'Vừa bán vừa la vẫn đắt hàng'

'Vừa bán vừa la vẫn đắt hàng'
TP - Trái với không khí ảm đạm thời điểm cuối năm ngoái, thị trường ô tô từ đầu năm 2007 đột ngột “nóng” lên. Tất cả các loại xe từ sản xuất, lắp ráp trong nước, xe mới hay xe cũ nhập khẩu nguyên chiếc đều “cháy” hàng.
'Vừa bán vừa la vẫn đắt hàng' ảnh 1

Khách hàng đi lùng mua xe ở Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Mới hết 6 tháng đầu năm, VAMA đã tiêu thụ được khoảng 28.524 xe các loại. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu cứ tiếp tục đà này chắc chắn năm nay VAMA sẽ vượt qua con số 42.000 xe là lượng xe bán ra kỷ lục năm 2003.

Tất cả các loại xe đều “cháy”

Vào thời điểm này, nếu không có quan hệ hoặc không chịu mất thêm 2.000-3.000 USD tiền hoa hồng thì việc ai đó muốn có ngay một chiếc Captiva của GM Daewoo hay Toyota Camry để lướt trên phố quả là chuyện không tưởng.

Đây là những chiếc xe “hot” nhất trên thị trường hiện nay và thậm chí hai hãng này đã ký hợp đồng bán xe của đầu năm 2008.

Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm số xe ô tô đăng ký mới đã lên tới gần 10.000 chiếc.

Các đại gia lắm tiền sẵn sàng bỏ ra từ vài chục đến cả trăm ngàn USD để “săn” những loại xe “độc” của các thương hiệu lớn như BMW, Mercedes, Lexus, Nissan…

Trên đường phố Hà Nội và TP HCM, giờ đây không thiếu những chiếc xe hạng sang dạng này.

Loại xe như Kia Morning của Hàn Quốc được rất nhiều khách hàng bình dân, nhất là phụ nữ ưa chuộng vì nhỏ gọn, số tự động hẳn hoi, hình thức khá bắt mắt lại vừa tiền (từ trên 16.000-20.000 USD tùy theo chất lượng cũ mới).

Theo một ông chủ kinh doanh xe secondhand, giá xe cũ nhập khẩu các loại đã tăng trung bình khoảng 10% so với trước.

“Hiện tượng” Captiva đã lý giải cho kết quả bán hàng ngoạn mục của Vidamco với tỷ lệ tăng trưởng tới 433% trong tháng 6/2007 so với tháng 6/2006 và tăng 252% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hãng Honda cũng thắng lớn bằng việc tung ra thị trường chiếc Civic với 1.676 xe được tiêu thụ. Doanh số của thương hiệu xe sang trọng Mercedes-Benz cũng tăng tới 134% so với cùng kỳ. 

Không ồn ào với tỷ lệ tăng trưởng 42%, nhưng chỉ một “cú nhích” đại gia Toyota đã làm nên sự khác biệt. Nếu như cả năm 2005 Toyota chỉ tiêu thụ được chừng 11.000 xe các loại thì chỉ riêng 6 tháng đầu 2007, họ đã bán được  8.162 xe.

Theo ông Quản Thắng, Phó TGĐ Cty Toyota Việt Nam (TMV) hiện nay hãng đã sản xuất liên tục 2 ca (doanh số khoảng 3 triệu USD/ngày) nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Trước đây, dây chuyền chỉ lắp ráp 60 xe/ngày, nay đã tăng lên 80 xe/ngày.

Chiếc Inova vẫn là mặt hàng chủ lực của TMV với sản lượng khoảng 800 xe/tháng nhưng thường cầu lớn hơn nên khách hàng muốn lấy xe phải đợt ít nhất 1 tháng. Không riêng gì Inova mà các loại xe như Vios, Altis, Hiace khách muốn mua cũng đều phải… chờ.

“Căng” nhất là xe Camry. TMV cho biết hãng đã tăng công suất lắp ráp lên gấp đôi là 250 xe/tháng nhưng con số này vẫn còn cách xa nhu cầu thực.

Nhiều khách hàng đành chấp nhận chờ đến tháng 1/2008 để có thể sở hữu một chiếc Camry mà vẫn chưa chắc có hàng vì đại lý sợ hãng không sản xuất kịp, phải đền nếu không giao xe đúng thời hạn hợp đồng.

'Vừa bán vừa la vẫn đắt hàng' ảnh 2

Khách hàng đi lùng mua xe ở một salon ôtô trên đường Lê Duẩn - Hà Nội.  Ảnh: Hồng Vĩnh

Nhiều khách hàng chịu chơi đã phải chi thêm từ 2.000-3.000 USD để được sở hữu ngay một “con” Camry.

Để tránh việc đăng ký rồi “bán suất” kiếm lời, TMV không chấp nhận thay đổi họ tên khách hàng so với hợp đồng và tiền đặt cọc loại xe này cũng lên tới 3.000 USD thay vì 10 triệu đồng như trước.

Theo bà Trần Thu Mai, Trưởng phòng thông tin của Ford Việt Nam thì tình hình tiêu thụ của Ford năm nay cũng rất khả quan.

Xe Everest mới vừa tung ra thị trường từ tháng 5/2007 đến nay mới tròm trèm 2 tháng rưỡi đã có hơn 1.600 đơn đặt hàng và nhiều khách buộc phải chờ đến tháng 11 mới có thể nhận xe. Các loại xe đa dụng và thương mại của Ford như Escape, Ranger, Transit 9 chỗ cũng tiêu thụ rất tốt.

Đắt nhưng vẫn “sốt”

Không chỉ VAMA “được mùa”, các nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dù là xe cũ hay xe mới cũng làm ăn rất tốt khi dân tình đổ xô đi mua xe.

Tại sao trong khi khan hàng như vậy mà các hãng sản xuất không nâng công suất lắp ráp lên nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường mà cứ bắt khách hàng phải đợi?

PV Tiền phong đã đem vấn đề này hỏi mấy hãng như Toyota hay Ford thì đều được trả lời rằng hiện nay họ đã chạy hết công suất. Muốn tăng sản lượng bây giờ thì chịu vì kế hoạch được lập cho cả năm, không thể thay đổi kịp.

Vậy có thể căn cứ vào sức mua hiện nay để tăng sản lượng cho năm tới? Câu trả lời tương đối dè dặt vì cho rằng không biết thị trường sắp tới sẽ diễn biến theo chiều hướng nào.

Sự thận trọng trên là dễ hiểu vì mới năm ngoái và ngay đầu năm 2007 đây thôi, nhiều hãng xe đã phải vắt óc tung ra vô số các chiêu khuyến mãi mà khách hàng vẫn tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt. Nhưng mấy tháng gần đây thì lại ào ạt tậu xe, đặt các hãng vào tình cảnh “vừa bán vừa la vẫn đắt hàng”.

Theo một số chuyên gia lý giải, sự bùng nổ trên là do sau hai năm thị trường gần như “đóng băng” do người tiêu dùng chờ đợi giá xe sẽ giảm xuống vì chủ trương cho nhập khẩu xe cũ và sức ép hội nhập, nhưng thực tế đã không diễn ra như mong muốn.

Khách hàng đã mất kiên nhẫn vì phải chờ đợi quá lâu cộng với nền kinh tế tăng trưởng tốt, người dân nhiều tiền hơn trong khi nhu cầu mua xe là rất lớn và có thật.

Đây chính là nguyên nhân chủ yếu lý giải vì sao giá ô tô ở Việt Nam cao chót vót mà các “thượng đế” vẫn phải cắn răng mở hầu bao để thỏa mãn ước nguyện đi “xế hộp”.

Nhiều dân Việt thích chơi xe chỉ còn biết thỉnh thoảng lên mạng, ngắm nghía những chiếc xe “long lanh, cáu cạnh” ở nước ngoài được bán với giá chỉ bằng một phần ba hoặc phân nửa so với xe mua ở trong nước mà xuýt xoa, cám cảnh phận mình.             

MỚI - NÓNG