Rác thải y tế: Nỗi lo từ mắt thấy tai nghe

Rác thải y tế: Nỗi lo từ mắt thấy tai nghe
TP - Vụ việc một nhân viên BV Việt Đức tuồn rác thải y tế ra ngoài cho tư thương tái chế làm đồ gia dụng không phải là cá biệt. Phóng viên Tiền phong đã có cuộc khảo sát vòng quanh bãi rác một số BV tại Hà Nội và ghi nhận thực tế hãi hùng. 
Rác thải y tế: Nỗi lo từ mắt thấy tai nghe ảnh 1
BS Lê Văn Hốt, Bệnh viện K đang mở nắp chiếc thùng chứa rác y tế đã đầy ắp  Ảnh: M.H

Tại Việt Đức - một BV có lượng rác thải y tế lớn nhất Hà Nội - ngay từ lối dẫn vào kho chứa rác đã thấy ngổn ngang những thùng, những bịch nilon chật cứng. 

Theo ông Lê Văn Bình, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn BV Việt Đức, kho chứa có diện tích nhỏ hẹp, trong khi Cty Môi trường đô thị một tuần thu gom ba lần hoặc phải chờ đầy mới thu gom nên nhiều khi kho hết chỗ, phải tạm thời để rác bên ngoài.

Tại BV K, trung bình một tháng thải ra một tấn rưỡi rác thải y tế, trong đó có tới 200-300 kg rác thải thuộc loại độc hại, cực kỳ nguy hiểm. Tất cả số rác này được chứa trong ba thùng nhựa, một tuần ba lần chờ Cty Môi trường Đô thị tới chở. Ba thùng chứa này nằm trước nhà vệ sinh công cộng của Viện, người ra vào không ngớt.

Bác sĩ Lê Văn Hốt, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn BV K, cho biết, do diện tích quá chật chội nên BV K hiện nay không có kho chứa rác thải y tế. Sau khi phân loại, rác thải được đóng vào túi nilon rồi để vào ba thùng chứa nói trên. Trong tình trạng gần như không có người trông giữ, lại nằm ở một nơi đông người qua lại, việc kẻ xấu lợi dụng cơ hội để lấy các túi rác bán cho đồng nát là điều rất dễ thực hiện.

Việc tiếp cận và “mót” rác thải y tế quả thật rất dễ dàng. Ngày 29/8, khi chúng tôi theo chân chị Nguyễn Thanh Huyền, tổ trưởng tổ Tiệt khuẩn, khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tới tham quan khu chứa rác của BV được khẳng định là rất quy củ thì bắt gặp một phụ nữ đang vội vàng… móc rác. Thực tế cả BV Phụ sản cũng chỉ có 4 thùng chứa rác. Khi chúng tôi có mặt, cả 4 thùng đã quá tải.

Tại BV Bạch Mai – BV hiện nay dẫn đầu về công tác chống nhiễm khuẩn – thật bất ngờ vì nơi chứa rác thải rất dễ xâm nhập. Trong một nhà kho khá rộng không hề có cửa, một thùng xe ô tô cũ được dùng làm thùng chứa rác thải sinh hoạt đã đầy ắp.

Dưới thùng xe, xếp quanh chân tường là các túi màu vàng, màu đen đựng rác thải y tế. Không biết do rơi rớt trong quá trình vận chuyển hay vì lý do gì mà dọc lối vào kho chứa rác vương vãi ống tiêm, găng tay cao su.

Ngoài những khó khăn mà các bệnh viện gặp phải, có một thực tế cần phải thừa nhận là việc quản lý chất thải y tế hiện đang bị buông lỏng. Bệnh viện nào cũng quả quyết làm đúng quy trình của Bộ Y tế khi phân loại rác từ đầu nguồn và cho vào các túi nilon có màu sắc tương ứng.

Tuy nhiên, sự cố xảy ra ở “cuối nguồn”, bác sĩ Bình thừa nhận là do “đã quá tin tưởng nhân viên trông kho”. Trong khi đó, tại một số BV khác, thậm chí không thể tìm thấy người trông kho hoặc người quản lý khu vực chứa rác!

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Cách đây 6 năm, BV Việt Đức từng áp dụng quy trình tự xử lý rác thải y tế do Đức hỗ trợ. Tuy nhiên, khi vận hành hệ thống, khói rác bay ra gây ảnh hưởng tới khu vực dân cư xung quanh.

Trong khi đó, để trang bị một lò đốt hiện đại, đảm bảo khói bay ra an toàn tuyệt đối như lò đốt của Thụy Điển, cần có nguồn kinh phí rất lớn. Ngoài ra không phải lò đốt nào cũng phù hợp với một BV có khối lượng rác quá lớn, lại nằm ngay giữa khu dân cư đông đúc.

Vì vậy, BV đã đóng cửa lò đốt và chuyển sang ký hợp đồng vận chuyển, tiêu hủy với Cty Môi trường Đô thị với chi phí gần 100 triệu đồng/tháng.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.