Bộ mặt thật của những kẻ chủ mưu kích động người khiếu kiện gây rối

Bộ mặt thật của những kẻ chủ mưu kích động người khiếu kiện gây rối
TP - Như Tiền phong đã thông tin, các cơ quan chức năng Việt Nam vừa chặn đứng một âm mưu gây rối an ninh, trật tự do các thế lực thù địch và bọn phản động lưu vong ở nước ngoài cấu kết với một số đối tượng cơ hội chính trị và các phần tử phản động lợi dụng tôn giáo trong nước tiến hành.
Bộ mặt thật của những kẻ chủ mưu kích động người khiếu kiện gây rối ảnh 1
Thích Quảng Độ vừa kích động người khiếu kiện vừa giơ cao bó “quà” tiền sẽ tặng

Các đối tượng này đã vung tiền để dụ dỗ, mua chuộc, kích động người khiếu kiện tham gia biểu tình chống chính quyền ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đâu là bộ mặt thật của những kẻ chủ mưu xúi giục, mua chuộc và cầm đầu kích động người khiếu kiện gây rối?

Bài 1: Thích Quảng Độ-Kẻ tu hành không hề biết sám hối

“Khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con phải học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người, làm vơi bớt khổ đau của người, nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật  có giá trị, xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói điều sai sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và hận thù…”- Giới thứ tư trong Ngũ giới (Giáo lý nhà Phật)  dạy như vậy.

Tuy nhiên có những người mang danh Phật pháp nhưng lại có những hành động đi ngược lại giáo lý, Phật pháp. Đó chính là những hành động của Thích Quảng Độ và một số đối tượng khác, trong cái gọi là “Viện Hóa đạo, Giáo hội phật giáo Việt Nam thống nhất” (GHPGVNTN).

Một trong những kẻ chủ mưu kích động người khiếu kiện gây rối an ninh, trật tự xã hội là Hòa thượng Thích Quảng Độ, kẻ cầm đầu cái gọi là “Viện hóa đạo -Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”- một tổ chức tôn giáo không được thừa nhận ở nước ta kể từ năm 1981.

Ngày 17/7/2007, đích thân Thích Quảng Độ đã đi phát tiền “cứu trợ dân oan” cho những người khiếu kiện từ một số tỉnh phía Nam tụ tập về TP Hồ Chí Minh (tại Trụ sở Văn phòng II cơ quan Quốc hội), rồi ngay sau đó trực tiếp cầm loa tay kích động họ gây rối an ninh, trật tự, gây bức xúc trong dư luận.

Theo chính thông tin từ nội bộ nhóm này, ông ta đã phát ra là 300 triệu đồng cho những người đi khiếu kiện để mua chuộc họ(!?). Ngày 11/8, Thích Quảng Độ-nhân danh cái gọi là “Viện Hóa đạo” đã ra “Thông bạch” lập ra “Quỹ cứu trợ dân oan” và kêu gọi tăng ni, Phật tử đóng góp tiền để xúi giục dân đi kiện. 

Và sau đó, cũng chính Thích Quảng Độ đã cử Thích Không Tánh mang 300 triệu đồng ra Hà Nội để mua chuộc, kích động người khiếu kiện biểu tình chống chính quyền và sáng 23/8/2007, Thích Không Tánh đã bị các lực lượng chức năng bắt quả tang khi đang chuẩn bị phát tiền cho dân khiếu kiện tập trung trước Trụ sở tiếp công dân tại số 110, Cầu Giấy. Vậy Thích Quảng Độ là người như thế nào?

Thích Quảng Độ tên thật là Đặng Phúc Tuệ, sinh năm 1927 tại huyện Tiền Hải (Thái Bình), hiện trú tại chùa Thanh Minh Thiền Viện, số 90 phố Trần Huy Liệu, phường 15, quận Phú Nhuận, TPHCM. 

Xuất gia từ nhỏ tu học Phật pháp tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), rồi đi Ấn Độ, Srilanca tu tập Phật pháp, từng nắm giữ đến chức vụ Tổng thư ký Viện Hóa đạo GHPGVNTN, khối Phật giáo Ấn Quang (trước năm 1977). Như thế đáng lý ra, nếu cứ tiếp tục quá trình tu tập như một nhà sư phụng đạo, giúp đời thì có lẽ ông ta sẽ thấm nhuần lòng từ bi, bác ái và truyền thống yêu nước của Phật giáo Việt Nam…

Tuy nhiên, nhà tu hành này lại “ngộ” ra một tư tưởng đi ngược với lợi ích dân tộc, ngoan cố, chống đối đến cùng chế độ chính trị, thành quả của cuộc cách mạng mà hàng triệu người con của dân tộc Việt Nam đã ngã xuống mới giành được.

Theo tài liệu và chứng cứ của cơ quan chức năng, trong thời gian từ tháng 4/1977 đến tháng 12/1978, Thích Quảng Độ đã có thái độ bất mãn, chống đối chính quyền nhân dân, dọa tự thiêu và lợi dụng việc tổ chức “Đại giới đàn” để thuyết giảng, vu cáo chính quyền đàn áp Phật giáo như: Ra thông bạch kêu gọi và kích động tăng, ni sinh sẵn sàng “tử vì đạo” nếu cần; đồng thời nhân vụ sư cô Như Hiền uống thuốc độc tự vẫn (vì chuyện riêng), Thích Quảng Độ cùng một số đối tượng khác tung tin sư cô Như Hiền chết để phản đối chính quyền.

Vì có hành vi tổ chức các hoạt động chống đối Nhà nước, ông ta đã bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ, truy tố trước pháp luật. Tuy nhiên, xét thấy mức độ vi phạm chưa nghiêm trọng, TAND TP Hồ Chí Minh đã xử khoan hồng, trả ông ta về Thanh Minh Thiền Viện.

Nhưng cũng kể từ đó, Thích Quảng Độ công khai chống lại chủ trương thống nhất Phật giáo toàn quốc. Thích Quảng Độ cùng một số đối tượng chống đối trong “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” (GHPGVNTN) tiến hành nhiều hoạt động nhằm cản trở việc chuẩn bị cho Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc (năm 1981), và sau khi GHPGVNTN sáp nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì ông ta vẫn ngang ngược tiếp tục duy trì các hoạt động mang danh nghĩa “GHPGVNTN”.

Vì lẽ đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã phải ra quyết định cấm y cư trú trên địa bàn; UBND tỉnh Thái Bình cũng đồng thời ra quyết định buộc Thích Quảng Độ cư trú tại chùa Đông Xoài, tỉnh Thái Bình.

Liên quan đến sự kiện kết thúc quá trình tồn tại của “GHPGVNTN” và hành vi ngang ngược của vị “tu sỹ cá biệt” Thích Quảng Độ, nhân danh cái gọi là “Viện trưởng Viện Hóa đạo-GHPGVNTN” ký quyết định bổ nhiệm Ban đại diện Phật giáo một số tỉnh, thành phố phía Nam.

Ngày 9/11/2005, trả lời phỏng vấn TTXVN, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định việc làm này của Thích Quảng Độ là mạo xưng, không có giá trị pháp lý, trái với Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trái với pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ nói: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” ra đời tháng 1/1964 tại Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) với sự hợp nhất của 11 hệ phái, tổ chức Phật giáo ở miền Nam lúc bấy giờ. Tháng 11/1981, các bậc tôn túc đứng đầu “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” đã cùng các vị đứng đầu Phật giáo của 8 tổ chức Phật giáo khác tự nguyện gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong Lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ghi rõ: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và ngoài nước”. Với ý nghĩa đó, về mặt lịch sử cũng như pháp lý, “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” không còn tồn tại theo nguyên nghĩa là một tôn giáo độc lập.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ cũng khẳng định: Giáo hội Phật giáo Việt Nam tôn trọng quá khứ lịch sử của “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” song không chấp nhận việc một số vị mạo xưng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” dựng lại tổ chức đã gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1981, thực chất đấy là việc làm hòng chia rẽ gây mất đoàn kết trong nội bộ Phật giáo và tổn hại tới lợi ích dân tộc.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG