, ban đầu cứ nghĩ những cành khô kia chỉ rụng lá để thay “áo mới” cùng khoe sắc với du khách tham quan nhưng dần dà qua thời gian, những chồi lộc chẳng thấy đâu mà thay vào đó nó bị gãy rơi xuống đất.

Len lén không thấy bảo vệ, chúng tôi nhảy qua hàng rào cây xanh để tiếp cận gần hơn cây đa. Đứng dưới gốc cây, ngước cặp mắt nhìn lên, chúng tôi không thể đếm được có bao nhiêu cành đã bị chết khô, nhưng có một chi tiết đúng là những cành chính vươn ra từ thân cây đã, đang đi vào “cõi tử”. Trong đó có một cánh chính “bắt” từ thân lên đã bị chết khô và đang có hiện tượng nứt nẻ và có khả năng sẽ bị gãy đổ trong thời gian tới.

Phần thân từ dưới gốc lên, nhiều chỗ đã bị mục sâu vào bên trong. Xung quanh cây đa, nhiều cành khô nhỏ đã bị gãy rơi xuống. Người bạn còn nói, hãy quan sát những chiếc lá trên cây đa. Những cây đa gần đó, lá xanh, to mơn mởn còn lá cây đa Tân Trào dường như bị “quắt” lại và nhiều màu vàng... hơn xanh.

Điều đó chứng tỏ, cây đa Tân Trào đang xuống cấp rõ rệt chứ không còn là tin đồn nữa. Khi đang viết những dòng này, một đồng nghiệp ở Tuyên Quang gọi điện báo rằng, cơ quan chức năng của tỉnh đã cho cắt những cành chết khô ở phần ngọn để bảo vệ những cành ở dưới... rồi.

Những lo ngại về cây đa Tân Trào ảnh 2
Có những cành của cây đa đã chết khô.

Theo khảo sát của cơ quan chức năng tỉnh, từ năm 1945 đến 1954, cây đa Tân Trào là cây cổ thụ  và sinh trưởng một cách bình thường. Nhưng từ năm 1965 đến năm 1984, khu vực dưới tán cây đa lịch sử Tân Trào đã là nơi buộc, thả gia súc. Rễ và thân cây là vật kê để băm chặt của nhân dân và trẻ em xóm Tân Lập. Do vậy, cây đa bị tổn thương thân chính, thân phụ, rễ bị gia súc cọ húc hoặc con người khắc đẽo, băm sứt vỏ.

Thêm một nguyên nhân nữa là người ra vào khu gốc cây đa ngày một đông, mặt đất bị những trận mưa lớn làm xói mòn mạnh nên lớp đất bị trơ sỏi. Những tác động không có lợi kéo dài trong nhiều năm đã làm cho cây đa Tân Trào phát triển không bình thường.

Cũng theo khảo sát của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh vào cuối tháng 12/2006, có 2 cành cây đa Tân Trào (đường kính từ 0.7-1m, dài 6-9m, cao từ 12-20m) và nhiều cành nhỏ khác đã bị chết khô.

Từ năm 2000, Bảo tàng ATK, đơn vị quản lý Khu di tích ATK đã có văn bản báo cáo cơ quan chức năng và UBND tỉnh về việc cây đa Tân Trào đang có hiện tượng những cành ở phía ngọn bị chết khô.

Sau đó, cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành một số biện pháp chăm sóc phục hồi sinh trưởng cây đa Tân Trào bằng cách trồng thảm cỏ thực vật, tưới nước, bón phân, phun thuốc trừ sâu và dựng hàng rào cây xanh xung quanh để hạn chế du khách vào phía trong gốc cây đa.

Áp dụng những biện pháp này, sau một thời gian cây đa có dấu hiệu phục hồi sinh trưởng trở lại, song từ cuối năm 2006 đến nay đang có hiện tượng xuống cấp nhanh hơn, bằng chứng là nhiều cành đã bị chết khô.

Trước đó, tỉnh đã mời một số chuyên gia của Viện Khoa học Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) lên khảo sát, nghiên cứu đồng thời đưa ra những hướng dẫn chăm sóc cây đa. Tuy nhiên, đà xuống cấp của cây đa vẫn không dừng lại.

Những lo ngại về cây đa Tân Trào ảnh 3
Nhiều chỗ đã bị mục. Ảnh: Xuân Cường

Trong những ngày dừng lại ở thị xã Tuyên Quang để tìm hiểu rõ hơn chủ trương của tỉnh trong việc chăm sóc, bảo tồn cây đa Tân Trào, chúng tôi nhận thấy một sự băn khoăn, hay nói cách khác là sự phản ứng chậm của địa phương về công tác chỉ đạo phục hồi sinh trưởng cây đa.

Từ năm 2000, cơ quan chức năng đã báo cáo lên tỉnh hiện tượng cây đa Tân Trào bị chết khô ở phần ngọn, nhưng mãi đến cuối tháng 7/2006, tỉnh Tuyên Quang mới có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng có liên quan “lập dự án chăm sóc bảo vệ, phục hồi sinh trưởng cho cây đa Tân Trào...”.

Tuy nhiên, đến thời điểm vào cuối tháng Tư, khi được hỏi dự án này đã được triển khai đến đâu, một lãnh đạo tỉnh cho biết là không có cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện được và không dám nhận vì... quá khó.

Lãnh đạo tỉnh này cũng cho biết thêm, mặc dù dự án chưa được lập nhưng trong thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các biện pháp cần thiết để chăm sóc cây đa. Hiện dự án này đã được nâng thành đề tài nghiên cứu khoa học của tỉnh, song đến thời điểm này chưa có cơ quan chức năng T.Ư và địa phương đảm nhận. Trước tình thế của cây đa, Sở VH-TT có văn bản gửi tỉnh cho phép loại bỏ cành khô và sâu bệnh. Việc này đã được tỉnh phê duyệt.

Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc chăm sóc, phục hồi sinh trưởng cây đa Tân Trào đang rất được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm. Nhưng bà Việt cũng thừa nhận rằng, hiện tỉnh cũng đang tỏ ra lúng túng trong chỉ đạo quyết liệt để bảo tồn lâu dài cho cây đa.

Xin lưu ý rằng, trong khu vực cây đa Tân Trào trước kia có hai cây, nhưng năm 1994 đã bị chết đi một cây do bị chết khô, cũng có ý kiến do sét đánh. Cây đa Tân Trào, nhân chứng lịch sử của một giai đoạn cách mạng, là hình ảnh thiêng liêng của bao thế hệ người dân Việt, cần được quan tâm đặc biệt với những giải pháp mang tính toàn diện và cụ thể nhằm kéo dài tuổi thọ cho cây đa ý nghĩa này.

Nếu nói rằng, cây đa Tân Trào đã khoảng 300 tuổi nên sự xuống cấp là dễ hiểu thì xin đặt câu hỏi rằng, vì sao có một cây đa ở chùa Mía (Hà Tây) đến nay đã hơn 600 tuổi vẫn xum xuê cành lá với độ sinh trưởng bình thường, không có dấu hiệu “chết già”? 

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tròn trơn vượt 70 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Như Ý).
Giá vàng đồng loạt vọt tăng
TPO - Sáng nay (29/3), giá vàng trong nước tăng tới 700.000 đồng/lượng, lên mức 81 triệu đồng/lượng vàng SJC, vàng nhẫn tròn trơn vượt 70 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh cao mới, lên mức 2.232 USD/ounce.