Viết đơn gửi Bí thư Tỉnh ủy xin 'chừa' chống tham nhũng

Viết đơn gửi Bí thư Tỉnh ủy xin 'chừa' chống tham nhũng
TP - Tháng 5/2007, bà Đoàn Thị Nhâm, Kế toán trưởng Lâm trường Hoành Bồ, có đơn gửi ông Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh ngỏ ý : “Tôi hối hận vì đã dám tố cáo tội tham ô, vụ lợi của người có chức, có quyền, có vây cánh mạnh và “xin chào thua” họ".

>> Lâm trường nghèo, giám đốc xài sang!
>> Mượn danh trồng rừng để triệt rừng!
>> Nhà máy chung thua to, công ty riêng thắng lớn

Viết đơn gửi Bí thư Tỉnh ủy xin 'chừa' chống tham nhũng ảnh 1

Bà Đoàn Thị Nhâm viết đơn trình bày xin rút lại lá thư báo cáo. Ảnh : Tạ Kim Hùng

Bà Nhâm viết : “Từ nay về sau sẽ không còn dám nghĩ đến đấu tranh chống tham nhũng nữa”.

Trong đơn bà Nhâm xin rút lại thư đã báo cáo ông về hành vi vụ lợi và những sai phạm nghiêm trọng của ông giám đốc Lâm trường Hoành Bồ Nguyễn Duy Đãng, gây thất thoát cho lâm trường nhiều tỷ đồng. Vì sao người phụ nữ dũng cảm này lại phải làm cái việc “đặng chẳng đừng”?

Giám đốc lộng quyền

Bà Nhâm kể: Suốt 34 năm công tác trong ngành lâm nghiệp, lúc làm công nhân mở đường, lúc làm kế toán… bà luôn trăn trở, vì sao, anh chị em làm đường, trồng, tu bổ rừng ngành lâm nghiệp thường phải sống ở vùng xa, vùng sâu, heo hút: Nắng sạm da, mưa nhòa nước mắt, ve vắt quanh mình, mà có dạo, lương tháng chỉ vỏn vẹn trên dưới 150.000 đồng, lại phải 3 - 4 tháng sau mới được truy lĩnh.

Có chị em, sau 10 năm công tác, không chắt chiu nổi vài trăm ngàn đồng về phép. Có anh nhận điện: “Mẹ sắp mất, về ngay”, loay hoay mãi mới vay nổi vài trăm ngàn đồng, về đến nhà, nấm mồ của mẹ, cỏ đã chớm xanh…

Viết đơn gửi Bí thư Tỉnh ủy xin 'chừa' chống tham nhũng ảnh 2
Nhà văn phòng quá sang trọng đối với một lâm trường còn nghèo, phải đi vay vốn để xây dựng.

Chiến tranh biên giới kết thúc, theo quy chế mới, Cty Cầu đường đứng trước hai ngã đi thấp thỏm: Giải thể, hoặc tự kinh doanh, hạch toán nuôi nhau?

Trong chiến tranh, dù phải bám trụ mặt đường cả ngày đêm, có lúc phải sửa đường dưới làn đạn pháo từ bên kia bắn sang, lương đã thấp, lại chậm, nhưng cứ kiên nhẫn chờ, sẽ có. Nay, nếu phải tự  kinh doanh hạch toán để nuôi nhau, biết làm gì? Cty không có một đồng vốn. Còn công nhân, ngoài cái túi xách tay, cái ba lô chứa mấy bộ quần áo bạc màu, là hai bàn tay trắng.

Bí bách quá, một số chị em dưới tuổi 30, đành lĩnh trợ cấp thôi việc, rồi lủi thủi hồi hương. Số còn lại, sống vật sống vã: lúc đan tranh nứa, lúc mót than rơi. Thậm chí, có dạo còn đi đào than thuê cho cai than thổ phỉ…

Nhưng rồi, nhờ tài xoay xở của người đứng đầu Cty là ông Lại Văn Giang, UBND tỉnh, đồng ý cho đơn vị thành lập Xí nghiệp (XN) vay vốn ngân hàng, khai thác than ở những nơi có trữ lượng than quá mỏng và rừng đã bị nạn khai thác thổ phỉ triệt hạ tanh bành. XN phải cam kết, khai thác than xong đến đâu, trồng cây, tạo rừng ngay đến đó.

XN làm than chưa đầy 2 năm thì UBND tỉnh ra quyết định cho ngừng khai thác than, chuyển cả đơn vị thành Lâm trường Hoành Bồ số 2 để quản lý, tu bổ rừng và trồng rừng nơi đất còn trống, dọc các tuyến đường, dài gần 100 km, từ Sơn Dương lên hồ Cao Vân, Vũ Oai, Đồng Ho…

Hàng trăm công nhân đang quần tụ tại góc rừng Dương Huy, làm than, trồng rừng… nuôi nhau, nay lại phải chia đàn, xẻ nghé! Cả XN nháo nhác như gà mất ổ.

Giám đốc Giang thuyết phục công nhân: “Vượt qua cái khó, sẽ có niềm vui. Cả XN đang phải tự kiếm sống cầu bơ cầu bất, giờ trở thành lâm trường quốc doanh, công nhân thành người nhà nước là quá may mắn. Các bạn còn trăn trở gì nữa?”. Mọi người nghe ra, lại hào hứng, đội vào Hòa Bình, đội lên Thác Cát, đội đến Đồng Ho… lập bản doanh, nhận đất, nhận rừng…

Sau 8 năm thành lập, Lâm trường Hoành Bồ đã trồng, tu bổ được hơn một ngàn héc-ta rừng keo và rừng tái sinh. Cuối năm 2000 nhìn những cánh rừng tái sinh xanh ngút ngàn, những khoảng rừng keo mênh mông, đã và sắp đến tuổi khai thác, đường kính gốc 20-30 cm, cao 7 - 8 mét, đều tăm tắp, công nhân lâm trường hả hê lắm. Khi đó lãnh đạo lâm trường đưa ra ý tưởng “Muốn giàu, phải quyết tâm biến gỗ rừng thành sản phẩm hàng hóa!”…

Chiểu theo nguyện vọng của cán bộ, công nhân Lâm trường Hoành Bồ, cuối năm 2000, UBND tỉnh – được Chính phủ cho phép – đã cho lâm trường vay vốn từ Quỹ đầu tư để xây dựng nhà máy sản xuất ván ép sợi MDF. Nhà máy  sẽ tận dụng gỗ tạp, cành cây và các phế liệu lâm nghiệp để sản xuất các loại ván, có độ bền cao, lợi nhuận gấp nhiều lần bán gỗ, củi thô. Người trồng rừng sẽ dư vốn tái sản xuất rừng, xã hội sẽ có thêm sản phẩm, nhà nước sẽ có thêm nguồn thu…

Sông, suối không còn bị phế liệu lâm nghiệp đổ tràn xuống, trôi ra biển, môi trường Vịnh Hạ Long sẽ ngày càng xanh, sạch... và, cuối cùng, người làm nghề lâm trường sẽ giàu lên, thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Dự án xây nhà máy đang được triển khai thì đùng một cái Giám đốc lâm trường Lại Văn Giang được Sở NN và PTNT thông báo: Bàn giao ngay mọi công việc ở lâm trường cho Giám đốc mới là ông Nguyễn Duy Đãng (nguyên là Giám đốc lâm trường Bình Liêu), để nhận quyết định nghỉ hưu, trước sự ngỡ ngàng của cả lâm trường và Huyện ủy Hoành Bồ lúc ấy.

Bà Nhâm kể: Là một đảng viên gần 30 tuổi Đảng, 28 năm làm kế toán, bà chưa thấy một giám đốc lâm trường nào độc đoán, vụ lợi, tiêu tiền Nhà nước “bạo” như ông Đãng.

Bà Đoàn Thị Nhâm sinh năm 1956, tại huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Năm 1973, bà thoát ly gia đình, trở thành công nhân lâm nghiệp huyện Ba Chẽ, công tác tại Đội cơ giới cầu đường.

Năm 1978, chiến tranh biên giới xảy ra, đơn vị này trở thành Cty Cầu đường ngành lâm nghiệp của tỉnh, vừa làm đường lâm nghiệp, vừa làm đường phục vụ nhu cầu quốc phòng… Năm 1979, bà Nhâm được kết nạp vào Đảng và lần lượt được cử đi học các lớp sơ cấp, rồi trung cấp kế toán.

Hiện nay, bà là Trưởng phòng Kế toán-tài vụ của Lâm trường Hoành Bồ. Năm 2000, chồng bà bị tai nạn, mất. Bà sống với người con trai duy nhất trong cảnh mẹ góa, con côi!

Mới về lâm trường, đáng lẽ phải đôn đốc ngay việc xây dựng nhà máy để sớm có sản phẩm bán, trả nợ quỹ đầu tư, thì ông Đãng lại cho đập phá nhiều hạng mục công trình trụ sở lâm trường vừa xây xong, rồi dùng vốn xây dựng nhà máy để xây sửa lại, gây tốn kém và lãng phí  lớn cho lâm trường.

Giám đốc lâm trường cũ, mỗi lần đi công tác, thường chỉ tạm ứng vài triệu đồng. Còn ông Đãng mỗi lần đi công tác, bắt lái xe tạm ứng từ 10-15 triệu đồng, chi tiêu xả láng.

Khi thủ quỹ giục lái xe, nhắc GĐ hoàn ứng, ông quát: “Hoàn hay không là quyền tao. Ai sợ, làm việc khác”. Nói rồi, ông cho cả lái xe và thủ quỹ chuyển việc. Ông tuyển lái xe khác nhưng thường tự mình lái xe.

Chiếc xe con của lâm trường mới mua được hai năm, giá 320 triệu đồng, vào tay ông Đãng được vài tháng, do va quệt nhiều, bung cả ba-đờ-xốc, ông đem bán hạ giá, rồi mua luôn một chiếc xe Camry 2.4 bóng loáng, vi phạm nghiêm trọng quy định của Chính phủ, nên chiếc xe không đăng ký được. Ông Đãng nhờ một người buôn gỗ tự do, đứng tên, đăng ký hộ.

Người này, sau đó được ông Đãng lấy về lâm trường, cho làm giám đốc nhà máy ván MDF, vốn đầu tư 33 tỷ đồng, mặc dù người này không học một ngày về chế biến lâm sản.

Còn giám đốc nhà máy cũ, kiêm phó giám đốc lâm trường nhiều năm, có bằng kỹ sư chế biến lâm sản. Ông Đãng chuyển làm việc khác. Chính vì dùng người tùy tiện nên nhà máy ván MDF, đến nay đã 5 năm, vẫn chưa bàn giao được.

Những năm nhà máy mới lắp ráp hòm hòm, cứ chạy thử là trục trặc kỹ thuật, ngừng hàng tháng. Ông Đãng vẫn lấy cớ “Khai thác rừng làm nguyên liệu cho nhà máy”, để phá hàng trăm hec ta rừng...

Với những sai phạm không thể chối cãi (Tiền phong từng có loạt bài phản ánh). Năm 2005, ông Đãng lĩnh hai án kỷ luật Cảnh cáo - Một của UBND tỉnh, một của Huyện ủy Hoành Bồ.

Viết đơn gửi Bí thư Tỉnh ủy xin 'chừa' chống tham nhũng ảnh 3 Viết đơn gửi Bí thư Tỉnh ủy xin 'chừa' chống tham nhũng ảnh 4
Nhà máy chung thua to... ... Và xưởng sản xuất keo của vợ hai ông Đăng thắng lớn

Nhận kỷ luật rồi, ông Đãng lại mắc nhiều sai phạm lớn hơn: Ồ ạt đưa một số người thân bên ngoài vào biên chế của lâm trường, làm vây cánh... Năm 2006 cũng là năm ông Đãng cho chặt phá rừng tàn bạo nhất.

Kế hoạch do tỉnh khống chế, chỉ được khai thác 15.000 m3 gỗ, thì ông Đãng chặt phá 432 ha rừng, khai thác hơn 27.700m3. Ông tự đặt giá, bán mỗi héc-ta rừng cho các đội trưởng là 6 triệu đồng, không qua đấu thầu.

Có đội trưởng được mua đến 30 ha, đang tuổi khai thác, để tự do chặt phá. Có người làm đội trưởng vài năm, tậu được cả ô tô, giá 500 triệu đồng. Còn rừng Hoành Bồ thì bị chặt phá tan hoang.

Vì sự sống còn của lâm trường, trước nguy cơ phá sản, do ông Đãng gây ra, các phó giám đốc, Bí thư Đảng ủy, kế toán trưởng,... của Lâm trường Hoành Bồ đã nhiều lần góp ý, kiến nghị.

Thậm chí, Ban chấp hành Đảng ủy họp, ra nghị quyết, đề nghị ông Đãng chấm dứt những việc làm nguy hại cho lâm trường, nhưng ông Đãng bỏ ngoài tai. Quá bức xúc, buộc họ phải có thư báo cáo cấp trên. Bà Nhâm viết thư gửi đích danh Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tố cáo những việc làm sai trái của ông Đãng.

“... Từ nay xin chừa”

Ngày 1/2/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định: Tạm đình chỉ công tác đối với ông Đãng, giao cho Thanh tra tỉnh thanh tra toàn diện các sai phạm ở Lâm trường Hoành Bồ, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/2/2007 để xử lý... nhưng đến nay, Thanh tra vẫn chưa có kết luận!

Trong thời gian chờ Thanh tra kết luận, cháu ông Đãng, tên Huyền – được ông đưa từ Bình Liêu về, biên chế vào phòng hành chính của lâm trường – đã vào phòng kế toán đốt, hủy máy in, lấy máy vi tính dìm vào bể nước, để xóa các dữ liệu lưu trong máy.

Nhiều người ở lâm trường nhận định Huyền chỉ là kẻ “Liều mình cứu chúa”. Lúc đầu, Huyền khai với công an: Bà Nhâm kế toán trưởng xui Huyền hủy hoại máy vi tính. Nhưng sau đó cũng tại cơ quan điều tra, Huyền đính chính là tự mình làm việc đó và xin lỗi bà Nhâm.

Nhưng sắp đến ngày ra tòa, được gặp luật sư tại trại giam – do gia đình mời từ Hà Nội về – Huyền lại khai: Bà Nhâm kế toán trưởng xui Huyền hủy tài liệu.

Người làm chứng cho lời khai của Huyền lại chính là anh trai, con bác ruột ông Đãng và hai đệ tử thân tín của ông Đãng tại lâm trường. Vì lời khai lật lọng của Huyền và các nhân chứng trên, phiên tòa xử Huyền phải tạm hoãn.

Bà Nhâm lại năm lần, bảy lượt bị Công an và Viện KSND huyện Hoành Bồ gọi lên lục vấn, khuyên bà thành khẩn nhận tội. Bà Nhâm nói: “Tôi là người tố cáo những sai phạm của ông Đãng, có điên tôi mới xui người phá hủy máy tính đang lưu các dữ liệu, chứng cứ trong máy tính”.

Bà Nhâm kể: Từ ngày bị tôi tố cáo các hành vi sai trái, ông Đãng lôi kéo những người thân ở lâm trường, cô lập, bóng gió công kích, đe dọa tôi “Trước sau cũng bị khởi tố”.

Thậm chí một ông Viện phó Viện KSND huyện Hoành Bồ còn “khuyên” tôi “nhận tội”. Sao họ dễ đồng tình với nhau như thế? Thân phận mẹ góa nuôi con côi như tôi, còn biết dựa vào ai?

Ngay cả đồng chí Bí thư Đảng ủy lâm trường, vì dám chống tiêu cực, cũng bị họ cô lập và phản công bằng các đơn tố cáo bịa đặt, rồi tung tin vịt rằng, đồng chí ấy sắp bị đình chỉ công tác... trong khi ông Nguyễn Duy Đãng sở hữu riêng một xưởng sản xuất keo, hàng ngàn mét vuông trong đất trụ sở của lâm trường, để hàng ngày thu lợi và vẫn nghênh ngang cưỡi chiếc xe Camry 2.4 (giờ đã thành của riêng gia đình ông) đi đó, về đây, nhởn nhơ cười thách thức...

Trong lá thư thứ hai gửi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, bà Nhâm viết: “Tôi hối hận vì đã dám tố cáo tội tham ô, vụ lợi của người có chức, có quyền, có vây cánh mạnh và “xin chào thua” họ.

Để bảo toàn tính mệnh và tránh vòng lao lý cho hai mẹ con thân cô thế cô, trước những tai họa có thể trút xuống bất cứ lúc nào, tôi đã có đơn trân trọng đề nghị ông Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho tôi rút lại lá thư, báo cáo về những sai phạm của ông Nguyễn Duy Đãng, Giám đốc Lâm trường Hoành Bồ mà tôi đã tin tưởng, kính gửi ông ấy hồi cuối năm 2006. Và kính thưa ông, từ nay về sau, “thân lươn bao quản lấm đầu”, sẽ không bao giờ dám nghĩ đến chống tham nhũng nữa”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.