Khát vọng sống để yêu của cô gái mắc bệnh hiểm nghèo

Khát vọng sống để yêu của cô gái mắc bệnh hiểm nghèo
TP - Đang học lớp 9, Nguyễn Hồng Công phát hiện bị viêm cầu thận cấp. Cuối năm lớp 12, Công được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Tại đây, cô và gia đình đón một tin bàng hoàng: Công đã suy thận giai đoạn cuối và phải lọc máu.
Khát vọng sống để yêu của cô gái mắc bệnh hiểm nghèo ảnh 1

Một ngày cuối tuần, cô bạn thân đưa cho tôi cuốn sách, kèm lời động viên: “Đọc đi để yêu đời hơn, yêu mình hơn”. Cuốn sách như có ma lực cuốn tôi đến dòng chữ cuối cùng.

Đêm ấy,  tôi phóng xe đến xóm của những người chạy thận nhân tạo nằm trong ngõ nhỏ phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội) gần Bệnh viện Bạch Mai, quyết gặp bằng được tác giả cuốn tự truyện.

“Xóm thận” đây rồi. Những nếp nhà túng bấn nằm kề nhau như những kiếp đời âu lo, tựa vào nhau mà sống. “Xóm thận” tả tơi nhưng ấm nồng.

Mới đến đầu xóm lũ trẻ đã ùa ra đón tôi, chúng nhảy lên xe tôi ngồi như thân quen từ lâu, trước cửa vài phòng trọ có mấy người lớn tuổi ngồi phe phẩy quạt.

Họ chỉ cho tôi phòng của Nguyễn Hồng Công, tác giả cuốn tự truyện “Khát vọng sống để yêu” (NXB Công an) mà tôi cần tìm. Cô gái trẻ đang mải miết bên máy vi tính, cô bảo, đang viết bài cho chương trình “Người đương thời” của VTV.

Dạo này cô bận bịu với việc nghe điện thoại, trả lời tin nhắn, tiếp phóng viên... “Tin nhắn nhiều vô biên nhưng Công vẫn cố gắng trả lời hết, lịch sinh hoạt đảo lộn, 10h mới ăn sáng, 2h chiều mới ăn trưa. Tuy mệt song vui lắm, vì mình đã nhận được tình cảm của biết bao nhiêu người”, Công vừa nói vừa cười thật tươi.

Cô gái bé nhỏ, cao khoảng 1m50 có khuôn mặt rạng rỡ, miệng cười, mắt cười, giọng nói nhẹ và trong. Tiếp xúc với Công, ngắm nhìn Công, ai có thể ngờ Công đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo: Suy thận.

Cuộc đời Nguyễn Hồng Công chắp lại là một chuỗi buồn đau, bất hạnh. Cô cất tiếng khóc chào đời ngày 23 tháng 10 năm 1978. Tròn 3 tháng tuổi Công  mồ côi cha - một người lính đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Đến năm Công 14 tuổi, mẹ cô tái giá với người đàn ông tên Đinh Văn Kỳ, cũng là một người lính, một thương binh. Cuộc sống lam lũ, côi cút của 2 mẹ con vừa được sưởi ấm thì giông bão lại tiếp tục nổi lên.

Đang học lớp 9 cô phát hiện bị viêm cầu thận cấp. Cuối năm lớp 12, sức khoẻ ngày càng sa sút, Công được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội. Tại đây, cô và gia đình đón một tin bàng hoàng: Công đã suy thận giai đoạn cuối và phải lọc máu.

Chạy thận được 4 năm cô lại phát hiện ra mình bị lupul. Theo như cô nói thì đó là “bệnh kháng thuốc, hệ miễn dịch kém nên không thể ghép thận được (những đoạn in nghiêng là trích trong cuốn sách Khát vọng sống để yêu). Cuộc đời tươi đẹp đã khép lại với cô gái trẻ ở tuổi 18.

Cô không thể tiếp tục đi học như bao bạn bè, không thể trở thành một nhà báo như cô hằng mong muốn, không thể mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”... Trên 300 trang tự truyện thấm đẫm nỗi đau, nước mắt nhưng vẫn trào dâng khát vọng sống, khát vọng yêu mãnh liệt của Nguyễn Hồng Công.

Nâng niu từng ngày sống

Nỗi buồn ơi, nếu mi là của cải, thì ta là người giàu nhất thế gian”. Đã có lúc trong cơn tuyệt vọng Công nghĩ tới cái chết. Song ý nghĩ vừa kịp loé lên đã tắt ngấm, bởi “cuộc sống rất tươi đẹp, không tội gì mà phải hủy hoại nó”. 

Cô khoe với tôi chiếc mũ độc đáo có một không hai mà cô kiếm được ở Bắc Giang: “Mình mua để đội đi biển đấy. Nhưng mũ sắp sờn rồi mà vẫn chưa có cơ hội nhìn thấy biển”.

29 năm sống trên đời, hơn 10 năm “gắn bó” với bệnh viện nhưng Công chưa bao giờ bỏ qua bất kể cơ hội sinh tồn nào. Cô gái đã mất 87% sức khoẻ này đặt ra mục tiêu cho mình là tồn tại, với chỉ tiêu là 1 năm.

“Mỗi sáng tỉnh giấc trước khi rời khỏi giường, đầu tiên là khua khoắng tay sang 2 bên, để thấy mình không nằm trong sáu mảnh ghép của quan tài và biết mình còn sống, là tôi mỉm cười thầm nghĩ “vậy là mình lại tồn tại trên đời này 1 ngày nữa rồi”".

Đến nay cô đã vượt chỉ tiêu 10 lần rồi. Đó là sự thành công ngoài sức tưởng tượng đối với chính cô, với bác sỹ và những người thân trong gia đình.

Người ta hỏi bí quyết nào để cô gái chạy thận nhân tạo có thể kéo dài cuộc sống đến 10 năm, cô cho hay, bí quyết nằm trong tâm hồn lạc quan, yêu đời.

Hồng Công tự nhận mình là người giàu tiếng cười, là người đáng yêu, vui tính. Cô biết xoa dịu sự đau đớn bằng cái nhìn hài hước: “Đối với tôi, 1 lần vào chạy thận là một lần được đi dự 1 bữa yến tiệc, một “bữa tiệc” thịnh soạn toàn những món đặc sản và rất ngon: Nào khay, nào kim, nào bông... toàn những “đặc sản quý hiếm”.

Luôn thường trực nụ cười trên khuôn miệng xinh, cô sẵn sàng bỏ dở công việc để tiếp chuyện một người mới quen, sẵn sàng “ok” nếu người ấy thật tâm muốn mời cô đi chơi hay quán xá. Khi buồn cô thích đi xe ôm hoặc xích lô dạo quanh phố phường, hoà vào dòng người tấp nập.

Những người thân lo lắng sợ Công bị kẻ xấu lợi dụng nhưng Công tin “cuộc sống còn có quá nhiều người tốt”. 10 năm sống xa gia đình cô từng bị chèo kéo làm “ca ve”, bán lẻ ma tuý... nhưng cám dỗ của đồng tiền không khuất phục được cô gái trẻ.

Công vui vẻ chấp nhận những công việc chân tay để lương tâm thanh thản. Hồi còn sức khoẻ cô từng đi bán nước, bán hàng giúp mẹ, chăm sóc bệnh nhân để kiếm chút tiền giảm gánh nặng cho gia đình.

Bây giờ, không còn sức như trước, cô lại làm quen với việc viết văn, viết báo. Được sự động viên của nhà thơ Đặng Vương Hưng cô đã viết cuốn tự truyện “Khát vọng sống để yêu” trong thời gian 1 năm.

Gom toàn bộ nhuận bút từ báo chí suốt thời gian qua Hồng Công đã “tậu” được 1 bộ máy vi tính. Đó là tài sản quý giá nhất trong phòng trọ chưa đầy 10m2 của cô. “Thế còn nhuận bút của cuốn sách Công dùng vào việc gì?”.

Cô lại cười tươi rói: “Mình lĩnh nhuận bút bằng sách  để tặng mọi người. Ai cũng vui, từ bố mẹ, những người thân ở quê cho tới những người đồng cảnh trong “Xóm thận”. Mình chỉ giữ lại 1 cuốn cho riêng mình”.

Khát vọng sống để yêu của cô gái mắc bệnh hiểm nghèo ảnh 2

Mở trái tim đón yêu thương

Quỹ thời gian dành cho Hồng Công đang cạn dần, cho nên cô phải hối hả sống, mở lòng đón nhận yêu thương... Trong cuốn sách cô dành nhiều trang viết về những người thân yêu.

Những trang viết về mẹ là những trang hay nhất, xúc động nhất trong cuốn sách: “Một năm có 360 ngày thì 359 ngày con nghĩ đến mẹ, chỉ một ngày cho riêng mình mà thôi. Mẹ ơi! Con không biết sống được bao lâu nữa, nhưng con mong mẹ đừng buồn mẹ nhé.

Mẹ hãy cố gắng lên và sống luôn cho cả phần của con nữa. Những lúc nằm viện như thế này con càng nhớ mẹ nhiều hơn nhưng không thể làm được gì để giúp bố mẹ cả. Từ trong trái tim mình con cầu mong cho bố mẹ mạnh khoẻ, vui vẻ. Đừng khóc nhiều mẹ nhé”.

Còn một hình bóng nữa luôn đau đáu trong trái tim người con gái trẻ, chính là một nửa thương yêu của cô. Như tất cả những người phụ nữ bình thường khác, Công mơ đến ngày được khoác lên mình bộ váy cưới:

Nếu tôi là cô dâu trong đám cưới đó, tôi sẽ mặc áo cưới màu trắng trinh bạch không cần diêm dúa nhưng sẽ rất điệu. Tôi sẽ khoác hờ trên vai chiếc  áo ren voan trắng, sẽ cài lên tóc những bông hoa trắng nhỏ xíu. Tôi sẽ trang điểm thật kỹ lưỡng. Trông sẽ cực kỳ kiều diễm”.

Nếu bạn có dịp ghé thăm phòng trọ của Hồng Công, bạn sẽ thấy trang trọng trên tường tấm hình Công trong bộ váy cô dâu xinh đẹp. Cô cho biết đã chụp tấm hình đó từ lâu rồi nhưng ước mơ lên xe hoa mãi mãi chỉ là mơ ước.

Những trang viết khó khăn nhất của Công chính là khi viết về “người ấy”, anh chàng công an ở quê nhà, tỉnh Bắc Giang, kém cô 2 tuổi.

Cách đây 4 năm, chàng trai ấy đã lập biên bản cô phóng xe máy quá tốc độ và không đội mũ bảo hiểm.

Câu chuyện tình ấy được Công so sánh “chẳng khác gì phim Hàn Quốc”, cũng ngọt ngào, đầy kỷ niệm nhưng điểm khác duy nhất chính là phần kết thúc: Người con gái không mắc bệnh ung thư mà là suy thận.

Cho đến giờ phút này chàng vẫn thương yêu Hồng Công. Sống trong hạnh phúc cô càng sợ giây phút biệt ly. Trong lá thư viết cho anh, cô cầu mong anh được hạnh phúc bên một người con gái “yêu anh như em”:

Số phận thật nghiệt ngã và em biết rất rõ rằng em sẽ không bao giờ trở thành người bạn đời của anh mặc dù em rất muốn.

Nhưng anh hãy tin rằng dù bất cứ nơi đâu, dù khi em không còn tồn tại trên cõi đời này nữa, thì trong tim em vẫn luôn hướng về anh và luôn cầu mong cho anh gặp được người con gái yêu anh như em. Anh phải sống thật vui vẻ hạnh phúc nhé, nếu không là em sẽ buồn đấy”.

Trong 300 trang sách tôi không đếm được bao nhiêu lần Nguyễn Hồng Công thốt lên hai tiếng “Cảm ơn” với cuộc đời:

Tôi cảm ơn rừng bạch đàn đó, nó đã gắn bó với tuổi thơ tôi”; “Tôi phải cảm ơn đất trời đã để cho tôi và anh chạm vào nhau”; “Nhờ có họ mà tôi được sống đến ngày hôm nay, tôi vô cùng cảm ơn họ, những vị cứu tinh của đời tôi”...

Có lẽ tôi cũng phải học Hồng Công cách cảm ơn cuộc đời, cách nhìn cuộc đời một cách tươi vui, tha thiết. Tôi cố gắng từ ngày mai sẽ giã từ điệp khúc buồn chán đã bị nhiễm từ bạn trẻ nào đó: “Buồn như con chuồn chuồn”, “Chán như con gián”...

MỚI - NÓNG