BHYT tự nguyện chưa được số đông hưởng ứng - vì sao?

BHYT tự nguyện chưa được số đông hưởng ứng - vì sao?
TP - Vẫn có những quy định mới nhất của bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện gây khó khăn cho người mua thẻ như thành viên trong gia đình có nguy cơ không được cấp thẻ nếu mua thẻ có giá trị dưới sáu tháng...
BHYT tự nguyện chưa được số đông hưởng ứng - vì sao? ảnh 1
BHYT tự nguyện chưa được số đông hưởng ứng

Hay như HS-SV có thể bị ảnh hưởng quyền lợi nếu mua thẻ dài hạn cho cả khóa học

Đấy là chưa kể không nhiều người đồng tình với quy định ngặt nghèo của việc bán thẻ BHYT tự nguyện vốn chỉ có lợi cho cơ quan quản lý, v.v...

Tiền phong phỏng vấn ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng ban Bảo hiểm Xã hội tự nguyện, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Mục 1, Điểm 2, Khoản a (Quyết định 612/QĐ-BHXH ngày 20/4/2007 của Tổng GĐ BHXH Việt Nam) quy định hình thức thu, đóng BHYT tự nguyện: “Thành viên gia đình đóng BHYT theo ba tháng, sáu tháng, hoặc một năm một lần...”.

Nhưng Khoản b lại ghi: “Cơ quan BHXH tổ chức hệ thống thu tiền đóng BHYT cho người tham gia BHYT tự nguyện có thời hạn sử dụng ít nhất sáu tháng”. Quy định như thế có mâu thuẫn nhau không?

Không mâu thuẫn. Tại Điểm b, cơ quan BHXH tổ chức hệ thống thu tiền đóng BHYT (không phải là thu tiền) và đúng là sẽ phát hành thẻ BHYT có thời hạn sử dụng ít nhất sáu tháng.

Điểm này được hiểu là thẻ BHYT có giá trị sử dụng ít nhất sáu tháng, nhằm giảm phiền hà cho dân do phải thay thẻ liên tục và cũng để giảm chi phí vật chất. Còn cơ quan BHXH tổ chức thu theo các thời hạn như quy định trong khoản a là tuỳ thuộc vào khả năng đóng tiền của người tham gia BHYT.

Như vậy, thành viên gia đình có thể nhận thẻ BHYT có giá trị sáu tháng dù chỉ đóng BHYT ba tháng một lần. Cơ quan BHXH sẽ ghi nợ và thu tiếp sau khi kết thúc ba tháng sử dụng thẻ.

Vẫn theo Khoản a, HS-SV có thể “đóng BHYT một hoặc hai lần trong một năm hoặc đóng một lần cho cả khóa học”. Giả sử đối tượng đóng một lúc cho cả khóa học kéo dài 4-5 năm. Trong thời gian dằng dặc như thế, giữa chừng, mức phí thay đổi theo hướng tăng lên chẳng hạn, quyền lợi của các em có được đảm bảo không? Các em có phải đóng bổ sung phần chênh lệch tăng thêm do bổ sung mức phí không?

Học sinh, sinh viên có thể đóng BHYT một lần cho cả khóa học 4 - 5 năm. Và đúng là có thể xảy ra tình trạng giữa chừng thay đổi chính sách về mức phí. Rồi có thể hợp đồng giữa nhà trường với cơ quan BHXH không ghi điều khoản quy định việc điều chỉnh mức đóng hoặc quyền lợi khi có sự thay đổi.

Trường hợp đó, cơ quan BHXH sẽ không đặt vấn đề thu bổ sung nếu mức phí được điều chỉnh tăng. Nếu quyền lợi tăng thì được hưởng quyền lợi theo quy định mới. Nếu quyền lợi bị thu hẹp thì được hưởng theo quy định cũ (thời điểm nộp tiền BHYT).

Có ý kiến cho rằng quy định 100% thành viên trong gia đình và 10% số hộ trên địa bàn xã, phường mua thẻ BHYT như Thông tư Liên tịch số 06/2007/TTLT-BYT-BTC là gây khó khăn, không vì lợi ích của người mua thẻ BHYT tự nguyện. Nguyện vọng của nhân dân trên nhiều địa bàn là ai có nhu cầu mua thì BHXH nên bán, không nhất thiết phải chờ cho đủ các điều kiện theo quy định.

Đúng là một số tỉnh thành gặp khó khăn khi triển khai theo quy định trên. Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì dù có hiện tượng như phản ảnh. Đơn giản chỉ là để bảo đảm tính cộng đồng và sự chia sẻ rủi ro trong cộng đồng, đảm bảo quỹ BHYT tồn tại và phục vụ lại cộng đồng.

Quỹ BHYT là do cộng đồng đóng góp và để trang trải chi phí khám, chữa bệnh của những người tham gia BHYT. Nếu chỉ có sự tham gia của những người có nhu cầu khám, chữa bệnh, quỹ làm sao chi trả nổi. Chỉ khi nào thu hút được những người khoẻ, trẻ tham gia BHYT tự nguyện, mới có thể tính đến việc bãi bỏ quy định hiện tại. Chúng ta nói rất nhiều về truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”.

Những người khỏe mạnh nên chăng nghĩ đến việc mua BHYT tự nguyện là đóng góp một phần, giúp một phần cho người không may phải sử dụng thẻ BHYT tự nguyện để khám chữa bệnh. Những bệnh nhân được hưởng đó có thể là bạn bè ta, thân nhân của ta và, có thể lúc nào đó, chính bản thân ta.

Cám ơn ông.

Quốc Dũng
Thực hiện

MỚI - NÓNG