Kon Tum:Trồng cây xóa nghèo, dân lại nghèo hơn

Kon Tum:Trồng cây xóa nghèo, dân lại nghèo hơn
TP - Đăk Glei là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Kon Tum, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Xơ Đăng, nên thường xuyên được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư các dự án xóa đói giảm nghèo.

Thế nhưng, sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo huyện đã làm dự án xóa nghèo đi vào ngõ cụt và hậu quả là tiền ngân sách bị thất thoát, đời sống người dân càng nghèo hơn… Dự án trồng cây dó bầu lấy trầm hương là một ví dụ.

Ông A Nhơn (thôn Liêm Răng, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei) dẫn chúng tôi ra vạt đồi chỉ toàn cỏ dại, chua xót kể: “Năm 2006, gia đình tôi được giao trồng 23 cây dó bầu theo Chương trình mục tiêu quốc gia.

Dù đã áp dụng trồng theo chỉ dẫn của huyện nhưng chỉ sau thời gian ngắn, toàn bộ số cây này đã chết”. Ông A Mia (thôn Liêm Răng) có vạt đồi gần đó cũng trong tình trạng tương tự: “Tôi nhận trồng 40 cây nhưng đến nay không còn cây nào sống, vì loài cây này không hợp điều kiện đất đai ở đây. Bao nhiêu công sức, tiền của của gia đình dồn vào nay đã tan tành…”.

Tại xã Xốp, hầu hết các hộ nhận trồng cây dó bầu cũng rơi vào tình trạng dở khóc dở mếu. Gia đình ông A Môn (thôn Kon Liêm) nhận trồng 20 cây thì 10 cây đã chết, số còn lại cũng đang chết dần.

Gia đình bà A Nhum (thôn Kon Liêm) trồng 10 cây thì chết 6 cây. Khi tiếp xúc PV, bà con xã Đăk Man, nơi có nhiều hộ được giao số lượng lớn cây dó bầu - tỏ thái độ bức xúc trước việc huyện triển khai trồng cây dó bầu.

Gia đình ông A Nhạo nhận 80 cây nhưng đến nay tất cả số cây này đã chết khô, mặc dù đã được gia đình chăm sóc theo đúng kỹ thuật mà UBND huyện hướng dẫn. Các hộ dân trong thôn Kon Tua (xã Ngọc Linh) nhận trồng 248 cây thì đến nay chỉ còn 14 cây sống!

Ngoài ra, trong danh sách do huyện Đăk Glei lập, thôn Tân Út (xã Ngọc Linh) có 3 hộ được nhận trồng 45 cây dó bầu là A Ve, A Ha và A Bi. Thế nhưng, khi xã giao cây, gia đình ông A Bi đã không nhận. Số cây này để lại xã và bị vứt bỏ, không thương tiếc...

Ai đã cố tình triển khai dự án bất khả thi?

Từ phản ánh của người dân, Huyện ủy Đăk Glei đã thành lập 2 tổ kiểm tra việc trồng cây dó bầu tại 5 xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Choong, Xốp và Đăk Man. Kiểm tra 180/458 hộ dân, với số lượng cây được giao là 6.130 thì phát hiện có tới 5.028 cây đã chết (chiếm hơn 80%).

Tại xã Ngọc Linh, khi Phòng Dân tộc - Tôn giáo cấp 1.165 cây thì bà con trong xã chỉ nhận 583 cây; số còn lại không nhận vì cây không đảm bảo chất lượng (thân héo, lá rụng, bầu đất khô cứng…).

Làm việc với PV Tiền phong, ông A Móc - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đăk Glei cho biết: Năm 2004, huyện đã trồng thử nghiệm cây dó bầu tại 2 xã Mường Hoong và Ngọc Linh.

Tuy nhiên, do không hợp điều kiện thổ nhưỡng, toàn bộ cây giống thử nghiệm đã chết. Theo chỉ đạo của tỉnh, nếu sau thử nghiệm, loài cây này phù hợp thì sẽ triển khai tiếp, nếu không phù hợp thì không được trồng.

Thế nhưng, không hiểu sao, năm 2006, ông Trần Văn Thiện - Chủ tịch UBND huyện - lại phê duyệt chủ trương cho trồng một số cây theo Chương trình mục tiêu quốc gia (trong đó có cây dó bầu).

Hỏi về trách nhiệm trong việc triển khai dự án này, ông A Thanh Sắc - Trưởng phòng Dân tộc-Tôn giáo huyện Đăk Glei - chua xót: “Đây là bài học đối với tôi. Sau này, nếu có chương trình dự án thì chúng tôi sẽ lựa chọn cây trồng cho hiệu quả, tránh thất thoát tiền của Nhà nước và đỡ làm khổ dân”.

Cần lưu ý, qua kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đăk Glei, trên thực tế, số lượng không nhỏ cây giống đã không được bàn giao cho người dân. Số tiền mua giống cây “ảo” ấy (đã được quyết toán) rơi vào túi ai?  

Theo ông A Móc, riêng chi phí mua giống cây dó bầu đã làm thất thoát của Nhà nước gần 120 triệu đồng. Đấy là chưa kể công sức, tiền của của người dân trồng và chăm sóc.

Tháng 5/2007 Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đăk Glei đã có văn bản đề nghị Ban thường vụ Huyện ủy “Kiểm điểm nghiêm khắc đối với chủ đầu tư và các thành phần liên quan vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác, gây thất thoát kinh tế trong chương trình hỗ trợ giống cây trồng cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn năm 2006 tại 5 xã”.

Thế nhưng, không hiểu sao đến nay, Huyện ủy vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.