Giật mình canh cửa... rác bệnh viện

Giật mình canh cửa... rác bệnh viện
Sau vụ rác thải BV Việt - Đức tuồn ra ngoài cho tư thương, các bệnh viện bắt đầu siết chặt việc quản lý rác, và thừa nhận: Cửa canh kỹ vẫn... "hở".
Giật mình canh cửa... rác bệnh viện ảnh 1

Sau vụ rác thải ở Bệnh viện Việt - Đức, rác thải tại các bệnh viện được quản lý chặt hơn. Chiều 30/8, công an vào tận nhà rác của Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra.

Cửa đóng then cài "canh"... rác

Chiều 30/8, BV Bạch Mai đã có cuộc họp tập trung vào 3 vấn đề chính là chất thải, nước thải và nước sinh hoạt. Kết thúc buổi họp, Ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai yêu cầu các phòng ban phối hợp chặt chẽ trong việc thu gom, quản lý chất thải, đặc biệt là rác thải y tế. Quy trình quản lý chất thải bệnh viện cũng được yêu cầu xem xét lại cho tốt hơn.

Giật mình canh cửa... rác bệnh viện ảnh 2
Khu để rác thải y tế của Bệnh viện Bạch Mai.

Là một bệnh viện lớn của miền Bắc, mỗi ngày BV Bạch Mai đón tiếp và điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân. Tỷ lệ thuận với việc này là lượng rác thải được xả ra khá lớn.

Khu chứa rác thải của BV nằm ở một khu khá yên tĩnh và vắng vẻ. Nằm sau cánh cửa bảo vệ (vừa đủ một chiếc xe tải đi vào) là một khu chứa rác của BV. Rác thải được phân làm 2 khu, một dành cho rác thải sinh hoạt, một bên là rác thải y tế.

Mỗi tháng, chỉ tính riêng rác y tế của BV ’’xả’’ ra trên dưới 10 tấn. Như vậy trung bình mỗi ngày có tới trên dưới 300 kg rác thải y tế cần được xử lý.

Giật mình canh cửa... rác bệnh viện ảnh 3

Thùng đựng rác thải y tế theo quy định có màu vàng.

Với một lượng rác thải lớn như vậy, không phải lúc nào công tác quản lý cũng được chặt chẽ. TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, BV Bạch Mai băn khoăn: ’’Mặc dù khu chứa rác đã được tách ra riêng biệt, có khoá cẩn thận nhưng không thể tuyệt đối an toàn. Sắp tới, hệ thống cửa sắt phải được nâng cao hơn nữa để những người bên ngoài không lọt được vào. Đặc biệt, công tác bảo vệ phải được tăng cường mạnh hơn nữa’’.

TS Nguyễn Việt Hùng cho biết thêm: Quy trình vận chuyển rác của BV tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế. BV Bạch Mai cũng có quy định quản lý chất thải BV riêng đang chỉnh sửa lần thứ 3. Theo đó, chúng tôi phân loại rác từ nơi phát sinh, túi vàng để rác thải y tế, túi xanh để rác thải sinh hoạt. Việc thu gom, vận chuyển rác được BV Bạch Mai ký hợp đồng với Xí nghiệp xử lý chất thải công nghiệp - y tế (thuộc Công ty môi trường đô thị). Hàng ngày, có xe của Xí nghiệp đến thu nhận rác dưới sự chứng kiến, ghi nhận của nhân viên BV.

Giật mình canh cửa... rác bệnh viện ảnh 4

Nhân viên y tế ghi số liệu rác thải y tế được vận chuyển ra tại Bệnh viện Bạch Mai. Đáng lẽ những thùng này phải màu vàng.

TS Hùng thừa nhận: ’’Từ trước đến nay, công tác quản lý chất thải được quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, việc thu gom rác từ nơi phát sinh đến khu nhà rác có một đội ngũ nhân viên làm (hộ lý hoặc công nhân vệ sinh môi trường). Trong quá trình vận chuyển chỉ cần không cẩn thận người bên ngoài (chủ yếu là cánh buôn bán đồng nát) dễ trà trộn vào để lấy trộm. Cách đây 3 tuần, nhân viên của BV đã bắt một đối tượng lợi dụng lúc nhân viên đang thu rác ’’mót’’ đồ trên xe. Chúng tôi đã lập biên bản. Tuy nhiên, ngày hôm sau vẫn phát hiện mất một túi rác khoảng 10kg trong kho. Có thể đối tượng đã lợi dụng đúng hôm cửa sắt bị hỏng dùng dây móc túi rác ra’’.

Khi PV có mặt tại khu chứa rác, đúng thời điểm xe của Xí nghiệp đến thu rác đem về xử lý.

Ngay tại cổng xe có nhân viên của BV ghi chép sổ sách. Tuy nhiên, theo quy định thùng màu vàng sẽ để rác y tế còn thùng màu xanh để rác sinh hoạt. Thế nhưng, một số thùng để rác thải y tế lại màu xanh. TS Hùng yêu cầu nhân viên phải sử dụng thùng vàng, không được dùng thùng xanh viết chữ vàng bởi chữ có thể mờ đi. Như vậy, việc phân chia rác sẽ không được chính xác.

Còn tại BV K, hai ngày một lần nhân viên Công ty môi trường đến đến thu gom rác một lần nhưng chỉ có 3 thùng chứa rác. Với một số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị xem ra 3 thùng này chỉ chứa đủ trong vòng 1 ngày.

BS Lê Văn Hốt, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn BV K thừa nhận, BV chưa có khu để rác thải y tế riêng nên việc quản lý còn hạn chế. Trung bình một tháng thải ra hơn một tấn rác thải y tế, trong đó có tới 200-300 kg rác thải thuộc loại độc hại.

Với lượng rác thải như vậy lại không người trông giữ, không có khu riêng biệt việc kẻ xấu vào ’’mót’’ rác thải là khá dễ dàng.

Giật mình canh cửa... rác bệnh viện ảnh 5
Nhà để rác y tế của Bệnh viện Nhi Trung ương đóng chặt cửa.

Tại BV Nhi Trung ương, nơi mỗi ngày đón tiếp 1.200-1.300 bệnh nhân đến khám và điều trị lượng rác thải cũng tương đối lớn.

Theo ông Phan Trần Dương, Phó GĐ BV Nhi Trung ương, mỗi ngày BV ‘’xả’’ khoảng 100-120 kg rác thải y tế. Rác thải được phân loại ngay từ nơi phát sinh bằng túi màu vàng (rác thải y tế) và túi màu xanh (rác thải sinh hoạt). Đây là những túi chuyên dụng. Rác được nhân viên đi thu gom và đưa về nhà rác của BV bằng xe chuyên dụng. BV ký hợp đồng với Công ty môi trường đô thị hàng ngày vào chở đi. Những nơi để rác cũng có khóa cẩn thận, tường cao và có nhân viên bảo vệ’’.

Trong lần trả lời báo chí gần đây, Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), cho biết: ‘’Sau khi chúng tôi bắt quả tang ở BV Việt - Đức thì việc xử lý rác thải ở các BV khác mới đi vào quy củ’’. Đúng như lời Đại tá Thảo, thời điểm này nhiều BV đã nhanh chóng chấn chỉnh việc thu gom, xử lý rác.

Bộ Y tế lệnh khẩn: Giám sát rác bệnh viện!

Ngay sau sự việc "tuồn" rác BV Việt - Đức Hà Nội ra bên ngoài vừa bị phát hiện, ngày 30/8, Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Trung tâm y tế các ngành yêu cầu Giám đốc các BV và cơ sở y tế cần thực hiện đúng Quy chế quản lý chất thảiI y tế (đã ban hành năm 1999). Tăng cường kiểm tra và giám sát chặt quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý và tiêu huỷ chất thải y tế. Kiểm tra việc thu gom các chất thảiI có chứa các thành phần có thể tái chế như: nhựa, thuỷ tinh, giấy, kim loại… tại các khoa, phòng của cơ sở y tế.

Nghiêm cấm mua bán, cho, tặng các thành phần chất thải có yếu tố nguy hại chưa qua xử lý. Ngoài ra cần xây dựng và cụ thể hoá quy trình thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu huỷ chất thải y tế của các bệnh viện và các cơ sở y tế. Phân công rõ trách nhiệm cho cán bộ làm công tác quản lý chất thải và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Cũng theo công điện này, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm y tế cần kiểm tra việc thực hiện Quy chế quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế trực thuộc. Ngoài ra, Sở y tế cần phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan xây dựng kế hoạch quản lý và xử lý chất thải y tế cho toàn bộ các cơ sở y tế trên địa bàn. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện và báo cáo về Vụ Điều trị (Bộ Y tế) trước ngày 30/9.

Việc quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế đã được quy định rõ tại Quy chế quản lý chất thải y tế ngày 27/8/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Thời điểm này, các BV cũng ra quy định riêng dựa trên quy định của Bộ Y tế. Nếu đối chiếu với quy định thì việc quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế tại các BV còn phải chấn chỉnh lại. Sau vụ việc này, vấn đề rác thải y tế sẽ được quan tâm hơn.

Theo VietnamNet

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.