Bộ Tài chính thực thi giải pháp bình ổn giá

Bộ Tài chính thực thi giải pháp bình ổn giá
TP - Hôm qua (8/8) là ngày đồng loạt 52 mã hàng đã áp dụng biểu thuế mới với mức giảm tới 50% - 60% so với thuế suất cũ cho 7 nhóm hàng thiết yếu, thức ăn chăn nuôi, thuế với phôi thép...
Bộ Tài chính thực thi giải pháp bình ổn giá ảnh 1
Sức ép tăng giá đang đè gánh nặng chi tiêu lên mỗi gia đình. Ảnh: Phạm Yên

“Biện pháp giảm thuế tạm thời một số mặt hàng có làm cho giá hàng hóa đang “sốt” trong nước giảm? Giá xăng bán lẻ có hạ khi mà giá nhập giảm và doanh nghiệp đang lãi hơn 800 đồng/lít?

Bộ Tài chính có công bố kết quả kiểm tra giá đối với doanh nghiệp (DN) sản xuất tiêu thụ giá thép, gas, sữa. Lạm phát từ nay đến hết năm có kiềm chế được tốc độ tăng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng?”.

Tất cả những vấn đề trên đã được báo giới đặt ra với đại diện Bộ Tài chính trong buổi họp về bình ổn giá chiều 8/8.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, việc giảm thuế này là giải pháp tức thời rất thích hợp trong tình thế “tạo ngay nguồn cung giá thấp cho DN và người tiêu dùng trong nước” - Giảm thuế liệu có tác động mạnh làm bớt nóng giá các mặt hàng thép, sữa, thực phẩm…?

Ông Trung khẳng định: “Có ý kiến cho rằng thuế chiếm tỷ lệ nhỏ trong giá bán là không đúng. Trên thực tế những mặt hàng giảm thuế đến 50% đều đang có mức thuế suất rất cao mà thuế suất đó được tính trên giá vốn. Cho nên với biểu thuế tạm thời mới, chúng tôi dự tính tốc độ giảm giá sẽ rất lớn. Thực tế cũng cho thấy các mức giá này sẽ tác động ngay đến thị trường và buộc những mặt hàng của DN trong nước cùng chủng loại phải giảm theo nếu muốn cạnh tranh”.

Giảm bình quân 50% thuế NK so với mức hiện hành tại các nhóm hàng thiết yếu

Theo biểu thuế mới áp dụng cho tờ khai hải quan từ hôm qua 8/8, các nhóm hàng thực phẩm gồm: thịt trâu, bò tươi, đông lạnh giảm từ 20% xuống 12%; Thịt lợn tươi đông lạnh từ 30% xuống 12%; Sữa và kem chưa cô đặc từ 20% xuống 10%; sữa và kem đã cô đặc giảm từ 10,15,30% xuống còn 5,7,15%; Nhóm hàng thức ăn chăn nuôi gồm: ngô giảm từ 5% còn 2%; thức ăn gia súc từ 5,8,10% còn 2,3,5%.

Nhóm vật liệu xây dựng: phôi thép từ 5% còn 2%; thép xây dựng từ 10,12% xuống còn 5,7,8,10%. Nhóm các mặt hàng công nghiệp gồm: mỹ phẩm, quạt, điều hòa, máy lạnh, máy khâu giảm từ 40% xuống còn 30%; ô tô nguyên chiếc từ 80% còn 70%; giảm thuế tuyệt đối với ô tô cũ du lịch nhập khẩu 5%; giảm 13% so với hiện hành đối với xe ôtô chở người đang có thuế suất 8%;  

Trước thông tin giá xăng nhập khẩu đã giảm mạnh trong 1 tuần qua xuống mức 74,6 USD/thùng (so với mức giá hơn 80 USD/thùng ngày 1/8), và so với giá bán hiện tại 11.800 đồng/lít, doanh nghiệp đang lãi lớn.

Trong bối cảnh giá các mặt hàng đều nóng do có phần phản ứng dây chuyền từ giá xăng, Nhà nước có chủ trương giảm giá bán lẻ?

Thứ trưởng Trương Chí Trung thừa nhận: Với mức thuế suất 0%, doanh nghiệp lãi 825 đồng/lít (trong khoảng hơn 1 tuần nay).

Hiện Liên bộ Tài chính và Thương mại đang tính toán cân nhắc giữa vấn đề tăng thuế và giảm giá. Nếu  tăng thuế lên 10%, DN sẽ lỗ 74 đồng/lít, tăng thuế 5% DN lãi khoảng 300 đồng/lít. “Đứng ở góc độ muốn bình ổn giá, cá nhân tôi muốn lựa chọn giải pháp giảm giá”- Ông Trung khẳng định.

Trả lời câu hỏi  của Tiền phong, liệu trong tuần này giá xăng có thể điều chỉnh giảm? Ông Nguyễn Tiến Thỏa -  Cục trưởng Cục quản lý giá tỏ ra thận trọng:

“Thời điểm là vấn đề chúng tôi đang rất cân nhắc vì hiện tại phía Nam đang là mùa mưa, sức tiêu thụ rất thấp trong khi DN vẫn đang phải bán những lô hàng nhập giá trên 80 USD/thùng. Muốn giảm thế nào cũng phải tính kỹ, có thể thuế vào một ít, giá giảm một ít theo quan điểm 3 bên cùng chia sẻ, chứ trong 10 ngày nay, chưa DN nào nhập hàng giá thấp về”. 

Liên quan đến vấn đề người tiêu dùng đang rất nóng lòng quan tâm, đó là có hay không việc các DN lợi dụng sự biến động của thị trường để gây sức ép tâm lý tăng giá trục lợi, Thứ trưởng Trương Chí Trung cho biết: Ngày 6/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công điện khẩn gửi Sở Tài chính các địa phương trong đó yêu cầu tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm soát không để các chủ thể sản xuất kinh doanh lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của nhà nước, lợi dụng sự biến động của thị trường để tăng giá bất hợp lý.

“Việc kiểm tra sẽ tiến hành trên cơ sở: giá nhập nguyên liệu, các chi phí, giá bán và sẽ xem xét dưới 2 góc độ: có đầu cơ độc quyền hay lợi dụng tâm lý để tăng giá hay không? Bộ Tài chính sẽ cố gắng có kết quả vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 và sẽ công khai trước công luận” – Ông Trung nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của riêng Tiền phong, việc lập các đoàn kiểm tra tại các địa phương sẽ được tiến hành ngay (các đoàn sẽ kiểm tra  giá du lịch, giá cước taxi...). Còn tại T.Ư, sẽ có 2 đoàn kiểm tra các DN thép, 2 đoàn kiểm tra các DN gas.

“Về giá sữa trước phản ứng của người tiêu dùng, được sự đồng ý của Bộ trưởng chúng tôi đang tiến hành sàng lọc và sẽ chọn 1 số DN sản xuất trong nước cũng như các Cty nhập khẩu phân phối và sẽ sớm đưa ra danh sách cũng như kế hoạch kiểm tra các DN này.

Quan điểm xử lý vi phạm sẽ theo điều 120 của Luật Cạnh tranh và Nghị định 169/CP về xử phạt vi phạm hành chính về giá. Những trường hợp liên minh độc quyền tăng giá có thể chúng tôi sẽ kiến nghị rút giấy phép”- Ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh.  

MỚI - NÓNG