Thi tốt nghiệp THPT đợt 2: Gợi ý lời giải môn Sử

Thi tốt nghiệp THPT đợt 2: Gợi ý lời giải môn Sử
TPO - Dưới đây là gợi ý lời giải môn Sử của Tiền phong Online dành cho các thí sinh thi đợt 2 tham khảo.

Đề I

A. LỊCH SỬ VIỆT NAM (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm) Tình hình giai cấp công nhân và giai cấp nông dân Việt Nam dưới tác động của Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp.

Câu 2 (4,0 điểm) Tóm tắt diễn biến của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.

B. LỊCH SỬ THẾ GIỚI (3,0 điểm)

Trình bày nguồn gốc, nội dung của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ hai.

Đề II

A. LỊCH SỬ VIỆT NAM (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm) Sau khi thành lập, chính quyền Xô viết Nghệ – Tĩnh đã thực hiện những chính sách cơ bản nào để đem lại lợi ích cho quần chúng nhân dân?

Câu 2 (4,0 điểm) Nêu những nét chính về bối cảnh, nội dung và ý nghĩa lịch sử của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5–1941).

B. LỊCH SỬ THẾ GIỚI (3,0 điểm)

Trình bày nguồn gốc, nội dung của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ hai.

GỢI Ý BÀI GIẢI

Đề I

A. LỊCH SỬ VIỆT NAM (7,0 điểm)

Câu 1:  Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914–1918), đế quốc Pháp thắng trận, nhưng nền kinh tế bị kiệt quệ, nên tiến hành “chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai”. Tác động của chương trình khai thác này đã làm cho xã hội Việt Nam bị phân hóa sâu sắc.

 - Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời trong thời kỳ khai thác thứ nhất của đế quốc Pháp (trước chiến tranh), phát triển khá mạnh trong thời kỳ khai thác thứ hai của đế quốc Pháp cả về số lượng và chất lượng.

+ Về số lượng, trước chiến tranh tổng số công nhân có trên dưới 10 vạn; sau chiến tranh, tính đến năm 1929 lên đến 22 vạn, phần lớn tập trung ở các vùng mỏ, đồn điền cao su và các thành phố lớn.

+ Về chất lượng, giai cấp công nhân Việt Nam ngoài những đặc điểm chung của giai cấp công nhân quốc tế (đại biểu cho lực lượng sản xuất tiến bộ nhất của xã hội, điều kiện lao động và sinh sống tập trung…), còn bị 3 tầng áp bức bóc lột của đế quốc, phong kiến và tư sản người Việt; có quan hệ tự nhiên gắn bó với giai cấp nông dân; kế thừa truyền thống yêu nước anh hùng và bất khuất của dân tộc; sớm tiếp thu ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga và của chủ nghĩa Mác-Lênin, nên sớm trở thành một lực lượng chính trị độc lập, thống nhất, tự giác trong cả nước, trên cơ sở đó nhanh chóng vươn lên nắm quyền lãnh đạo cách mạng nước ta.

 - Giai cấp nông dân chiếm trên 90% dân số, bị đế quốc phong kiến áp bức bóc lột nặng nề bằng các thủ đoạn sưu cao, thuế nặng, tô tức, phu phen, tạp dịch, cướp đoạt ruộng đất. Họ bị bần cùng hóa và phá sản trên quy mô lớn. Một bộ phận nhỏ rời làng đi vào làm việc trong các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, còn phần lớn sống cuộc đời tá điền cực nhọc. Trong hoàn cảnh đó, giai cấp nông dân Việt Nam là lực lượng hăng hái và đông đảo nhất của cách mạng.

Câu 2: Tóm tắt diễn biến cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945:

 a. Lệnh tổng khởi nghĩa: Ngày13/8/1945, khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Đảng họp Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào:

  + Quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc trước khi Đồng minh vào.

  +  Lập Ủy ban khởi nghĩa và ngay trong đêm 13/8 ra Quân lệnh số 1: hạ lệnh Tổng khởi nghĩa.

 b. Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào ngày 16/8/1945:

  +  Tán thành quyết định Tổng khởi nghĩa.

  +  Thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh.

  +  Thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (tức chính phủ lâm thời sau này) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

 c.  Khởi  nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội:

 - Từ 15/8/1945, lệnh khởi nghĩa về tới Hà Nội, phong trào chuẩn bị khởi nghĩa rất khẩn trương với nhiều hình thức: diễn thuyết, truyền đơn, biểu ngữ kêu gọi khởi nghĩa xuất hiện khắp nơi.

 - Sáng 19/8/1945, cuộc míttinh lớn ở quảng trường Nhà hát lớn (Hà Nội) do Việt Minh tổ chức đã nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình do các đơn vị chiến đấu đi đầu, đánh chiếm phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát… Cuộc khởi nghĩa Hà Nội thắng lợi hoàn toàn trong ngày 19/8/1945.

 d. Giành chính quyền trong toàn quốc:

 - Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, có 4 tỉnh lị giành được chính quyền: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam.

 - 23/8/1945: giành chính quyền ở Huế.

 - 25/8/1945: giành chính quyền ở Sài Gòn.

 - Thắng lợi của khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã cổ vũ nhân dân toàn quốc vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Trong vòng 15 ngày (14/8/1945 – 28/8/1945), Cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước.

 - 2/9/1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời (Ủy ban Dân tộc giải phóng) đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

B. LỊCH SỬ THẾ GIỚI (3,0 điểm)

+ Nguồn gốc:

 - Nguồn gốc sâu xa dẫn đến cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật lần thứ hai là do con người muốn cuộc sống ngày càng được nâng cao nên phải cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất.

 - Con người cần giải quyết các vấn đề: dân số bùng nổ, tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm bằng công cụ mới, năng lượng mới, vật liệu mới.

 - Những thành tựu khoa học – kỹ thuật cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tạo tiền đề dẫn đến cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật lần thứ hai.

 - Các nước tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai có nhu cầu sản xuất vũ khí hiện đại.

+ Nội dung:

 - Cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật diễn ra một cách rộng lớn, phong phú trong mọi ngành của khoa học cơ bản, tạo ra được cơ sở lý thuyết cho các khoa học khác, giúp cho kỹ thuật phát triển và là nền móng của tri thức.

 - Xuất hiện nhiều ngành khoa học mới: khoa học vũ trụ, khoa học du hành vũ trụ…

 - Giải quyết những vấn đề bức thiết: công cụ sản xuất, năng lượng, vật liệu mới, trị bệnh, ô nhiễm môi trường, lương thực, thực phẩm…

 - Tự động hóa cao độ với sự ra đời của máy tính điện tử.

Đề II

A. LỊCH SỬ VIỆT NAM (7,0 điểm) 

Câu 1: Những chính sách cơ bản đem lại lợi ích cho quần chúng nhân dân của chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh: 

  +  Về chính trị: chính quyền mới do nhân dân quản lý, thực hiện các quyền tự do dân chủ, phát triển các tổ chức quần chúng, các đoàn thể cách mạng (Nông hội, Công hội), thông qua các cuộc míttinh, hội nghị để tuyên truyền, giáo dục chính trị cho quần chúng.

  +  Về kinh tế: chia lại ruộng đất công, giảm tô, xóa nợ, bỏ các thứ thuế vô lý, tổ chức sản xuất.

  +  Về quân sự: mỗi làng đều có đội tự vệ vũ trang.

  +  Về xã hội: phát động phong trào đời sống mới - xóa bỏ các tục lệ lạc hậu, mê tín dị đoan, mở lớp học chữ quốc ngữ; trật tự xã hội được bảo đảm, nạn trộm cướp không còn.

Câu 2: Những nét chính của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5 - 1941):

1. Bối cảnh:

 * Thế giới:

 - Phát xít Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô.

 - Nhật vào Đông Dương câu kết với Pháp và chuẩn bị chiến tranh Thái Bình Dương.

 * Trong nước: 

 - Đời sống dân ta cực khổ dưới hai tầng áp bức Nhật – Pháp.

 Trước tình hình ngày càng khẩn trương, Nguyễn Ái Quốc về nước (28/1/1941) và triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (từ 10 đến 19/5/1941) tại Pắc Bó (tỉnh Cao Bằng).

2. Nội dung:

 - Xác định kẻ thù chính trước mắt là bọn đế quốc phát xít Pháp – Nhật.

 - Nhiệm vụ bức thiết nhất là giải phóng dân tộc, vì mâu thuẫn giữa dân tộc ta với bọn đế quốc phát xít Pháp – Nhật trở thành mâu thuẫn chủ yếu nhất, vận mệnh nước nhà nguy vong.

 - Tiếp tục tạm gác khẩu hiệu “tịch thu ruộng đất của địa chủ”, chỉ tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc, Việt gian chia cho dân cày nghèo.

 - Chủ trương thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân Đông Dương.

 - Thành lập mặt trận lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh).

 - Nhiệm vụ trung tâm: chuẩn bị mọi điều kiện để khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền.

3. Ý nghĩa:

 - Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đã được đề ra từ Hội nghị trung ương VI (11/1939), có tác dụng quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945.

B. LỊCH SỬ THẾ GIỚI (3,0 điểm) : Giống đề I

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.