Bi kịch của những cô gái lấy chồng ngoại quốc

Bi kịch của những cô gái lấy chồng ngoại quốc
TP - Lâu nay, các cô gái ở vùng quê sông nước đồng bằng sông Cửu Long chọn giải pháp lấy chồng ngoại làm cơ hội đổi đời. Nhưng trên thực tế, ở Cần Thơ có nhiều cô dâu Việt bất đắc dĩ phải ly hôn trở về, có những người trở về sống trong cảnh điên loạn...

Ấp Phúc Lộc 1, xã Trung Nhứt (Thốt Nốt, Cần Thơ) có gần 6.000 dân thì có 56 cô gái lấy chồng ngoại, chủ yếu là người Đài Loan, Hàn Quốc.

Một gia đình khá điển hình ở đây có 8 người con. Gặp chúng tôi, người con thứ năm kể, nhà chỉ có 3,5 công ruộng (3.500 m2) nhưng mới đây xáng múc ngang làm kinh thủy lợi mất kha khá diện tích rồi, nên phải làm thuê mướn và buôn bán lặt vặt xôi, bánh trái để sống qua ngày.

Cô con gái thứ tám Phạm Mỹ Phượng đi giúp việc cho bà dì ở TP HCM. Kế nhà bà dì có nhà của một thân nhân Đài Loan, thế rồi một chàng trai người Đài Loan đến TP HCM, nhìn thấy cô Phượng và phải lòng. Anh này làm nghề thợ máy, bàn tay dính vết dầu mỡ. Anh hiền lành, khi phải lòng cô Phượng đã nhờ người mai mối, dạm hỏi đường hoàng. Lễ cưới tổ chức vui vẻ.

Khổ sở vì không biết tiếng

Cưới xong, cô Phượng bắt đầu học tiếng của quê chồng. Cô học ba tháng, nói được một số câu đàm thoại thông thường thì lên máy bay sang Đài Loan.

Cô cho biết: Nhà chồng khá giàu có, một ngôi nhà tầng to và chỉ có vợ chồng cô sống với bà mẹ chồng. Anh chồng đi làm từ sáng sớm đến chiều tối, ở nhà quanh quẩn suốt ngày chỉ có cô với mẹ chồng. Cô chỉ phải lo cơm nước.

Hàng chục cô gái bỏ chồng về quê mỗi năm

Mỗi năm ở huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ có hàng chục cô dâu Việt bỏ chồng trở về quê sinh sống. Chị Vũ Thị Nương, cán bộ tư pháp xã Trung Nhứt cho biết:

“Trung Nhứt đã có 5 cô ly hôn với chồng trở về có trình báo, thực tế số cô gái ly hôn chồng nước ngoài trở về phải vài chục nhưng họ không trình báo gì cả”.

Chị Nguyễn Thị  Mai, cán bộ tư pháp xã Trung Kiên thừa nhận: “Mỗi năm có gần 10 cô dâu từ nước ngoài bỏ về. Các cô khi trở về thường đi địa phương khác làm ăn do mặc cảm, nên khó thống kê”.

Tại xã Thuận Hưng, anh cán bộ tư pháp Nguyễn Văn Trường xác nhận: “Năm nào cũng có người bỏ chồng ở nước ngoài để về nhà, đa số không ly hôn. Mới đây có 3 cô từ Đài Loan bỏ về cùng lúc”.

Cuộc sống của cô Phượng khá nhàn hạ, nói chung không có điều gì phải lo âu, trừ một điều: Cô không nói chuyện được với ai. Cô đã học một ít tiếng Trung Quốc nhưng là tiếng phổ thông, còn mẹ chồng của cô già cả chỉ nói tiếng Phúc Kiến.

Thành ra hai người nói mà không ai hiểu ai. Dần dần sinh ra lạnh nhạt, chán nhau. Người già vốn khó tính, gặp cô con dâu “như câm như điếc” càng khó tính thêm, đâm ra cáu bẳn.

Biết bao nhiêu điều xa lạ trong sinh hoạt, lối sống, tập tục ở quê chồng, từ việc ăn ở đến đi đứng, nói năng, chào hỏi, cô Phượng muốn học mà không thể học được.

Vì không biết học với ai, không biết học như thế nào? Đôi lúc cô cố gắng học lại làm cho mẹ chồng ngỡ như cô cố tình giễu cợt hay chọc tức bà.

Buổi tối, chồng đi làm về cũng có dạy cô đôi chút song cũng chẳng tiến bộ được là bao. Hơn nữa, chồng Phượng không biết tiếng Việt còn cô hiển nhiên tiếng Trung Quốc chưa rành, nên chỉ khiến chồng thêm mệt mỏi trong lúc anh về nhà sau một ngày làm việc dài chỉ muốn được nghỉ ngơi, muốn được vợ chăm sóc chứ không phải ngược lại.

Phượng lấy chồng Đài Loan năm 2003. Thời gian đầu, cô gọi điện về nhà hàng tuần, tiền cũng gửi hàng tháng. Sau đó, cô gọi điện về nhà nhiều hơn, cô khóc lóc, than thở. Anh Hải, anh trai thứ năm của Phượng cho biết:

“Nó điện về nói đến ly hôn. Nghe thế, cha mẹ anh em ở nhà ai cũng lo. Tôi mới bảo, em hãy suy nghĩ cho kỹ và tự quyết định chứ ở nhà không quyết định được. Khi lấy nhau có hôn thú thì ly hôn cũng nhớ lo thủ tục đầy đủ hãy về. Năm 2005, nó về có mang theo tấm giấy ly hôn, nó đưa ra và bảo như thế chứ chữ Trung Quốc chúng tôi không đọc được”.

Mệt mỏi

Cuộc hôn nhân của cô Phượng kéo dài được 2 năm. Phượng kể lại:

“Ban đầu vợ chồng thương nhau, tìm mọi cách vượt qua những trở ngại về sự không hòa đồng văn hóa, nhưng càng ngày càng thấy không khắc phục được.

Càng ngày, mọi người trong nhà càng mệt mỏi. Chồng em về sau lại hay nghe theo mẹ, luôn trách móc, chửi mắng em. Lúc ra đi háo hức bao nhiêu, khi trở về em buồn tủi bấy nhiêu”.

Về nước phải hơn một năm, Phượng mới nguôi ngoai buồn tủi. Cũng nhờ cha mẹ, anh em ở nhà rộng vòng tay đùm bọc. Thế rồi Phượng gặp một người bạn của anh trai thứ năm của cô. Anh này ở thị trấn Thốt Nốt, có vợ 2 con nhưng đã ly dị vợ, con sống theo vợ.

Hai bên qua lại tìm hiểu và đã tổ chức đám cưới vào tháng 4/2007. Nay, hai vợ chồng Phượng sống độc lập trong căn nhà ở thị trấn Thốt Nốt, chồng làm nghề sửa đồng hồ kiêm cầm đồ, Phượng phụ giúp công việc cho chồng nên việc làm ăn khá lên thấy rõ.

Trưởng công an ấp Phúc Lộc 1 cho biết: “Cả ấp đã có 3 cô gái ly hôn chồng nước ngoài trở về. Việc ly hôn của các cô và nhất là cô Phượng trở về tìm được hạnh phúc ở quê đã khiến một số cô gái trong ấp đang có ý định lấy chồng nước ngoài suy nghĩ”.

*Tên của những nhân vật trong bài đã được thay đổi

------------------

Kỳ sau: Bỏ chồng về chữa bệnh thần kinh

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.