Thiếu kinh phí cho hoạt động Đoàn - Tháo gỡ theo hướng nào?

Thiếu kinh phí cho hoạt động Đoàn - Tháo gỡ theo hướng nào?
TP - Hiện nay, tại hàng trăm xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, kinh phí cho hoạt động Đoàn một năm chỉ vỏn vẹn chừng vài trăm ngàn đồng.
Thiếu kinh phí cho hoạt động Đoàn - Tháo gỡ theo hướng nào? ảnh 1
Anh Đoàn Văn Thái - Bí thư T.Ư Đoàn tặng báo Tiền phong đến thanh thiếu nhi xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang) - Ảnh: Tuấn Minh

Nói chính xác hơn là chỉ đủ cho một bữa ăn trưa vui vẻ sau lễ tổng kết công tác năm giữa Bí thư Đoàn xã với cán bộ Đoàn tại thôn bản.

Khoảng cách quá lớn giữa các đối tượng, các vùng miền, các lĩnh vực về kinh phí hoạt động Đoàn đang là bài toán đặt ra trước thềm Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX sắp tới.

Hà Giang: Chỉ đủ cho một bữa cơm tổng kết cuối năm!

Mặc dù Tỉnh Đoàn Hà Giang đã rất nỗ lực trong tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của Đoàn nhưng thực tế thì không mấy cải thiện. Những thiếu hụt về kinh phí hoạt động luôn đè nặng trên vai những cán bộ Đoàn nơi cao nguyên đá.

Trong 195 xã, phường của Hà Giang hiện vẫn còn tới 50 xã đặc biệt khó khăn, sản xuất nông nghiệp hết sức bấp bênh nơi địa hình đá tai mèo lởm chởm, thời tiết khắc nghiệt. Thực tế đó tác động sâu sắc đến hoạt động Đoàn tại đây.

Chị Lò Thị Mỷ - Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang cho biết: Xã khấm khá nhất tại Hà Giang kinh phí hoạt động một năm cùng chỉ chừng 2-3 triệu đồng.

Tại những xã khó khăn thuộc các huyện Mèo Vạc, Bắc Quang, Lũng Cú, Xín Mần thì kinh phí cho hoạt động Đoàn một xã chỉ chừng vài ba trăm ngàn đồng.

Nói chính xác hơn đó là khoản kinh phí chừng 1 triệu đồng do xã cấp chung cho các tổ chức đoàn thể để tổ chức tổng kết cuối năm.

Cả Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân... chung nhau gần một triệu đồng ít ỏi ấy để tổ chức lễ tổng kết, ăn với nhau bữa cơm trưa trước khi khoác tay nải vượt rừng, vượt núi cả chục cây số về với thôn bản của mình.

Chia ra theo cách của chị Lò Thị Mỷ thì Đoàn Thanh niên xã được khoảng 300 ngàn đồng/năm.

Là nữ cán bộ Đoàn người dân tộc, gắn bó với thanh niên qua nhiều vị trí công tác, chị Lò Thị Mỷ được xem là nữ thủ lĩnh thanh niên mạnh mẽ và không ngại khó ngại khổ.

Nhằm giảm bớt khó khăn cho cơ sở, nhiều lần chị đã thay mặt cả BCH Tỉnh Đoàn ký văn bản gửi đến nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đề nghị hỗ trợ kinh phí nhưng tịnh không thấy hồi âm.

“Không phải doanh nghiệp ngại giúp mình. Vấn đề là bản thân họ cũng đang khó khăn thì làm sao mà rút tiền hỗ trợ từ thiện được. Hội Doanh nghiệp trẻ của tỉnh với 33 hội viên có nguy cơ giải thể vì đã rất lâu không tổ chức được hoạt động” - Chị Lò Thị Mỷ cho biết.

Sơn La: 500.000 đồng/xã/năm

Tại tỉnh Sơn La, Lai Châu, tình hình cũng không mấy sáng sủa. Công việc trên đôi vai người cán bộ Đoàn xã ngày thêm nặng nề nhưng kinh phí dành cho hoạt động Đoàn thì nhiều năm nay gần như vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Anh Nguyễn Ngọc Toàn-Trưởng Ban Tổ chức-Kiểm tra Tỉnh Đoàn Sơn La cho hay: Không kể khoản lương cấp cho Bí thư Đoàn xã theo quy định của Chính phủ, tại Sơn La nhiều xã chỉ được cấp chừng 500 ngàn đồng mỗi năm cho hoạt động Đoàn.

Đây là khoản kinh phí do HĐND xã phê duyệt trên cơ sở các khoản thu - chi của địa phương. Sơn La hiện còn tới khoảng 80 xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu, Sông Mã...Tình trạng “trắng” Đoàn, Hội tại một số thôn, bản đã xảy ra.

Tại các xã khó khăn về tài chính, hoạt động Đoàn ở đó thường là tổ chức treo cờ, làm khẩu hiệu và một vài hoạt động nhỏ lẻ nhân ngày thành lập Đoàn 26/3, Quốc khánh 2/9, ngày thành lập Đảng 3/2... là đã rất cố gắng.

Mức kinh phí trung bình tại Sơn La cấp cho một xã là 1,5 triệu đồng/năm và mức cao là 2 triệu đồng/năm. Cũng theo anh Nguyễn Ngọc Toàn, kinh phí được cấp hàng năm dù có khéo co kéo cũng chỉ may ra đủ chi cho hoạt động sơ kết, tổng kết, họp hành.

“Thu nhập của người dân quá thấp, đoàn phí thì thu gần như không đáng kể nên kinh phí đành trông chờ cả vào ngân sách. Điều đó làm hạn chế rất nhiều khả năng hoạt động của Đoàn tại cơ sở” - Anh Toàn chia sẻ.

Do thiếu kinh phí trầm trọng, nên tài liệu sinh hoạt Đoàn, sách báo cũng rất thiếu tại các xã nghèo.

Qua tìm hiểu của phóng viên Tiền phong, tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai... kinh phí cho hoạt động Đoàn tại cơ sở cũng đang rất cần được sự quan tâm nhiều hơn của cấp ủy, chính quyền và tổ chức Đoàn cấp trên.

--------------------

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG