Giảm thuế - Cú hích giảm giá mạnh?

Giảm thuế - Cú hích giảm giá mạnh?
Hôm nay, 8/8, thời điểm chính thức giảm thuế nhập khẩu (NK) của 18 nhóm hàng với hàng trăm mặt hàng liên quan. Đây được coi là một trong những biện pháp tức thời để kéo giá tiêu dùng trong nước.

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó TGĐ hệ thống siêu thị Saigon Coop: "Hiện các mặt hàng thực phẩm ngoại nhập như sữa, chế phẩm cho trẻ em, dầu ăn... chiếm khoảng 30% trong số các mặt hàng thực phẩm kinh doanh tại siêu thị. Với quyết định giảm thuế các mặt hàng này, siêu thị sẽ làm việc điều chỉnh giá các sản phẩm thuộc danh mục giảm thuế".

Tương tự, Trung tâm phân phối sỉ Metro Cash & Carry cũng cho biết: Chắc chắn trong những ngày tới, các nhà cung cấp sẽ điều chỉnh giá. Ngay khi giá sản phẩm được các nhà cung cấp điều chỉnh giảm, giá bán của các mặt hàng tại trung tâm và thị trường nói chung sẽ được giảm.

Thị trường thép xây dựng cũng đang có xu hướng giảm giá bình quân khoảng 200.000 đ/tấn (hiện giá thép xây dựng đã giảm xuống còn dưới 10 triệu đồng/tấn.

Theo Chủ  tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), ông Phạm Chí Cường - với việc giảm thuế từ 5% xuống  còn 2% đối với phôi thép cùng với việc đang là mùa mưa, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng giảm thì giá thép tại thị trường trong nước sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên ông cũng lo ngại thép TQ giá rẻ  sẽ nhân cơ hội tràn vào.

Trong khi đó, các mặt  hàng điện máy (như máy lạnh, quạt điện...) mặc dù được giảm thêm 10% thuế suất, nhưng theo các nhà phân phối, giá các mặt hàng này thời gian tới không giảm nhiều.

Ông Nguyễn Minh Thư - Trưởng phòng Kinh doanh - tiếp thị Trung tâm điện máy và nội thất Thiên Hoà cho biết: "Thị trường hàng điện máy trong thời gian qua liên tục giảm giá, thậm chí giá nhiều mặt hàng đã giảm tối đa để cạnh tranh, dành thị phần trong mùa thấp điểm. Dự kiến trong tháng 8 này, thị trường sẽ không có biến động giá, mà có thể sẽ phải đến tháng 10 khi những lô hàng giảm thuế được đưa ra thị trường, tuy nhiên mức giảm sẽ không đáng kể".

Các chuyên gia bình luận gì?

Bình luận về việc giảm thuế để giảm giá các mặt hàng thiết yếu nêu trên, PGS, TS Ngô Trí Long - Học viện Tài chính - cho biết: Thuế là một trong những yếu tố cấu thành giá, nên đối với những mặt hàng còn phải NK, Nhà nước quyết định giảm thuế mạnh tạm thời hoặc lâu dài để nhằm giảm giá trong nước.

Nguyên tắc là thế, nhưng trên thực tế, chỉ các mặt hàng Nhà nước còn định giá thì giá sẽ giảm. Còn những mặt hàng Nhà nước để DN tự định giá thì phải có công cụ để kiểm soát chi phí, không để DN lợi dụng bán giá cao hòng trục lợi. Nếu phát hiện có biểu hiện tăng giá quá mức hoặc té nước theo mưa thì Nhà nước phải dùng công cụ thuế để điều tiết như điều tiết thuế thu nhập DN hoặc cân nhắc thời điểm áp trở lại thuế suất NK.

Còn Ông Võ Trí Thành (Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - cũng cho rằng giá cả khó có thể giảm ngay và giảm mạnh như kỳ vọng.

Theo ông Thành, trong thời gian tới cần có biện pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn thì mới có thể thành công trong chính sách kiềm chế giá. Cụ thể là hàng loạt các chính sách về tiền tệ, tiền lương, chính sách vĩ mô và đặc biệt là việc cần chính sách cấu trúc lại thị trường.

Một trong những nguyên nhân tăng giá thời gian qua là có sự độc quyền và độc quyền nhóm trong sản xuất, tiêu thụ; đồng thời có sự câu kết làm giá ở cấp đại lý phân phối sản phẩm. Vì thế, ngoài chính sách thuế, theo ông Thành, còn cần chính sách giá, nhất là ở những mặt hàng đặc biệt như xăng dầu, thép và nguyên liệu thép, ôtô, hàng điện tử...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung thì tin tưởng biện pháp trên sẽ là cú tác động lớn đối với thị trường, khiến thị trường giảm giá ngay và giảm giá mạnh.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, tác động của việc giảm thuế là rất mạnh mẽ. Chính vì thế, để đưa ra quyết định giảm thuế trên, Bộ Tài chính đã tính toán rất kỹ.

18 nhóm hàng nằm trong diện giảm thuế chính là những nhóm hàng thời gian qua có giá đầu vào từ thế giới tăng cao. Bên cạnh đó, đây cũng chính là những mặt hàng có mức độ tăng cao hơn mức tăng bình quân của chỉ số giá 6 tháng đầu năm (mức 6,19%). Tất cả đều thực hiện trên nguyên tắc: Giảm chi phí, tăng nguồn cung.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công Chỉ thị 18 về các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá của thị trường thì Bộ Tài chính cũng cân nhắc và chọn giải pháp: Giảm ngay thuế chứ không chờ đợi thêm thời gian; giảm nhiều nhóm hàng và hàng trăm mặt hàng; đồng thời cũng áp dụng mức giảm rất cao.  (Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung)

Theo Lao động

MỚI - NÓNG