Cuộc khám xét kỳ quái

Cuộc khám xét kỳ quái
TP - Vụ án xảy ra ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ngày 3/10/2006, Thẩm phán TAND huyện Hoàng Thị Huyền gửi đơn đến Cơ quan CSĐT Công an huyện này đề nghị làm rõ việc bà bị vu khống và các cán bộ Thanh tra huyện làm nhục bà.
Cuộc khám xét kỳ quái ảnh 1

Ngày 12/10/2006, Thanh tra huyện chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an huyện hồ sơ “Thẩm phán Hoàng Thị Huyền nhận hối lộ”. Ngày 1/6/2007, Cơ quan CSĐT Công an huyện có kết luận điều tra chuyển sang Viện KSND huyện đề nghị truy tố tội vu khống đối với 3 cán bộ Thanh tra huyện.

Lá đơn trời ơi của một bị cáo

Sáng ngày 25/9/2006, Chánh thanh tra huyện Võ Nhai là ông Đỗ Đức Đại ngồi ở phòng bảo vệ của UBND huyện, nghe bên Phòng tiếp dân có tiếng phụ nữ: “Phòng tiếp dân có ai trực không”. Ông Đại lên tiếng: “Tôi đây, cô có việc gì?”, ông thò cổ ra thấy một phụ nữ đứng trước cửa Phòng tiếp dân. “Tôi muốn gửi lá thư”, người phụ nữ nói. Ông Đại bảo: “Cô cứ để lên bàn”.

Lúc sau, ông Đại lên thấy bao thư trên bàn, bóc ra thì trong có lá đơn tố cáo. Nội dung: Bà Hoàng Thị Huyền là Thẩm phán TAND huyện Võ Nhai đã đòi và sẽ nhận tiền hối lộ vào sáng 27/9/2006.

Ký đơn Bế Thị Điệp. Bà Điệp gần 40 tuổi ở xóm Xuất Tác, xã Phương Giao (Võ Nhai) văn hóa lớp 4, nghề nghiệp làm ruộng, có chồng và 4 con. Bà Điệp đang bị truy tố tội “cố ý gây thương tích” và Thẩm phán Hoàng Thị Huyền đã được phân công làm Chủ tọa hội đồng xét xử.

“Bà Huyền đứng vào phía sau tủ đứng kéo áo lên đến ngực, tụt quần dài, quần lót xuống đến đầu gối cho Bế Thị Điệp kiểm tra, có mặt bà Bình ở đó, qua kiểm tra không thấy số tiền như Điệp tố cáo.

Sau đó Điệp lại quay ra tiếp tục kiểm tra các hồ sơ tài liệu cũng không thấy số tiền như Điệp tố cáo. Tiếp sau đó Điệp lại cùng bà Hoàng Thị Bình tiến hành kiểm tra người bà Huyền lần thứ hai, qua kiểm tra cũng không thấy số tiền như Điệp tố cáo”.

Theo quy định, đơn tố cáo hành vi đưa và nhận hối lộ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra, trừ khi được cấp có thẩm quyền giao.

Cho nên, chiều hôm đó, khi ông Đại giao lá đơn cho ông Ma Văn Năm, Thanh tra viên, người được giao nhiệm vụ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo thì ông Năm nói ngay: “Nếu giải quyết thì phải báo cáo với Chủ tịch UBND huyện và Chánh án TAND huyện”.

Không báo cáo gì cả, ngày hôm sau 26/9/2006, ông Đại cho soạn thảo và ký Quyết định số 31 giao việc xác minh đơn tố cáo của bà Bế Thị Điệp cho ông Năm và ông Phan Thanh Phương (cũng là Thanh tra viên). Ông Đại dặn 2 Thanh tra viên: “Ngày mai, bà Điệp sẽ đến phòng làm việc của bà Huyền đưa tiền hối lộ. Các cậu theo dõi và bắt tại chỗ”.

Cuộc khám xét kỳ quái

Sáng ngày 27/9/2006, ông Năm và Phương đi xe máy đến TAND huyện Võ Nhai gặp bà Chánh án Hoàng Thị Bình. Hai người báo cáo nội dung cần làm việc và đưa đơn của bà Điệp cùng Quyết định số 31 cho bà Bình xem. Bà Bình bảo, có quyết định thì các anh cứ làm.

Vừa lúc bà Điệp đi qua trước cửa phòng của bà Bình. Lát sau, bà Điệp trở lại đi thẳng vào phòng làm việc của bà Bình. Ông Năm hỏi: “Bà là bà Điệp?”. Bà Điệp trả lời: “Vâng. Em đã đưa tiền cho bà Huyền rồi, các anh lên giúp em với”.

Phòng làm việc của bà Bình ở tầng một. Phòng làm việc của bà Huyền ở tầng hai. Hai ông Năm, Phương và bà Điệp kéo nhau lên phòng làm việc của bà Huyền. Đến phòng làm việc của bà Huyền, bà Điệp nói: “Tôi vừa đưa cho bà Huyền một triệu rưỡi đồng, bà Huyền nhận và để trong tủ phía cánh có gương”.

Ông Năm hỏi bà Điệp: “Căn cứ nào để biết bà vừa đưa tiền cho bà Huyền?”. Bà Điệp đem ra một mảnh giấy có ghi số sê-ri của 3 tờ giấy bạc mệnh giá 500.000 đồng.

Ông Năm quay qua bà Huyền nói: “Nếu đúng vậy, đề nghị bà đưa tiền ra”. Bà Huyền khẳng định không có chuyện đưa nhận tiền. Rồi bà Huyền mở tủ, đặt túi xách lên bàn nói với bà Điệp: “Đấy, tiền của chị ở đâu, kiểm tra xem”.

Ông Phương đi xuống tầng một mời Chánh án Hoàng Thị Bình lên. Tất cả ngồi vào bàn. Bà Huyền nhìn bà Bình cầu khẩn: “Bà Điệp nói cháu vừa lấy của bà ta một phong bì có một triệu rưỡi đồng nhưng thực tế cháu không lấy, không hề có việc đó”.

Bà Điệp vẫn khăng khăng đã đưa tiền cho bà Huyền. Bà Bình liền bảo: “Đã thế thì cho kiểm tra nội bộ”. Ông Năm, Phương và bà Điệp lập tức lục soát đồ đạc, tài liệu trong phòng làm việc của bà Huyền nhưng không thấy tiền như bà Điệp khai. Nhóm khám xét nhìn nhau và nhìn bà Bình. Bà Bình liền bảo: “Bây giờ theo nguyên tắc, nữ thì do nữ khám”. Ông Năm và Phương đi ra ngoài.

Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện Võ Nhai số 16 ngày 1/6/2007 viết: “Bà Huyền đứng vào phía sau tủ đứng kéo áo lên đến ngực, tụt quần dài, quần lót xuống đến đầu gối cho Bế Thị Điệp kiểm tra, có mặt bà Bình ở đó, qua kiểm tra không thấy số tiền như bà Điệp tố cáo.

Sau đó bà Điệp lại quay ra tiếp tục kiểm tra các hồ sơ tài liệu cũng không thấy số tiền như bà Điệp tố cáo. Tiếp sau đó bà Điệp lại cùng bà Hoàng Thị Bình tiến hành kiểm tra người bà Huyền lần thứ hai, qua kiểm tra cũng không thấy số tiền như bà Điệp tố cáo”.

Cần nhắc lại, bà Bế Thị Điệp đang là bị cáo trong một vụ án hình sự “cố ý gây thương tích” và TAND huyện Võ Nhai đã phân công bà Hoàng Thị Huyền ngồi ghế Chủ tọa hội đồng xét xử. Lục đi soát lại không thấy tiền và phong bì như tố cáo của bà Điệp, ông Năm lập biên bản, kết thúc cuộc khám xét kỳ quái.

“Đoàn thanh tra” tự chui vào nhà đá

Sáng 28/9/2006, ông Năm và Phương báo cáo buổi khám xét với ông Đại. Ông Đại yêu cầu báo cáo bằng văn bản. Thế là ra đời một cái báo cáo của “Đoàn thanh tra” có đoạn như sau: “Qua kiểm tra kết quả không thấy phong bì và số tiền theo như bà Bế Thị Điệp trình bày là đã đưa cho Hoàng Thị Huyền tại phòng làm việc.

Đoàn chúng tôi lập biên bản để làm cơ sở báo cáo lãnh đạo chỉ đạo giải quyết tiếp theo… Qua quá trình xác minh và kết quả như trên, Đoàn thanh tra thấy vụ việc có hành vi đưa và nhận hối lộ giữa Bế Thị Điệp-trú quán xóm Xuất Tác, Phương Giao, Võ Nhai và bà Hoàng Thị Huyền-Thẩm phán Tòa án huyện Võ Nhai”. Ký tên: Trưởng đoàn Phan Thanh Phương.

Không dừng ở đó, ông Đại chỉ đạo soạn và ký “báo cáo kết quả xác minh nội dung đơn tố cáo của công dân và kiến nghị UBND huyện Võ Nhai ra quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ đến cơ quan điều tra xem xét giải quyết”. Cũng ông Đại chỉ đạo soạn luôn quyết định cho ông Bùi Công Thành-Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai ký.  Quyết định có số 2273/QĐ-UBND ngày 10/10/2006.

Ngày 12/10/2006, hồ sơ từ Thanh tra đã đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Võ Nhai. Với những gì có trong hồ sơ kết hợp điều tra thu thập tài liệu, ngày 25/1/2007, Cơ quan CSĐT Công an huyện Võ Nhai ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “vu khống”, khởi tố bị can các ông Đỗ Đức Đại, Phan Thanh Phương, Ma Văn Năm và bắt tạm giam ông Đỗ Đức Đại, Phan Thanh Phương.

Trước đó, sau khi nhận được đơn của bà Hoàng Thị Huyền đề nghị làm rõ cuộc khám xét kỳ quái, sau khi thu thập chứng cứ, ngày 10/10/2006 Cơ quan CSĐT Công an huyện Võ Nhai cũng đã khởi tố vụ án hình sự tội “vu khống” và khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Bế Thị Điệp.

Như thế, sau cuộc khám xét, có 2 vụ án hình sự về tội “vu khống” được khởi tố: Vụ thứ nhất với bà Điệp, vụ thứ hai với nhóm cán bộ Thanh tra huyện.

Ngày 2/4/2007, Cơ quan CSĐT Công an huyện Võ Nhai có quyết định nhập 2 vụ án vào một và ngày 1/6/2007 đã có kết luận điều tra chuyển sang Viện KSND huyện Võ Nhai đề nghị truy tố tội “vu khống” theo khoản 2 điều 122 Bộ Luật hình sự với các ông Đỗ Đức Đại, Phan Thanh Phương, Ma Văn Năm và bà Bế Thị Điệp. Hiện ông Đại còn bị tạm giam, 3 người kia được tại ngoại.

Với bà Chánh án Hoàng Thị Bình, có dấu hiệu của tội làm nhục người khác nhưng kết luận điều tra cho rằng: “Quá trình điều tra thu thập tài liệu chứng cứ chưa đủ căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Võ Nhai có công văn đề nghị Ban thường vụ Huyện ủy Võ Nhai, Chánh án TAND tỉnh Thái Nhuyên căn cứ vào vi phạm của bà Hoàng Thị Bình để có hình thức kỷ luật đảng và chính quyền”.

Cần nói thêm, bị cáo Bế Thị Điệp trong vụ án “cố ý gây thương tích” sau đó đã bị phạt 15 tháng tù treo, Hội đồng xét xử do bà Bình làm Chủ tọa thay bà Huyền. Bà Hoàng Thị Huyền sinh năm 1976, được bổ nhiệm Thẩm phán từ năm 2002 là một trong những thẩm phán trẻ có năng lực. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.