'Thảm họa' điểm thi môn Lịch sử

'Thảm họa' điểm thi môn Lịch sử
TP - Đây là từ mà GS-TSKH Bùi Văn Ga - Giám đốc Đại học Đà Nẵng - Trưởng ban chấm thi ĐH, thốt lên với Tiền phong. Khó có từ nào khác, khi kết quả chỉ có 1,3% thí sinh (TS) đạt điểm trên trung bình môn Sử (50 TS), và tới 21% điểm 0!
'Thảm họa' điểm thi môn Lịch sử ảnh 1

Thí sinh thi môn khối C tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Ảnh: Phạm Yên

Rất nhiều trường, ngành có thi khối C khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Nhìn tổng thể, 2 thủ khoa của khối C của ĐH Đà Nẵng năm nay cũng chỉ đạt 20 điểm, trong khi có tới 1.200 TS  đủ tiêu chuẩn xét tuyển vào khối C có điểm tổng cộng 3 môn dưới 10. 

Tiến sĩ Lưu Trang - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, cho biết: “Chưa bao giờ điểm thi môn Sử vào trường lại thấp như vậy, như năm ngoái còn được khoảng 7-10% (400 TS) trên điểm trung bình”.

Trong các bài thi khối C của trường ĐHDL Kỹ thuật Công nghệ TPHCM chỉ có 35 thí sinh đạt điểm trên 5 môn Lịch sử, 48 TS bị điểm 0. Có 235 TS đạt điểm từ 0-0,75.

Theo kết quả chấm thi môn này ở ĐH Luật TPHCM, 1.439  thí sinh đạt điểm dưới 1,0; 146 thí sinh đạt điểm 0 và 5.330 thí sinh có điểm dưới trung bình (chiếm 94,36%). Trong 2 ngành tuyển khối C của ĐH Tiền Giang chỉ có 2 thí sinh đạt điểm trên 5,0 môn này.

Vì đâu nên nỗi?

Lý giải chất lượng yếu kém của các  bài thi môn Lịch sử, các giám khảo đặt vấn đề rất khác nhau: Người thì cho rằng là do đa phần thí sinh thi khối C là thí sinh kém không thể thi được các khối khác.

Người thì cho rằng thực trạng đáng báo động là Lịch sử hiện nay không phải là mối quan tâm chính của xã hội, của học sinh. Hoặc như đó là những đối tượng đi thi chỉ do sức ép từ phía gia đình, phụ huynh, xã hội...

Tuy nhiên, một chuyên gia Lịch sử của ĐHKHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) lại khẳng định rằng chương trình, SGK môn Lịch sử phổ thông của ta quá nặng nề, khô khan và không hấp dẫn khiến đến các thầy còn không nhớ nổi. Thêm vào đó là các thầy giáo ở phổ thông chưa tìm ra được cách tiếp cận môn học này cho học sinh.

Theo ông Hoàng Hồng, khoa Lịch sử, ĐHKHXH& NV (ĐHQG Hà Nội) chương trình Lịch sử cần được làm nhẹ hơn nhưng vẫn phải đảm bảo đủ cốt yếu và giáo viên giảng dạy bộ môn này phải tìm ra một cách tiếp cận hấp dẫn hơn (đây là một thách thức).

Và quan trọng hơn, theo ông Hoàng Hồng, cần phải nghiêm khắc hơn nữa đối với việc học tập môn học này để kết quả đánh giá phải là thực chất từ THPT.

MỚI - NÓNG