Vụ tuyển “lậu” giáo viên, nhân viên ở Quảng Bình:

Việc giải quyết vẫn chờ Thường vụ Tỉnh ủy

Việc giải quyết vẫn chờ Thường vụ Tỉnh ủy
TP - ông Lê Quang Đều, Giám đốc Sở Nội có cuộc trao đổi với Tiền phong về kết quả thanh tra (lần 2) việc ngành giáo dục Quảng Bình trong thời gian dài tự tuyển hơn 800 cán bộ, giáo viên, vụ.

>> Việc tuyển 'lậu' giáo viên, nhân viên : Bao giờ xử lý?

“Từ ngày 6/7, thanh tra Sở Nội vụ đã hoàn tất công việc thanh tra. Bản chất của vụ việc vẫn không hề thay đổi so với kết luận lần 1 (dù kết luận lần 1 đã bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy (TVTU) Quảng Bình chỉ đạo thu hồi ngay-PV).

Hiện tại, chúng tôi đang chờ xin ý kiến của Ban TVTU trước khi ký ban hành. Việc chờ xin ý kiến chỉ đạo này là tuân theo Thông báo số 363 (ngày 5/5/2007) của Ban TVTU. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chưa biết khi nào thì TVTU sắp xếp được lịch”.

Điều đáng lưu ý là theo luật thì chậm nhất là 15 ngày kể từ khi nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ra kết luận thanh tra.

“Chúng tôi đã có báo cáo gửi Bộ Nội vụ xin cơ chế giải quyết hậu quả. Qua điện thoại trao đổi về các phương án xử lý, theo như những gì tôi biết thì để giữ nghiêm kỷ cương phép nước và làm trong sạch môi trường giáo dục.

Không tạo ra tiền lệ xấu cho các vi phạm sau này, khả năng hủy bỏ các quyết định tuyển dụng sai và đưa ra khỏi ngành những người chưa phải là công chức là rất lớn.

Rất có thể hơn 800 cán bộ, giáo viên này phải bắt đầu lại từ đầu: xét tuyển và thi tuyển công chức” - Ông Đều nói.

Theo dự đoán của ông Đều, nếu phải trải qua thủ tục này thì chỉ có khoảng 20-25% trong số 800 giáo viên đã tuyển lậu có thể đỗ.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền phong, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình cho rằng, để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, phải xử lý thật nghiêm những người gây nên hậu quả nghiêm trọng đó.

Còn với hơn 800 cán bộ, giáo viên, họ chỉ là nạn nhân, họ cần được bảo vệ. Bởi trong một chừng mực nào đó họ đều có những đóng góp cho ngành giáo dục.

Nếu họ bị sa thải thì trước mắt ngành sẽ thiếu giáo viên. Bà Nghĩa cũng cho rằng nếu thi tuyển lại, số trúng tuyển công chức có thể sẽ rất thấp.

Theo thông tin của chúng tôi, sở dĩ TVTU Quảng Bình chưa thể có cuộc họp để thông qua báo cáo kết quả thanh tra của Sở Nội vụ là vì Bí thư và phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy đang bận họp Quốc hội.

Nhiều ý kiến cho rằng thanh tra Sở Nội vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật với những kết luận của mình. Họ chỉ cần thông qua Ban cán sự Đảng UBND tỉnh là đủ.

Hơn nữa, Luật Thanh tra không có bất cứ điều khoản nào quy định Kết luận thanh tra phải thông qua TVTU mới được ban hành.

Nếu cứ tiếp tục chờ Bí thư và phó Bí thư từ Quốc hội trở về thì Sở Nội vụ đã phạm Luật Thanh tra về thời gian ký ban hành kết luận thanh tra.

MỚI - NÓNG