Đan Mạch gia nhập cuộc chạy đua ở Bắc Cực

Đan Mạch gia nhập cuộc chạy đua ở Bắc Cực
TP - Ngày 12/8, từ đảo Svalbard (Na Uy), nhóm 40 nhà khoa học bắt đầu thực hiện chuyến hành trình tới Bắc Cực để thu thập bằng chứng chứng tỏ rằng khu vực này là phần mở rộng của đảo Greenland thuộc Đan Mạch, quốc gia có gần 6 triệu dân.

>> Cuộc đua 'nóng' tại vùng biển lạnh?

Đan Mạch gia nhập cuộc chạy đua ở Bắc Cực ảnh 1
Tàu phá băng Oden tại Bắc Cực

Động thái này càng làm nóng thêm cuộc chạy đua tranh giành chủ quyền ở Bắc Cực sau khi Nga “châm ngòi” bằng việc cử tàu Mir lặn sâu xuống đáy biển Bắc Cực ở vị trí hơn 4.200 m nước (ngày 2/8) và cắm quốc kỳ bằng titanium tại đây.

Nhóm các nhà khoa học, trong đó chỉ có 10 người Đan Mạch, đi trên tàu phá băng Oden của Thụy Điển sẽ thực hiện việc khảo sát, đo đạc, vẽ bản đồ chi tiết khu vực Bắc Cực, bao gồm cả đáy biển bằng các thiết bị tối tân như hệ thống định vị dưới nước bằng siêu âm…

Được hỗ trợ bởi tàu phá băng nguyên tử của Nga, nhóm các nhà khoa học này sẽ phá lớp băng nổi sâu 5 m ở phía Bắc Greenland.

Mục tiêu của họ là dãy núi Lomonosov, dài gần 2.000 km dưới biển đã được Nga và Canada khẳng định chủ quyền.

Theo Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc, bất kỳ quốc gia nào chứng minh được rằng vùng này là một phần thềm lục địa của họ đều có quyền đối với nguồn khoáng sản ở đó.

Các tài liệu cho biết, khoảng 25% lượng dầu và khí đốt dự trữ của thế giới nằm ở Bắc Cực cùng nhiều loại khoáng sản khác.

Theo Chính phủ Đan Mạch, bằng chứng thu thập được trong chuyến thám hiểm này có thể giúp họ chứng minh chủ quyền ở Bắc Cực.

Trong cuộc đua nóng bỏng ở Bắc Cực, Đan Mạch dựa vào chủ quyền Greenland, đảo có 57.000 cư dân và được 1 tòa án quốc tế “tặng” cho Đan Mạch năm 1933 sau khi bác bỏ việc Na Uy cũng khẳng định chủ quyền.

Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Đan Mạch Helge Sander nói: “Các cuộc khảo sát sơ bộ đã được thực hiện cho thấy có nhiều hứa hẹn. Có những bằng chứng chứng tỏ rằng Đan Mạch có thể khẳng định chủ quyền ở Bắc Cực”.

Tính đến nay đã có 5 quốc gia (Nga, Mỹ, Canada, Na Uy và Đan Mạch) chính thức gia nhập vào cuộc đua khẳng định chủ quyền ở Bắc Cực.

Hai ngày trước khi đoàn thám hiểm Đan Mạch khởi hành, Thủ tướng Canada Stephen Harper thông báo trong chuyến công du 3 ngày ở Bắc Cực rằng sẽ xây dựng 2 căn cứ quân sự mới ở đây.

Ngay sau sự kiện Nga cắm quốc kỳ dưới Bắc Cực, Mỹ cũng đã cử 1 tàu phá băng tới đây và Quốc hội Mỹ đang xem xét gia tăng ngân sách để phát triển hạm đội tàu phá băng.   

T.Đ
Theo Telegraph

MỚI - NÓNG