Chuyện ghi ngày nhập bộ

Chuyện ghi ngày nhập bộ
TP - Rời trụ sở của Bộ Thủy sản (mai kia có thể là Tổng cục, tôi cũng chả biết nữa?) nhớ đến sự kiện sáng 31/8, 466/476 (chiếm 94,52%) đại biểu QH đã biểu quyết nhất trí giải thể UB Dân số-Gia đình và trẻ em để nhập vào những bộ có chức năng, tôi tìm đến 35 Trần Phú, Hà Nội...

>> Phần 1

Chuyện ghi ngày nhập bộ ảnh 1
Trụ sở Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em

Chưa rõ thời điểm căn biệt thự  35 Trần Phú thành đại bản doanh của Ủy ban Dân số - Gia đình và trẻ em là khi nào nhưng có lẽ nguyên thủy căn biệt thự sang trọng này.

Khuất nẻo phía sau chắc không có bốn tầng lầu sáng lóa nhôm kính như bây giờ, sản phẩm tất yếu của phong trào kiến trúc cuối thế kỷ XX đầu XXI! Nhưng nào có hề chi. Thêm chỗ ngồi mà làm việc là quý!

Ngó kỹ sơ đồ bốn tầng lầu, những là nơi làm việc của Chủ nhiệm Ủy ban (hàm Bộ trưởng) và các Phó CN (hàm thứ trưởng), những là Vụ Kế hoạch, Tổ chức cán bộ... nhưng xui cho tôi không gặp được ai!

Một cô ở văn phòng cho hay người thì đi họp người đi công tác. Đã lâu rồi, tôi không có dịp gặp lại bà Chủ nhiệm Lê Thị Thu. Lần công tác sang Chile, tôi có dịp chứng kiến cuộc gặp cảm động giữa người phụ trách UBDSGĐ & TE Việt Nam với bà Isabel Allender - Chủ tịch Hạ viện Chile.

Ái nữ của ngài Tổng thống Salvador Allender đã quá cố cứ khen mãi thành tích bình đẳng giới của Việt Nam nên mới có một quan chức trong chính phủ như bà Thu đây.

Tôi tha thẩn ra chỗ gốc đa không biết trồng tự bao giờ nhưng đã buông những chùm rễ lòa xòa rợp cả một khoảng sân. Một bức tượng đá đàn bà hao hao tượng Chăm đặt nghiêm ngắn dưới gốc đa hương cắm chi chít.

Những gì ồn ã xô bồ và có thể là cả chụp giật ngoài kia nhưng khuất trong này lặng lẽ u tịch. Lại một ngôi nhà nhôm kính ẩn bên gốc đa. Thấp thoáng tấm biển đề Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng bảo trợ của quỹ này là nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Giám đốc cái  cơ ngơi bên gốc đa này là của bà Vũ Anh Đào, ái nữ Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn ngày trước, ông Vũ Quang! Nhưng thật là rủi: Bà Đào và Ban Giám đốc đang bận họp, không thể tiếp khách.

Đúng là họa vô đơn chí: Trước đó tôi đã được biết là bà Lê Thị Thu – Chủ nhiệm Ủy ban đang đi công tác vắng, còn thi sĩ Phùng Ngọc Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn thì đang nằm viện.

Theo gợi ý của cô thường trực, tôi tìm đến Trung tâm Thông tin của Ủy ban ở 12 phố Ngô Tất Tố gần Văn Miếu. Nếu trụ sở 35 Trần Phú là nơi làm việc của lãnh đạo Ủy ban, của Vụ HTQT và của Quỹ thì ngôi nhà 5 tầng đây mới là nơi tác chiến của Ủy ban với nhiều phòng ban nghiệp vụ.

Ông bảo vệ nói tôi chịu khó cuốc bộ lên tầng 5 vì thang máy bị hỏng đã lâu! Rồi ông lẩm bẩm như tự nói với mình mà chắc gì đã chữa. Giải thể đến nơi rồi!

Nếu có thời gian được ngồi lâu lâu với TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm là một điều thú vị bởi có nhiều thông tin. Thử truy ngược cái tộc phả của Ủy ban, tôi thú vị khi được ngó một văn bản góc trái đóng dấu Mật - không phổ biến.

Văn bản ấy ban hành năm 1963 về việc thành lập Ban Sinh đẻ có kế hoạch trực thuộc Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng ban. Sinh đẻ có kế hoạch mà lại thuộc về việc mật là sao nhỉ?

TS giám đốc cười chắc cái thời ấy nó phải thế! Rồi mãi sau này, trên cái nôi tiền thân sinh đẻ kế hoạch, sinh ra Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình.

Công việc chức năng của Ủy ban chắc là quan trọng lắm lắm nên mới có việc thời đó, một Đại tướng lừng danh được (hay là phải đây) trực tiếp làm Trưởng ban tác chiến!?

Rồi sau này Ủy ban đâm bộn bề nhiều việc lẫn quy mô nên có hẳn một ông Bộ trưởng Mai Kỷ đứng đầu đảm trách! Công tác dân số là mẫu số của việc phát triển kinh tế.

Hiềm nỗi kinh phí ta còn eo hẹp (tiêu chuẩn của LHQ là chi dùng mỗi năm 2,2 USD cho một đầu người về công tác này nhưng Việt Nam chỉ có 0,4 USD, trong khi Trung Quốc hào phóng lẫn quyết liệt chi tới 4 USD).

Nhưng với cách làm sáng tạo quyết liệt từ trên xuống dưới, trong đó có phương châm Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng nên công tác DSKHHGĐ của Việt Nam khá là hiệu quả!

Tòa nhà khang trang 5 tầng lầu ở vào vị thế đắc địa này cũng ra đời dưới thời ông Bộ trưởng Mai Kỷ. Rồi đến năm 2002, UBDSKHHGĐ sát nhập với Ủy ban Chăm sóc trẻ em Việt Nam thành ra Ủy ban này...

...Giọng ông Giám đốc Trung tâm trầm xuống khi bộc bạch rằng, thời điểm  nghe tin giải thể Ủy ban, anh chị em cũng xao xuyến lắm. Có dư luận rằng, tất nhiên là vui tếu thôi rằng bây giờ giải thể Ủy ban rồi, bà con cứ là được đẻ thoải mái(!?).

Tuy chỉ đùa tếu, nhưng đã phải chấn chỉnh cho các bộ phận của Ủy ban lẫn hệ thống ngành dọc, rằng phải bình tĩnh đợi sự phân công sắp xếp của tổ chức, của Chính phủ!

Cũng đang mới rậm rạp bàn định, là bộ phận Trẻ em khi tách khỏi Ủy ban thì sáp nhập với Bộ LĐTB&XH. Còn mảng Gia đình thì định bàn giao sang Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhưng nghe nói họ chưa muốn nhận.

Hình như một số nước có hẳn một Bộ Gia đình? Mà gia đình thì có đến là lắm chuyện, lắm thứ bởi không có gì mới hơn gia đình và cũng không có chi cũ hơn gia đình!

Hình như Ủy ban đang thuyết phục bên Bộ LĐTB&XH cho nhập nốt mảng Gia đình này thì tốt. Nghe nói có thể thành lập Cục Gia đình & Trẻ em cũng trực thuộc Bộ LĐTB&XH tương tự như Cục (hay Tổng cục) Dân số trực thuộc Bộ Y tế.

Chắc qua bàn thảo sắp xếp rồi cũng ổn thôi nhưng lấn cấn nhất là hệ thống của Ủy ban lâu nay rải khắp sáu mươi mấy tỉnh thành. Ủy ban của tỉnh của huyện rồi ban dân số chuyên trách của xã phường.

Bây giờ họ là quân của ai? Của Sở Y tế hay là UBND? (Trước đây họ trực thuộc UBND mà có ý kiến nói vui rằng họ không phải ngành dọc mà là ngành xiên (!), bởi Bộ KHĐT giao kế hoạch, kinh phí T.Ư lo, người thì tỉnh lo).

Có ý kiến nên thành lập cấp cục hoặc phòng gì đó ở các tỉnh thành? Cũng đang phải bàn thảo rồi xin ý kiến những người và cơ quan có trách nhiệm.

Theo ông GĐTT, bàn thảo và xin ý kiến gì thì gì nhưng công tác tổ chức và nhân sự cấp trên phải dứt khoát làm sớm làm khẩn trương để anh chị em của ngành yên tâm công tác!

Nét xao xuyến chi đó  có lẽ dễ thấy ở đội ngũ lãnh đạo? Cũng một trạng huống như người của Bộ Thủy sản khi nhập vào Bộ NN&PTNT, thể nào mà chả có sự hao hụt?

Với Ủy ban thì 3 thứ trưởng, trên 10 vụ trưởng và 5 Giám đốc đơn vị sự nghiệp hàm vụ trưởng bây giờ khi nhập Bộ LĐTB&XH hay Bộ Y tế hoặc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thì nhỡn tiền, trước đây với cấp bộ thì hưởng phụ cấp hàm vụ trưởng 1% lương trách nhiệm, bây giờ cấp Tổng cục chả hạn thì tụt xuống 0,9%, vụ phó cấp Bộ xuống cấp Tổng cục là 0,7% vv...

Có lẽ nói theo tinh thần của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng NN&PTNT rằng  phải đặt lợi ích của ngành của đất nước lên trên hết mà chịu khó hy sinh vậy!

Thả bộ từ lầu 5 của Trung tâm Thông tin xuống, tôi chợt nhớ đến ông bạn viết Nguyễn Thành Phong. Khi alô mới hay ông Quyền TBT báo Gia đình và Xã hội Nguyễn Thành Phong đã chuyển công tác sang phụ trách Tạp chí Vì Trẻ thơ.

Thì tờ Tạp chí ấy cũng thuộc Ủy ban đây chứ chạy đi đâu được? Lúc ghé qua chỗ Nguyễn Thành Phong thì tôi mới được vỡ vạc ra rằng tờ báo Gia đình & Xã hội sẽ chuyển sang bộ phận Dân số (có thể mai kia sẽ là cấp Tổng cục) trực thuộc Bộ Y tế! (Như thế là Bộ ấy đã có tờ Sức khỏe rồi nay lại thêm một Gia đình & Xã hội nữa?).

Tạp chí Vì trẻ thơ là mảng trẻ em, cũng như bộ phận Trẻ em của Ủy ban nên có thể mai kia được điều chuyển về Bộ LĐTB&XH? Và Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam mà bà Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch chắc có lẽ cũng theo chân sang Bộ LĐTB&XH?

Điều chuyển tách nhập thế nào, thi sĩ Nguyễn Thành Phong này đều bình chân như vại? Tờ Vì trẻ thơ đã xin được đất của UBDSGĐTE ở một vị trí đắc địa xây lên 4 tầng lầu làm trụ sở lâu nay.

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong chia tay tôi bằng cái bắt tay thật chặt: Hoàn toàn ủng hộ và nhất trí với quyết tâm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nhưng cũng xin Thủ tướng và Chính phủ cùng những người và cơ quan có trách nhiệm kịp thời có ngay  những biện pháp đồng bộ nhằm ổn định tổ chức cũng như lộ trình công việc đối với UBDSGĐTE (cũ) nói riêng và một số Bộ khác nói chung đang có sự sắp xếp tổ chức lại!

--------------------

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.