Bão số 2 cách bờ biển Phú Yên – Bình Định 350 km

Bão số 2 cách bờ biển Phú Yên – Bình Định 350 km
TPO - Đúng như dự báo trước đó, sáng nay, áp thấp nhiệt đới đã thành bão số 2 mạnh cấp 8. Hồi 10 giờ sáng nay, vị trí tâm bão số 2 cách bờ biển Phú Yên – Bình Định khoảng 350 km về phía đông.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo và phòng chống lụt bão T.Ư sáng nay, 4/8, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết bão số 2 là một cơn bão có những diễn biến hết sức phức tạp và cần theo dõi chặt chẽ.

Ông Tăng cũng cho biết theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư vùng ảnh hưởng của bão số 2 khi đổ bộ là vùng Nam vịnh Bắc bộ từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và vùng giữa biển Đông. Ông cũng cho biết sau khi áp thấp chuyển thành bão, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật trên cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 2 di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 – 10 km. Đến 10 giờ ngày mai, 5/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,0 độ vĩ bắc; 111,1 độ kinh đông cách bờ biển Bình Định - Quảng Ngãi khoảng 240 km về phía đông và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Khánh Hoà đến Đà Nẵng và vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200km.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 2 tiếp tục di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 10 giờ ngày 6/8 vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc; 109,7 độ kinh đông cách bờ biển Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế khoảng 170 km về phía đông đông bắc và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Bình. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200km.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có gió mạnh cấp 8, giật trên cấp 8. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông có mưa to và gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.

4.428 người vẫn ở trong vùng nguy hiểm

Tại cuộc họp ban chỉ đạo, theo báo cáo nhanh số 5 của Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, tính đến 19 giờ ngày 3/8/2007, số tàu và ngư dân hiện đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm là 158 tàu/4.428 người.

Đà Nẵng: 63tàu/1538 người (46 tàu/1196 người đang hành nghề câu mực ở khu vực Trường Sa, 17 tàu/342 người đang tránh gió ở khu vực đảo Bom Bay – Hoàng Sa).

Quảng Nam: 54 tàu/1177người đang hành nghề câu mực ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa. Theo Báo cáo số 20/BC-CLB ngày 03/8/2007 của Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam, tính đến 16 giờ 30 ngày 03/8 đã có 40 phương tiện thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Quảng Ngãi: 73 tàu/835 người (49tàu/826 người đang hoạt ở khu vực Trường Sa, 08tàu/104 người đang hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, 16 tàu chưa rõ số người đang ở khu vực Đá Lớn - Trường Sa; Riêng tàu mang số hiệu Qng95988 với 20 ngưòi, vào lúc 17 giờ ngày 03/8 đã bị gãy bánh lái và mất liên lạc với Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi.

Bình Định: 92 tàu/796 người đang hoạt động ở khu vực Trường Sa. Theo Báo cáo số 421/STS-PCLB ngày 03/8/2007 của Sở Thủy sản Bình Định toàn bộ số tàu thuyền này đã liên lạc được với gia đình và đã di chuyển về nơi an toàn.

Phú Yên: 1 tàu/9 người hoạt động tại khu vực Trường Sa. Đến 17 giờ ngày 03/8 tàu này đã vào bờ an toàn. 

Bình Thuận: 8tàu/73người đang hoạt động ở khu vực Trường Sa

MỚI - NÓNG