Ngôi nhà thờ linh thiêng của cụ Phan Đình Phùng đã về lại làng Đông Thái

Ngôi nhà thờ linh thiêng của cụ Phan Đình Phùng đã về lại làng Đông Thái
TP - Đình Nguyên Phan Đình Phùng (1847 -1895) sinh quán làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, lãnh tụ cuộc kháng chiến 10 năm chống Pháp đặt căn cứ địa tại núi Vụ Quang, huyện Hương Khê.
Ngôi nhà thờ linh thiêng của cụ Phan Đình Phùng đã về lại làng Đông Thái ảnh 1
 Nhà thờ cụ Phan Đình Phùng tại làng Đông Thái 

Sau ngày cụ mất, các nghĩa sỹ và gia đình tiếc thương nhà đại ái quốc, người anh hùng dân tộc, đã dựng ngôi nhà thờ ba gian hai chái bằng gỗ mít tại mảnh đất sinh ra cụ. Trong khu nhà thờ ngày ấy có bia Tiến sỹ, có mũ cánh chuồn… và rất nhiều kỷ vật liên quan đến cuộc đời, công trạng của Phan Đình Phùng.

Vào giữa năm 1950, lo ngại thực dân Pháp sẽ ném bom làng Đông Thái, một người cháu nội của cụ tên là Phan Đình Lượng đã cho sơ tán nhà thờ về dựng ở xóm núi xã Sơn Long để bảo quản.

Vào giữa năm 1951, máy bay Pháp đến ném bom làng Đông Thái tan hoang nhưng rất may ngôi nhà thờ cụ Phan được bảo quản nguyên vẹn cách làng gần 10 cây số. Sau một thời gian ngôi nhà thờ cụ Phan bỏ hoang, thấy lãng phí có một lực điền người địa phương tên là Lê Tuệ mua lại ngôi nhà thờ này làm chỗ ở.

Chẳng biết vì lý do gì khi bước vào tuổi 40, ông Lê Tuệ đang khỏe mạnh bỗng lăn ra chết bất thường. Con trai của ông Lê Tuệ là Lê Duệ lớn lên tiếp tục ở trong ngôi nhà này, sinh ra hai con là Lê Kiều và Lê Thị Điều.

Đến khoảng 40 tuổi ông Lê Duệ cũng chết một cách bất thường. Rồi hai đứa con của ông là Điều và Kiều sống trong ngôi nhà này bước vào lứa tuổi 20 - 30 đều chết trẻ. Những người còn lại trong họ hàng phải dời đi ở chỗ khác. Ngôi nhà này bỏ trống một thời gian khá dài.

Đến đầu những năm 80, ông Phan Xuân người làng Đức Nhân lên mua ngôi nhà này về dựng dưới chân đê La Giang để ở. Sau một thời gian, ông Xuân cũng chết trẻ. Bà vợ không dám ở trong ngôi nhà ấy nữa mà bỏ theo con ra Hà Nội, gửi lại ngôi nhà này nhờ ông Hùng Báu trông coi.

Đầu  năm 2000, khi mua lại căn nhà sau khi tìm hiểu anh Thuận Nguyễn Đức và chị Phạm Thị Hòa cảm thấy bất ổn về tinh thần nên cũng không dám ở trong ngôi nhà này mà dựng tạm cái chái bên cạnh để sinh sống. 

Khi phát hiện ra ngôi nhà thờ của cụ Phan đang còn nguyên vẹn, gia tộc họ Phan có ý định mua lại ngôi nhà này đưa về làng Đông Thái làm nơi thắp hương tưởng nhớ công lao của cụ Phan Đình Phùng. Anh Thuận và chị Hòa sẵn sàng bán để làm nhà mới, khoản tiền mà đôi vợ chồng này đưa ra là 30 triệu đồng nhưng con cháu gia tộc họ Phan chỉ được địa phương hỗ trợ 20 triệu nên cuộc mua bán chưa thành.   

Chúng tôi tìm về đám đất nơi dựng nhà thờ cụ Phan xưa kia tại làng Đông Thái, những người già cho biết: Khi nhà thờ đã được chuyển lên núi để bảo toàn thì vùng đất ấy bị máy bay Pháp ném bom tan hoang. Sau này xã chia cho hai chị em Phạm Thị Hương và Phạm Bình làm nhà ở.

Làng Đông Thái là vùng địa linh, con cái bao nhiêu gia đình khác đều khỏe mạnh thông minh, học hành đỗ đạt, riêng hai gia đình này từ khi ở đó đã lâm vào cảnh bất thường. Họ rất muốn được dời đi nhưng chưa có điều kiện.

Năm 2004, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú, báo Tiền phong đã nhắc đến nguyện vọng của dòng tộc họ Phan là muốn đưa nhà thờ Phan Đình Phùng về làng. Sở VHTT Hà Tĩnh đã bỏ ra 45 triệu đồng chuộc lại ngôi nhà này với ý định đưa lên dựng tại khu mộ cụ Phan Đình Phùng. Con cháu họ Phan đã đề xuất là đưa nhà thờ về làng, nguyện vọng đó đã được chấp nhận.

Con cháu trong dòng họ tộc đã quyên góp được khoảng 120 triệu đồng, chị Phan Thị Hà cháu nội của ông Phan Đình Lượng - người chủ trương sơ tán nhà thờ lên núi để bảo tồn - chắt nội của cụ Phan Đình Phùng đã đóng góp 50 triệu đồng. Nhà thờ được đem về làng Đông Thái nhưng phải dựng ở một nơi khác chưa được đưa về nơi chốn cũ vì còn vướng nhà dân.

Nhân kỷ niệm 160 năm ngày sinh nhà đại ái quốc Phan Đình Phùng (1847-2007), UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ VHTT đã lập quy hoạch xây dựng Khu tưởng niệm Phan Đình Phùng ngay trên mảnh đất mà ngày xưa cụ được sinh ra với diện tích 4.926 m2.

Ngoài việc giải tỏa nhà chị Hương, anh Bình các gia đình bà Thất, ông Vinh, chị Sâm, anh Quý cũng được địa phương tạo mọi điều kiện di dời đến một vùng đất khác để sinh sống làm ăn. Công trình này được đầu tư 5 tỷ đồng.

Sau hơn nhiều năm lưu lạc, ngôi nhà thờ cụ Phan Đình Phùng đã được đưa về làng Đông Thái. Ngôi nhà thờ ấy lại được đặt vào đúng vị trí xưa kia nhân dân đã lập nên để thờ một người anh hùng có công với nước, nhằm giáo dục truyền thống cho các lớp trẻ ở quê hương.   

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.