Không cẩn thận, chúng ta phải trả giá bằng một thế hệ

Không cẩn thận, chúng ta phải trả giá bằng một thế hệ
TP - Sau khi Tiền phong đăng bài "Xung quanh chủ trương nhập hai kỳ thi làm một và thi trắc nghiệm tràn lan: Phải chăng chúng ta đang thực hiện một nền giáo dục “bôi đen”?" của GS Văn Như Cương, Tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến.
Không cẩn thận, chúng ta phải trả giá bằng một thế hệ ảnh 1
Thi trắc nghiệm làm không ít học sinh bối rối

Thiên Danh: Hãy nhìn lại hiệu quả của cải cách giáo dục

Tôi là giáo viên dạy Toán tại một trường THPT Hà Nội. Trong tổ bộ môn của chúng tôi mọi người đều nhất trí với những điều tâm huyết mà GS Văn Như Cương đã dành cho nền giáo dục nước nhà. Hàng ngày khi trước giờ lên lớp chúng tôi vẫn thường bàn tán xung quanh những cải cách giáo dục nước ta trong những năm qua.

Trong bài viết này tôi xin đưa ra một số quan điểm cá nhân, đồng thời cũng là nguyện vọng của những người giáo viên dạy toán chúng tôi.

1. Vấn đề cải cách giáo dục: Trong thời gian qua, chúng ta đã thực hiện cải cách giáo dục nhiều lần. Đặc biệt là việc cải cách chữ viết, viết lại sách giáo khoa ba bốn lần, tiêu tốn hơn 10 nghìn tỷ đồng của Nhà nước.

Tuy nhiên, hiệu quả mang lại được bao nhiêu thì ai cũng biết. Hậu quả đó không ai là người chịu trách nhiệm. Thiệt hại thuộc về Nhà nước và nhân dân. Vậy thử hỏi những chủ trương sắp tới bộ giáo dục đưa ra, nếu lại là sai lầm thì có ai giám đứng ra chịu trách nhiệm hay không?

2. Việc nhập hai kỳ thi làm một được lý giải là để tiết kiệm, thế thì xin hỏi rằng những sự lãng phí ghê gớm trong thời gian qua sao không nhắc đến việc tiết kiệm. Mặt khác, nếu tiết kiệm được một khoản trong kỳ thi tuyển sinh mà làm hỏng cả một nền giáo dục, cả một thế hệ thì có nên không?

Theo chúng tôi có thể nhập hai kỳ thi làm một nhưng chưa phải bây giờ. Mà phải chờ khi nào đất nước thực sự đủ điều kiện, khi nào quét hết sự những tiêu cực trong nền giáo dục, khi nào những nhà quản lý giáo dục thực sự đủ tầm với nhiệm vụ thì hãy làm.

Không thể nói là năm 2009 hay năm 2015 được. Hàng chục năm qua chúng ta vẫn tổ chức hai kỳ thi, trên thế giới vẫn nhiều nước tổ chức hai kỳ thi có sao đâu. Không nên nguỵ biện trong vấn đề này.

3. Vấn đề thi trắc nghiệm tràn lan, đặc biệt là môn Toán thì lại càng không nên. Đặc thù môn Toán không cho phép người học chỉ quan tâm đến kết quả, mà phải có lập luận logic, chặt chẽ cũng như những phương pháp giải khoa học độc đáo. Có như vậy thì mới rèn cho học sinh được những phẩm chất tốt nhằm phục vụ cho cuộc sống sau này.

Ở trường tôi năm nay đã bắt đầu luyện cho học sinh học theo kiểu thi trắc nghiệm và những nhược điểm đã bộc lộ. Rất nhiều bài toán học sinh làm đúng đáp số, nhưng khi được yêu cầu trình bày cách giải thì hoá ra lại giải sai.

Bên cạnh đó đề thi trắc nghiệm không thể đưa vào những bài toán hay, dài cần một khoảng thời gian suy nghĩ lâu, cũng như một số phần không thể đưa vào trắc nghiệm như: Vẽ đồ thị, vẽ hình không gian... Như vậy thì làm sao rèn dũa học sinh được!

4. Vấn đề cải cách giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, vì vậy chúng tôi thiết tha mong Bộ Giáo dục đừng duy ý chí, hãy tập hợp ý kiến của nhân dân và nên làm điều gì là thiết thực. Đừng đưa ra những quyết định mà nếu thành công thì hiệu quả cũng không đáng gì còn nếu thất bại thì phá hỏng cả một nền giáo dục.

Phạm Trí Việt; Email: triviet@yahoo.com: Cơ bản là phải khắc phục những điểm yếu trong quản lý giáo dục hiện nay

Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm của GS Văn Như Cương nêu ra và phân tích trong bài viết. Tôi xin nêu và phân tích thêm như sau:

Trung Quốc là nước đã bỏ thi đại học và mới đây nhận thấy sai lầm lại phải tổ chức lại việc thi ĐH, bài học này tại sao ngành giáo dục không nhận ra mà vẫn đi làm một việc theo cái sai người ta đã phải sửa?

Tôi nhận thấy ngành giáo dục hiện nay trước tiên cần phải rà soát lại công tác quản lý giáo dục. Giáo dục liên quan đến toàn xã hội, nếu các cán bộ quản lý giáo dục thiếu cái tâm cái tầm thì vô cùng nguy hiểm cho xã hội.

Điểm yếu nhất của giáo dục hiện nay là vấn đề quản lý giáo dục, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để sửa chữa thì mới mong giáo dục phát triển bền vững. Tôi xin chứng minh quan điểm này như sau:

Cái sai đầu tiên của công tác quản lý là đưa ra thực hiện phân ban ở cấp THPT. Công tác giáo dục phổ thong có mục tiêu là giảng dạy kiến thức phổ thông đại trà cho học sinh cả nước. Ở cấp THPT quan điểm đúng đắn là trước khi học xong THPT cần hướng nghiệp cho h/s về nghề nghiệp để sau khi học xong THPT các em có hướng đi đúng đắn, phù hợp với khả năng cho cuộc sống tương lai.

Ngành giáo dục nhận thức sai về công tác hướng nghiệp nên đã tổ chức ra chương trình phân ban ở cấp THPT tức là áp đặt một cách chủ quan bằng chương trình học phân ban cho học sinh.

Điểm yếu thứ hai trong công tác quản lý giáo dục (điểm yếu cơ bản) là không đánh giá chính xác được chất lượng h/s từng môn học trong năm dẫn đến tình trạng ngồi nhầm lớp. Ngồi nhầm lớp là hệ quả của đánh giá sai chất lượng học sinh cộng với bệnh thành tích, nhưng tôi cho rằng vấn đề đánh giá sai chất lượng h/s là nguyên nhân chính.

Nếu quản lý giáo dục sát sao với việc đánh giá đúng chất lượng h/s từng môn học trong năm, nghiêm túc thực hiện h/s cuối năm học có lực dưới trung bình phải ở lại lớp thì chắc chắn giáo dục của chúng ta sẽ đảm bảo chất lượng.

Từ điểm yếu này dẫn đến ngành giáo dục không dựa vào kết quả các môn học trong năm để công nhận học sinh tốt nghiệp THPT, quan trọng hoá vấn đề thi tốt nghiệp THPT trong khi thi tốt nghiệp đến 6 môn thực chất chỉ có khoảng 1 tháng ôn chỉ làm cho h/s bị áp lực học ôn rất nặng mà thôi chứ hoàn toàn không phản ánh chính xác học lực h/s như điểm học lực cả năm học.

Rõ dàng là từ sai lầm này dẫn đến sai lầm khác một nặng hơn mà hệ quả cuối cùng là chất lượng giáo dục kém cũng chính từ nguyên nhân sai lầm thứ hai này.

Tôi cho rằng nếu không khắc phục sai lầm thứ hai này thì mãi mãi ngành giáo dục không bao giờ nâng cao được chất lượng học sinh bởi vì việc dạy như thế nào, học như thế nào mới là cốt lõi của chất lượng giáo dục chứ không phải vấn đề thi cử như thế nào.

Hoàng Hà: Thi trắc nghiệm môn Toán được và mất

Tôi là giảng viên bộ môn Toán ở một trường đại học tại Ha Nội. Vừa qua đọc bài viết của GS Cương tôi rất đồng quan điểm nên đưa ra vài ý kiến cá nhân, thử tính xem thi trắc nghiệm môn toán được và mất gì?

Được: Một là: Tiết kiệm thời gian chấm bài, Mở rộng đối tượng chấm bài (Vợ, con giáo viên; người ngoài nghề không phải là GV dạy toán; học lớp 1 có thể chấm bài thi đại học....).

Hai là: Đề thi có thể nhiều câu hơn (tuy nhiên không thể có bài hay) nhờ đó kiểm tra được nhiều phần hơn trong chương trình.

Ba là: Thi xong học sinh xem đáp án thì có thể nói chắc như đinh là họ được bao nhiêu điểm.

Mất: Thứ nhất: Mất một số nội dung không thể đưa vào thi trắc nghiệm (Như vẽ hình, vẽ đồ thị).

Thứ hai: Học sinh không cần rèn chữ viết và cách trình bày (đơn thuần về hình thức).

Thứ ba: Không rèn được tính ngăn nắp, quy củ, sự chặt chẽ trong cách nói, viết của học sinh cũng như sự qui củ nề nếp trong sinh hoạt. Đây là một ưu điểm thường có ở người học giỏi môn toán.

Thứ tư: Thi trắc nghiệm không thể đưa vào những bài toán hay, lớn có đề dài và bài giải dài. Như vậy học sinh chỉ cần học theo chiều rộng mà không cần đi sâu. Điều này sẽ triệt tiêu năng lực sáng tạo cá nhân. Bởi vì khi đó cả xã hội trắc nghiệm ( học sinh học để thi trắc nghiệm và thầy phải dạy để học sinh thi trắc nghiệm được điểm cao).

Thứ năm: Chúng ta phải viết lại bộ sách giáo khoa, bộ sách hiện nay không phải là sách phục vụ cho việc học để thi trắc nghiệm - Lại thêm một sự lãng phí.

Nói tóm lại, theo tôi thời gian học ở trương phổ thông là thời gian rèn dũa học sinh một cách toàn diện. Họ phải vất vả, cực nhọc, phải đọc nhiều , viết nhiều, thuộc nhiều, nhớ nhiều...trước khi bước vào đại học. Đây là một phẩm chất cần trang bị cho học sinh, mà thi trắc nghiệm môn Toán nói riêng và các môn khác nói chung đều triệt tiêu mất điều này.

Vì vậy rất mong Bộ Giáo dục cân nhắc kỹ trước khi quyết định và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.

Hoàng Huy Tự; Email: hoanghuytu@yahoo.com: Cần trách nhiệm hơn trước các quyết định của mình

Ai cũng biết, giáo dục là nền tảng, là cốt lõi của mọi sự phát triển. Nhưng tại sao ở Việt Nam chúng ta cái cốt lõi đó lại cứ đem ra thử nghiệm, thử thế này không được thì lại thử kiểu khác? Như vậy há phải chăng là lấy cả một thế hệ con người làm liều thuốc thử nghiệm?

Ở Việt Nam chúng ta, nếu thực hiện một cuộc điều tra thăm dò trong giới sinh viên, sẽ có đến 80% sinh viên nói là sau khi ra làm việc sẽ khác hẳn hoàn toàn so với những kiến thức đã học được trong trường. Học ở trong các trường Đại học ở đây chủ yếu là học cách tư duy mà thôi!

Vậy thì hình thức thi trắc nghiệm này lại phản biện lại sự thật hiện nay? Một cuộc thi không cần phải tư duy từng bước, nếu không muốn nói mặc dù không biết gì nhưng tỷ lệ đúng là 25% - Một tỷ lệ không nhỏ - Đấy là chưa kể sẽ tạo cho học sinh tâm lý muốn có được kết quả ngay mà không cần phải trải qua quá trình nào cả.

Ngày trước, khi làm một bài toán thi đại học, học sinh phải tìm ra câu văn làm sao để một bài toán có cả mở bài, thân bài, kết luận. Nhưng theo hình thức thi trắc nghiệm thì chỉ cần cái kết luận là đủ! Sợ rằng rồi các thế hệ ngày mai chỉ quan tâm đến kết quả mà thôi.

Giật mình lại nghe nói ghép 2 lần thi lại thành 1, nghĩa là không còn cảnh khăn gói lên xe ô tô đến các thành phố lớn đi thi nữa, sẽ không còn cảnh xe ôm, xe khách bắt chẹt khách. Đây là một ý tốt của các nhà lãnh đạo giáo dục, nhưng họ đâu có biết rằng, rất rất nhiều học sinh vì mong đến cảnh như vậy để cố gắng 12 năm học, sẽ đề cao mấy ngày đi thi để cố gắng hơn. Đấy là chưa nói tình trạng tiêu cực ở nước ta vẫn còn đáng kể, càng trải rộng ra thì càng khó đi hết... Biết đâu...........

Dung; Email: lam_dung2003@yahoo.com: 2 trong 1 - Học và thi

2 trong 1 - đổi mới , đổi mới và đổi mới! Tại sao cứ hàng năm nước ta lai cứ luẩn quẩn việc thi cử vào dịp hè? Cứ đổi mới liên tục rồi cuối cùng cũng chẳng cái nào coi được. Xin nói thiệt mất lòng, việc học hiện tại cũng chưa ra gì đừng nói chi đến việc thi.

Nhưng đã nói thì phải bàn, phải có ý kiến - nhất là chuyện thi cử (chuyện mà tất cả học sinh kể cả cha mẹ học sinh năm nào cũng khổ). Những năm gần đây ta phát hiện cần phải đổi mới là thi trắc nghiệm (xin lỗi chuyện này nó còn xưa hơn trái đất - vậy mà nói là mới).

Thi rồi cử. Ngày xưa thi xong đậu cao vua cử làm quan. Ngày nay ta thi rồi học tiếp, rồi xin đi làm chứ chằng ai cử hết. Vậy chuyện thi có lý của nó là xem có đủ sức học tiếp lên cao hay không, có đủ năng lực để đi làm kiếm cơm hay không. Tiếc thay ngày nay người ta thi để "có bằng có cấp".

Vậy cái gốc là cần đổi mới cái đầu của người đi thi, biết mình đi thi để làm gì, thi để biết khả năng mình tới đâu, kiến thức mình đã học như thế nào. Ý thức người đi thi hiểu rõ thì có thi trắc nghiệm hay tự luận hay thi vấn đáp cũng đều có ý nghĩa.

Đã nói là phương pháp được áp dụng thì chẳng có cái nào hay nhất mả cũng chẳng có cái nào dở nhất, chỉ có việc ta áp dụng có thích hợp, có hiệu quả hay không. Vậy chẳng có cái nào là tuyệt đối cả.

Chuyện đổi mới thi 2 trong 1 tôi nghe mà buồn cười quá. Đủ thứ lý lẽ tiện lợi hay ho đưa ra cho việc thi 2 trong 1 mới toanh này. Xin lỗi các "bác" lãnh đạo mình luôn tìm cách đổi mới "hiện tượng" chứ không tìm cách đổi mới "bản chất".

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học là một kỳ thi rất quan trọng của học sinh một nước. Bất cứ quốc gia nào cũng xem trọng kỳ thi này. Dù họ tổ chức hình thức thi như thế nào kỳ thi này đuợc xem như một kỳ thi quốc gia. Còn thi vào đại học là tùy nghi ngành nghề, tùy các trường muốn ghi danh hay thi tuyển là tùy vào mức độ khó của mỗi trường.

Ở Viêt Nam ta ý thức học hành phụ thuộc rất lớn vào công việc làm sau này nên đa số chỉ chú tâm thi vào các trường dễ kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp tạo nên sự mất cân đối về chỉ tiêu đào tạo giữa các trường - đây cũng là chuyện hiển nhiên của xã hội. Trách nhiệm của nhà nước cần điều chỉnh là ở chổ náy chứ không phải là ở chổ thi sao cho tiện, thi kiểu nào cho hiện đại.

Trách cả thế hệ chỉ biết "bôi đen" khi thi là tội cho học sinh quá. Thầy giáo, cô giáo, những người làm công tác GD ở VN cần hiểu rỏ mình đang làm gì. Hãy nhìn xa hơn, rộng hơn, hãy tâm huyết hơn khi dạy con em chúng ta học làm nguời rồi học làm thầy, hãy nhìn những cái rộng lớn hơn là đạo đức của con em chúng ta khi ngồi trong một phòng thi làm bài hết sức mình với khả năng của mình, với những gì các em đã được học chứ đừng quá chú tâm vào những tiểu tiết của việc thi cử nặng nề hậu đậu.

Chính những cái mới mà các vị trong ngành GD bày ra liên tục mỗi năm lợi đâu không thấy mà chỉ thấy khổ thêm cho các em học sinh, các bậc cha mẹ luôn luôn lạc hậu về những đổi mới của ngành GD. " Hãy thật sự tất cả vì học sinh thân yêu . Vì thế hệ con cháu chúng ta" chứ đừng nói "Không " nhiều quá rồi tiến đến là không làm gi cả.

Nguyễn Đức Thạch; Giáo viên trường THPT Chu Văn An (Ninh Thuận); ĐT: 0984.636877; Email: thachgiatrangonline@yahoo.com: BỎ THI ĐẠI HỌC: NÊN CHĂNG?

Tại hội nghị tổng kết giáo dục ĐH tổ chức ngày 16/8. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: "Không thể tồn tại 2 kỳ thi quốc gia".

Đề án bỏ thi ĐH do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) soạn thảo sẽ trình Thủ tướng xem xét vào tháng 11/2007để năm 2009 bắt đầu thực hiện. Vấn đề này đã được nêu ra từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên được đưa ra bàn thảo tại một hội nghị quan trọng của ngành giáo dục.

Chắc chắn rằng nó sẽ còn rất “nóng” ở nhiều diễn đàn về giáo dục trong thời gian tới bởi “giáo dục đang được toàn xã hội quan tâm vì có tới 23 triệu người đi học và 1 triệu giáo viên". Với tư cách là một công dân, một giáo viên có thâm niên 16 năm dạy học, tôi xin đựoc bày tỏ một vài ý kiến về vấn đề này.

Bỏ kỳ thi Đại học là hợp lý? Dễ dàng nhận thấy rằng, kỳ thi đai học của chúng ta vẫn còn cồng kềnh và tốn kém, dù Bộ Giáo dục đã tổ chức “3 chung”. Mỗi năm chúng ta có khoảng 1 triệu thí sinh đi thi, nếu lấy chi phí cho mỗi thí sinh là 1 triệu đồng thì toàn xã hội đã phải tiêu tốn đến 1000 tỷ đồng. Đó là chưa kể những hệ quả kéo theo khác như vấn đề giao thông , sinh hoạt , việc làm của người thân… những vấn đề không thể định lựơng một cách đầy đủ và chính xác.

Thêm nữa , với tâm lý chung của toàn xã hội ai cũng muốn con em mình được vào đại học bằng mọi giá, áp lực tâm lý sẽ đè nặng lên vai hàng triệu sĩ tử suốt một thời gian dài. Để tập trung cho việc luyện thi đại học sẽ có nhiều học sinh chủ trương học lệch, đi ngược lại với chủ trương giáo dục toàn diện của bậc phổ thông. Bỏ kỳ thi Đại học, vì thế, sẽ mang lại những lợi ích chung rất dễ nhìn thấy.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn từ một phía để đi đến quyết định cuối cùng e rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với những bất lợi rất lớn trong tương lai. Những bất ổn tiềm tàng khi xét tuyển đại học thông qua kết quả tốt nghiệp phổ thông, chắc chắn các trường sẽ có quyền tự chủ để lựa chọn tiêu chuẩn ưu tiên cho từng khối ngành cụ thể.

Nếu kết quả thi tốt nghiệp bằng nhau, chúng ta sẽ phải xét đến điểm tổng kết từng môn trong các năm học. Theo đó, học sinh nào có điểm số trong học bạ “đẹp“ hơn sẽ được chọn trước. Cách lựa chọn như vậy liệu có công bằng và chính xác không khi sự đánh giá kết quả học tập của học sinh bao giờ cũng mang tính “tương đối “, luôn có sự chênh lệch không nhỏ từ mỗi giáo viên, đặc biệt là các môn xã hội.

Thước đo không chuẩn sẽ cho ra những giá trị không chính xác. Từ trước tới nay, ngoại trừ những trường thuộc khối công an và quân đội có tổ chức sơ tuyển, kết quả học tập và rèn luỵên đươc ghi trong học bạ hầu như không ảnh hưởng gì tới việc thi tuyển vào đại học của thí sinh. Vậy nhưng , với bệnh thành tích cố hữu không chỉ của ngành giáo dục, chúng ta cũng đã cho ra đời những kết quả cao “ngất ngưởng” không đúng với thực lực của các em.

Bây giờ , nếu tổ chức xét tuyển đai học, ai dám chắc bệnh thành tích sẽ không tái phát mạnh mẽ hơn? Với tâm ly không để học sinh của mình bị thiệt thòi, các thầy cô sẽ dễ dàng “nương tay” hơn khi đánh giá học sinh bằng điểm số, cả trong quá trình giảng dạy ở trường lẫn kỳ chấm thi tốt nghiệp.

Chưa kể rằng, sự tác động tiêu cực từ bên ngoài vẫn luôn luôn tồn tại và phụ huynh học sinh có thể sẽ “chăm sóc” giáo viên từ khi con mình bước vào bậc THPT để các em có thêm “ưu thế “ trong cuộc đua vào đại học.

Năm học 2006 – 2007, khi toàn ngành giáo dục đang sôi nổi trong cuộc vận động “Hai không “ thì giáo viên tiểu học vẫn có thể sửa bài của học sinh trường bạn từ đúng thành sai vì ganh đua thành tích, gian lận thi tuyển công chức vẫn xảy ra ngay tại văn phòng Bộ Giáo dục. Tthực tế đó rất cần được suy ngẫm…

Với hai kỳ thi quốc gia đang tồn tại, yêu cầu về kiến thức của kỳ thi tuyển sinh cao hơn hẳn kỳ thi tốt nghiệp. Điều này được quy định bởi tính mục đích của nó. Việc lấy kết quả thi tốt nghiệp làm tiêu chí xét tuyển đại học sẽ rất khó phân loại đối tượng đầu vào để lựa chọn.

Nếu chịu khó làm một cuộc khảo sát ở nhiều trường khác nhau đại diện cho các vùng miền với đối tượng là những học sinh đạt điểm 10 môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp đem so sánh với kết quả bài thi đai học của các em chắc chắn rằng điểm thi đại học của các em sẽ được rải ra trong một phổ điểm ít nhất là từ 5 - 10 (tôi bỏ qua yếu tố tiêu cực ở những điểm 10 đó).

Theo nguyên tắc sư phạm ta biết rằng đề thi quá dễ hay quá khó đều hạn chế khả năng phân loại trong đánh giá thí sinh. Nếu không phân loại tốt , việc đào tạo nguồn nhân lực sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai.

Bên cạnh những áp lực của một kì thi đầy khó khăn , những yêu cầu của kì thi đại học cũng sẽ có những tác động rất tích cực tới việc hoc tập của học sinh. Nếu xem mức yêu cầu của đề thi đại học là 10 thì yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp chỉ là 6 (nói một cách tương đối).

Để chuẩn bị cho kỳ thi đại học, đa số học sinh có năng lực và ý thức sẽ cố gắng học để hướng tới mức 10 và trong số đó sẽ có ít nhất 40 % có thể vượt qua mức 6. Đây sẽ là những đối tượng mà chúng ta cần tuyển chọn.

Nếu bỏ kỳ thi đại học, chắc rằng đa số sẽ chỉ cố gắng học để hoàn thiện ở mức thấp mà thôi. Như vậy, việc tổ chức thi đại học trong bối cảnh chung của xã hội ta hiện nay vẫn là một yếu tố kích thích sự phấn đấu để nâng cao kiến thức và năng lực tư duy của học sinh, tạo tiền đề cho việc học tập ở môi trường đại học.

“Bỏ thi đại học phải trao đổi với dân”. Xin mượn lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để thay lời kết. Hy vọng vấn đề này sẽ được xã hội phản biện một cách đầy đủ trước khi Bộ Giáo dục đưa ra quyết định cuối cùng.

Nguyễn Văn Minh; Email: bomeminhtung@yaaho.com Nên lấy ý kiến nhân dân

GS Văn Như Cương trong bài viết của mình đã nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về giáo dục, về kỳ thi đại học gộp vào kỳ thi tốt nghiệp vào năm 2009 là "nên lấy ý kiến nhân dân". Ý kiến nhân dân ở đây trước hết là ý kiến các chuyên gia giáo dục, ý kiến các nhà giáo, các phụ huynh học sinh tâm huyết... trước khi Bộ quyết định.

Trường tôi là một trường THPT ở một thị xã nhỏ, vừa qua thi tốt nghiệp đậu gần 100% mặc dù nơi khác rất thấp. Tuy nhiên, lớp tôi dạy có những em học rất kém nhưng khi thi không những đậu, mà điểm còn rất cao (khoảng 6 - 7 em trong lớp). Trong lúc đó vẫn có đầy đủ thanh tra Bộ và kỳ thi được đánh giá là nghiêm.

Công bằng mà nói thi trắc nghiệm có những ưu điểm của nó như: diện kiến thức kiểm tra rộng , chấm bài nghe nói nhanh, không tiêu cực khi chấm - còn tiêu cực khi coi thi thì rất dễ dàng nếu giáo viên coi thi lơ l à một chút.

Nếu thi đại học kết hợp tốt nghiệp làm một thì tiêu cực chưa biết sẽ đi đến đâu. Gần đây việc học và thi có đổi mới. Ví dụ bỏ thi tốt nghiệp cấp tiểu học - tốt nghiệp cấp 2 THCS xét nếu cuộc vận động 2 không thực hiện tốt, thì chất lượng vẫn được nâng lên, giảm bớt căng thẳng thi cử...

Theo tôi hãy tiến hành kỳ thi tốt nghiệp THPT do tỉnh quản lý, tỉnh ra bài như cấp 2 THCS trước đây. Bộ không sợ các tỉnh làm ù xoẹ, vì ở đó có chính quyền có nhân dân. Bộ chỉ quản lý kỳ thi đại học và chuyên nghiệp, thi riêng không lẫn vào tốt nghiệp, trong đề thi có 2 phần cho các môn đã thi trắc nghiệm, kể cả toán.

Mọi việc nên quyết định nhanh vì học sinh rất lo lắng (Vừa qua nghe nói môn Toán thi trắc nghiệm có loạt sách cho thi trắc nghiệm ra đời, nhưng thực chất là bài tự luận cũ, giải điền đáp số, học sinh hoang mang không biết mua sách nào. Lại loạn sách tham khảo, phụ huynh lấy tiền đâu khi các klhoản đong góp đầu năm không hề giảm.

Một bạn đọc

Tôi còn nhớ khi Bộ Giáo duc đề ra cải cách chữ vết tôi đã thấy rất ngạc nhiên không hiểu các vị ở Bộ GD nghĩ gì mà lại biến chữ viết của ta rất đẹp và mềm mại thành những cái que, cái gậy. Lúc đó tôi có nói với anh bạn là phóng viên báo Nhân dân rằng: "Hình như vị nào đưa ra ý tưởng này muốn thí điểm ý tưởng của cá nhân mình, hay vị đó muốn tỏ ra mình là người có ý tưởng sáng tạo vượt trội".

Tiếp theo là chương trình cải cách giáo dục, rồi viết lại sách giáo khoa kết quả chẳng thấy đâu chỉ thấy tốn kém tiền của Nhà nước, của nhân dân. Tiền tiêu cho giáo dục những năm qua thật hoang phí tôi không hiểu ai chịu trách nhiệm.

Tôi nghĩ đã đến lúc các vị ở Bộ GD phải xem xét lại kỹ lưỡng những gì đã làm được và những gì chưa làm được trong mấy chục năm thực hiện cải cách giáo. Qua mấy chục năm cải cách tôi chỉ thấy chữ viết của học sinh ngày càng xấu đi, khả năng viết một bài luận thì càng kém.

Quay lại với bài viết của GS Văn Như Cương tôi chỉ xin có một ví dụ nhỏ thế này, ở cơ quan tôi làm một phòng chỉ hoàn toàn các kỹ sư tốt nhưng khi hết thực tập thì viết một cái đơn xin hết thực tập, hay viết đơn xin nâng lương cũng không viết nổi, đấy là ta còn đang thi tự luân nhiều. Mai kia khi chỉ thi trắc nghiệm không biết các cháu ra trường công tác sẽ viết được gì khi yêu cầu công tác đòi hỏi phải có các loại công văn, giấy tờ.

Qua đọc bài của GS tôi xin mạo muội viết mấy dòng tham gia ý kiến cũng mong Bộ GD quan tâm hơn đến ý kiến của những người dân như chúng để có biện pháp nâng cao chất lượng GD, mà vẫn giẩm được chi phí tốn kém cho Nhà nước và của nhân dân. 

PGS.TS.Phan Văn Quế - Phó Viện trưởng viện Đại học Mở Hà Nội; Email: phanvanque@Gmail.com Thi trắc nghiệm - vấn đề cần được cân nhắc thận trọng và cầu thị hơn

Sau khi đọc bài của GS Văn Như Cương, tôi rất chia sẻ và bày tỏ quan điểm ủng hộ những ý kiến của GS xung quanh việc nhập 2 kỳ thi làm 1 và tổ chức thi trắc nghiệm như hiện nay, và có một số ý kiến đóng góp với ngành Giáo dục và đào tạo trước những quyết định có liên quan tới từng gia đình, tới hàng chục triệu con em chúng ta trên cả nước.

Tôi cho rằng, trước hết Bộ GD&ĐT cần xem xét và tham khảo ý kiến rộng rãi ít nhất là của các nhà quản lý giáo dục, các em sinh viên, học sinh ở nhiều trường, nhiều địa phương, nhiều cấp học với các điều kiện giảng dạy và học tập rất khác nhau, và sự hiểu biết về thi trắc nghiệm cũng rất khác nhau như hiện nay thì việc tổ chức thi trắc nghiệm như nhiều người nói là tràn lan liệu có phù hợp với thực tế và thực sự có kết quả hay không.

Bộ nên giao cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cùng các trường, các Sở Giáo dục tổ chức khảo sát lại kết quả của một số môn thi trắc nghiệm vừa qua, và có lẽ chúng ta ai cũng biết có rất nhiều phương pháp để làm việc này nhằm tìm ra có bao nhiêu phần trăm các em thực sự có hiểu biết để lựa chọn câu trả lời đúng, có bao nhiêu phần trăm là đoán mò với chỉ số “rùa” và có bao nhiêu phần trăm làm bừa cho xong chuyện, dựa vào may rủi...

Việc này lẽ ra phải được tiến hành sau khi thi môn ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm năm 2006 và có những tổng kết, rút kinh nghiệm thực sự nghiêm túc và cầu thị trước khi tổ chức trên phạm vi cả nước với rất nhiều môn như kỳ thi năm 2007 vừa qua.

Cũng có ý kiến cho rằng chúng ta tổ chức thi trắc nghiệm cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học, còn không ai cấm thi tự luận cho các kỳ thi hết môn, hết học kỳ hoặc kiểm tra 15 phút, 30 phút... Về lý thuyết thì đúng, nhưng thực tế thì không.

Tôi đảm bảo thi tốt nghiệp theo hình thức nào, thi tuyển sinh theo hình thức nào, thì quá trình dạy, học và kiểm tra đánh giá cũng hướng theo hình thức đó. Nhiều người đã nói đến “Hội chứng trắc nghiệm”, văn hoá “Yes/No”, thi cử theo kiểu “gật ” và ”lắc”, tất cả những ý kiến này có thể phản cảm, nhưng rất cần lãnh đạo của Bộ GD&ĐT và các cơ quan quản lý giáo dục lắng nghe và xử lý có chọn lọc.

Việc xây dựng các đề thi theo hình thức trắc nghiệm, tổ chức thi thử, tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên, học sinh dùng bút gì, màu gì, tô vào ô nào, dùng loại giấy nào và kể cả việc chấm thi, lên điểm bằng máy hoàn toàn có thể làm được và làm được trong một thời gian ngắn, nhưng kết quả có phản ánh đúng trình độ thực chất của học sinh hay không?

Và hình thức thi này có thực sự góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy và học, đào tạo ra thế hệ mới có năng lực và tư duy sáng tạo hay không mới là thực chất của vấn đề, là cốt lõi của những cải tiến và chủ trương mới.

Những ý kiến trên đây phản ánh suy nghĩ của tôi cùng rất nhiều các bạn đồng nghiệp đang công tác, giảng dạy ở nhiều cơ sở giáo dục khác nhau. Chúng tôi cho rằng thi theo hình thức trắc nghiệm xét về khía cạnh nào đó cũng có những ưu điểm của nó, và Bộ GD&ĐT mà trực tiếp là Cục Khảo thí đã làm được nhiều việc để chuẩn bị cho hình thức thi này.

Nhưng, ngần ấy việc, theo chúng tôi là chưa đủ sức thuyết phục để triển khai hình thức thi trắc nghiệm đại trà trên cả nước với nhiều môn trong 2 kỳ thi rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Những ý kiến của GS Văn Như Cương, của một số cán bộ quản lý, giáo viên, sinh viên ,và học sinh trong cả nước và ý kiến của tôi trước chủ trương lớn này của ngành Giáo dục và Đào tạo rất mong được lắng nghe và trao đổi thắng thắn trên tinh thần xây dựng một nền giáo dục chuẩn mực cho nuớc nhà.

Để kết thúc bài viết này, tôi rất mong Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ lắng nghe các ý kiến khác nhau trên các diễn đàn, thu thập thêm thông tin, tổng kết và rút kinh nghiệm một cách thực sự nghiêm túc và cầu thị những điều được và chưa được trong những kỳ thi vừa qua trước khi có những quyết định chính thức về thi trắc nghiệm.

Vũ Ngọc Thúy; Email: thuy.ngocvu@yahoo.com

Em là học sinh lớp 12. Là sĩ tử sắp phải đương đầu với kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học em cũng như rất nhiều bạn khác không đồng tình với kiểu thi trắc nghiệm đại trà như vậy. Đúng như thầy Cương đã nói, thi trắc nghiệm chỉ làm gia tăng những gian lận trong thi cử.

Trong lớp em, ngay bài kiểm tra 1 tiết môn Lý, bạn học của em ngủ đúng 30 phút đầu tiết kiểm tra 15 phút cuối bạn ấy dậy và bắt đầu khoanh bừa đáp án. Kết quả bài kiểm tra bạn học đó đựoc 3.5 điểm, bằng điểm lý thuyết cơ bản của một bạn học khác đã học bài.

Em thấy như thế là quá bất công. Trong khi chúng em học vất vả để chọn đúng, đánh dấu đúng đáp án thì bạn đó chỉ mất 15 phút để đạt đựoc điểm gần như là của một học sinh có học bài trong khi bạn đó không hề học mà chỉ đánh dấu bừa.

Hơn thế nữa, thi trắc nghiệm khiến cho học sinh thụ động hơn và gây ra tâm lý "cứ đánh bừa thế nào cũng được 1 hay 2 điểm". Không phải chỉ riêng mình trường em mà em tin chắc có một số lượng lớn bạn học nghĩ như vậy. Một cách rất máy móc thi trắc nghiệm kiểu này sẽ dần khiến thế hệ đi sau chúng em thành những con rô bốt chỉ biết đánh dấu đáp án A B C mà không hề dùng não để nghĩ sao nó lại là A, là B, là C.

Bài viết trên đây không phải là em "vơ đũa" hết cả những bạn học thực sự chắc kiến thức và học thật để kiểm tra trắc nghiệm. Nhưng tin rằng những điều em nói kể trên là không hề hiếm trong các nhà trường hiện nay. Mong rằng Bộ sẽ bàn bạc và suy tính nhiều hơn nữa trong việc đổi mới phương pháp thi.

Nguyen Tu Chuong; Email: tnmtkt2005@yahoo.com.vn Cần có những đánh giá đầy đủ, toàn diện và khách quan hơn!

1. Về hình thức thi, hiện nay nước ta không thể khẳng định hình thức thi nào là "lý tưởng". Trong điều kiện hiện nay, thi trắc nghiệm rất phù hợp với kỳ thi tuyển sinh. Những kỳ thi đánh giá toàn diện về kiến thức của tòan bộ học sinh thì nên thi tự luận.

2. Về chủ trương giảm bớt các kỳ thi: Điều đó thật sự cần thiết, nó giúp giảm sức ép cho học sinh, gia đình, ngành giáo dục và xã hội. Tuy nhiên, giảm như thế nào thì phù hợp. Điều này cần có sự chuẩn bị thật tốt của ngành giáo dục và xã hội.

Đặc biệt là, cần đảm bảo rằng kết quả bất kỳ kỳ thi nào cũng phản ánh trung thực chất lượng của thí sinh. Và trong điều kiện hiện nay, thi trắc nghiệm mới có thể giải quyết được yêu cầu này.

3. Về việc thí sinh "làm mò" để tránh điểm liệt khi thi trắc nghiệm. Cần có quan điểm rộng hơn về điểm liệt. Các môn chính của từng khối thi phải quy định điểm liệt khá cao (ví dụ: 6 điểm). Bên cạnh đó, việc tránh điểm liệt không còn ý nghĩa khi điểm thi quá thấp so với điểm sàn, điểm xét tuyển. Thí sinh học và thi theo kiểu "tránh điểm liệt" như vậy có thể đỗ vào các trường chỉ tuyển học sinh trên 25 điểm không?

4. Việc đánh giá thi đại học làm quy củ hơn thi tốt nghiệp phổ thông chỉ đúng trong điều kiện hiện nay (có cả 2 kỳ thi). Khi chỉ còn một kỳ thi thì chuyện cho tốt nghiệp không còn là "chuyện của từng địa phương" nữa. Và ngành giáo dục có đủ điều kiện để tổ chức quy củ hơn cả thi đại học hiện nay.

5. Việc hỏi ý kiến: Theo tôi không thể làm theo kiểu "đẽo cày giữa đường". Chắc chắn các GS, TS thì không muốn bỏ thi đại học. Nhân dân và giáo viên THPT thì đa số muốn bỏ. Ai đúng? Thiểu số nhưng có bằng cấp cao là trọng, là đúng hay đa số nhưng có bằng cấp thấp hơn là đúng? Không đơn giản...

6. Những bất cập của thi trắc nghiệm không cần là GS mới biết, Bộ trưởng, các người yên mến ngành giáo dục, có trách nhiệm trong ngành giáo dục đều biết, nhưng nó tối ưu trong một số trường hợp thì phải sử dụng.

7. Việc gian lận trong thi trắcc nghiệm bằng cách ra hiệu là "ảo tưởng", hãy làm cuộc thi trắc nghiệm nang tính chất thử nghiệm với những người "thông minh như nhau" và "thông minh nhất" với những giám thị "nghiêm túc" để xem có thể ra hiệu được không?

8. Việc giảm thời gian, công sức chấm bài là rất cần thiết, thầy cô giáo còn cần nhiều thời gian để nghiên cứu, nắm bắt tâm lý học sinh, hòan cảnh gia đình học sinh... xã hội còn cần nhanh có kết quả thi hơn và tuyển chọn chính xác người tài để đào tạo tiếp, đào tạo nâng cao...

9. Việc thí sinh thi trắc nghiệm được biết mình sai ở đâu, chỉ cần thiết trong kiểm tra địanh kỳ, có ai giải thích thí sinh thì tuyển sai chỗ nào bao giờ đâu? Và việc thí sinh không biết sai chỗ nào chỉ xảy ra khi giáo viên trả bài một cách vô trách nhiệm. Đã vô trách nhiệm thì thi tự luận cũng thế thôi.

10. Còn nhiều vấn đề khác theo tôi vẫn cần khách quan hơn nhưng tôi chưa thể nói hết được.

Trên đây chỉ là những nhận định của bản thân, có thể vô tình cách nói, cách dùng từ có đụng chạm đến cá nhân một vài người, tôi xin lỗi vì không thể đủ thời gian "tinh chế" nội dung bài. Xin rộng lượng miễn thứ.

Đậu Văn Tân; 41/3 kp6 Long Bình (Biên Hòa, Đồng Nai); Email: dauvantan2001@yahoo.com“2 IN 1” - Phải cân nhắc

Mặc dù nguồn nhân lực có trình độ và tay nghề  của ta hiện nay còn thiếu, nhưng ở một số  ngành, lĩnh vực vẫn  “Thừa thầy thiếu thợ”. Bản thân mỗi học sinh và gia đình  xem trường đại học  là cái đích phải đến. Để đến đích ấy phải vượt qua  kỳ thi thuyển sinh và cũng chỉ những học sinh nào có năng lực thật sự  mới vượt qua cửa ải  này.

Nếu chúng ta kết hợp 2 kỳ thi  tốt nghiệp Phổ thông và Đại học làm một -“ 2 IN 1”, đương nhiên những lợi ích  về mặt tổ chức  và kinh tế  của hình thức “2 IN 1” mang lại là điều không thể phủ nhận.

Lúc  ấy học sinh sẽ căn cứ vào bằng tú tài, học bạ, môn học ưu thế của mình để lự chọn ngành và trường học phù hợp. Nếu căn cứ vào kết quả của một kỳ thi để chọn sinh viên vào học đại học thì số luợng thí sinh trúng tuyển sẽ rất nhiều, các trường ở dạng “Top” chắc chắn chọn được những sinh viên có đầu vào tốt và các trường đại học Dân lập, Mở… cũng tha hồ nhận học sinh xếp loại Trung bình, Trung bình khá  vào học  để giải quyết tình hình thiếu chỉ tiêu mà trường cần tuyển. 

Thiết nghĩ chắc chắn 4 – 5 năm sau có hàng vạn cử nhân , kỹ sư  ra trường, nhưng ai biết có bao nhiêu kỹ sư, cử nhân này là thành thạo nghề, hay là chỉ biết “ chỉ tay năm ngón”. Cơ hội nào để các trường dạy nghề , trung cấp, công nhân kỹ thuật tuyển  học sinh vào học? Ai sẽ “Bắt tay, đụng chân” vào công việc thực tế.

Vì vậy tôi nghĩ ngành giáo dục cần có sự tình toán kỹ càng để tránh xảy ra tình trạng mất cân bằng trong đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

PHT; Email: phtvntec@gmail.com

Tôi là một phụ huynh cũng rất quan tâm và luôn theo dõi đến vấn đề giáo dục của nước nhà và con em mình. Tôi có một chút ý kiến xin phép được bày tỏ như sau:

Theo tôi, ý kiến của GS Văn Như Cương là có phần đúng. Nhưng cũng phải thấy được là chúng ta không nên quá lạm dụng một phương pháp kiểm tra hay thi nào cả, vì mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng.

Theo kinh nghiệm của rất nhiều nước phát triển, họ đã có sẵn những mô hình giáo dục rất hiệu quả và cũng đã chứng minh được một kết quả là chất lượng học sinh và sinh viên ra trường là rất tốt. Học sinh, sinh viên của họ khi ra trường đều có đặc điểm chung là trình bày các vấn đề mạch lạc tự tin trong cả nói lẫn viết, biết tự sáng tạo và mạnh dạn trình bày ý kiến của mình, nhớ được những kiến thức cơ bản cả về văn hoá, xã hội, tự nhiên...

Vậy sao nền giáo dục của nước nhà vẫn cứ phải loanh quanh tự đi tìm những cách thức tối ưu cho mình mà không học tập và làm như họ? Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn nền giáo dục nước nhà cũng như công lao của các nhà giáo dục có tâm huyết. Nhưng chúng ta cũng nên tiếp thu những phương pháp giáo dục tiến bộ nói chung và phương pháp kiểm tra, thi cử nói riêng của các nước phát triển.

Họ vẫn áp dụng đồng 3 phương pháp kiểm tra trắc nghiệm, viết luận và vấn đáp để đánh giá học sinh được toàn diện. Trong một bài kiểm tra hay bài thi, vẫn nên có cả 2 phần: trắc nghiệm và trình bài bài giải đối với môn tự nhiên và bài viết đối với môn xã hội. Như vậy ta vẫn có thể kiểm tra kiến thức tổng hợp của các em cũng như phương pháp luận của các em.

Còn để tránh vấn đề tiêu cực thì có thể xáo thứ tự các câu bằng máy tính để ra được nhiều đề mà vẫn là từng đấy câu hỏi (như thi lý thuyết lái xe chẳng hạn), và nếu có điều kiện hơn thì tổ chức kiểm tra bằng vấn đáp. Đó mới có thể là đánh giá được tương đối đầy đủ về kiến thức của các em.

Hoàng Hiệp; Email: hoanghiep_thbc@yahoo.com.vn

Là một giáo viên Toán THPT nay làm cán bộ quản lý tôi có mấy ý kiến sau:

Về thi trắc nghiệm tôi nhất trí với ý kiến của thầy Văn Như Cương .Tôi cho rằng đây là vấn đề có tính chiến lược, nó có giá trị lâu dài về sự thát triển của Quốc gia, của dân tộc, tất cả mọi việc phải đi từng bước vững chắc ,mọi tư duy cần phải được uốn nắn cho đúng quy luật...

Muốn vậy, cần phải lấy ý kiến góp ý của toàn dân của cả những người đương nhiệm lẫn người đã nghỉ hưu. Có một đội ngũ tham mưu trí tuệ nhìn xa trông rộng biết kế thừa cái cũ phát triển cái mới, dám nghĩ, dám nói, dám làm và dũng cảm sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra đường lối đúng.

Về nhập 2 kỳ thi làm 1: Học trò không được kiểm tra liên tục thì làm sao biết được kiến thức của các em thế nào mà sửa. Không nên ngại tốn kém mà bỏ đi nhiều kỳ thi tôi cho là cần thiết. Cần phải làm bài bản và nghiêm túc, sàng lọc liên tục mới có những sản phẩm tốt cho ra cuộc sống.

Nguyễn Khải Hoàn; Email: ngkhaihoan1972@gmail.com  Thi trắc nghiệm, nhược điểm và hậu quả

Trong những năm gần đây, việc tổ chức cho học sinh các trường trung học, cao đẳng và đại học thi trắc nghiệm ngày càng trở nên phổ biến bởi sự "tiện dụng" của nó. Nhiều quan điểm cho rằng thi trắc nghiệm kiểm tra được kiến thức ở mức độ rộng, thời gian tính toán để làm bài rất sát nên tránh được hiện tượng quay cóp, chấm bài thuận tiện, chỉ việc "đục lỗ", đếm và cộng, thế là xong.

Theo tôi, thi trắc nghiệm cũng có những ưu nhược điểm nhất định và cần vận dụng linh hoạt những ưu điểm của nó để đánh giá học lực của học sinh cho đúng. Với đặc điểm nổi bật của nó, thi trắc nghiệm sẽ rất hiệu quả khi áp dụng để đánh giá sự hiểu biết của học sinh trong thời gian ngắn trong quá trình đào tạo thay cho các bài kiểm tra miệng (hỏi - đáp) hàng ngày, các bài kiểm tra 15 phút, kiểm tra tư cách, hoặc chỉ để kiểm tra xem học sinh có hiểu về vấn đề mình cần hỏi hay không.

Đối với kiểm tra 1 tiết, thi học kỳ thì tùy từng môn học mà có thể áp dụng cho phù hợp. Ví dụ như môn Văn thì nên thi viết tự luận, hoặc Toán cũng vậy, hoặc Lịch sử cũng cần có trình tự logic và cũng cần có sự diễn đạt trong hành văn ! của học trò. Thi trắc nghiệm có thể kiểm tra được kiến thức học sinh, thậm chí ở mức độ rộng, nhưng có thể là không sâu, học sinh có thể ăn điểm ngẫu nhiên và sẽ mất khả năng diễn đạt.

Một câu chuyện thật 100% khi tôi còn đi học. Hôm đó thi hết môn, người bạn học của tôi thuộc diện "không bình thường" và đã được thầy "đặc cách" với phương pháp hỏi thi với hàng loạt câu hỏi và thí sinh chỉ việc gật đầu hoặc lắc đầu là được. Kết quả là gì, anh ta được 7,5 điểm và cao hơn nhiều bạn có sức học khá hơn anh ta nhiều. Thế đấy!

Trong những năm gần đây, tôi thấy tình trạng học sinh đang mất dần khả năng tư duy logic và khả năng diễn đạt; nhiều khi viết giấy xin nghỉ ốm không xong. Thật là buồn. Kiến thức thì lệch lạc, hỏi đúng không thì trả lời đúng, nhưng hỏi tại sao lại đúng thì "chào cờ" đến tối vẫn chưa muốn thôi. Nói ra thì nhiều điều lắm, do đó cần phải có phương pháp giáo dục và đánh giá phù hợp thì mới tìm ra được chỗ yếu của học trò, mới tìm được nhân tài cho đất nước.

Theo tôi, thi trắc nghiệm nên áp dụng để đánh giá học sinh có hiểu bài không trong quá trình giảng dạy để điều chỉnh bổ sung cho phù hợp. Còn đánh giá cuối kỳ, hết môn và thi đại học nên thi viết như cũ. Chỉ một vấn đề hỏi, người chấm thi sẽ kiểm tra được kiến thức tổng hợp của học sinh, khả năng đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết luận, liên hệ thực tiễn... và đánh giá cả kỹ năng viết chữ của học sinh nữa.

Chúng ta đang hội nhập và phát triển, nhưng không có nghĩa là các nước  làm thế nào thì ta làm thế ấy. Không thể "nói như con vẹt và làm như con khỉ được". Chúng ta đang ở một trình độ phát triển cần có nhiều sự hoàn thiện hơn họ. Đó là điều tôi mong muốn những người có trách nhiệm cần quan tâm.

Phạm Văn Doãn; Email: doanpv@yahoo.com  Ủng hộ thi trắc nghiệm

Tôi thấy cách nghĩ của GS Cương về thi trắc nghiệm chưa hợp lý và rất tiêu cực. Để tránh làm mất thời gian của độc giả tôi chỉ xin nêu một số điểm chính:

1. Thi trắc nghiệm là một phương pháp tiên tiến, đang được nhiều nước áp dụng, tại sao ta không áp dụng?

2. Nội dung thi, kỹ thuật ra đề phải đảm bảo hạn chế được sự "ăn may".

 3. Về bản chất thi (trắc nghiệm hay không trắc nghiệm) chỉ là một phần đánh giá kết quả học tập của học sinh. Vẫn cần phải có quá trình theo dõi, nhận xét của giáo viên trong suất quá trình học.

4. Giáo dục là cả một quá trình lâu dài, và thi cử cũng còn dài dài...ngay cả khi đã đi làm (không chỉ ngồi trong ghế nhà trường). Môi trường năng động, thực tế hiện nay sẽ tác động đến cách học và nhận thức của học sinh, những ai học nghiêm túc sẽ phát huy tốt về nghề nghiệp; nhưng ai không chịu trang bị tốt, sẽ không có chỗ đứng tốt;

Trương Đức Cảnh; Email: truongduccanh@yahoo.com Cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến của GS Văn Như Cương và các chuyên gia GD-ĐT

Theo chúng tôi, những ý kiến của GS Văn Như Cương và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực GD-ĐT, là hoàn toàn có cơ sở,  cả về lý luận và thực tiễn. Vì vậy trước hết chúng tôi đề nghị Bộ GD-ĐT nên nghiêm túc tiếp thu và xây dựng đề án thực hiện. Không nên nóng vội thực hiện tràn làn việc thi trắc nghiệm.

Chúng tôi không đồng ý với một số ý kiến cho rằng "điều quan trọng là dạy và học chứ không phải là thi trắc nghiệm hay không trắc nghiệm".Tất nhiên trong GD thì dạy và học bao giờ chẳng quan trọng nhất. Nhưng chính cách thi cử, sẽ hình thành nếp dạy và học trong nhà trường. Nếu chúng ta cứ thi trắc nghiệm tràn lan như đề xuất của Bộ GD-ĐT thì chỉ trong vòng vài ba năm chúng ta sẽ có một thế hệ của sự xơ cứng trí tuệ. Học sinh chúng ta chỉ biết đánh dấu vào A mà khi hỏi vì sao lại đánh dấu vào A thì không trả lời được!

Chúng tôi đề nghị ít nhất đối với hai môn Văn và Toán không nên thi trắc nghiệm.

Về nhập "hai kỳ thi vào một". Chúng tôi đồng ý, nhưng nếu thực hiện ngay trong năm học 2009 thì chúng tôi cho rằng quá sớm. Chúng ta được biết một số nước phát triển ở châu Âu đã thực hiện như vậy. Nhưng rõ ràng là việc dạy và học của họ ở bậc phổ thông, là chúng ta chưa thể bì được, nên họ thực hiện như thế là đúng.

Thứ hai là trường Đại học của họ nhiều, đủ để có thể đáp ứng cho trên 80% học sinh tốt nghiệp phổ thông vào học  trong quá trình học họ lại tiếp tục sàng lọc rất nghiêm túc) chứ không phải như ở ta là hễ đã vào được Đại học là cầm chắc tấm bằng kỹ sư.

Với kiểu dạy và học như hiện nay, ai dám bảo đảm những học giỏi ở bậc trung học phổ thông là giỏi thực chất. Vì vậy, về lý thuyết, chúng tôi đồng ý phương án nên nhập hai kỳ thi làm một nhưng không phải ngay trong năm 2009 mà sớm nhất là cỡ năm 2015 trở đi.

Tức là phải có thời gian để cho việc giáo dục của chúng ta đi vào nề nếp, bảo đảm đúng thực chất, chất lượng học sinh. Không nên nóng vội đốt cháy giai đoạn. Làm như vậy không khéo chúng ta sẽ phải trả giá cho cả một thế hệ.

Cuối cùng, chúng tôi cho rằng đây là việc lớn, việc đại sự quốc gia. Chúng tôi đề nghị Bộ GD-ĐT nên tôn trong và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, đồng thời dân chủ lấy ý kiến của đông đảo nhân dân cả nước (trong đó có ý kiến của đội ngũ các thầy cô giáo). Sau đó mới tổ chức thực thực hiện. Không nên chủ quan, áp đặt.

Minh Quang; Email: Hungmanh261@yahoo.com Cải cách cần xuất phát từ thực tế ở nước ta hiện nay

Tôi đã đọc bài báo đầy tâm huyết của GS Văn Như Cương về vấn đề cải cách giáo dục. Với trách nhiệm của một công dân trong xã hội, tôi xin trao đổi một vài nội dung liên quan đến vấn đề đang này như sau:

Thứ nhất: Đất nước ta đang trên con đường đổi mới và phát triển toàn diện, giáo dục và đào tạo là một bộ phận của nền kinh tế - xã hội vì vậy nó cũng phải đổi mới và phát triển. Một mặt nó thừa hưởng thành quả của công cuộc đổi mới, mặt khác nó tác động như một động lực để công cuộc đổi mới diễn ra đạt kết quả cao hơn.

Thứ hai: Đổi mới và phát triển giáo dục gồm nhiều nội dung như: Xây dựng chiến lược, mục tiêu và chính sách phát triển giáo dục; Đề ra chương trình, sách giáo khoa; Tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học; Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; Kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục...

Thứ ba: Kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục gồm hình thức, cách thức thi và phương pháp đánh giá kết quả sau khi thi.... Trong bài viết GS phê phán cách tổ chức thi với hình thức trắc nghiệm đại trà các môn học là có cơ sở:

- Giáo viên và học sinh cần phải có một khoảng thời gian nữa để làm quen với cách thi này bởi vì cách thi sẽ dẫn đến cách dạy và cách học.

 - Một số môn học nhằm nâng cao năng lực tư duy (toán), giáo dục nhân văn (văn) và kỹ năng giao tiếp (ngoại ngữ)... cần phải nâng cao khả năng tự luận hơn và khả năng sáng tạo hơn.

 - Tiêu cực, mấu chốt vẫn ở con người, phương pháp thi nào cũng có thể có tiêu cực, vấn đề chống tiêu cực nằm ở giáo dục và quản lý con người. Theo tôi, nên chỉ thi trắc nghiệm ở một số môn, ở một số môn còn lại nên thi tự luận hoặc kết hợp một phần.

Với việc kết hợp hai kỳ thi làm một vào năm 2009 nhằm xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, theo tôi không ổn:

- Tính chất của hai kỳ thi rất khác nhau, không thể dung hoà được vì: Thi tốt nghiệp THPT chỉ để đánh giá kết quả thu được khi kết thúc bậc học. Cơ hội đỗ tốt nghiệp của các thí sinh là 100%. Còn thi đại học thì sao, ở Việt Nam hiện nay giáo dục đại học vẫn là giáo dục tinh hoa, chỉ gần 20% học sinh đã tót nghiệp THPT có cơ hội tiếp tục học đại học. Vì tính chất cuộc thi như vậy nên cách ra đề thi và đánh giá cũng khác nhau.

Nếu gộp hai kỳ thi làm một thì đề thi sẽ ra theo hướng nào? Nếu ra đề thi có thang điểm khác nhau: Dành cho thí sinh có nguyện vọng vào đại học và cho thí sinh chỉ thi tốt nghiệp thôi thì còn được. Nhưng nếu một đề thi mà lại chỉ có một thang điểm thì quả là thiệt thòi cho những thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp bởi trong đề ra chắc chắn có phần khó để phân loại thí sinh.

- Sẽ nổi lên vấn đề tiêu cực thi cử và tâm lý xã hội căng thẳng. Thi mà xe cộ chạy rầm rầm ngoài đường như đi vào chiến dịch. Giám thị và cán bộ làm thi căng thẳng, sợ vi phạm quy chế bất cứ lúc nào (bạn đọc phải thấy rằng có rất nhiều quy định trong quy chế mà giáo viên trẻ rất dễ mắc). Phụ huynh thí sinh thì lo âu bởi còn nặng tâm lý khoa bảng.

 - Điều quan trọng là mất quyền tự chủ của các trường đại học. Theo chức năng, nhiệm vụ, các trường đại học hiện nay tự chịu trách nhiệm về mọi mặt nhưng như thế này thì chất lượng đầu vào thì họ đâu có kiểm soát được. Theo tôi thì không nên nhập hai kỳ thi làm một như ý kiến của Giáo sư Văn Như Cương.

Đổi mới nhằm phát triển giáo dục là một việc làm cần thiết của Bộ GD & ĐT, nhưng đây là vấn đề khoa học và liên quan nhiều đến cuộc sống của một xã hội bây giờ và tương lai, tôi rất mong các vị chức sắc của Bộ lưu tâm khi ra các quyết sách chiến lược của nghành GD&ĐT nước nhà.

Trinh Quang Thang; Email: tqt0101@yahoo.com

Chung ta co the thi trac nghiem. Nhung khong phai den muc cuc doan, nghia la cu noi den thi la Trac nghiem. Co mon thi trac nghiem, nhu Toan, Ly, Hoa, Ngoai ngu; nhung co nhung mon thi tuyet doi khong: Van hoc, Tieng Viet, Lich su, Dia ly, ...

Ta co the thi Trac nghiem, nhung phai to chuc chu dao, phai co nhieu de bai.... To chuc thi mot lan cho that nghiem. Ngay xua vi pham quy che truong thi thi bai quan, tham chi co ke bi CHEM DAU. Nay chang nghiem gi ca. Thua cac cu ngay xua. Thi cho ra thi, mot lan thoi cung qua du! 

Van de thu hai la ghep 2 cuoc thi lam 1. Toi nghi chang sao ca. Hay mo rong con duong cho tat ca moi nguoi deu cap sach den truong Dai hoc cua ho. Van de la quan ly thoi.

Ai dang ky, du tieu chuan cua truong thi vao hoc. Hoc phai dong hoc phí, dong hoc phi ra hoc phi chu khong dong vi du. Quan chac dau ra, du so luong va chat luong cac chung chi theo yeu cau cua nganh hoc. Cac cuoc thi dau ra nay moi quyet dinh den chat luong dao tao, hay lam cho ti mi, nghiem tuc, khoa hoc... nen tham khao cac nuoc co nen giao duc dao tao tien tien tren the gioi. 

Hoc ma mat tien, mat thoi gian, kho so... roi khi tot nghiep, chang dau nhan vao lam viec, thua ca nut, lang phi qua. Nen: Nguoi hoc hay tinh toan xem hoc gi co loi cho ho va dap ung nhu cau xa hoi. Nha nuoc dung phi cong di suy nghi giup ho. Con nha nuoc dinh phat trien gi uu tien thi lap truong do, sau khi hoc sinh ra truong, ho co viec lam thi ro rang 2 nhu cau da gap nhau roi.

Cao Xuân Linh; Email: Viethagialai@yahoo.com Nền Giáo dục không phải là một tờ giấy nháp

Là một công dân, tôi luôn trăn trở với thực trạng của nền giáo dục nước nhà nhất là từ khi có chủ trương cải cách giáo dục đến nay. Thực tiễn cho thấy nhiều chương trình cải cách của nền giáo dục từ trước đến nay hiệu quả thì ít mà hậu quả lại nhiều.

Cụ thể như chương trình cải cách chữ viết, cải cách sách giáo khoa, chương trình trường chuyên lớp chọn... Và nhiều vấn đề nổi cộm của nền giáo dục đã và đang gây bức xúc cho xã hôi như: dạy thêm,học thêm,chất lượng giáo viên,chất lượng học sinh...

Hậu quả trực tiếp mà ai cũng có thể thấy được là sự lãng phí ghê gớm cho xã hội,nhất là chương trình cải cách sách giáo khoa. Nếu như những năm 70 trở về trước một bộ sách giáo khoa có thể dùng cho thế hệ này sang thế hệ khác, thì những năm gần đây mỗi năm học là một bộ sách giáo khoa.

Có thể làm một phép tính đơn giản,mỗi học sinh phổ thông vào đầu năm học tiêu tốn bình quân từ 200 - 300 ngàn đồng cho sách giáo khoa thì cả nước có hàng chục triệu học sinh bình quân 1 năm tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng cho riêng vấn đề này.

Tôi không phải là một nhà giáo, cũng không phải là một chuyên gia giáo dục để có thể có một ý kiến chính xác cho vấn đề này. Song ai cũng có thể nhận thức được rằng giáo dục phổ thông là giáo dục phổ cập những kiến thức cơ bản cho con người trước khi bước vào cuộc đời. Vấn đề đặt ra ở đây là có nên thay đổi sách giáo khoa mỗi năm một lần?

Còn hậu quả gián tiếp thì khó có thể nói trước được vấn đề gì vì sản phẩm của nền giáo dục là con người. Nhưng những năm gần đây đã cho thấy một số biểu hiện của sự xuống cấp rõ rệt thể hiện qua các kỳ thi, nhất là môn Lịch sử. Những người có lương tâm không ai không đau xót trước những bài văn cười ra nước mắt,những bài sử ngô nghê.

Còn đạo đức của học sinh thì sao? Ai cũng có thể nhận thấy sự xuống cấp rõ rệt về vấn đề này. Những bài học"Tôn sư trọng đạo","Mình vì mọi người,mọi người vì mình" hình như đang dần dần biến mất cùng năm tháng. Có thể nói hơi quá nhưng không ngoa rằng, mục tiêu học hiện nay của đại đa số học sinh mang tính thực dụng nhiều hơn là trang bị kiến thức cho chính mình.

Chúng ta có thể đổ lỗi cho cơ chế thị trường, đổ lỗi cho xã hội và cho gia đình học sinh nhưng theo tôi đó là ngụy biện mà chưa dám nhìn thẳng vào sự thật của nền giáo dục để tìm cho ra đâu là nguyên nhân chính. Chúng ta cũng không thể khẳng định một cách chắc chắn ràng tất cả các chủ trương cải cách giáo dục đều sai bởi mục tiêu của tất cả các chương trình đều vì sự phát triển của nền giáo dục.

Vậy đâu là nguyên nhân chính? Đây là một vấn đề hóc búa mà ngành giáo dục và cả xã hội cần nghiêm túc mổ xẻ để tìm cho ra bài thuốc đặc trị. Qua thực tiễn những năm vừa qua,cá nhân tôi xin mạo muội có một số nhận xét như sau:

- Các chủ trương đưa ra còn mang nặng tính chủ quan và thiếu tính khách quan.Mang nặng ý chí cá nhân hơn là dựa vào những luận cứ khoa học, thiếu sự phản biện của tập thể chuyên gia và xã hội, điển hình như chủ trương nhập hai kỳ thi làm một và thi TN.

- Mỗi nhiệm kỳ Bộ trưởng đều có ít nhất từ 1 - 2 chủ trương mới mà có thể tôi không nhầm (hoặc có thể tôi không được biết) đều không có sự tổng kết đúc rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.

- Nhiều chủ trương đưa ra thí điểm chưa đủ tính đại diện và đúc rút kinh nghiệm đã cho triển khai thực hiện để rồi sau đó không lâu lại hủy bỏ. Trở lại vấn đề chính là chủ trương nhập 2 kỳ thi làm 1 và triển khai thi TN cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ với ý kiến của GSVăn Như Cương.

Chúng ta không thể nguỵ biện vì các nước trên thế giới đã thực hiện. Càng không thể nguỵ biện vì lý do giảm tiêu cực và rút ngắn thời gian chấm thi. Trên tất cả chúng ta hãy vì chất lượng thực tế của nền giáo dục.

Theo tôi, sản phẩm của nền giáo dục là con người nên mỗi chủ trương đưa ra phải có đầy đủ các luận cứ khoa học và sự phản biện của tập thể các chuyên gia đầu ngành cũng như của toàn xã hội. Đồng thời trước khi triển khai thực hiện cần cẩn trọng trong từng bước. Nhất quyết phải loại bỏ tính chủ quan và ý chí cá nhân của một số vị trong Bộ Giáo dục.Và nên chăng tất cả các chủ trương của ngành giáo dục đều phải thông qua các kỳ họp của Quốc hội?

Phạm Thiên Thu; Email: Thienthu1975@yahoo.com Bàn về vấn đề thi trắc nghiệm môn Toán

Tôi đồng tình với phân tích của GS Văn Như Cương. Chỉ những người yêu thích môn toán và thực sự hiểu về toán thì mới thấy được những sự bất cập trong việc thi trắc nghiệm môn toán. Ở đây tôi xin đưa ra vài ý kiến của riêng mình:

Thứ nhất: Thi trắc nghiệm môn toán sẽ làm mất khả năng lập luận, sự logic trong cách nói, viết của người học. Học sinh đọc đề và đi một mạch đến đáp số mà không biết cách lập luận. Hiện nay học sinh rất kém về lập luận toán học, kém xa so với các thế hệ trước.

Thứ hai: Nếu chỉ quan tâm tới đáp số thôi thì rất nhiều trường hợp trong toán học SAI + SAI = KẾT QUẢ ĐÚNG. Học sinh hiểu sai và làm bài sai nhưng có đáp số đúng. Điều này chắc những người trong nghề mới biết được.

Thứ ba: Lâu nay chúng ta đổi mới giáo dục và viết lại sách giáo khoa chúng ta đã bỏ qua khía cạnh kinh tế. Trước đây, một bộ sách giáo khoa có thể dùng được hàng chục năm. Bây giờ sách giáo khoa chúng ta thay đổi liên tục - Một sự lãng phí hàng chục nghìn tỷ đồng của đất nước và nhân dân. Đặc biệt, đối với người nghèo ở nông thôn đây là một gánh nặng về kinh tế.

Thứ tư. Đúng như GS Cương viết. Thi trắc nghiệm môn toán có thể đưa một học sinh mù chữ về toán vào một trường đại học có thi môn toán. Chẳng hạn: Một học sinh giỏi văn và ngoại ngữ nhưng không biết gì về toán thì vẵn có thể đỗ đại học, vì thi trắc nghiệm giúp em tránh được điểm liệt.

Tôi không đồng tình với một số bạn đọc khi phủ nhạn quan điểm của GS Cương mà không hiểu gì về môn Toán. Rất mong mhững nhà toán học, các giáo viên dạy toán đưa ra chính kiến của mình.

Nguyễn Uy Danh; Email: nguyen_uy_danh@yahoo.com

- Về việc thi trắc nghiệm: Tôi thấy thi trắc nghiệm là phương pháp đánh giá học sinh đúng đắn và toàn diện. Xin được nói thêm, việc thi trắc nghiệm không hề dễ dàng, chỉ có việc" bôi đen" như bài báo của GS Cương đã nêu.

Với kinh nghiệm của một sinh viên năm 4 khối kỷ thuật, đã từng trải qua nhiều môn học được đánh giá bằng hình thức thi trắc nghiệm, tôi có thể khẳng định rằng thi trắc nghiệm là phương pháp rất khách quan và hoàn toàn phản ánh đúng trình độ của học sinh.

Tất nhiên điều trên chỉ thực hiện được nếu khâu ra đề thi là tốt. Phương pháp nào cũng có cái hạn chế của nó, hãy phân tích và so sánh những cái được của nó để có cái nhìn khách quan hơn.

- Về việc sáp nhập 2 kỳ thi: Tôi cũng nghĩ việc này là một việc rất khó khăn nhưng không phải là không làm được. Tôi tin rằng khi Bộ Giáo dục quyết tâm làm, làm đến nơi đến chốn, làm vì tương lai của nền giáo dục nước nhà, thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua.Chắc chắn thành công sẽ đến với chúng ta. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều đó.

Vi Văn Chấn; Email: vivanchan1958@yahoo.com Nên gộp 2 kỳ thi làm một

Sở dĩ có nhiều người phản đối thi trắc nghiệm và việc gộp hai kỳ thi làm một là vì họ chưa hiểu hết ý nghĩa của những việc làm trên nên dẫn đến những nhận thức sai lầm. Bộ GD & ĐT cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong giáo viên, học sinh cũng như toàn xã hội về những mặt tích cực của thi trắc nghiệm và gộp hai kỳ thi làm một.

Theo tôi nghĩ, đây chính là những giải pháp tích nhất trong giai đoạn hiện nay nhằm chống lại những căn bệnh của ngành giáo dục đã tồn tại trong nhiều năm qua. Mọi người không nên đồng nhất thi trắc nghiệm trong kỳ thi quốc gia duy nhất với cả quá trình dạy - học. (một kỳ thi trắc nghiệm không thể làm thui chột khả năng tư duy logic, khả năng diễn đạt, lập luận của học sinh).

Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất là để toàn ngành giáo dục cũng như cả xã hội tập trung nhân tài, vật lực cho một kỳ thi nghiêm túc đảm bảo công bằng, chính xác, khách quan tạo tiền đề thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà trong tương lai.

Để khắc phục các mặt tiêu cực của thi trắc nghiệm đề nghị Bộ GD nên cải tiến hơn nữa quy trình thi trắc nghiệm như: Đề thi nên có nhiều phiên bản hơn nữa, hay trừ điểm các lựa chọn sai, hoặc hủy những bài chỉ có 1 lựa chọn A, B, C hoặc D trong toàn bài nhằm hạn chế những trường hợp thí sinh không có kiến thức "bôi đen" bừa bãi để chống điểm liệt .

Lý Thanh Thảo; Hà Nội  Thi hoàn toàn bằng trắc nghiệm là một cực đoan và có nhiều hệ luỵ

Hiện nay, ngành giáo dục đang cổ vũ mạnh mẽ đổi mới phương pháp dạy học với trọng tâm là phát huy tính độc lập, tự chủ, tích tích cực của người học. Việc dạy học không dừng ở việc đạt được các mục tiêu ở mức độ tư duy trí tuệ bậc thấp mà còn cần đạt tới các năng lực phân tích, tổng hợp, đánh giá phê phán.

Theo đa số các nhà nghiên cứu về kiểm tra đánh giá, các công cụ đánh giá rất đa dạng, từ công cụ trắc nghiệm khách quan tiêu biểu là câu hỏi với nhiều câu trả lời cho trước để lựa chọn (QCM) đến loại công cụ tự luận tiêu biểu là văn nghị luận.

Giữa hai thái cực đó có rất nhiều công cụ đánh giá trung gian được sắp xếp theo độ mở của câu hỏi. Về mặt logic, mỗi công cụ đều có lý do tồn tại của nó, có nghĩa là nó có chức năng riêng, cũng như trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều loại dao để dùng vào những công việc phù hợp.

Theo đánh giá chung thì các bài tập trắc nghiệm khách quan, nhất là dạng QCM, sẽ là những công cụ cho phép đánh giá chủ yếu là những hoạt động trí tuệ bậc thấp, và muốn đánh giá các hoạt động trí tuệ bậc cao như khả năng phân tích, tổng hợp đánh giá, phê phán thì những công cụ tự luận phù hợp hơn. Như vậy, một công cụ đánh giá không phải là vạn năng.

Trong những yêu cầu của một công cụ đánh giá tốt, có 2 yêu cầu quan trọng: tính khách quan và độ giá trị (validity) được định nghĩa như là khả năng công cụ cho phép đánh giá được cái cần đánh giá.

Trong 2 yêu cầu đó thì độ giá trị là quan trọng nhất, là quyết định nhất, vì một công cụ cho phép chấm khách quan nhưng lại không cho phép đánh giá cái cần đánh giá thì cái tính khách quan đạt được là vô dụng.

Vậy nếu giáo dục của ta muốn đào tạo những người có đầu óc tư duy sáng tạo, có khả năng phê phán đánh giá, hay biết giao tiếp thực sự trong một ngoại ngữ thì việc chỉ dùng các câu hỏi TNKQ dạng QCM la một bất cập.

Như thế ta đã lựa chọn cái lợi ích là chấm khách quan mà hy sinh cái yêu cầu cốt lõi của kiểm tra đánh giá là độ giá trị. Việc chỉ dùng trắc nghiệm khách quan ở các kỳ thi quan trọng như kỳ thi tú tài và ký thi tuyển sinh sẽ có những tác động vô cùng lớn tới quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá thường kỳ vì những lý do dễ hiểu mang tính quy luật và cả thực dụng.

Theo góc nhìn của nhà quản lý là học gì thi nấy (điều này cũng chưa hẳn đúng khi yêu cầu học sinh phát triển năng lực cá nhân kỹ năng, tư duy sáng tạo trong khi lại chủ trương chỉ thi kiểm tra bằng trắc nghiệm), nhưng theo quan điểm thường là thực dụng của người dạy và người học khi mà kết quả ở các kỳ thi quyết định tất cả và được coi là thước đo duy nhất của quá trình dạy và học thì thi thế nào dạy học thế đó và đây chính là hệ luỵ nguy hiểm nhất của hình thức thi toàn trắc nghiệm:

Để học sinh đạt kết quả cao ở các kỳ thi, các Sở, các Ban Giám hiệu yêu cầu rèn luyện cho học sinh làm bài tập trắc nghiệm thường xuyên, từ bài kiểm tra 15 phút, đến bài kiểm tra 45 phút, kiểm tra cuối học kỳ và kết quả đến lúc nào đó các trường học đào tạo các công dân tương lai sẽ biến thành một công trường trắc nghiệm và cả nền giáo dục sẽ là một đại công trường trắc nghiệm khách quan.

Như vậy ta sẽ dễ dàng hình dung sản phẩm của giáo dục trong những năm tới sẽ như thế nào. Việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện nay sẽ không thực hiện được và thực tiễn việc đánh giá kết quả học tập đã không tương thích với mục tiêu giáo dục và phương pháp dạy học.

Trắc nghiệm khách quan không phải là mới, là cái gì hiện đại như ta vẫn tưởng mà nó đã bắt đầu được sử dụng ở xứ người từ đầu thế kỷ 20. Việc dùng trắc nghiệm khách quan chỉ được dùng ở phạm vi hẹp và một số trường hợp cụ thể.

Thử quan sát các nước có nền giáo dục lâu đời và tiên tiến ở các châu lục xem người ta có dùng hay không, dùng ở mức độ nào và dùng vào việc gì. Chẳng lẽ họ lại kém cạnh ta để đến nỗi không biết dùng toàn trắc nghiệm khách quan trong thi cử.

Gần đây một số kỳ thi chứng chỉ tiếng quốc tế từ lúc chỉ dùng toàn trắc nghiệm khách quan cũng bắt đầu chuyển sang kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận.

Việc quyết định xem dùng công cụ đánh giá thế nào, không thể chỉ được xem xét dưới góc độ kỹ thuật, mà phải được xem xét dưới các góc độ khác như sư phạm giáo dục, tâm lý học, xã hội học.

Mong rằng chúng ta qua cuộc tranh luận rộng rãi này hãy biết lắng nghe và thấu hiểu để đưa nền giáo dục nói chung và công tác thi cử, kiểm tra đánh giá đi đúng hướng, đảm bảo tính khoa học tránh áp đặt chủ quan phiến diện.

Nguyễn Tiến Thắng; Email: nguyentienthang@mobìone.com.vn

Ý kiến của tôi là: 1. Không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp hoặc thi đại học vì mục tiêu của 2 kỳ thi này khác nhau, nó cũng như không thể lấy hoa hậu thể thao làm hoa hậu trong những người béo và ngược lại.

2. Thi trắc nghiệm cũng được nhưng phải thay đổi: Theo một tài liệu của tổ chức SIDA của Thuỵ Điển (Kỹ thuật lượng giá học sinh) một đề thi trắc nghiệm không thể chỉ có các câu hỏi chọn lựa mà nó còn phải các câu hỏi ngỏ ngắn, câu hỏi đúng sai... tỷ lệ phần trăm các loại câu này cũng không thể tùy tiện và đặc biệt mức độ dễ khó của các câu hỏi không phải do người ra đề chủ quan đặt ra mà căn cứ vào kết quả làm bài của học sinh trong nhiều cuộc thi.

Đề dễ được hiểu là do nhiều người làm được, đề khó là do có ít người làm được. Tỷ lệ các câu dễ, câu khó trong một đề cũng được quy định hết sức chặt chẽ. Bản thân tôi khi viết phần mềm tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính phải có "động tác" thống kê số lượt trả lời đúng cho từng câu để phản hồi lại với người ra đề. Chính vì vậy tôi khẳng định là hệ thống đề thi trắc nghiệm của chúng ta chưa đạt yêu cầu, cần xem lại.

Một bạn đọc

Khi thi tự luận cách và phương hướng giải đúng nhưng đến gần cuối mới sai do tính toán nhầm lẫn, thí sinh vẫn được điểm tới phần làm đúng của mình. Nếu chuyển bài toán đó thành trắc nghiệm, chỉ thí sinh có kết quả đúng mới chọn đúng phương án để điền như vậy đương nhiên không đưọc chút điểm nào. Vậy là thí sinh mất điểm oan thay vào đó là một số thí sinh lại được điểm do điền hú hoạ.

Thi tự luận dù có làm đúng hoàn toàn vẫn khó lấy điểm tuyệt đối hơn vì còn phụ thuộc vào cách trình bày, biện luận dẫn giải có chặt chẽ hoàn hảo hay không, có thuyết phục khiến ngưòi chấm có tâm phục khẩu phục không. Nhưng thi trắc nghiệm thì cứ đúng là ăn đủ điểm tuyệt đối. Đó là giỏi ảo.

Tiếng Anh bao năm nay thi trắc nghiệm ở bậc thi tốt nghiệp phổ thông đề ra dễ quá khiến nhiều em phát biểu chỉ cần trình độ lớp chín cũng làm được. Đó cũng là giỏi ảo, trong khi nếu thực tế để các em tiếp xúc nói chuyện với người nước ngoàikhông rõ các em nghe và hiểu đưọc bao nhiêu.

Theo tôi Bộ nên tham khảo ý kiến nhân dân, nên kết hop thi trắc nghiệm cùng tự luận trong một môn thi. Cấu tạo đề: Để kiểm tra phổ kiến thức rộng khắp trong phần trắc nghiệm, để kiểm tra năng lực sáng tạo, trình độ lập luần trình bày tư duy trong phần tự luận là hợp lý nhất. Tuy việc ra đề, chấm thi có vất vả hơn nhưng đánh giá học sinh được thật hơn, đúng hơn.

Vấn đề nhập 2 kỳ thi làm 1 theo tôi cần nghiên cứu lại, vì thực sự chỉ kỳ thi đai học mang tính quốc gia mới tạm đảm bảo nghiêm túc, do không có sự tham gia của địa phương. Còn kỳ thi tốt nghiệp dù năm qua chặt chẽ nên kết quả tốt hơn nhưng vẫn chưa thể đảm bảo nghiêm túc 100% được.

Muốn biết điều đó nên khảo sát so sánh kết quả thi TNPTTH với kết quả thi dại học của từng học snh là biết ngay. Có học sinh thi tốt nghiệp giỏi thi đại học cũng giỏi, nhưng có học sinh thi tốt nghiệp khá thậm chí thi đại học cũng giỏi và ngưọc lại có học sinh thi tót nghiệp khá mà kết quả thi đại học lại thê thảm không ngờ.

Nguyễn Đức Hùng; Email: airimex@hn.vnn.vn Trong giáo dục đừng vội vàng

Tôi đã đọc bài viết của thầy Cương và các bài viết khác xung quanh bài viết này, tôi xin có ý kiến sau:

1. Về thi trắc nghiệm: Đúng như một số người nói nguyên nhân của tiêu cực trong thi cử không phải do hình thức thi tạo ra, nhưng dù sao học sinh cũng sẽ học (và có thể cả thầy dạy) theo kiểu đối phó với hình thức thi. Cho nên đối với một số môn trong giai đoạn đầu có thể kết hợp cả hai hình thức thi đến năm 2010 sẽ thi trắc nghiệm hoàn toàn.

Cũng nói thêm rằng việc thi trắc nghiệm không hề ảnh hưởng đến nội dung sách giáo khoa nên không cần phải viết lại SGK đâu thầy Cương ạ.

2. Về nhập hai kỳ thi làm một: Bất kỳ cuộc cải cách nào cũng phải có thời gian. Chúng ta đang thực hiện các cuộc vận động lớn trong ngành giáo dục nhưng kết quả đâu đã đạt được nhiều cho nên việc đánh giá học lực của học sinh từ dưới lên không hề chính xác.

Hơn nữa học đại học là học chuyên ngành, còn tốt nghiệp phổ thông là phổ cập. Theo tôi để các cuộc vận động trong ngành giáo dục có kết quả, khi mà " thầy ra thầy, trò ra trò, không ai ngồi và đứng nhầm lớp" ta sẽ triển khai việc nhập hai kỳ thi làm một, hoặc bỏ hẳn thi Đại học.

Đinh Văn Ất; Email: dinhvanat@yahoo.com Hãy nhìn thẳng sự thật mà phán quyết

Là nhà giáo lại có trên 20 năm làm công tác quản lý ở trường THPT, tôi chưa thất sự hài lòng với ý kiến của GS Văn Như Cương. Không những GS Văn Như Cương mà còn nhiều ý kiến phản bác việc gộp 2 kỳ thi, lý do chính là tạo ra sức ép cho thí sinh dẫn đến tiêu cực nhiều hơn.

Xin thưa rằng chúng ta mới thực hiện cuộc vận động "2 không" có 1 năm, nhiều người tin tưởng kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã phản ánh thực chất. Còn tôi thì chưa tin. Đa số các Hội đồng coi thi là nghiêm túc nhưng thực tế vẫn không ít Hội đồng coi thi còn chưa nghiêm túc.

Muốn biết HĐCT nào chưa nghiêm túc rất dễ, hãy nhìn vào kết quả các môn thi TN và các môn thi TL thì thấy ngay. Có thể nói HĐCT nào mà kết quả các môn TN thì rất thấp mà các môn TL thì lại rất cao thì chắc chắn HĐCT đó đã "thả" cho thí sinh "thoái mái".

Xin Bộ hãy nghiêm túc xem xét lại, hiện tượng này trong kỳ thi vừa qua không phải ít. Theo tôi chúng ta có làm gì đi nữa thì mục tiêu cuối cùng là làm cho HS có động cơ, thái độ học tập đúng đắn, chịu khó rèn luyện, tu dưỡng để có chất lượng thật.

Hậu quả bao nhiêu năm của "Bệnh thành tích" để lại cho ngành GD cái khó nhất chưa phải là chất lượng yếu, kém mà là t! ạo ra cho HS và cả phụ huynh HS một tư tưởng không chịu học mà vẫn lên lớp, vẫn tốt nghiệp.

Chúng ta đã chấp nhận kết quả tốt nghiệp thấp thì phải bằng mọi giá chống việc "học giả-bằng thật". Muốn vậy theo tôi nên trừ môn Văn ra còn lại thi TN hết.

Kinh nghiệm năm vừa qua HS tập trung vào học các môn TN mà lơ là môn TL, lý do là HS vẫn tin là các môn TL còn có thể "xoay xở" được.Nếu gộp 2 kỳ thi thì đươg nhiên thí sinh sẽ thi kiểu tập trung như thi ĐH, như vậy hiện tượng thả "cục bộ" sẽ được khắc phục.

Trương Hải Bình; Email: haidd70@hotmail.com Tôi lo ngại đến sản phẩm của thi trắc nghiệm

Tôi là người đã từng công tác trong ngành giáo dục và thấy rằng ở nước ta kỳ thi có tầm quan trọng trong việc chỉ đạo dạy và học. Có thể ý kiến sau đây không hoàn toàn đúng với mọi người nhưng tôi có linh cảm rằng đúng với số đông:

Ở ta, thi gi học nấy, thi đến mức độ nào, học đến mức độ ấy và thi theo cách nào thi học theo cách ấy. Vì vậy, nếu thi trắc nghiệm "toàn tòng" thi sản phẩm của chung ta sẽ ra sao? Liệu các em có được thực hành thí nghiệm, đặc biêt với các bộ môn như Lý, Hoá, Sinh, Ngoại ngữ? Liệu các em có cơ hội để hoàn thiện kỹ năng diễn đạt, năng lực tư duy, khả năng sáng tạo?

Dĩ nhiên ở đây đó vẫn có giáo viên, học sinh chăm lo đến dậy thật, hoc thật. Nhưng với tất cả thì chắc chắn không. Do đó tôi cho rằng, nếu chúng ta gộp 2 kỳ thi làm một và đánh giá học sinh chỉ bằng phương pháp trắc nghiệm thi sau một số năm số đông học sinh của chúng ta chỉ biết "gật" và "lắc".

Vậy chúng ta nên tổ chức kỳ thi của chúng ta theo hướng nào? Theo tôi, nếu bắt buộc phải bỏ một kỳ thi thi nên bỏ thi trắc nghiệm. Về việc này, có ý kiến lo ngại rằng học sinh sẽ học lệch.

Chúng ta sẽ điều chỉnh vấn đề này bằng tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào ĐH bằng cách nâng số môn thi lên it nhất 4 môn: 3 môn theo các khối thi hiện hành. Thi theo hình thức tự luận hoặc kết hợp tự luận và trắc nghiệm. Từ môn thứ tư thi theo hình thức trắc nghiêm. Các môn thi này chỉ công bố khi năm học kết thúc và có thể thi riêng từng buổi hoặc kết hợp trong một đề thi (nếu thi từ 5 môn trở lên).

Chúng tôi biết sự lựa chọn cách thức tổ chức thi cử của Bộ GD&ĐT là rất khó khăn. Nhưng tôi cũng hy vọng rằng bằng sự từng trải và kinh nghiệm, Bộ GD&ĐT sẽ có quyết định phù hợp để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Trâm Anh; Email: chtrcu@yahoo.com

Đọc các phản hồi của bạn đọc, tôi thấy hầu hết đều chỉ lo đánh giá đầu vào chất lượng đại học. Nhưng vừa rồi có một khảo sát của các nhà khoa học Mỹ về giáo dục ở Việt Nam đã đưa ra một nhận xét là: Chất lượng giáo dục của các trường ở Việt Nam được đánh giá không giống ai đó là chất lượng đầu vào, chứ không phải là đánh giá qua chất lượng đầu ra.

Việc Bộ GDĐT có hướng gộp hai kỳ thi vào một là một việc làm đúng mà tôi nghĩ sẽ làm lợi rất nhiều về kinh tế. Theo tôi biết ở nước ngoài kể cả các nước rất phát triển học sinh sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cấp quốc gia là đuọc vào học đại học mà không phải qua một kỳ thi nào trừ một số ít trường có tổ chức thi thêm một số môn cần thiết, hoặc chỉ qua một buổi phỏng vấn của trường. Rất đơn giản và thoải mái.

Tuy nhiên để lấy được tấm bằng đại học không phải dễ. Đó mới chính là chất lượng đầu ra, điều mà ta cần bàn luận nhiều hơn trong giáo dục của Việt Nam.

Dong Xuan Hanh; Email: dongxuanhanh@yahoo.com Cải cách giáo dục như vậy là quá nóng vội

Tôi đọc nhiều ý kiến của bạn đọc, mỗi người đều có lý. Theo tôi để tổ chức tốt thi trắc nghiệm, hãy giáo dục ý thức tự trọng của học sinh ngay từ lớp 1, đến bao giờ xã hội thấy đủ để có kỳ thi nghiêm túc thì hãy lên tổ chức thi trắc nghiệm.

Thi tự luận để giáo viên biết được học trò của mình viết gì vào trong đó, để hiểu học trò mình hơn, còn thi trắc nghiệm dần dần con người sẽ như cái máy tính. Tôi xa trường phổ thông gần 10 năm rồi, năm nào cũng thấy cải cách giáo dục nhưng tất cả vẫn không có lối thoát. Mong các nhà chức trách hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định để con em đỡ khổ.

Bùi Văn Ngọc; Email: hoangtukho.kid@gmail.com   Tại sao lại phải thi trắc nghiệm toàn bộ các môn?

Em là học sinh lớp 12. Em thắc mắc là tại sao chúng ta lại phải tổ chức thi trắc nghiệm tất cả các môn? Trong khi nhiều môn học nếu trắc nghiệm sẽ mất đi nhiều đặc tính riêng biệt nét nổi bật của môn học đó.

Em lấy ví dụ như môn Toán nếu thi trắc nghiệm mà theo cấu trúc đề của Bộ GDĐT thì sẽ mất đi nhiều cái, sẽ làm mất đi tính tư duy của học sinh. Nếu như thế thì còn đâu những bài toán hay, những dạng toán khó. Đành rằng thi trắc nghiệm là giảm bớt tiêu cực nhưng chúng ta phải xem xét những môn nào thi trắc nghiệm hoàn toàn hay là chỉ một phần trăm trắc nghiệm còn lại vẫn là tự luận.

Ở một số nước, mặc dù nền giáo dục phát triển nhưng vẫn không bỏ hình thức thi tự luận mà bên cạnh thi trắc nghiệm họ vẫn tổ chức thi tự luận. Phải chăng chúng ta nên học tập theo họ hay là chúng ta sẽ có một hướng đi mới?

Phạm Thị Phượng; Cty Cổ phần tư vấn xây dựng Ptrolimex,149 Trường Chinh, Hà Nội; Email: phamthiphuong1954@yahoo.com

Hôm nay tôi đọc được bài báo của nhà giáo Văn Như Cương trên trang báo điện tử của báo Tiền phong, tôi rất tâm đắc với bài viết của ông. Đây cũng là mối lo ngại của bản thân và gia đình tôi. (Vì chúng tôi đang có con thứ hai năn nay đang học lớp 12).

Vấn đề nhập 2 kỳ thi làm một, tôi cũng thấy còn bức xúc vì có thể những người có quyền quyết định vấn đề đó chưa thấy hết những phát sinh tiêu cực sẽ xảy ra vì việc chống tiêu cực trong giáo dục của nước nhà đang trong thời kỳ khởi động.

Muốn làm được điều đó cần phải có thời gian, có hoạch định trong toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông (nghĩa là phải chọn lọc học sinh từ các cấp học từ thấp đến cao theo kiểu hình chóp).

Tôi được biết ở những nước có nền giáo dục tiên tiến, khi học sinh bắt đầu vào THPT học sinh đã được phân cấp theo học lực và hướng dẫn học nghề hoặc học đại học.Còn ở đất nước mình việc đó chưa làm được thì việc tổ chức thi 2 lần vẫn có khả thi hơn.

Vấn đề các đề thi các môn, tôi hoàn toàn nhất trí với những phân tích rất xác đáng của nhà giáo Văn Như Cương.

Là một người dân tôi mong các cấp lãnh đạo hãy xem xét kỹ mọi vấn đề rồi đưa ra những quyết sách giúp cho nền giáo dục của đất nước đổi mới, đáp ứng yêu cầu của sự hội nhập chung của đất nước.

Hoàng Văn Nam; THPT Hùng Vương, TX Phú Thọ; Email: hoang_nam_3008@yahoo.com

Về việc thi trắc nghiệm, theo tôi, là một cách làm rất tốt, một cách kiểm tra, đánh giá hiện đại mà rất nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã và đang áp dụng rất có hiệu quả.

Có người cho rằng , thi trắc nghiệm làm cho học sinh mất đi khả năng tư duy logic, không có khả năng diễn đạt là môt điều sai lầm. Tư duy logic hay khả năng diễn đạt được hình thành trong cả quá trình học tập của học sinh suốt mười mấy năm học chứ không phải trong một hay hai kỳ thi.

Thi trắc nghiệm chẳng qua chỉ là một hình thức kiểm tra đánh giá kiến thức. Theo các nhà khoa học thì đây là phương pháp kiểm tra đánh giá có hiệu quả nhất - nhất là trong hoàn cảnh giáo dục của Việt Nam hiện tại.

Thực tế trong những năm vừa qua, việc áp dụng thi trắc nghiệm đã chứng minh điều đó rất rõ rệt. Không thể có một học sinh nào không có kiến thức mà thi trắc nghiêm lại có kết quả cao và ngược lại, không có học sinh nào học khá giỏi mà thi trắc nghiệm lại cho kết quả thấp.

Tất nhiên không tránh khỏi những trường hợp may rủi như ví dụ đã nêu về 1 thí sinh ở Hải Dương trong bài viết của GS Văn Như Cương. Nhưng thí sinh đó cũng không thể vượt quá 3,5 điểm. Để khắc phục tình trạng này , theo tôi, Bộ GD& ĐT nên cho thiết kế một chương trình để máy chấm không chấm những bài làm mà thí sinh chỉ tô đen một lựa chọn duy nhất A, B, C hoặc D và coi đó là bài phạm quy.

Để phân loại được trình độ thí sinh, chỉ cần soạn đề thi với hệ thống các câu hỏi với mức độ dễ, khó khác nhau. Điều này các nhà chuyên môn hoàn toàn có thể làm được.

Do nhận thức sai lầm, hiện nay rất nhiều giáo viên đã quá lạm dụng việc kiểm tra trắc nghiệm trong suốt cả quá trình dạy học. Bộ GD- ĐT không bắt buộc hay khuyến khích các thầy cô giáo thường xuyên kiểm tra trắc nghiệm mà chỉ hướng dẫn để học sinh làm quen với hình thức thi trắc nghiệm để các em khỏi bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi. Vì đây là một hình thức thi mới mẻ đối với học sinh Việt Nam.

Về vấn đề gộp 2 kỳ thi làm 1, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn của Bộ GD& ĐT. Có thể nói một việc làm nhưng đạt được rất nhiều mục đích.

Thứ nhất là giảm phiền hà , tốn kém cho ngân sách nhà nước cũng như của nhân dân, điều này thì ai cũng rõ, vì chỉ tổ chức một kỳ thi duy nhất. Điều thứ hai quan trọng hơn, vì đây là kỳ thi để lấy kết quả vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng và THCN nên bản thân kỳ thi có tính chất cạnh tranh như kỳ thi tuyển sinh trong những năm trước đây.

Nếu như thi tốt nghiệp trước đây do tỷ lệ đỗ càng cao càng tốt nên không ảnh hưởng gì đến kết quả của thí sinh. Do vậy mà thí sinh tìm mọi cách giúp nhau để cùng làm bài. Còn nếu thi tốt nghiệp lại lấy kết quả để xét tuyển vào đại học, cao đẳng thì chuyện thí sinh giúp nhau làm bài là rất khó xảy ra. Nhất là chúng ta tổ chức hình thức thi trắc nghiệm, đề thi có nhiều phiên bản khác nhau và tăng cường kỷ luật phòng thi hơn nữa.

Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng, việc gộp hai kỳ thi làm một là không khả thi vì cho rằng mục đích 2 kỳ thi hoàn toàn khác nhau. Theo tôi nghĩ, mục đích 2 kỳ thi này hoàn toàn không khác nhau. Thi tốt nghiệp hay thi tuyển sinh cũng đều có chung mục đích là đánh giá kết quả học tập và tuyển chọn.

Thi tốt nghiệp là đánh giá kết quả và tuyển chọn những học sinh có đủ điều kiện để tốt nghiệp. Còn thi tuyển sinh cũng là đánh giá kết quả và tuyển chọn những học sinh có đủ điều kiện để vào học các trường đại học, cao đẳng. Vậy hoàn toàn có thể chỉ cần tổ chức một kỳ thi mà đạt được cả 2 mục đích trên.

Những thí sinh đạt điểm trung bình trở lên được xét công nhận tốt nghiệp. Các trường đại học, cao đẳng có thể căn cứ vào kết quả các môn thi phù hợp với các môn học trường mình đào tạo để làm điều kiện xét tuyển và lấy kết quả từ cao xuống thấp. Như vậy các trường hoàn toàn có thể tuyển được các thí sinh đúng với khả năng, trình độ và phù hợp với nguyện vọng của thí sinh.

Vấn đề hiện nay là chúng ta phải tổ chức kỳ thi này sao cho thật nghiêm túc để có được kết quả chính xác , khách quan, công bằng. Qua kỳ thi tốt nghiệp THPT 2006 - 2007 vừa qua tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó.

Nguyễn Thành Nam; Email: nam@grenoble.cnrs.fr

Bài viết mới đây của GS Văn Như Cương đã đề cập đến cái mà GS gọi là "nền giáo dục bôi đen". Tôi có một vài ý kiến không đồng tình với GS, xin được trình bày ra đây để rộng đường dư luận:

Khi phê phán hình thức thi trắc nghiệm (TN), GS Văn Như Cương đã đưa ra ví dụ về một học sinh "chỉ bôi đen bừa mà cũng được 3.5 điểm". Ví dụ này của GS không khác gì ví dụ một người không biết tiếng Anh khi thi Toefl (kỳ thi này cũng được thực hiện theo kiểu "bôi đen" mà GS nói) vẫn được 250 điểm.

Thưa GS, một người không biết tiếng Anh thậm chí còn có thể được 300 điểm Toefle nữa kìa, vì đó là điều hết sức bình thường. Điều đó không hề nói lên chất lượng của kỳ thi Toefle là dở. Điểm 3,5 mà giáo sư nêu nó tương tự như là 250 điểm Toefl, đó chẳng qua là cái gốc của hệ quy chiếu, cái gốc này tuỳ thuộc vào kiểu đề thi.

Nếu GS muốn có một cái gốc bằng 0, thậm chí gốc âm thì đơn giản thôi, chỉ cần thiết kế một đề thi trắc nghiệm mà khi học sinh chọn đúng thì cộng điểm, chọn sai thì trừ điểm. Tuy nhiên cái "gốc hệ quy chiếu" đó không phản ảnh độ tin cậy của phương pháp thi, nó chỉ làm thay đổi thang điểm.

Tôi không hiểu ý của GS trong đoạn văn sau "Thày sẽ rất thích thi TN vì không phải chấm bài (con thầy cũng chấm được, vợ chấm cũng xong; nếu thầy chấm chỉ mất 15 phút)". Phải chăng GS định nói việc chấm bài chỉ là so sánh kết quả đánh dấu của học sinh với kết quả mà ai đó (chắc là không phải "Thầy") đã giải sẵn. Và như vậy, có lẽ đề thi cũng là do ai đó thiết kế chứ không phải "Thầy".

Ô hay, tôi tưởng là một khi người thầy ra đề (dù là tự luận hay trắc nghiệm) thì phải giải đề và tìm đáp số (tức là phải làm bảng kết quả chuẩn) trước khi đưa đề ra cho học sinh thi chứ. Nếu "thầy" không làm thế thì vợ con "thầy" lấy bảng đáp số đâu để mà so sánh, hay là họ sẽ tự giải đề thi rồi so sánh kết qủa với học sinh trong khi chấm bài hộ "thày".

Như vậy thì chắc chắn vợ con "thầy" phải có trình độ chuyên môn bằng hoặc cao hơn "thầy". Trong trường hợp đó, họ chấm bài hộ "thầy" cũng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả thi của học sinh, cũng như kết quả của hình thức thi TN nói chung.

Tôi cho rằng, nếu thi trắc nghiệm thì người thầy sẽ vất vả hơn, bởi vì thiết kế một đề thi trắc nghiệm khó hơn rất nhiều so với thi tự luận. Thành công của kỳ thi phụ thuộc phần lớn vào cách ra đề (bao gồm đặt câu hỏi, cách tính điểm), tức là phụ thuộc vào năng lực của người thầy, và phải làm việc rất nghiêm túc.

Qua những phân tích trên đây, tôi cho rằng GS không hiểu rõ về hình thức thi TN trong khi nặng lời phê phán nó.

Việc GS đưa vấn đề "ném bài", "chép bài" ở các kì thi vào như là một nhược điểm của kiểu thi TN, tôi thấy là không thuyết phục. Vấn đề đó thuộc về khâu tổ chức kỳ thi, tức là trách nhiệm của những nhà tổ chức, chứ không phải là nhược điểm của hình thức thi TN. Vì ngay cả trong kỳ thi Toefl, mặc dù các thí sinh ngồi rất gần nhau, vẫn không thể quay cóp được. Thí sinh chỉ cần phạm hai lỗi nhỏ thì kết quả thi sẽ bị hủy.

Nếu GS phê bình hình thức thi TN trên cơ sở giả thuyết là chúng ta không đủ năng lực để tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, thì các phân tích của GS là có lý, nhưng với giả thuyết đó, chúng ta chẳng có gì để bàn.

Khi phát biểu những ý kiến trên đây, tôi không cho rằng thi trắc nghiệm là hoàn toàn ưu việt. Mỗi hình thức thi có ưu điểm và nhược điểm riêng của nó. Vấn đề là chúng ta phải lựa chọn hình thức thi phù hợp, lợi nhiều và hại ít.

Chẳng hạn, đối với môn Văn thì tôi vẫn cho rằng chúng ta nên thi tự luận, đúng như những phân tích của GS. Trong trường hợp môn Toán, nếu học sinh thi vào ngành Toán học hay Vật lý ở một trường đại học thì nhà trường có thể tổ chức thêm kỳ thi tự luận cho môn Toán, nhưng các thí sinh thi vào các ngành khác thì chỉ cần kết quả thì trắc nghiệm môn Toán là đủ.

Về việc nhập hai kỳ thi làm một, phải chăng GS Văn Như Cương muốn chờ đến khi nào kì thi tốt nghiệp PTTH trở nên đáng tin cậy thì mới bỏ kỳ thi quốc gia tuyển sinh vào đại học? Vậy xin hỏi GS là tại sao sau bao nhiêu năm, mặc dù chúng ta đã cố gắng rất nhiều, mà kỳ thi đó vẫn không đáng tin cậy như vậy? Và nếu chúng ta chờ thì phải chờ đến bao giờ? Theo tôi thì chúng ta nên thực hiện như sau:

1. Bỏ kỳ thi cấp quốc gia vào các trường đại học và cao đẳng. Tập trung toàn lực để nâng cao chất lượng kỳ thi PTTH (có thể trắc nghiệm hay tự luận thì tùy theo từng môn, và phải xem xét cẩn thận).

Chúng ta phải chấp nhận trong vài năm đầu tiên, chất lượng của kỳ thi PTTH có thể chưa cao như mong muốn, nhưng nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc, có phương pháp tổ chức phù hợp thì tin rằng chỉ trong thời gian ngắn có thể khắc phục được các vấn đề. Vì lúc này, cả ngành giáo dục nói riêng, và cả nước nói chung chỉ tập trung nhân tài vật lực cho một kỳ thi.

2. Tuy xoá bỏ kỳ thi quốc gia vào các trường đại học, cao đẳng, nhưng không nên cấm các trường đại học tổ chức thi tuyển đầu vào nếu họ thực sự thấy cần thiết. Chẳng hạn như trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, ĐH Thể dục Thể thao có thể tổ chức thêm kỳ thi năng khiếu…

Ngoài ra, các trường khác có thể nhân hệ số điểm tốt nghiệp PTTH của học sinh ở một số môn mà họ thấy cần thiết để tuyển đầu vào. Chẳng hạn khoa Lịch sử có thể tính điểm xét tuyển môn Lịch sử với hệ số hai. Tuy nhiên, để tránh việc các trường tự tổ chức thi tuyển đầu vào ồ ạt như những năm 90, Bộ GD có thể ra quy định mỗi chuyên ngành trong các trường đại học, nếu tổ chức thi tuyển, chỉ được phép thi tuyển một môn có liên quan đến chuyên ngành đào tạo.

Phải coi việc tổ chức thi tuyển là việc riêng của các trường (các ngành) và mỗi trường đại học có toàn quyền quyết định việc có nên tổ chức thi tuyển hay không. Khi kết quả kỳ thi PTTH đã trở nên đáng tin cậy thì số trường tổ chức thi tuyển như trên sẽ rất ít, và nếu có thì cũng chỉ tổ chức thi một số môn có tính chất đặc thù của ngành, các môn khác vẫn dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp PTTH để xét tuyển.

Nguyệt Minh; Email: nguyetminh@yahoo.com  Áp dụng triệt để thi trắc nghiệm khách quan triệt tiêu những viên ngọc lập trình

Dù không phủ nhận rất nhiều ưu điểm của việc thi trắc nghiệm nhưng tôi cũng thực sự lo chất lượng giáo dục với chủ trương nhập hai kỳ thi làm một và khi tổ chức thi trắc nghiệm tràn lan hiện nay cũng như hiểu được tấm lòng về sự nghiệp giáo dục nước nhà của GS Văn Như Cương.

Việc cố gắng triệt để áp dụng hình thức kiểm tra trắc nghiệm trực quan gần như trên tất cả các môn học mà không quan tâm đến tính chất của môn học không chỉ ở bậc phổ thông mà còn đang được một vài trường đại học áp dụng hiện nay đang dẫn đến sự giảm sút nghiêm trọng chất lượng đầu ra của sinh viên.

Tôi, một giảng viên đã dạy trên 10 năm ở nhiều trường đại học, cao đẳng khác nhau cũng như một số giảng viên rất bức xúc về việc này tại một trường đại học mà tôi đang dạy.

Để năng cao chất lượng giảng dạy nhà trường đề ra nhiều biện pháp trong đó có việc áp dụng triệt để thi trắc nghiệm ở tất cả các môn từ Triết học, Kinh tế chính trị, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Pháp luật, Môi trường, đến các môn Toán học, Vật lý, Cơ học, Sức bền vật liệu, Chi tiết máy, Lý thuyết mạch và cả những môn lập trình.

Thi trắc nghiệm có làm giảm bớt việc chấm thi cuối học kỳ nhưng thật sự làm chúng tôi lo lắng đến chất lượng sinh viên. Việc áp dụng thi trắc nghiệm triệt để mà không quan tâm đến đặc thù của môn học như những môn lập trình tin học để làm giảm sút nghiêm trọng khả năng lập trình của sinh viên sắp ra trường.

Dù rất nhiều cố gắng nhưng việc soạn đề trắc nghiệm với các môn này thật sự khó khăn, với những câu hỏi dài cả trang giấy mà kết quả đáng lẽ phải được kiểm tra qua máy tính thì phải ! chọn trong vòng khoảng 1 phút quả là sự đánh đố cả giảng viên và sinh viên dẫn đến một số học sinh sinh viên học kiểu nhận dạng.

Để cứu vãn chất lượng, các môn học được đánh giá qua thực hành và tiểu luận nhưng thật sự một giảng viên vừa dạy như thế vừa hướng dẫn hàng trăm tiểu luận làm việc theo nhóm trong một học kỳ và tỷ lệ điểm kỳ thi cuối kỳ bằng trắc nghiệm chiếm đến 50 - 60% đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng, chất lượng đào tạo rất hạn chế.

Bên cạnh sự thành công không thể phủ nhận về cơ sở vật chất, sĩ số và điểm chuẩn đầu vào tăng đều hàng năm nhưng sẽ ra sao nếu việc áp dụng triệt để thi trắc nghiệm gần như trên tất cả các môn học ngày càng làm hiếm hoi những viên ngọc lập trình trong sinh viên.

Lê Hương Chi; Email: nam_1011@yahoo.com.vn Làm thế nào, học thế ấy

Theo tôi, việc đổi mới giáo dục, trong đó có việc triển khai thi nhiều môn trắc nghiệm đang có những chuyển biến rất tích cực. Thi trắc nghiệm ngoài khả năng kiểm tra được kiến thức trên diện rộng còn yêu cầu người học đáp ứng tốc độ, tính chính xác cao.

Điều đó cũng rất thiết thực với đòi hỏi của công việc sau này, "anh đi bằng đường nào tôi không quan tâm, miễn là anh hoàn thành tốt yêu cầu công việc". Cái đích đó là kết quả đạt được, nó thể hiện năng lực của cá nhân. Tất nhiên muốn có kết quả tốt anh phải tự tích lũy, trang bị kiến thức cho bản thân nếu không muốn bị đào thải.

Còn việc đảm bảo tính nghiêm túc trong thi cử nói chung và thi trắc nghiệm nói riêng thì trên thực tế toàn xã hội đang vào cuộc, kết quả là kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi đủ để chúng ta tin tưởng. Tôi ngạc nhiên khi thấy GS.Văn Như Cương cho rằng "thi tốt nghiệp ở bậc THPT làm ù xọe...", đó là trước đây, còn kỳ thi vừa rồi GS có đi thực tế không mà lại kết luận như thế?

Vũ Trọng Thắng; Email: vutrongthangdhkt@yahoo.com

Việc thi trắc nghiệm tràn lan sẽ dẫn đến cách dạy và cách học đều theo kiểu trắc nghiệm.

Cái hay, cái giỏi, cái dùng được trong giáo dục là biết tự luận trước một vấn đề đặt ra ở bất kỳ môn học nào. Biết nó hay nó đúng ở mức nào, cái nào là sáng tạo, cái nào là rập khuôn thì trắc nghiệm sẽ bó tay. Về mặt khoa học thì chúng ta không sợ thi trắc nghiệm, nhưng sẽ diễn ra kiểu dạy và kiểu học theo trắc nghiệm thì cực kỳ nguy hiểm, và chẳng có cách gì chữa được cả.

Vì vậy Bộ GĐĐT phải lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội trước khi quyết định. Khi viết điều này, tôi nhớ lại cuộc cách mạng chữ viết cách đây trên 20 năm đã làm hỏng đi hàng chục thế hệ học sinh. Cái hỏng không phải vì chữ viết xấu mà là tác phong cẩu thả, đại khái, óc thẩm mỹ bị xói mòn, lễ nghi bị xao mảng...

Còn cho rằng thi trắc nghiệm chống được tiêu cực thì đúng mà lại không đúng. Đúng là trước mắt thấy thế, không đúng ở chố vì không chống được tiêu cực phải thay đổi phương pháp giáo dục theo kiểu trắc nghiệm (dạy theo TN, học theo TN) thì là bỏ cái nguy nhỏ chọn cái nguy lớn vậy.

Vương Thu Thủy; Email: vuongdiepsa@gmail.com Không nên nhập hai kì thi - Nên quay trở lại thi tự luận

Em là cựu học sinh của trường Lương Thế Vinh - thầy Văn Như Cương làm Hiệu trưởng. Năm chúng em thi đại học là năm đầu tiên áp dụng thi trắc nghiệm - môn Anh.

Từng trải qua kỳ thi và từng làm trắc nghiệm nên em biết, có nhiều bạn giỏi, vẫn giỏi, nhưng nhiều bạn học yếu lại vẫn có cơ hội làm bài điểm tương đối. Các bạn chỉ cần nhìn một hai chữ trong câu, liếc qua đáp án của người ngồi gần là có ngay kết quả. Đó là chưa kể tới việc nhiều bạn không biết làm, không hiểu bài, không làm chủ kiến thức, vẫn vì may mắn mà chọn được đáp án đúng.

Đặc biệt với trắc nghiệm môn Văn, những đáp án đưa ra cho thí sinh chọn nhiều khi khôi hài tới mức... ngớ ngẩn! Người ta thường nói "Văn là người thư ký trung thành của trái tim", "Văn học là nhân học"... Chấm một bài văn hay đâu chỉ qua một hai đáp án mà cần phải tiếp xúc với cả tác phẩm của thí sinh, những suy tư, trăn trở của người viết thể hiện trong một bài làm dài. Do vậy, nếu trắc nghiệm môn văn, còn đâu là nghệ thuật? Thí sinh - con người đâu phải cái máy?

Em nhớ thời học phổ thông Lương Thế Vinh, chúng em không chỉ được học tri thức, mà cái cần hơn chúng em được học là phương pháp tư duy. Các thầy cô đều là những nhà giáo tâm huyết. Chúng em yêu những giờ học thầy trò cùng tranh luận, cùng tìm ra cách giải hay nhất cho một bài toán, cùng nhận xét những ý văn hay, cùng làm thơ...

Với em, thi tự luận vẫn là hình thức thi hữu hiệu nhất để chọn ra được những học sinh, sinh viên xứng đáng. Có thể với hình thức thi vấn đáp trực tiếp, yêu cầu kiểm tra phản xạ của thí sinh, phương thức thi trắc nghiệm sẽ thể hiện được tối đa ưu điểm của nó. Nhưng với một kỳ thi lớn, thời gian làm bài cho mỗi môn khá dài thì hẳn tự luận vẫn là phương án tối ưu.

Sinh viên chúng em vẫn hay nói đùa với nhau rằng có khi chẳng còn bao lâu nữa nước ta sẽ... phổ cập đại học. Vào ĐH bây giờ dường như dễ hơn ngày xưa nhiều. Và sinh viên ở các trường ĐH bây giờ cũng năm bảy "loại" trong đó nhiều bạn khi vào trường sức học không theo nổi chương trình.

Hiện nay, các nước phát triển trên thế giới vẫn tiếp tục (hoặc đã trở lại) với hình thức thi tự luận. Tại sao chúng ta lại không?

Thêm một điều nữa em muốn chia sẻ là: Tại sao khi nước ta vừa hoàn thành xong "một vòng" áp dụng hình thức thi trắc nghiệm vào năm 2009, chưa kịp tiến hành thi trắc nghiệm toàn bộ các môn sang lần thứ hai vào năm 2010 thì các nhà giáo dục đã lại tiếp tục thử nghiệm đề án "nhập hai kỳ thi làm một"? Em tự hỏi, vậy, sau khi nhập hai kỳ thi làm một được 1 năm thì năm tiếp theo, học sinh sẽ lại phải đối mặt với một sự thử nghiệm mới nào nữa đây?

Một nhà giáo có tâm huyết; Email: kiaconga@gmail.com

Tôi cũng là giáo viên dạy Toán, việc đánh giá quá trình học tập của học sinh học môn Toán mà cứ theo định hướng hiện nay là thi trắc nghiệm thì học sinh sẽ mất đi sự tư duy sâu, tư duy khoa học, tư duy logic, sự diễn đạt ngôn ngữ Toán học thể hiện trí thông minh của các em, sự giỏi giang của các em.

Sự thông minh đó thật sự được biểu hiện thông qua các bài thi lập luận, có căn cứ và chính xác... Có như vậy thì mới phát hiện ra học sinh nào có năng khiếu học tập, có kh! ả năng tư duy sâu sắc, logic. Nếu ta thi theo kiểu trắc nghiệm môn Toán học sinh sẽ bỏ hết cách học theo kiểu truyền thống, chuyển sang học theo kiểu "láu cá " hoặc đi tắt đón đầu, học vẹt, học thủ thuật làm bài là chính và sự học đã trở thành thực dụng vì lẽ đương nhiên học sinh đang cần điểm cao.

Việc thi trắc nghiệm môn Toán làm cho hệ thông SGK lạc lõng, phiến diện và có phần thừa, có phần thiếu: Chẳng hạn đa phần hệ thống bài tập hình học là các bài toán chứng minh. Các định lý hay, định lý cơ bản của số học, đại số cũng là chứng minh. Các bài tập hay, có tính thực tiễn cao đòi hỏi kỹ năng, kiến thức rất sâu rộng lại cũng thường là toán chứng minh. Mà toán chứng minh thì thi trắc nghiệm không thể ra đề được.

Học sinh hiện nay đang bối rối với hình thức thi trắc nghiệm môn Toán của Bộ GD&ĐT. Phải chăng lượng kiến thức kiểm tra học sinh chỉ tồn tại trên bề rộng, không có bề sâu không có độ chắc. Học sinh thi trắc nghiệm xong là quên rất nhanh... Hạn chế được mặt này thì lại khó khăn ở mặt khác.

Từ trước tới nay nền giáo dục của ta đều mang tính kế thừa, tính bản sắc dân tộc , tính thực tiễn...và cả tính tiếp nhận tinh hoa văn hoá thế giới để phát triển hoà nhập. Liệu chuyển hình thức thi trắc nghiệm Đại học môn toán như hiện nay đã thực hiện đúng hướng hay chưa?

Thay đổi phương thức và cách thi đại học phải hỏi "ý kiến dân" như ý của Thủ tướng chỉ đạo. Theo cá nhân tôi Bộ GD&ĐT nên xem lại việc thi trắc nghiệm ĐH-CĐ môn Toán. Nên chăng Bộ mở các hội nghị hội thảo, yêu cầu nói thẳng, nói thật; mở các cuộc thăm dò dư luận từ đội ngũ thày cô, đội ngũ các nhà giáo lão thành, kinh nghiệm, các GS-TS các nhà quản lý giáo dục của tất cả các cấp, các địa phương để có hướng phát triển đúng đắn nền giáo dục hiện nay.

Nguyen Huu Nam; Email: nhnptth2007@yahoo.com

Tôi rất băn khoăn cho thế hệ các em mình trước sự cải cách nóng vội đến chóng mặt và cấp tốc hiện nay của ngành giáo dục nước nhà. Tôi đã được đọc bài viết của GS Văn Như Cương và tôi rất đồng tình với GS. Việc cải cách nóng vội trong thi tuyển như hiện nay sẽ gặp rất nhiều bất cập, tác động không tốt đến chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo của các ngành trong các trường ĐH.

Tôi mong việc thi tuyển sẽ được tách riêng với thi tốt nghiệp. Vấn đề ở chỗ: Để giảm tiêu cực trong thi cử không phải bằng cách giảm bớt thi cử mà phải làm thi cử tốt hơn. Để giảm tốn kém trong thi cử thì phải xác định rõ: tốn kém là do đâu, giảm tốn kém thì sẽ tốt cho dân hay các trường Đại học?

Hiện tại tôi thấy tốn kém mà dư luận đề cập đến là sự chuẩn bị cho thí sinh nhiều hơn so với lượng thí sinh đến tham gia, nhưng tôi thiết nghĩ nên chăng các trưòng khi nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH nên thu luôn lệ phí thi thay cho việc thí sinh đến thi mới nộp lệ phí thi như hiện nay.

Như vậy là bản thân thí sinh và gia đình khi đăng ký sẽ phải cân nhắc không đăng ký trán lan để các trường giành lại sự chủ động và không bị thiệt hại do thí sinh bỏ thi n ữa. Với tình hình hiện nay nếu nhập 2 kỳ thi làm 1 sẽ có hậu quả phản tác dung so với mục tiêu đề ra.

Nguyễn Kim; Email: cuctkth@yahoo.com

Chỉ còn một kỳ tuyển sinh quốc gia, nếu chọn thi ĐH e rằng các em sẽ học lệch. Giải quyết "bài toán" để hội nhập thì nên thi phổ thông. Với 6 môn thi tốt nghiệp THPT, không chỉ có kết quả học toàn diện mà điều kiện xét tuyển của các trường ĐH sẽ rộng hơn...

Tôi có con sẽ thi đại học vào đúng năm 2009, tâm trạng của chúng tôi vô cùng hoang mang, năm nào con chúng tôi cũng bắt đầu học theo sách mới và chương trình mới chưa hề có sự so sánh giữa cái cũ và cái mới hơn kém nhau nhau như thế nào.

Bộ Giáo dục đưa đề án thi gộp 2 kỳ để cho học sinh khỏi học lệch, nếu vậy tại sao lại phân ban để cho học sinh theo nguyện vọng để rồi đến khi thi tốt nghiệp các em lại chỉ được lựa chọn theo sự sắp đặt?

Tôi đưa ra trường hợp trong 6 môn thi tốt nghiệp sẽ có 3 môn của ban các em học (Toán, Lý , Hóa , Sinh) lại không có môn Sinh mà con tôi học suốt 3 năm trong trường chuyên, hoặc có những em chọn 3 môn trong ban Cơ bản cũng tương tự như vậy, sau đấy lại lấy luôn kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ĐH đấy là cả một sự thiệt thòi.

Nếu như các em thi đại học các em sẽ có cơ hội chọn môn các em yêu thích và đã học tốt trong khi học phổ thông , đấy là chưa tính đến các trường lâu nay thi khối B thì sẽ chọn như thế nào (Nếu trong 6 môn thi tốt nghiệp không có môn Sinh học).

Chúng tôi mong muốn được biết quyết định chính thức từ Bộ Giáo dục một cách nhanh nhất để con em chúng tôi yên tâm định hướng học tập.

TT.Quốc; Email: quoctt@gmail.com

Đọc bài phân tích của GS.Cương, tôi thực sự không đồng tình với các lý lẽ của GS đưa ra. Toàn bộ bài viết của GS thực chất chỉ phê phán cách thi trắc nghiệm mà thôi. Riêng tôi ủng hộ hoàn toàn phương thức thi trắc nghiệm mặc dù tôi đã tốt nghiệp cấp 3 hơn 10 năm nay rồi.

Về bản chất thì thi trắc nghiệm chỉ phù hợp với những người thật sự hiểu rõ vấn đề mà thôi. Hiện nay vẫn có hiện tượng thí sinh đánh dấu ("bôi đen" - theo GS Cương) các phương án lựa chọn của mình đối với những trường hợp không biết rõ đáp án là một phương án duy nhất (a hoặc b hoặc c hoặc d) để có được điểm (theo xác suất).

Tuy nhiên, nếu cải tiến phương án thi trắc nghiệm hiện nay một chút thì có thể tránh được trường hợp này. Theo tôi, nên có phương án "điểm trừ" trong hình thức thi trắc nghiệm. Cụ thể thang điểm của đề bài trắc nghiệm nên lớn hơn 10 điểm (ví dụ lấy 12 điểm tương ứng với 24 câu hỏi - mỗi câu 0.5 điểm). Như vậy thí sinh chỉ cần trả lời đúng trên 20 câu hỏi (không có câu sai) là có điểm 10.

Trường hợp ngược lại nên trừ 0.25 điểm/câu trả lời sai. Như vậy thì sẽ tránh được trường hợp đánh dấu bừa bãi như hiện nay - kể cả học sinh giỏi. Học sinh chuyên tâm làm bài trắc nghiệm trong vòng 20 câu hỏi là đạt được điểm cao - tất nhiên phải làm đúng, mà muốn làm đúng thì phải thật sự hiểu rõ vấn đề.

Đinh Văn Đứng; Email: phieudu080p@yahoo.com

Theo em, việc cải cách hình thức thi chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức học của học sinh hiện nay. Học sinh chỉ chú trọng vào bề rộng của kiến thức, ít chú trọng kiến thức chuyên sâu. Vì thế việc học sinh dễ quên kiến thức cũ là một điều tất yếu.

Cũng từ việc thi trắc nghiệm mà hình thức trình bày các bài toán cũng dần bị lãng quên, mà đây chính là thước đo tư duy,sáng tạo của học sinh, nó còn thể hiện được tầm nhận thức của mỗi học sinh về những gì đã học được.

Tuy ta biết rằng , việc thi tự luận có hạn chế về phạm vi kiến thức, và sinh ra nhiều vấn đề tiêu cực, nhưng em nghĩ điều này có thể khắc phục được bằng các biện pháp mạnh, và hiệu quả hơn. Bộ đã đưa ra được nhiều giải pháp hiệu quả trong việc chống tiêu cực, thì chẳng lẽ các biện pháp đó không hiệu quả với việc thi tự luận?

Trần Thiên Thai; Email: tttbhxhtb@gmail.com Cải cách giáo dục là rất cần thiết nhưng không nên nóng vội

Tôi đã đọc rất kỹ bài viết của GS Văn Như Cương và các bài viết phản hồi đăng trên Tiền phong Online. Tôi cũng đã từng học đại học rồi cao học và vừa rồi lại chính là phụ huynh đưa con đi thi đại học.

Trước hết tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến của GS Cương và nhiều độc giả khác với quan điểm là không nên gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học cũng như không nên thi trắc nghiệm tràn lan.

Đúng như các ý kiến đã nêu, kỳ thi ĐH và kỳ thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn khác nhau, nếu chúng ta gộp làm một thì vừa xảy ra rất nhiều tiêu cực khi học THPT, thi tốt nghiệp nhưng chúng ta lại không chọn được người giỏi để học Đại học, không chừng những gia đình có tiền, có quan hệ nhưng con học quá dốt vẫn vào đại học, như vậy sẽ nguy hiểm cho đất nước.

Còn thi trắc nghiệm thì tôi rất tán thành với quan điểm của GS Cương là không nên tràn lan, đặc biệt là không nên thi trắc nghiệm môn Văn và môn Toán, các môn còn lại nên cân nhắc. Theo tôi môn Văn mà thi trắc nghiệm thì còn gì gọi là văn, sẽ làm cho học sinh không biết diễn cảm, không biết trình bày...

Còn môn toán thì GS Cương đã phân tích, quan trọng nhất của làm toán là lý luận chặt chẽ, lôgic rồi đi đến kết quả thì mới có tính thuyết phục, còn chỉ đơn giản điền vào kết quả thì không thể đánh giá được tư duy của học sinh.

Tuy nhiên tôi không đồng tình với ý kiến của GS Cương đánh giá một cách quá tiêu cực về việc cải cách giáo dục của chúng ta cũng như đánh giá đơn giản về thi trắc nghiệm (Bôi đen hoặc là không biết gì cứ đánh dấu một phương án cũng được 2 - 3 điểm...).

Tôi cho rằng thi trắc nghiệm là một phương pháp tích cực và tiên tiến (tất nhiên như tôi đã nêu trên, không phải môn nào cũng thi trắc nghiệm) bởi mấy lý do sau:

Thứ nhất, nhiều người đã nhận xét đó là khách quan vì trao đổi bài là rất khó chứ không như một số người nhận xét, thứ hai là học sinh phải học toàn diện, thứ ba là để đánh dấu được một phương án trả lời đúng ở một số môn, học sinh phải từng giải những bài tập như vậy nên cũng không đễ để suy luận phương án đúng được, thứ tư là không có điểm trung gian, đúng được điểm tối đa, sai không có điểm.

Còn những trường hợp nói là cứ chọn một phương án từ đầu đến cuối thì không có cơ hội đỗ đại học được. Tuy nhiên tôi cho rằng ngân hàng đề cần phải phong phú hơn nữa các câu hỏi trắc nghiệm nên soạn ở dạng phải tổng hợp và tính toán nhiều hơn.

Thiết nghĩ cải cách giáo dục nước nhà là rất cần thiết nhưng chúng ta không nên nóng vội, phải lấy ý kiến rộng rãi để chúng ta không mắc sai lầm mà đời sau phải gánh chịu.

Phạm Văn Xô; Email: vietxosn65@yahoo.com.vn Đừng quá coi trọng thi cử!

Trong cả hai vấn đề mà chúng ta đang tranh luận mọi thứ đều quy về thi cử. Tôi nghĩ thi cử chỉ là một phần trong giáo dục. Chúng ta phải nghĩ cách để cho việc thi cử tự nó trở thành trung thực.

- Với thi Đại học, chúng ta hãy coi như sơ tuyển đầu vào, trong quá trình học tập sẽ thường xuyên sàng lọc đến khi thi tốt nghiệp và cuối cùng là sự chọn lọc của các nhà tuyển dụng. Ở đây sẽ liên quan đến việc tuyển dụng :

Đối với các nhà tuyển dụng tư nhân thì khỏi phải bàn, họ đã biết cách và làm rất tốt (Không tốt thì họ sẽ phá sản). Cái cần bàn là cách thức tuyển dụng của các cơ quan nhà nước. Nếu làm được như khu vực tư nhân thì những tấm bằng "dởm" (nhưng học thật) sẽ không có đất dụng võ và những người cố gắng có được tấm bằng đó sẽ bị trả giá. Chỉ một thời gian ngắn sẽ không còn ai muốn có bằng dởm nữa và chỉ có những người có năng lực thực sự mới muốn học đại học - khi đó chẳng cần thi nữa.

Đối với cấp học phổ thông: Đánh giá đúng nhất về học trò mình là các giáo viên và các cán bộ quản lý giáo dục cơ sở. Trong kỳ thi TN THPT vừa qua dư luận đều nói kết quả thấp là không bất ngờ nghĩa là họ đã đánh giá được trước khi thi. Vậy chỉ cần có cơ chế buộc họ phải đánh giá đúng là được.

Đối với các cấp học đều phải có sự bàn giao giữa lớp dưới với lớp trên, nếu lớp trên chấp nhận chất lượng thấp của cấp dưới thì họ sẽ phải lãnh hậu quả khi bàn giao tiếp theo, không thể đổ lỗi cho ai được cả. Khi đó sẽ xử lý những người đánh giá sai thật nặng để cảnh báo răn đe. Khi mọi người đều đánh giá đúng, học sinh sẽ phải cố gắng để không bị sàng lọc, khi đó thi cử sẽ rất nhẹ nhàng.

Lê Ngọc Sơn; Email: ngocsonhp2003@yahoo.com Hãy dừng lại xem xét

Tôi là người không công tác trong ngành GD. Tuy nhiên tôi thấy chúng ta đang cải cách theo kiểu học đòi. Thấy các nước làm là mình dập khuôn theo. Qua 2 vấn đề đặt ra là thi trắc nghiệm và gộp 2 kỳ thi ĐH và TNTHPT tôi thấy cần xem xét lại.

Vấn đề thứ nhất, thi trắc nghiệm sẽ thuận tiện cho các thầy cô chấm bài nhanh, học sinh làm bài nhanh rút ngắn thời gian thi, kiểm tra. Đó là hai cái lợi thấy được rõ của phương pháp này. Tuy nhiên cứ xét sâu thêm sẽ thấy nhiều bất cập.

- Làm cho học sinh mất khả năng tự luận vì thi trắc nghiệm thì khi học cũng theo kiểu trách nghiệm, các bài tập, bài kiểm tra... đều theo kiểu trắc nghiệm câu từ cộc lốc, mọi từ ngữ đã có sẵn chỉ việc điền vào là xong. Trong khi đó ở cấp tiểu học thì bệnh thành tích học trò viết chưa thạo, đọc chưa thông cũng được lên lớp. Lên cấp cao hơn chỉ cần mang sách in sẵn ra để điền vào một vài chữ.

Tôi dám chắc rằng học sinh sau khi tốt nghiệp PTTH không thể viết trọn bài văn tự luận. Không thể tự làm được một bài báo cáo, tổng kết, hay viết được lá thư đúng và hay. trong khi "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam".

- Học trắc nghiệm thì sách vở phải chuẩn hóa in ấn một loạt dùng một lần là bỏ. Như vậy rất lãng phí trong khi nước ta còn nghèo. Tại sao chúng ta nói "cải cách" là "cách" luôn chứ chưa thấy "cải" gì? Bất kỳ sự thay đổi nào cũng phải có quá trình quá độ, sự thay đổi đột ngột sẽ bị "sốc" cho cả thầy và trò. Các nhà quản lý lẽ ra nên hiểu điều này. về vấn đề này. Theo tôi ta nên áp dụng từ từ, và chỉ áp dụng 50% còn 50% dành cho khả năng tự luận.

Về vấn đề gộp hai kỳ thi lại làm một lúc này là không nên vì chất lượng học và dạy ở cấp phổ thông còn chưa thực sự chuẩn. Gộp hai kỳ thi sẽ xảy ra tình trạng chạy điểm các thầy cô ở PTTH con nhà có điều kiện sẽ vào học đại học. Con nhà nghèo không có tiền chạy chọt sẽ bị điểm kém không đủ tiêu chuẩn học ĐH. Mà thực tế các kỳ thi ĐH vừa qua con nhà nghèo thường đỗ điểm cao. Công bằng trong học tập thi cử sẽ không còn gây nên sự hoang mang, các em khó mà yên tâm học tập được.

Người Việt ta vốn sẵn tính bon chen chạy chọt, nếu làm như vậy vô tình giao luôn số phận học sinh trong tay các thầy cô THPT để các phụ huynh bằng tiền bạc, bằng thân quen tình cảm, nhờ cậy, hay quyền lực của mình để can thiệp vào kết quả học tập của con cái.

Theo tôi vẫn áp dụng theo hình thức thi của năm 2007 và cần chấn chỉnh việc học của các cấp phổ thông và đại học. Tôi nghĩ chất lượng học tập đạt được là nhờ vào việc học chứ không phải việc thi.

Nguyễn Văn Bội; Email: Vanboi@yahoo.com Phải đặt thi Đại học lên trên thi tốt nghiệp THPT

Vấn đề tuyển sinh vào đại học từ năm 2009 trở đi Bộ trưởng Bộ Giáo dục có dự định không tổ chức thi tuyển sinh vào đại học, chỉ thi tốt nghiệp lớp 12 sau đó dựa vào kết quả điểm thi tốt nghiệp lớp 12 để xét chọn vào đại học theo ý kiến của nhiều người dân là một sai lầm rất lớn.

Bởi lẽ mọi người dân hiện nay đang có con em ở lứa tuổi học sinh các cấp đều có chung một suy nghĩ là con em của họ tối thiểu phải tốt nghiệp được lớp 12. Mọi người dân đều mong muốn bỏ thi tốt nghiệp lớp 12 và thay vào đó là xét công nhận tốt nghiệp thông qua kết quả học tập cả năm lớp 12.

Để làm việc này Bộ cần chỉ đạo các trường đánh giá học sinh qua điểm kiểm tra, điểm thi các môn học trong năm và tổng kết điểm học kỳ các môn chính xác để lấy kết quả học tập cuối năm làm cơ sở xét tốt nghiệp.

Việc tuyển sinh vào đại học từ trước tới nay luôn luôn có số lượng học sinh thi vào thì đông trong khi đó nhu cầu tuyển vào các trường thì ít, từ đó bắt buộc phải tổ chức thi tuyển để lựa chọn những học sinh có đủ năng lực mới được đào tạo tiếp đại học, đó là quan điểm đạo tạo luôn luôn đúng từ trước tới nay.

Vũ Hữu Giang; Email: giang19541201@yahoo.com.vn Bỏ thi đại học là sai lầm

Chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo thi trắc nghiệm đối với môn Toán trong cac kỳ thi TNPT và Đại học năm học 2008 dựa trên lý do đỡ tốn kém và nghiêm túc là nguỵ biện. Thế hệ trẻ của Việt Nam đã phải mang ra làm thí nghiệm cho rất nhiều ý tưởng chủ quan của nhiều người có trách nhiệm trong ngành.

Việc bỏ thi cấp THCS đã đẩy nền giáo dục hiện tại vào một tình hình bi đát. Số học sinh không biết làm toán ngày càng tăng và chắc chắn năm tớí cũng như vậy.

Việc thi trắc nghiệm không thể nói là chất lượng đào tạo được cải thiện vì ít điểm 0. Thi cử đánh giá học sinh ở mọi cấp đều tốt nếu làm tốt tổ chức tốt . Vì tổ chức không tốt nên bỏ thật là duy ý chí. Các nước có nền giáo dục tiên tiến có đủ điều kiện vật chất để đảm bảo hầu hết học sinh có nhu cầu học tập đại học là được vào học.

Ở ta cố gắng phấn đấu mới đáp ứng được 20% yêu cầu đó. Khi đó mục tiêu 2 kỳ thi này khác nhau. Nếu bỏ phiếu cho thi trắc nghiệm tôi nói không. Nếu bỏ phiếu bỏ kỳ thi đại học tôi nói không.

Ngô Văn Hoàng; Email: Hoasua19802000@yahoo.com Một vấn đề lớn cần phải cẩn trọng

Vài năm gần đây chúng ta hay nói đến một căn bệnh, một căn bệnh trầm kha và có thực - Căn bệnh thành tích trong học tập, thi cử và có lẽ còn nhiều vấn đề khác nữa. Nhưng bây giờ tôi thấy lại có một căn bệnh mới, kỳ cục và trầm kha không kém - Căn bệnh chống bệnh thành tích. Tôi chỉ nói trong vấn đề học tập và thi cử, theo kiểu trào lưu.

Hiện nay giáo dục đang mất phương hướng về các quy chuẩn đánh giá. Ngày trước thi nhau nâng điểm, rồi cho lên lớp tùy tiện để đạt thành tích này nọ thế là thành công. Bây giờ thành công còn đơn giản hơn thế nhiều, mà sự dạy dỗ chưa chắc đã tốt hơn.

Bây giờ chỉ cần lọc một số học sinh thật giỏi vào các trường chuyên chọn để sao cho có một vài trường đạt tỷ lệ đỗ cao thế là ổn, còn đối với đa số các trường khác thì tỷ lệ đỗ cao cũng tốt mà không cao cũng chẳng sao, cứ yên tâm đi vì đó mới là dũng cảm, mới là thực chất và dám nhìn thẳng vào sự thật.

Tôi còn trẻ tuổi trình độ nông cạn chưa hiểu biết nhiều nhưng theo cách nghĩ của tôi thì mục đích của giáo dục là đào tạo con người, có tri thức và kỹ năng làm việc phù hợp với từng ngành nghề. Nay để ẩn đi cái biểu hiện tiêu cực ra phía ngoài, chúng ta tổ chức thi trắc nghiệm ào ạt.

Theo hình thức này thì cái biểu hiện ra bề ngoài đó về cơ bản không còn, nhưng cái tiêu cực thực tế thì vẫn tồn tại nhưng được giấu kín, và cái mục đích của giáo dục chưa chắc đạt được tốt hơn hình thức thi tự luận mà theo tôi là không thể bằng được

Chúng ta trước đây đã phạm phải nhiều sai lầm do chủ quan, nóng vội, lấy mô hình của các nước phát triển hàng đầu thế giới vào sử dụng cho một nước có nền văn minh đòn gánh vẫn còn phổ biến.

Sau một kỳ thi tốt nghiệp với 1/3 học sinh trượt tốt nghiệp ngành giáo dục lại có một thành tích mới đáng tuyên dương và đẹp đẽ hơn trước đây nhiều đó là đã tổ chức được một kỳ thi nghiêm túc, thực chất và do vậy đã có đủ điều kiện để gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp và thi tuyển vào làm một.

Liệu có dẽ dàng và nhanh chóng như thế không, một vấn đề khó khăn phức tạp như thế, một vấn đề nhức nhối thâm căn cố đế bao nhiêu năm lại dễ dàng thay đổi thế sao, hay đó chỉ là cái vỏ bề ngoài thôi? 

Chúng ta bảo tổ chức thi đại học là lãng phí, tốn kém tiền của vô ích của nhân dân. Đó là một lý lẽ khó thuyết phục, vì cái tốn kém đó phải coi là chi phí cần thiết để tuyển chọn được con ngưòi khi chúng ta chưa thể tuyển tất cả mọi người. Mà các hình thức thi cử thay đổi hiện nay chưa chắc đã ít tốn kém hơn.

Lại nữa chúng ta bảo là mọi người ai cũng thích làm thầy mà không ai muốn làm thợ. Đó là mong muốn hiển nhiên và vĩnh viễn của con người. Vì thế chúng ta mới cần phải thi cử để tuyển chọn, để ai có năng lực thì được học ở trình độ cao hơn phù hợp với tài năng của họ, ai không có năng lực thì phải học ở mức thấp hơn.

Chúng ta hô hào mọi người không nên cố vào đại học bằng mọi cách nhưng thực ra ai cũng chỉ cố vào khi họ có khả năng có thể vào được còn khi họ thấy thật sự năng lực của họ không thể vào được thì họ cũng phải tự thay đổi thôi.

Hô hào là vậy nhưng chúng ta lại cố gắng cho con mình được học đại học, lại còn tìm cách, nhiều khi là cách không hợp pháp để đưa con cái mình đi học ở nước ngoài, học thạc sĩ, tiến sĩ, vậy chúng ta đã nói những điều thực tâm chưa, hay chỉ nói theo trào lưu thôi?

Vì thế chúng ta nên có cách tuyên truyền định hướng mọi người biết lượng sức mình mà tìm trường phù hợp với năng lực của mình là hợp lý nhất, nhưng chúng ta ngại không dám nói ra.

Chấn hưng giáo dục là tất yếu khách quan, phải làm để đất nước dần tiến kịp các nước trong khu vực và thế giới, nhưng làm thế nào lộ trình ra sao, chúng ta lên nghiên cứu thật kỹ, có thể trưng cầu dân ý như sửa đổi hiến pháp vậy, vì những sai lầm trong định hướng giáo dục không dễ sửa chữa mà hậu quả của nó thì thật khôn lường không thể không thận trọng.

Trương Thị Phương Thảo; Email: pthao177@yahoo.com.vn Muốn chọn nhân tài phải qua thi cử

Chúng ta không thể gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và đại học vào một vì rất nhiều lý do:

- Kỳ thi tốt nghiệp là giấy chứng nhận trình độ phổ cập của dân cư với một số môn mang các kiến thức nền tảng. Còn đại học là sự lựa chọn ngành nghề tùy theo khả năng của từng người để phát huy cao nhất năng khiếu của bản thân có như vậy mới làm tốt công việc. 

- Kỳ thi tốt nghiệp khắp cả nước vậy chúng ta có làm tốt minh bạch được không, lấy kết quả này liệu có công bằng được không, có lựa chọn được người tài không?

Phải nhìn thẳng sự thật của đất nước là tình trạng chạy tiền là hết sức tràn lan, nếu bỏ thi cơ hội này càng lớn đất nước ta sẽ đi tới đâu. Là một người đã giảng dạy nhiều năm tôi cứ ước sao thi thật nghiêm túc để công bằng cho tất cả các em và đỡ làm khổ phụ huynh.

Chúng ta đừng lo cha mẹ học sinh khi kỳ thi đại học họ phải bỏ ra 2 triệu hoặc 3 triệu cho con đi thi. Vâng rất vất vả, nhưng cơ hội của họ đối với con cái vẫn có khả năng vì họ có thể bán được con bò để có tiền cho con đi thi hoặc cùng nữa họ có thể đi xin và vay mượn bà con chòm xóm cho cho con. Con học giỏi chắc chắn sẽ đỗ. còn họ sẽ không bao giờ có được và làm cách nào có được 200 triệu hoặc 300 triệu tiền chạy vào trường khi bỏ thi. 

Tôi ước ao mãi mãi kỳ thi đại học (chính qui) tồn tại vĩnh viễn và tôi còn mong sao kỳ thi đại học tại chức, thi bằng hai cũng được tổ chức theo đợt như vậy , rồi thi cao học, nghiên cứu sinh cũng được tổ chức thành một kỳ thi với cả nước theo 2 khối kỹ thuật và kinh tế. Không ai chạy được bằng tiền, chúng ta sẽ có các nhân tài và tham nhũng... sẽ khó có đất đứng.

Nghề giáo ai cũng muốn sống cho thanh bạch. Đừng bi quan có rất nhiều nhà giáo vẫn tâm huyết lắm vẫn rất muốn sống trong sạch lắm và thực tế họ vẫn trong sạch , giàu có , bởi họ có chất xám, mà trong nền kinh tế thị trường chất xám sẽ đem lại giàu có và cái cốt lõi quan trọng vẫn là các kỳ thi nghiêm túc sẽ là giấy chứng nhận cho tâm huyết của các thầy cô. Ai dạy tốt, ai dạy không tốt thật sự thể hiện rõ.

Phạm Việt Đức; Email: cdvietduc@vnn.vn

Về 2 vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận hiện nay, là một người đang công tác trong ngành giáo dục tại cơ sở, tôi có ý kiến như sau:

- Về vấn đề thi trắc nghiệm khách quan: Trên thực tế việc đổi mới hình thức thi cử trong thời gian qua thông qua áp dụng thi TNKQ mà thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Nó đã hạn chế mọt cách rõ nét các hiện tượng tiêu cự trong thi cử, nó tạo cơ sở cho việc đánh giá kết quả học tập công bằng hơn, và nó tạo tiền đề cho việc thực hiện yêu cầu Dạy thực, Học thực và Chất lượng thực trong thời gian tới.

Để chứng minh năng lực của bản thân (cụ thể qua kỳ thi) thì học sinh phải dựa vào chính sức mình, chứ không thể trông chờ vào "phao" hay bất cứ một hình thức tiêu cực nào khác. Cũng như các hình thức thi, kiểm tra khác, thi bằng TNKQ cũng có cơ sở khoa học của nó. Và đương nhiên, nó cũng có những ưu điểm và hạn chế.

Tuy nhiên, việc áp dụng TNKQ trong thi, kiểm tra trong giai đoạn hiện nay trong ngành giáo dục nước ta là hoàn toàn phù hợp và rất cần thiết. Ở đây cũng phải nói thêm rằng, việc thi với hình thức 100% TNKQ áp dụng với kỳ thi tốt nghiệp THPT, ĐH cũng là phù hợp với yêu cầu chấm trên máy.

Còn sự sáng tạo của người học dược hình thành trong cả quá trình học tâp, và việc đánh giá quá trình vẫn kết hợp giữa TNKQ với TNTL là trách nghiệm của người thầy, tuỳ theo mục tiêu yêu cầu giảng dạy.

Thiết nghĩ Bộ GD-ĐT sẽ không bắt GV phải áp dụng 100% TNKQ trong quá trình thi, kiểm tra thường xuyên như với các kỳ thi tốt nghiệp hoặc ĐH.

- Về việc ghép hai kỳ thi làm một: Tôi cho rằng chưa phải vội làm ầm ĩ lên khi Bộ GD-ĐT chưa công bố Đề án này. Thiết nghĩ các băn khoăn của quý vị, Bộ GD-ĐT dã phải tính trước cả rồi. Cá nhân tôi ủng hộ chủ trương này, vì nó đỡ làm khổ dân và sẽ thực sự tránh được lãng phí cho xã hội.

Nguyễn Văn Khôi; Hải Phòng

Tôi thấy rất nhiều ý kiến đóng góp chứng tỏ rất nhiều người cả trong và ngoài ngành giáo dục rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của chúng ta. Tôi thông cảm với thầy Cương khi dùng từ "bôi đen". Tôi cũng rất mong Bộ Giáo dục & Đào tạo nên xem xét và TPO nên tổng hợp các ý kiến gửi lên Bộ trưởng và các vị lãnh đạo..

Bởi trăm cái đầu sẽ thêm nhiều ý kiến hay. Riêng tôi tôi thấy thi trắc nghiệm cũng có cái tốt cũng có cái không tốt. Năm 2003 con trai lớn tôi thi đại học, cháu học chuyên Hóa, thi cả 2 khối nhưng có đầu tư môn Sinh hơn môn Lý.

Bạn cháu cũng thi 2 khối nhưng không đầu tư môn Sinh mà chỉ đầu tư khối A là chính. Cả hai cháu cùng thi Y Hải phòng. Bạn cháu hy vọng so với điểm chuẩn năm trước là 21 - 22 gì đó thì cháu có thể đõ. Cháu tính lấy 18 điểm 2 môn Toán và Hóa, kiếm 4 điểm Sinh nhờ bài tập. Nhưng không ngờ đề Sinh năm đó hay và khó chủ yếu là lý thuyết năng cao chứ không phải học vẹt mà làm được, tỷ lệ bài tập cũng ít.

Cuối cùng cháu đó được đúng 17 điểm: Toán 8, Hóa 8, Sinh 1 điểm. Con tôi có đầu tư nên môn Sinh được 7,5 điểm, còn các cháu học chuyên Sinh năm đó cũng trượt rất nhiều và cháu nào được 5 - 6 điểm Sinh đã là khá rôi.

Năm nay cháu tôi đi thi môn Sinh trắc nghiệm dễ nên ngoài khối A là chính cháu thi thêm Đại học Y Hải Phòng hệ điều dưỡng. Khi làm bài về cháu khoe không ngờ môn Sinh dễ thế, cháu làm được khá nhiều. Con tôi kiểm tra cho bảo em phải được trên 7 điểm, và rốt cục cháu được 7,25 điểm môn Sinh, còn Toán và Hóa ôn miệt mài bao công sức cũng được 7,5 điểm, cả Toán - Lý - Hóa khối A cháu đều đạt 7,5 điểm và cháu đõ cả 2 khối.

Con trai tôi được đi coi thi cháu bảo trong phòng thi có khoảng 8 mã đề, cũng dễ để tiêu cực như thầy Cương nói nhưng sự thi cử ở trường Y Hải Phòng rất nghiêm túc, hơn nữa là mỗi người một địa phương lại có sự cạnh tranh anh đỗ tôi có thể trượt nên tôi nghĩ tiêu cực kiểu này ở bậc thi đại học thì không có nhưng nếu gộp 2 kỳ thi thì sẽ có thê có.

Tình trạng năm qua thi trắc nghiệm cho thấy đề các môn hơi bị dễ, nên Bộ phải nghiên cứu ra đề thế nào đó. Tôi thấy cứ năm nay đề khó thì năm sau đề lại dễ. Năm 2003 đề hay và khó được nhiều người khen. Đề năm 2004 cũng được. Đề 2005 lại dễ khiến rất nhiều thủ khoa tuyệt đối. Đề năm 2006 lại khó và hay. Tới năm 2007 thi trắc nghiệm đề lại bị kêu là dễ khiến cháu tôi chả đầu tư gì nhiều cũng kiếm hơn 7 điểm môn Sinh đó là chưa kể nó thi Cao đẳng Y tế Hải Dương còn được tổng là 25,5 điểm cơ.

Năm 2006 con trai tôi thi 2 trường: Bách khoa được 27,5 điểm và Y Hải Phòng được 26,5 điểm. Dù chuyên Hóa nhưng 2 môn Hóa cũng chỉ được 9,75 và 9,5 điểm chứ không đạt tuyệt đối vì là tự luận, nhưng nếu là thi trắc nghiệm thì dễ kiếm điểm tuyệt đối hơn.

Còn môn Sinh cũng chỉ được 9,25 điểm vì đề tự luận hay và khó, nhưng nếu là đề trắc nghiệm như năm nay thì kiếm điểm 10 Sinh không phải là không thể. Chính! vì thế mà với 26, 5 điểm nếu để vào Y Hà Nội cháu cũng thừa mấy điểm nhưng vì đề thi Sinh năm nay nên các cháu đạt đến 29 điểm cũng chỉ thừa được hơn 1 điểm mà thôi.

Tôi nêu ví dụ cụ thể thế để mọi người dễ thấy. Theo tôi nên kết hợp cả tự luận và trắc nghiệm trong 1 đề thi theo ý kiến nhiều người là hợp lý. Và nếu kết hợp 2 kỳ thi thì nên chăng là bỏ thi tốt nghệp như ý kiến nhiều người đề xuất, còn nếu không thì nên duy trì như hiện nay và nên chú trọng vào cải cách cách giáo dục, cách giảng dạy trong trưòng nhất là trường đại học như Bộ trưỏng nêu.

Đó là sinh viên được nhận xét năng lực giáo viên, được tham gia ý kiến về thời lượng môn học, học đưa thêm các môn học mới, các vấn đề mới mà xã hội đang cần thì tốt hơn, và khuyến khích các trường tự chủ trong vấn đề giảng dạy, đào tạo liên kết vói nước ngoài để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Nguyễn Thị Bích Hợp; Hải Dưong

Toi xin nêu ví dụ: Cháu tôi thi tốt nghiệp được 36,5 điểm. Vậy mà thi đại học Luật được 4,75 điểm trong đó: Toán 0 điểm, Lý 1,75 điểm, Hóa 3 điểm. Qua đó thấy rằng môn Toán tự luận cháu không thể làm được gì nên chịu 0 điểm nhưng nếu là trắc nghệm chắc tô lung tung cũng kiếm được vài điểm chăng? Còn Hóa và Lý thì không rõ là có đỉểm do kiến thức thật hay do tô cầu may?

Với mức điểm tốt nghiệp ai nghĩ mức điểm thi đại học lại thảm hại đến vậy? Nhưng nếu là kết hợp 2 kỳ làm 1 thi tại địa phương ít nhiều còn có dễ dãi châm chước khi thi cử, và với 36,5 điểm có thê cháu đã ung dung vào 1 trường cao đẳng hay đại học dân lập nào đấy chăng?

TS. Trịnh Đức Thái, Giảng viên Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội; Email: trinhducthai2002@yahoo.com

Trước hết tôi xin được chia sẻ các với ý kiến của GS Cương. Việc chỉ dùng một hình thức kiểm tra đáng giá trắc nghiệm là không hợp lý và không thể đánh giá được hết khả năng của học sinh.

Hình thức trắc nghiệm chủ yếu là đánh giá được khả năng hiểu của học sinh chứ khó có thể đánh giá được khả năng sáng tạo và diễn đạt. Chúng ta cần có một thế hệ sinh viên đầy tính sáng tạo chứ không phái là những người chỉ có thể hiểu và thực hiện mệnh lệnh.

Vậy tôi thiết nghĩ một bài thi phải có nhiều hình thức đánh giá khác nhau mới cho chúng ta các thông tin đầy đủ về khả năng của học sinh. Mỗi trường đại học có thể có những hình thức khác nhau để có thể tìm được những sinh viên đủ khả năng theo học chương trình của trường.

Ví dụ tôi vẫn băn khoăn khi trường tôi là trường ngoại ngữ đào tạo ra các thày cô tương lai nhưng để vào trường sinh viên chỉ phải qua một kỳ thi viết và kết quả là chúng tôi thường có những sinh viên có tật về khẩu ngữ: nói ngọng, nói lắp... Vậy thêm một môn thi nói cũng là một cách để chúng tôi có thể đánh giá toàn diện sinh viên của mình trước khi vào trường.

Về vấn đề nhập hai kỳ thi làm một thì tôi nghĩ rằng sẽ có 2 hình thức : Một là các trường đại học có thể tuyển thẳng các học sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học các trường này có vai trò phổ cập dân trí ở mức cao hơn phổ thông.

Việc sàng lọc trong các trường đại học này sẽ rất gắt gao số lượng sinh viên ra trường thấp hơn nhiều so với số lượng đầu vào. Không có tình trạng vào được là ra được như ở nước ta. Như vậy các trường này thường mở rộng đầu vào nhưng lại thắt chặt đầu ra. Các trường sẽ có các chương trình đào tạo mềm dẻo cho phép sinh viên có thể kéo dài thời gian học và phương châm học cả đời sẽ được thực hiện triệt để.

Việc có bằng cử nhân cũng chưa đảm bảo cho sinh viên một nơi làm tốt. Họ thường phải học tiếp lên các bậc thạc sỹ hay tiến sỹ. Thường đây là quá trình vừa học vừa làm trong nhiều năm.

Hai là các trường đại học chất lượng cao (trường lớn: như trường Y, trường Sư phạm, trường kỹ thuật....) các trường này thường tổ chức các kỳ thi rất khó và số lượng đầu vào không nhiều.

Các sinh viên được tuyển thường có tài năng thực sự trong lĩnh vực họ chọn. Và học thường phải qua một thời gian chuẩn bị kỹ càng trước khi tham gia thi tuyển. Và sau khi ra trường thì khả năng tìm được việc là rất cao.

Ngay khi học họ đã có các Cty đỡ đầu và săn đuổi. Tôi cũng xin nêu một vấn đề để giáo sư và các bạn cho ý kiến: Phải chăng việc ngồi nhầm lớp cũng diễn ra trong các trường đại học chứ không chỉ ở phổ thông?

Lê Văn Nam; Email: namlvnb@yahoo.com  Nên dừng ngay việc triển khai thi trắc nghiệm như hiện nay

Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của thầy Văn Như Cương về việc tổ chức thi trắc nghiệm tràn lan như hiện nay.

Thi trắc nghiệm đối với học sinh phổ thông hoàn toàn phản khoa học bởi vì ở giai đoạn phổ thông là giai đoạn cần rèn luyện và phát triển khả năng tư duy của học sinh, phải làm sao để học sinh hiểu sâu sắc bản chất của một vấn đề chứ không chỉ để học sinh chỉ biết hiện tượng biểu hiện bề ngoài.

Thi trắc nghiệm sẽ đẩy học sinh học vẹt cốt làm sao khi đi thi làm được bài thi chứ không cần phải hiểu bản chất của vấn đề đó là gì. Đôi khi, thi trắc nghiệm còn xẩy ra hiện tượng ăn may, tức là có nhiều phương án trả lời, học sinh không hiểu phương án nào đúng nên chọn bừa nếu may ra trùng với đáp án thì học sinh được biếu không điểm mặc dù học sinh này chẳng biết gì.

Trước đây để giải một bài toán chẳng hạn, trước khi đi đến đáp số học sinh phải trải qua các bước trình bày, lý giải... chính bước này mới đánh giá được khả năng hiểu bài của học sinh thì nay lại bị bỏ đi mà chỉ cần đánh dấu “đúng”, “sai” thì thực sự là chúng ta đang đào tạo cho tương lai cả một thế hệ chẳng biết gì.

Sẽ cực kỳ nguy hiểm, khi thế hệ học sinh trắc nghiệm này lại áp dụng vào cuộc sống toàn thứ máy móc kiểu trắc nghiệm. Khi đưa ra một quyết định nào đó chẳng cần suy nghĩ tính toán, phân tích kỹ lưỡng mà chỉ cần phán đoán qua lao rồi quyết bừa là song thì hậu quả thật khôn lường

Tôi mong ngành giáo dục nên sớm thay đổi chủ trương thi trác nghiệm như hiện nay khi nó chưa quá muộn. 

Hồ Bích Diệp; Email: hbdiep@yahoo.com  Ngành Giáo dục cần xem xét lạI những quyết sách giáo dục để giáo dục phát triển bền vững đúng hướng

Tôi là một người dân rất quan tâm đến ngành giáo dục như bao người dân khác. Tôi luôn để ý theo dõi các thông tin báo chí nói các vấn đề, chủ chương của ngành giáo dục. Chính vì vậy tôi cảm thấy không thể không phát biểu chính kiến của mình trước tình hình nền giáo dục đang bị những tư tưởng, quyết sách ở tầm vĩ mô làm cho nền giáo dục XHCN của nước ta rơi vào tình trạng bất ổn, đi lệch định hướng của nền giáo dục XHCN.

Trước tiên tôi rất tán thành một số bài viết của một số GS nổi tiếng trong ngành giáo dục gần đây đã lên tiếng về tình trạng bất ổn hiện nay của Giáo dục như GS Văn Như Cương, GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Xuân Hãn, GS Liễu (giảng dạy tại Pháp)... 

Bộ Giáo dục đưa ra chính sách nhập 2 kỳ thi đại học và tốt nghiệp THPT làm một thực hiện từ 2009. Thủ tướng đã yêu cầu vấn đề này phải lấy ý kiến phụ huynh và học sinh trước khi trình Chính phủ. Báo VietNamNet đã có lần đưa ra diễn đàn lấy ý kiến về vấn đề này. Theo tôi được biết hầu hết các ý kiến (trên 90%) phản đối việc chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia. Người dân đề nghị nếu một kỳ thi quốc gia thì đó phải là kỳ thi đại học.

Nguyễn Thị Minh Hòa; Hải Phòng

Tôi rất ấn tượng với thầy Cương cũng như trường Lương Thế Vinh của thầy. Tôi cũng đồng tình với những vấn đề thầy nêu trong bài.

Thực sự thì nền giáo dục của chúng ta có những bước tiến đáng kể như tổ chức thi đại học 3 chung, được dư luận đồng tình, và từ đó mới phát hiện nhiều đường dây thi kèm, thi hộ mà trước đây thời chưa 3 chung không thể kiểm soát được hết.

Qua 1 năm tổ chức thi trắc nghiệm tôi nghĩ đã xuất hiện nhiều ưu điểm cũng như bất cập mà Bộ nên xem xét và cân nhắc lại, chứ không thể thừa thắng làm tiếp thêm cả môn Toán nữa.

Thứ nhất, thi trắc nghiệm kiểm tra được phổ kiến thức rộng hơn, đỡ phao thi hơn, đỡ tiêu cưc hơn nhưng cũng có nhiều cái dở. Đó là học sinh mất khả năng lập luận trình bày, và như kỳ thi vừa rồi khó phân biệt học sinh giỏi với khá. Hơn nữa không tránh khỏi tô cầu may cũng kiếm vài ba điểm mà kiến thức thực sự lại không có.

Theo tôi, môn Toán, Lý, và Văn nên để thi tự luận; hoặc các môn nên vừa kết hợp tự luận với trắc nghiệm như nhiều ý kiến đã nêu là 50% tự luận, 50% trắc nghiệm. Con tôi thi năm trước vẫn còn tự luận nên thi phổ thông môn duy nhất được điểm tuyệt đối là môn Anh, còn lại dù Toán, Lý, Hóa làm đều đúng cả nhưng cũng không được điểm tuyệt đối vì trình bày chưa chuẩn.

Thi đại! học môn Sinh kiếm điểm 10 rất khó khăn, nhưng năm nay môn sinh trắc nghiệm lại quá dễ khiến điểm trưòng y tăng vọt lên 3 - 4 điểm. Và chính vì thi trắc nghiệm nên nhiều em thi khốI A mới dàm thi thêm khối B, chứ nếu thi tự luận các em không dám thi thêm đâu, chính vì thế mà tạo thêm nhiều trúng tuyển ảo, và nhiều em trượt trường y nhưng thực tế các em đã đỗ trưòng khác ở khối A rồi.

Còn nhập 2 kỳ thi đại học làm 1 thì thực tế nhiều phụ huynh đang rất e ngại sợ tiêu cực nhiều. Mọi người cháp nhận thi cử dù con mình trượt vẫn tâm phục khẩu phục nhưng cứ dính đến xét là mọi người thấy hãi rồi.

Tôi thấy cách đây mấy năm cũng bỏ thi vào lớp 10, lúc đó mọi người đều quả quyết chỉ vài năm lại phải quay lại thi thôi và quả thực bây giờ lại thi rồi, sao nền giáo dục cải cách của mình cứ loanh quanh mãi thế nhỉ.

Năm vừa rồi thi tốt nghiệp có nghiêm túc hơn nên trượt nhiều hơn, nhưng qua tham khảo các cháu vừa thi xong ở các địa phưong tôi thấy các cháu bảo vẫn chưa nghiêm túc hoàn toàn đâu, vậy nếu nhập 2 kỳ thi làm 1 thì liệu có ổn không?

Quả thực tôi thấy nhẹ nhõm vì con mình đã qua rồi cái thời trung học nhưng còn học đại học vẫn còn nhiều bất cập nên tôi cũng chảng an tâm chút nào. Và đến thời cháu mình thì sao nhỉ?

Vũ Huy Đức; Email: huyduc@yahoo.com  Phải đặt thi đại học lên trên thi tốt nghiệp THPT

Đảng và Nhà nước đang quyết tâm chống tiêu cực để lấy lại niềm tin trong nhân dân. Vậy mà không hiểu vì sao Bộ GD-ĐT lại lấy lý do “tiết kiệm tiền của cho nhân dân” để vẽ ra một đề án “hai trong một” tiềm ẩn đầy rẫy những “mảnh đất màu mỡ” cho tiêu cực, tham nhũng trong ngành giáo dục.

Hơn thế, “mảnh đất màu mỡ” này lại được mở ra ở khắp các địa phương trong cả nước. Ai cũng muốn con em của mình vào được ĐH dù có phải mất tiền đi nữa. Việc tổ chức coi thi và chấm điểm vào ĐH được đưa về tất cả các địa phương trong cả nước từ miền xuôi đến miền ngược, từ Nam chí Bắc, làm sao mà Bộ GD-ĐT quản lý hết được?

Bộ GD-ĐT đã tước hết quyền quyết định đầu vào của các trường ĐH. Các trường ĐH sẽ phản ứng sao đây khi các địa phương chấm điểm quyết định đầu vào cho các trường ĐH? Có thể nói có quá nhiều “mảnh đất màu mỡ” cho tiêu cực của ngành giáo dục có điều kiện phát triển nếu đề án này được thực hiện.

Hơn thế nữa ngành Giáo dục phải nhận thức thấy một vấn đề đối với xã hội là kỳ thi tuyển sinh ĐH/CĐ quan trọng hơn nhiều, nó trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào các trường, nó đòi hỏi tính công bằng xã hội ở mức độ cao.

Đối với hầu hết các gia đình có con em dự thi nó là nguồn hy vọng, nguồn tinh thần động viên cuộc sống của họ. Rất nhiều gia đình trong xã hội cuộc sống còn rất thiếu thốn vẫn phải cố gắng lao động thêm cho con học hành thi đỗ vào đại học.

Nói chung kỳ thi tuyển sinh vào ĐH/CĐ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với toàn xã hội, Bộ Giáo dục phải thấy được điều đó và đặt nó lên trên kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu Bộ định gọn nhẹ có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp, tổ chức kiểm tra tổng kết đánh giá các môn học trong năm nghiêm túc để có kết quả tổng kết năm lớp 12 chính xác làm căn cứ xét tốt nghiệp cho các em.

Phạm Tiến Thành; Email: tienthanhpham@gmail.comThi trắc nghiệm là hợp lý nhưng khi áp dụng phải thật sự chặt chẽ

Tôi không hoàn toàn đồng ý với GS Văn Như Cương về thi trắc nghiệm. Thi trắc nghiệm được áp dụng ở rất nhiều nước tiên tiến chứ không chỉ Việt Nam. Tuy nhiên, không phải môn nào cũng có thi trắc nghiệm và thông thường thi trắc nghiệm thường phải kèm phần thi vấn đáp hoặc bài thi chỉ có một phần là trắc nghiệm.

Ngoài ra, trong trường hợp chọn câu trả lời sai vẫn sẽ bị trừ điểm, thí sinh sẽ phải nắm kiến thức rất kỹ mới có thể đạt được điểm. Theo tôi, chủ trương thi trắc nghiệm là hợp lý nhưng không phải môn nào cũng áp dụng và ko thể áp dụng một môn thi hoàn toàn là trắc nghiệm.

Thêm nữa, cách chấm điểm, cách ra đề thi trắc nghiệm phải thật chặt chẽ mới phản ánh đúng chất lượng của thí sinh và giảm tối đa tiêu cực.

Ngo Chi

Thi trắc nghiệm, một phương pháp văn minh và hiệu quả. Tôi cũng như bao học sinh thế hệ những năm 80 chưa chịu nhiều ảnh hưởng của tiêu cực trong giáo dục như hiện nay. Nhưng bản thân tôi cũng đã thấy những yếu kém, sự cẩu thả thậm chí lười nhác của nhiều giáo viên. Vì vậy những giáo viên này cũng sẽ không để tâm cho XD câu hỏi tốt.

Về phía học sinh để thi tốt theo phương pháp trắc nghiệm cần phải học "thật". Nếu đã học thật thì không cần nhờ vả bố mẹ "chạy chọt", tất nhiên các thầy cô sẽ nghèo đi một tý. Tiêu cực vì thế cũng giảm.

Thiết nghĩ nếu tổ chức ngân hàng câu hỏi tốt thì việc may rủi trong trắc nghiệm sẽ hạn chế. Vấn đề là các bậc giáo dục lão thành, nhà giáo tâm huyết góp sức xây dựng ngân hàng câu hỏi chất lượng tốt.

Giao Chi; Email: manh-23450@yahoo.com.vn Nên kết hợp thi trắc nghiệm và tự luận

Thi cử là công việc thuộc lĩnh vực giáo dục nhưng không thể tách rời thực trạng kinh tế xã hội và văn hoá mỗi quốc gia. Tôi ủng hộ ý kiến của GS Văn Như Cương về việc không gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và thi vào đại học làm một.

Ngoài những lý do như thày Cương đã nêu tôi thấy một điểm rất quan trọng là nội dung hai kỳ thi này rất khác nhau nên không nên nhập làm một. Đó là nếu tốt nghiệp là kỳ thi có mục tiêu đánh giá kiến thức đại trà, có tính phổ thông nhất thì đầu vào đại học, trung học chuyên nghiệp lại là kỳ thi chọn có tính nghề nghiệp, chuyên biệt và có yêu cầu rất khác nhau ở những nghành nghề khác nhau.

Với những lỳ do trên thi tốt nghiệp có thể dùng trắc nghiệm nhưng thi đầu vào đại học nên kết hợp vừa tự luận vừa trắc nghiệm nếu chưa tổ chức được trắc nghiệm với vấn đáp như thầy Cương nói.

Nguyễn Văn Bằng; Email: cattuongstokint@vnn.vn  Hãy vì một nền giáo dục lành mạnh

Là một phụ huynh HS, tôi theo dõi sát sao những quá trình do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đang chỉ đạo trong ngành giáo dục. Tôi hy vọng,nếu các ý tưởng đó thành hiện thực sẽ triệt tiêu được các vấn nạn nêu trên.

Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua đã chỉ rõ tính ưu việt của phương pháp thi trắc nghiệm. Chất lượng ra đề để giúp cho việc phân loại HS chỉ còn là vấn đề thời gian. Lợi ích của việc ghép hai kỳ thi gần như cả thế giới đã công nhậ, kể cả gần đây là nước Nga sau 7 năm tranh luận cũng đã thành luật.

Theo tôi nên chăng chúng ta cân nhắc một số điểm sau: - Đề thi môn Văn nên cơ cấu 50% tự luận. - Điểm liệt khi thi tốt nghiệp từng môn nên qui định là điểm 2 hoặc 3. - Dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp làm kết quả sơ tuyển cho kỳ thi ĐH-CĐ trong năm tới,trong lúc đang hoàn thiện công tác an ninh thi cử.

Truong Phu; Email: truongphu1@gmail.com

Theo tôi, mặt hay của thi trắc nghiệm là quá rõ ràng. Để hạn chế tính may rủi nên tăng thêm số câu hỏi. Trừ môn Văn, các môn còn lại đều có thể thi trắc nghiệm, trước 1975 miền Nam đã ứng dụng rồi.

Thiện Quang

Đọc bài viết của thầy Cương và phản hồi của nhiều tác giả tôi rất vui vì có rất nhiều người đang trăn trở tìm hướng đi tương đối thích hợp nhất để phát triển sự nghiệp giáo dục.

Khi phân tích một vấn đề tôi nghĩ chúng ta nên tìm hiểu sâu hơn, toàn diện hơn, ở nhiều góc độ hơn. Bộ trưởng GD&ĐT rất tâm huyết với giáo dục, các nhà giáo cũng như thầy Cương cũng rất tâm huyết với giáo dục. Mọi người ai cũng muốn cho giáo dục phát triển, thế thì tại sao chúng ta không ngồi lại phân tích cùng nhau, lấy ý kiến rộng rãi ở tất cả các vùng miền?

Tôi là người đứng trên bục giảng 15 năm, quản lý 4 năm ở 4 địa bàn khác nhau và đã qua 4 đời Thủ trưởng khác nhau, chỉ hẹp thế thôi nhưng đã muôn hình muôn vẻ.

Mỗi một địa bàn, trình độ học sinh khác nhau rất nhiều, có khi chỉ cách nhau một dòng sông trình độ học sinh đã chênh lệch nhau rất lớn. Rồi mỗi vị thủ trưởng một quan điểm và cách điều hành khác nhau, mỗi một xã cấp ủy và chính quyền nơi đó có quan điểm và "thể hiện" sự quan tâm mỗi khác.

Nói lên điều đó để chúng ta nhìn nhận rằng không thể có giải pháp nào là toàn vẹn cả, không có giải pháp tối ưu hoàn toàn. Chính vì lẽ đó mà chúng ta nên tìm giải pháp ưu nhi ều, khuyết ít và các biện pháp khắc phục bớt khuyết mới là vấn đề quan trọng.

Chúng ta bàn nhiều về thi trắc nghiệm hay tự luận, một kỳ thi quốc gia hay hai kỳ thi... nhưng theo tôi cái nào cũng có cái khuyết nhất định của nó. Vấn đề nắm ở chỗ người thầy - người đào tạo, rèn luyện, giáo dục... nên một nhân cách con người, người ấy có cái tâm của người thầy hay không đấy mới là vấn đề cốt yếu.

Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, đặc biệt là ở vùng nông thôn, khi mà chúng ta tìm đủ mọi cách để có đủ thầy, tìm đủ mọi cách để vận động hết 100% trẻ trong độ tuổi đi học, tìm đủ mọi cách để "hầu như 100% trẻ được lên lớp, nếu em nào muốn lưu ban 2 lần trong một cấp học phải được phê duyệt của Trưởng phòng GD&ĐT (đối với cấp TH, THCS)"... bấy nhiêu đó thôi cũng đủ thấy chất lượng như thế nào.

Ở đô thị thì lại khác hoàn toàn: Chạy trường, chạy lớp, chạy thầy... trăm hình muôn vẻ. Đa dạng là thế, trong khi chúng ta lại đòi hỏi phải có một giải pháp thống nhất chung cho cả nước, mô hình toàn vẹn chung thì quả thật là "kỳ vọng".

Theo tôi muốn cải cách giáo dục triệt để chí ít phải cải cách từng lĩnh vực sau:

1. Trước hết là cơ chế quản lý: Tình trạng phổ biến ở vùng không phải đô thị hiện nay là "học sinh lên lớp do yêu cầu của lãnh đạo và địa phương" (có khi nói thẳng, có khi dùng các cách khác nhau, tựu trung vẫn là ý của lãnh đạo là thế).

Còn quản lý giáo viên thì mỗi nơi mỗi kiểu, nói chung đã là giáo viên thì cứ đến năm lại lên lương, dạy bình bình vẫn vậy, cố gắng dạy tốt cũng vậy, lâu lâu trở chứng cũng vậy vì kỷ luật hay cho một giáo viên thôi dạy là cả một vấn đề "trọng đại".

Muốn làm giáo viên giỏi cũng "không được phép" vì khống chế chỉ tiêu theo luật, mỗi trường chỉ được phép có 5% giáo viên gỏi cấp tỉnh, 10% giáo viên giỏi cấp cơ sở, mà giáo viên giỏi thì cũng chỉ thưởng một cái giấy khen hay bằng khen và một ít tiền là xong.

Thiết nghĩ, nếu được nên phân cấp quản lý cho phù hợp, giáo viên giỏi phải được nâng lương hàng năm (không khống chế chỉ tiêu), giáo viên không đạt yêu cầu phải cho nghỉ việc (cả tỉnh tôi từ xưa đến nay chưa ai dám làm chuyện này)...

2. Đổi mới về nội dung và chương trình SGK: Có lẽ do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hiện nay chúng ta đang thực hiện "cho có" vấn đề này. Hiện tại, Bộ ra chương trình khung, về Phòng tập hợp ý kiến cơ sở gửi Sở thống nhất thực hiện toàn tỉnh - thế là cũng vậy thôi, có khác gì trước đâu. Cái chính là chúng ta sợ, chưa dám đổi mới.

3. Chấp nhận sự phân hoá ở mức độ kiểm soát của ngành. Không thể chung cho tất cả mọi vùng miền được. Ở những nơi có điều kiện, các trường có danh tiếng thì mạnh dạn giao khoán tự thu chi, Nhà nước dứt khoát không cấp kinh phí, nguồn kinh phí ấy đầu tư cho vùng khó khăn hơn một chút để nâng dần lên, rồi lại giao khoán và đầu tư tiếp cho vùng khó khăn hơn nữa....

Ở các trường đại học cũng thế, anh có nhu cầu thì thi đầu vào để tuyển chọn nhân tài, điều kiện khó khăn hơn thì lấy kết quả kỳ thi THPT để xét... Nói chung là sẽ có nhiều ý kiến trái nhau nhưng phải chấp nhận để cùng phát triển trong xu thế đa dạng. Không thể cầu toàn một biện pháp cho cả hệ thống giáo dục đồ sộ trong khi nguồn tài chính và nhân lực và điều kiện thì khác nhau hoàn toàn.

Vì sự nghiệp giáo dục, vì quốc gia, vì dân tộc có lẽ ai cũng muốn tham gia góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, trong giới hạn bài viết này không thể bày tỏ hết, tuy nhiên tôi cũng hy vọng phản ánh được một khía cạnh của thực trạng, một nhìn nhận của cá nhân để cùng suy nghĩ. Nếu được xin nhờ toà soạn chuyển đến Bộ trưởng GD&ĐT để người tham khảo.

Dương Đình Giao; Email: ddgiao@yahoo.com

Về việc nhập hai kỳ thi làm một, theo tôi, nên thận trọng hơn, chưa nên thực hiện vào năm 2009, vì cần phải kiểm tra sự nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp trong vài năm nữa đã đảm bảo chưa.

Thực tế là kỳ thi vừa qua đã có nghiêm túc hơn (chỉ HƠN thôi) chứ thực ra theo nhiều giáo viên, mới chỉ nghiêm túc được khoảng 50%, thậm chí có người còn nói là chỉ 30%.

Còn về thi trắc nghiệm, vì sao cả thế giới người ta làm, chúng ta lại vẫn cứ chê bai. Việc gì cũng chẳng bao giờ toàn vẹn 100%. Sao quý vị không kể ra biết bao học trò không biết gì mà cứ mang phao vào chép là đỗ (kể cả đại học). Thế giới đã tổng kết những cái lợi của thi trắc nghiệm, đó là:

1. Bao phủ được chương trình, từ đó có thể đánh giá toàn diện, chính xác; 2. Tránh học tủ; 3. Dễ bí mật; 4. Chống quay cóp (nếu tăng thêm mức độ thì còn làm việc này tốt hơn, một phòng thi không chỉ có 8 mà có đến 12 phương án sắp xếp câu hỏi); 5. Giảm bớt thời gian thi; 6. Chấm thi nhanh chóng và hoàn toàn không xảy ra tiêu cực.

Nếu muốn chống đoán mò thì có thể đưa vào những câu hỏi trắc nghiệm kép (có hơn một phương án đúng) và trừ điểm ngược (nếu trả lời sai thì trừ điểm (thay vì chỉ không tính điểm những câu sai như hiện nay).

Vu Anh Tuan; Email: vuanhtuanvl@gmail.com

Tôi đã đọc bài báo của GS Cương. Hôm nay tôi được đọc nhiều bài viết góp ý cho ngành giáo dục nước nhà, rất nhiều ý kiến lo lắng khi đọc bài viết của một vị giáo sư có tiếng trong nước, nhưng nhiều người bình tĩnh đã nhìn nhận khách quan hơn. Tôi có ý kiến như sau:

1. Tôi đồng tình với việc thi trắc nghiệm. Theo tôi thi trắc nghiệm hay tự luận, mỗi hình thức đều có mặt ưu, mặt khuyết. Song trong điều kiện KT - XH của đất nước ta hiện nay và những gì đang diễn ra ngay trong ngành giáo dục thì thi trắc nghiệm là một sự lựa trọn đúng đắn.

Tôi đã từng thi trắc nghiệm nhiều lần, đồng thời nhìn kết quả thi cử trong cả nước ta năm học qua cũng đã chứng minh rằng thi chắc nghiệm đã giúp chúng ta đánh giá được kết quả học tập của các em. Ví dụ ở địa phương tôi các trường THPT thi tốt nghiệp đều đạt tỷ lệ thấp có trường chỉ đậu 2 học sinh trong khi đó các năm học trước thi tự luận đều đậu cao trượt tốt nghiệp rất ít. Khẳng định, không học một cách toàn diện, nghiêm túc thì sẽ thất bại khi thi trắc nghiệm.

Tôi nghĩ sự sáng tạo trong thi tự luận là tốt, nhưng sáng tạo là cả quá trình: Sáng tạo trong từng bài học, bài kiểm tra... Các em có rất nhiều cơ hội để sáng tạo.

2. Việc dồn 2 kỳ thi vào một năm học 2008 - 2009: Ngành giáo dục cần thực hiện cuộc vận động "Hai không" 4 nội dung và thi trắc nghiệm ít nhất 3 năm nữa, sau đó đánh giá, tiến hành xét tốt nghiệp THPT và vẫn tổ chức thi đại học.

Nếu dồn hai kỳ thi và một (ngay cả khi có học sinh học tốt) thì thi ở cấp huyện là không quản lý được gian lận trong thi cử ngay cả khi thi trắc nghiệm mỗi học sinh một đề. Đây là vấn đề lớn Bộ Giáo dục cần nghiên cứu kỹ hơn nữa.

Email: tuong_mathqx3@yahoo.com Quá nóng vội khi hợp nhất 2 kỳ thi và thi trắc nghiệm toàn phần các môn tự nhiên

Tôi xin kể một ví dụ: Lớp tôi chủ nhiệm là các em học sinh ôn theo khối A, mái trường quê nơi tôi công tác từ xưa tới nay vẫn chỉ chú trọng vào việc ôn khối, cứ làm sao cho tỷ lệ đỗ ĐH cao là được. Mỗi năm lượng học sinh cung cấp cho các trường chuyên nghiệp chiếm khoảng 50% số em đạt tốt nghiệp. Nói chung các em chỉ học 3 môn ôn khối mà thôi.

Riêng với lớp tôi vừa rồi nhiều em đã đỗ cả hai khối A, B. Đặc biệt có em đã đỗ vào ĐH Y Hà Nội khoa bác sĩ đa khoa, mặc dù như mọi người đều biết có gần 130 thí sinh vẫn trượt dù đạt 27 điểm, trong khi em đó không biết gì về môn Sinh, khi thi em chỉ chọn mò đáp án theo cảm giác. Hiện nay em đã theo học Y Hà Nội.

Em có tâm sự với tôi: "Học Lý ba năm ròng rã mà bây giờ lại đi học Y, bỏ trường Bách khoa, em nghĩ cũng buồn cười nhưng bây giờ khi vào học rồi em mới thấy hối hận vì không có căn bản về môn SInh nên không thể theo học được trên giảng đường, không biết sau này liệu có tốt nghiệp được không nữa".

Qua một câu chuyện nhỏ đó, tôi thấy rằng do hình thức thi trắc nghiệm mà gần 130 thí sinh có năng lực thực sự đành nhường chỗ cho một thí sinh may mắn được ngồi nhầm lớp. Sau này nếu em học yếu không tốt nghiệp được thì là một sự phí phạm cho bản thân em, cho gia đình và cho xã hội, còn nếu như may mắn ra em được tốt nghiệp nhưng kiến thức nền không có mà vẫn là một bác sĩ thì sự nguy hại còn lớn chưa biết chừng nào cho các bệnh nhân.

Trên diễn đàn đã có rất nhiều ý kiến rồi, tôi hoàn toàn ủng hộ "Không nên thi trắc nghiệm toàn phần và còn quá sớm để hợp nhất hai kỳ thĩ". Nước ta chưa đủ trình độ, năng lực cơ sở vật chất để làm điều đó. Nếu nóng vội thì Bộ Giáo dục là những người đầu tiên vi phạm "Bốn không".

Chúng ta đang vận động là theo tấm gương Hồ Chí Minh và một trong những tấm gương ấy là học tập và vận dụng linh hoạt cách làm của người khác để áp dụng phù hợp với hoàn cảnh của mình nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Nguyễn Bá Đang; Email: dangsogd@pmail.vnn.vn

Thực hiện Nghị quyết của Đảng và Quốc hội Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục trung học phổ thông mấy năm gần đây ngành giáo dục có nhiều chuyển biến, được xã hội đồng tình ủng hộ đem lại kết quả tốt.

Ngoài việc đổi mới cách dạy và học hiện nay, năm 2008, Bộ tổ chức thi trắc nghiệm môn toán. Tin này được đưa qua mạng cả tập thể nhóm biên soạn SGK môn Toán đều nói rằng thế thì hãy viết lại toàn bộ SGK Toán lớp 10 và lớp 11 để phù hợp với cách thi hiện nay nếu quả là như vậy thì không biết tốn bao công của mà 2 năm qua chúng ta thay sách.

Tôi nhớ những năm đầu đổi mới Đảng ta luôn lấy quan điểm nông vi bản và chống tư tưởng duy ý chí, nhưng không hiểu sao một số người hoạch định đường lối chính sách ở cấp vĩ mô lại không hiểu điều đó.

Là giáo viên dạy Toán tôi thấy thi trắc nghiệm môn Toán là một điều bất lợi, không phát triển tư duy logic cho học sinh, không thực hiện được mục tiêu phát huy trí lực, sáng tạo của học sinh, nhiều khi chấm bài chúng tôi còn học được cách giải, cách trình bày của học thông qua bài làm, còn thi trắc nghiệm thi không bao giờ có nữa.

Tôi không đồng tình thi trắc nghiệm để xoá bỏ tiêu cực trong thi cử cái quan trọng là ý thức trách nhiệm của người thi và người làm thi. Nhiều nước trên thế giới cũng tổ chức thi trắc nghiệm nhưng chỉ ở vòng loại, số còn lại tổ chức thi tự luận như thế mới là tốt.

Ở nước ta tôi thấy thi trắc nghiệm chỉ nên áp dụng vào những chương trình vui chơi giải trí trên truyền hình mà các phiên bản ta vẫn mua của nước ngoài, đấy mới là sáng tạo là sân chơi cho mọi người.

Email: banmientay@yahoo.com

Tôi không là nhà giáo, tôi thường xuyên theo dõi vấn đề này vì quan tâm việc học của con và cháu mình. Do không có kiến thức sâu về sư phạm nên tôi chỉ nêu vài thắc mắc liên quan vấn đề này, các bạn có ý kiến giúp tôi không?

1. Về thi trắc nghiệm: Thi, kiểm tra là để kiểm tra mức tiếp thu kiến thức, sự hình thành kỹ năng... theo tiêu chí nào đó. Thi trắc nghiệm hay tự luận chỉ là phương pháp, hình thức tiến hành việc thi, kiểm tra. Đó là phương tiện, không phải là mục đích đánh giá. Chúng ta cần đến nơi đến, chúng ta không cần băn khoăn là đi đến đó bằng phương tiện nào. Loại môn học nào trong kỳ thi nào phù hợp với phương pháp kiểm tra nào thì ta dùng loại đó.

Tôi nghĩ không nên yêu cầu tất cả các trường cùng làm giống nhau việc đó mà hãy để các trường, các thầy cô đảm trách bộ môn tự quyết định kỳ thi, kiểm tra nào phù hợp với phương pháp kiểm tra nào.

Cũng do quan niệm kiểm tra kiến thức chứ không quan trọng phải kiểm tra bằng cách nào, tôi nghĩ sách giáo khoa có cần biên soạn lại hay không là do việc cần thay đổi lượng kiến thức nêu trong sách. Phương pháp kiểm tra thì có làm cho các em học thêm hay bớt điều gì đâu?

Còn bài tập, các thầy cô hoàn toàn có thể soạn đề được dù tự luận hay trắc nghiệm. Qua đó, học trò vẫn tiếp thu kiến thức bình thường và làm quen được mọi hình thức kiểm tra.

2. Về thi TN PHTH và đại học: Tôi nghĩ quan niệm gộp 2 kỳ thi này làm nhiều người chưa đồng tình là đúng (Thực chất đó bỏ kỳ thi đại học). Đơn giản là hiện có rất nhiều em tốt nghiệp PTTH có điểm thi đại học quá thấp trong khi vào đại học rồi thì tỷ lệ không tốt nghiệp là rất thấp.

Tôi cho rằng chưa áp dụng đại trà được, hãy để đến lúc nào đó mà chất lượng học sinh tốt nghiệp PTTH ổn định, thực chất thì thực hiện. Chúng ta nóng vội đi tắt việc này lợi hại thế nào chắc không cần phân tích. Qua năm 2009, lứa HS vừa vào lớp 10 sẽ thi tốt nghiệp PTTH có chất lượng đồng đều và tốt?

Không đâu, bệnh thành tích giống như tư tưởng bao cấp, phải có thời gian. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, tôi cho rằng nên để từng trường đại học tổ chức nghiên cứu và tự quyết định việc tuyển sinh của mình theo dạng ghi danh hay thi tuyển, thời điểm nào áp dụng. Điều này, góp phần tạo sự tự chủ của trường Đại học

Nguyễn Sơn; Email: sonz77@Yahoo.com.vn  Thi thế nào thì dạy thế ấy.

Tôi đồng tình với quan điển của thày Cương về cả hai vấn đề đã nêu. Tôi không thích những người moi móc từng từ ngữ của người khác để phê bình. Những người phản đối hình như không trong ngành giáo dục hoặc không phải bậc phổ thông.

1. Không nên dùng hình thức thi trắc nghiệm tràn lan (nhất là môn Toán) - Một đề toán đủ tiêu chuẩn ít nhất phải qua 2 bước mới làm được: A => B => C. trong khi đó thi trắc nghiệm chỉ cần 1 : A => B là xong, vì nếu nhiều hơn thì học sinh phải tính toán, suy luận, mà đã tính toán thì phải viết ra nháp không ai nhẩm được kết quả của bài thu gọn biểu thức (lớp 8 ở mức TB khá) nếu thế thì vẫn là tự luận và được bỏ qua sự cẩu thả trong trình bày.

2. Thi trắc nghiệm không hạn chế được tiêu cực trong thi cử. Với các cuộc thi cấp tỉnh trở lên thì việc ra nhiều đề cho một phòng thi là có thể thực hiện được, còn với cấp huyện thì không khả thi, không có đủ chuyên gia, không có đủ vật chất để xây dựng ngân hàng đề đáp ứng được yêu cầu. Vậy nên mỗi phòng thi chỉ có 1 đề - đây là điểm thuận tiện cho tiêu cực trong thi cử, học sinh chỉ cần cho nhau mượn máy tính là có thể cho nhau đáp án (Vì máy tính Casio FX500, FX570 rất nhiều giáo viên không biết sử dụng) học sinh chỉ cần ghi: 1423213 là câu 1: A, câu 2: D, câu 3: B...

3. Có thể bỏ bớt một cuộc thi nếu: - Không còn học sinh ngồi nhầm lớp. Không còn giáo viên chỉ hoàn thành nhiệm vụ (chỉ toàn giáo viên hy sinh vì sự nghiệp giáo dục).  Luật phải chi tiết. Dân trí phải nâng cao.

Nguyễn Thị Việt Hồng; Email: ntvhong@.gso.gov.vn

Sau khi đọc bài của thầy Văn Như Cương tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của thầy: Không nên tổ chức thi trắc nghiệm tràn lan và không thể nhập hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học làm một với bất kỳ lý do nào với tình hình của Việt Nam hiện nay: cái tiêu cực còn rất nhiều và rất tinh vi.

Nguyetntk, Email: nguyetntk@...  Không đồng tình với thầy Cương

Tôi không đồng tình với ý kiến của thầy Cương. Tôi nghĩ, ở địa vị một nhà giáo có uy tín, có tâm huyết với nghề, thầy nên suy nghĩ, đánh giá vấn đề một cách khách quan và đúng bản chất.

Theo tôi, thực chất vấn đề không nằm ở chỗ chúng ta thi cử theo hình thức nào mà vấn đề ở chỗ chúng ta dạy và học như thế nào. Nếu chúng ta vẫn còn tư duy học là để vượt qua những kỳ thi, để đạt điểm số cao... thì sẽ không bao giờ có thể thực hiện được việc chấn hưng nền giáo dục.

Giống như nếu các thầy giáo cứ máy móc cho rằng vì thi trắc nghiệm nên phải luyện cho các trò của mình học theo kiểu "bôi đen" thì sai lầm sẽ là do chúng ta chứ không phải do hình thức thi trắc nghiệm.

Thi cử chỉ là phương pháp đánh giá kết quả học tập, mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm, nếu nói đến nhược điểm của phương pháp thi kiểu cũ thì cũng có thể có một bài viết dài không kém bài viết của thầy Cương.

Thầy Cương cho rằng thi trắc nghiệm làm giảm khả năng tư duy của học sinh, tôi thì lại cho rằng chính cách dạy học của chúng ta mới là nguyên nhân hạn chế khả năng tư duy, sáng tạo của các em.

Để bôi đen được như vậy, các em cũng phải tính toán, phải vận dụng kiến thứ của mình mới ra đáp số được. Nếu có vấn đề gì thì đó là do nội dung đề thi chưa đạt chất lượng chứ không phải do hình thức thi trắc nghiệm gây ra, và theo tôi, thay vì việc phê phán phương pháp thi trắc nghiệm, thầy Cương nên dành thời gian nghiên cứu để đưa ra được những đóng góp nhằm nâng cao chất lượng của đề thi.

Cá nhân tôi cho rằng việc đánh giá một học sinh mà chỉ dồn vào một hai kỳ thi như vậy không thể chính xác được, dù thi theo cách nào thì con số luôn chỉ là tương đối. Tôi xin nói lại rằng bản thân hình thức thi trắc nghiệm không hề kém hơn so với các hình thức khác, bởi chúng ta đều đang phàn nàn về chất lượng của những con người được đào tạo và đánh giá bởi những kỳ thi kiểu cũ, bởi lối dậy và học cũ.

Theo tôi, học sinh là những tờ giấy trắng, các thầy giáo chính là những họa sĩ. Bức tranh đẹp hay xấu là do các thầy giỏi hay kém. Tôi nhắc đến khái niệm thầy ở đây không phải chỉ muốn nói đến những người trực tiếp đứng trên bục giảng, mà là tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, cũng là cha mẹ, gia đình của các cháu...

Nếu thực sự trăn trở với nền giáo dục của nước nhà, tôi nghĩ thầy Cương nên sử dụng những kiến thức cả về chuyên môn cũng như kinh nghiệm dạy học của mình để nghiên cứu, đưa ra những giải pháp để nâng cao trình độ của giáo viên, đổi mới chương trình học sao cho hiệu quả, khoa học (là những thứ mà chúng ta chưa đạt được).

Tôi xin nhấn mạnh rằng, chừng nào tay nghề của những người thợ còn chưa cao thì chúng ta chưa thể có những sản phẩm tốt được.

Phạm Nguyệt; Email: phamthunguyet@yahoo.com Nên cân nhắc trước mỗi thay đổi trong ngành giáo dục 

Là giáo viên, tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của nhà giáo, GS Văn Như Cương. Ở nước ta, nhiều việc được thực hiện theo phong trào và thậm chí còn "hô theo" một ý kiến nào đấy, mà không có phương pháp luận nào cả.

Hình thức thi trắc nghiệm không phải là mới. Các nước phát triển đã đưa vào thực hiện từ lâu. Hình thức này có những ưu và nhược điểm, chính vì thế trên thế giới đã có những điều chỉnh, và không chỉ thực hiện nó riêng rẽ, mà còn kết hợp với các hình thức khác, để cho việc đánh giá bảo đảm chính xác.

Sau chủ chương áp dụng hình thức trác nghiệm, gần đây dư luận lại " xôn xao" về hình thức thi cho sử dụng tài liệu. Có phải lúc nào, môn nào cũng áp dụng hình thức này được không? Đã ai trong số giáo viên chúng ta, đã phải đấu tranh để thoát khỏi tính lệ thuộc váo sách hay chưa?

Thiết nghĩ, chúng ta áp dụng cái gì, đổi mới gì (nhất là đối với ngành giáo dục) thì cũng nên có những nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng vì cái được , mất trong ngành này không chỉ là đồng tiền, bát gạo mà mỗi sai lầm, chúng ta phải trả giá bằng một thế hệ.

Lê Văn Lương; Email: luongsphn@yahoo.com  Không thể thi trắc nghiệm môn Toán. Chưa nên gộp hai kỳ thi làm một

Tôi là một nhà giáo. Hơn thế, tôi là một con người tâm huyết với giáo dục nước nhà. Đã đến lúc chúng ta cần “lên tiếng”, nếu không thì e rằng không còn kịp nữa. Cả một thế hệ trẻ rồi đây sẽ ra sao?

“Tôi phản đối thi trắc nghiệm môn Toán, phản đối việc gộp hai kỳ thi vào làm một”. Là một giáo viên Toán. Tôi rất lo lằng và bức xúc. Rất đồng tình với quan điểm của thầy Văn Như Cương tôi trình bày một số vấn đề sau:

Thứ nhất, vấn đề thi trắc nghiệm môn Toán. Chúng ta phải nhìn nhận lại mục đích của việc dạy và học môn Toán trong trường phổ thông. Một mặt cung cấp kiến thức cho học sinh để học những môn học khác, một mặt cung cấp cho học sinh khả năng suy luận và tư duy lôgích cho cuộc sống sau này.

Xin thưa với các bạn độc giả. Kiến thức toán sẽ chẳng bao giờ được dùng nhiều trong cuộc sống đời thường. Tôi vẫn thường nói với học sinh: “Chẳng nhẽ ta lại dùng công thức tính khoảng cách giữa hai điểm để tính khoảng cách từ cửa nhà xuống cửa bếp, dùng công thức tính góc nghiêng của mái nhà…Ta lấy thước đo thì nhanh hơn nhiều” .

Vậy thì cái gì là quan trọng? Đó là tư duy toán học, tư duy lôgích. Tư duy đó được dùng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tôi dám khẳng định sự thành công không thể thể thiếu “tư duy lôgích”. Nó đựơc hình thành trong quá trình học sinh suy luận để giải toán. Và chỉ khi bộ não tích cực làm việc, suy luận mới hình thành đuợc một tư duy tốt.

Vậy thì chỉ có học sinh mới tự trang bị cho mình những kỹ năng trên, mà không giáo viên nào dạy được cho học sinh. Ví dụ như “một người chưa biết đi xe đạp hỏi người biết đi xe đạp làm thế nào cho khỏi đổ xe thì khó trả lời quá. Chỉ khi người đó phải tự tập luyện nhiều mới có thể đi xe sao cho không đổ”.

Quay trở lại vấn đề thi trắc nghiệm. Tôi lấy thêm ví dụ nữa là khi giải phương trình. Nếu thi trắc nghiệm, học sinh chỉ cần thử nghiệm, dùng máy tính là xong, mà không cần quan tâm cách giải thế nào. Làm sao phát triển được tư duy. Còn nếu thi tự luận thì học sinh phải suy nghĩ, suy luận, tìm tòi lời giải để đi đến kết quả. Quá trình này làm cho học sinh phát triển tư duy. Mục đích ta cần.

Có ý kiến cho rằng “kiến thức học ở trường chỉ dùng đựơc từ 30 – 70% vào công việc”. Tôi đồng ý. Nhưng câu hỏi tôi muốn đặt ra là: “Nếu như một người mà không có một tư duy tốt thì liệu rằng có học hỏi được để làm tốt công việc của mình không?”. Tôi nhắc lại “tư duy toán” cần cho “mọi lĩnh vực”.

Một thực tế tôi thấy trong quá trình dạy học như sau: Một học sinh học giỏi bao giờ cũng tích cực, tự giác học tập. Trái lại, những học sinh học dốt, lười học thì thi trắc nghiệm là một “giải pháp tuyệt vời”. Chỉ cân “bôi đen” là đủ. Có phải chúng ta muốn các em lười lại càng lười, dốt lại càng dốt. Nó đi ngược lại với quan điểm giáo dục. “Trường học là nơi dạy con người, các em nghịch phải dạy cho các em ngoan. Các em không biết phải dạy cho các em biết, giỏi phải thành giỏi hơn…”.

Trong đợt học thay sách giáo khoa tháng 7 vừa qua. Hơn 300 giáo viên Toán của sở chúng tôi đều không đồng tình với việc thi trắc nghiệm môn Toán vì nó không đáp ứng đựơc yêu cầu đặt ra cho môn Toán. Và hầu hết tất cả giáo viên Toán của cả nước đều đồng tình như vậy. Thế thì tại sao Bộ GD&ĐT lại không lấy ý kiến rộng rãi của chúng tôi? Tôi rất lo lắng và bức xúc.

Nếu thi trắc nghiệm thì chúng ta đã cố tình “giết chết tư duy lôgích Toán” của học sinh. Mong rằng Bộ GD&ĐT có sự “đổi mới phù hợp” đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của nhân dân, phụ huynh, thầy cô giáo và học sinh. Lãnh đạo Bộ nên có trả lời chính thức nhanh chóng. Học sinh lớp 12 của tôi đang rất hoang mang.

Thứ hai là việc gộp hai kỳ thi vào làm một. Cũng như rất nhiều ý kiến khác tôi thấy việc đó là không phù hợp, không thực tế. Mục đích, tính chất của hai kỳ thi là khác nhau. Một là đánh giá, một là tuyển chọn. Chưa thể gộp hai làm một được. Hơn nữa làm sao đảm bảo được công bằng xã hội. Học hành và thi cử ở miền núi, đồng bằng, thành phố có giống nhau đâu? Làm sao chúng ta có thẻ làm đồng bộ mà xét vào đại học bằng một kỳ thi tốt nghiệp?

Nói chung bây giờ không phải là thời điểm thích hợp để gộp hai kỳ thi vào làm một. Trước mắt sẽ tiết kiệm được ngân sách cho nhà nước, nhưng cái mà chúng ta mất đi sẽ “không tính được”.

Còn một vấn đề nhạy cảm tôi không muốn trình bày ở trên. Dự án kế hoạch phát triển giáo dục đã tốn kém quá nhiều ngân sách nhà nước. Dự án đã giải ngân sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không thực hiện. Nhưng hãy lắng nghe, tham khảo ý kiến nhân dân, nhà giáo, học sinh… xem xét lại để có một quyết đinh đúng đắn phù hợp với mục tiêu giáo dục.

Văn Thành Nam; Email: vannhanthanhnam@yahoo.com

Chúng ta đang ở kỷ nguyên hội nhập, đất nước rất cần đội ngũ những người lao động có kiến thức thực tế, có năng lực hành động thực tiễn, có đạo đức tốt để xây dựng và phát triển quốc gia. Hơn bao giờ hết, nền giáo dục nước ta cần có sự thay đổi quyết liệt, phải thay máu không thì con cháu sẽ quay lưng lại với chính nền giáo dục của chúng ta.

Hiện nay có một thực tế rất phổ biến, rất nhiều gia đình khá giả, và thậm chí nếu gia đình nào có thể bóp mồm bóp miệng được thì họ sẽ cho con nước ngoài học tập. Trong cả núi công việc ngành Giáo dục phải cải cách thì thay đổi phương pháp thi cử là một trong những việc phải làm ngay để loại trừ những dối trá, đồi bại trong thi cử.

Áp dụng phương pháp thi mới không thể nâng ngay được chất lượng giáo dục, nhưng ít nhất thi trắc nghiệm vừa qua đã phát huy tác dụng là đánh giá được thực trạng xuống cấp của giáo dục bằng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông.

Những phương pháp mới đưa ra tất nhiên cần phải có thời gian thử nghiệm để hoàn thiện, không thể vội vàng đánh giá nó một cách võ đoán, đòi hỏi những người đi tiên phong trong sự nghiệp cải cách giáo dục phải có một bản lĩnh ngoan cường cần thiết .

Tất nhiên mọi sự cải cách đều có ý kiến khen chê trái chiều, trong những ý kiến phản bác không loại trừ những người đã và đang gặt hái lợi lộc trong hệ thống giáo dục cũ như: thông qua thi cử, tổ chức luyện thi, in ấn tài liệu, làm phao... không thể nào vui lòng trước sự thay đổi tận gốc về thi cử và không ít trong số họ tỏ ra rất đạo mạo, đứng trên, tự coi mình là “mũ cao áo dài” để phán xét và nhân danh những nguyên cớ đẹp đẽ như: vì tương lai con em chúng ta, vì sự phát triển dân tộc, . . .

Lê Duy Hiệp; Email: duyhiep@yahoo.com  Cái gốc của giáo dục là day tốt - học tốt đang bị bỏ quên

Tôi hoàn toàn đồng ý quan điểm và những phân tích về phê phán vấn đề bỏ thi ĐH/CĐ và vấn đề thi trắc nghiệm quá nhiều môn của nhà giáo dục lão thành Văn Như Cương đăng trên báo Tiền phong.

Tôi cho rằng ngành giáo dục trong thời gian gần đây bộc lộ một số quan điểm độc đoán, xa rời thực tế, không được dư luận nhân dân ủng hộ, cụ thể như quá chú ý đến hình thức là việc thi cử trong khi việc thi cử chỉ là cái ngọn của giáo dục, cái gốc của nó phải là vấn đề dạy tốt-học tốt.

Thử hỏi nếu ngành giáo dục đảm bảo thực hiện dạy tốt - học tốt, đảm bảo đánh giá đúng chất lượng học sinh thì làm gì có chuyện ngồi nhầm lớp, khi đó điểm học trong năm của học sinh lớp 12 phản ánh chính xác học lực của học sinh thì cần gì phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay vất vả cho cả thầy lẫn trò mà không phản ánh đúng thực chất.

Từ quan điểm tư duy đó tôi đề nghị Bộ Giáo dục hãy phát động phong trào toàn ngành thi đua “dạy tốt - học tốt” trong các nhà trường, quan tâm đến việc đánh giá đúng chất lượng học sinh đặc biệt là học sinh lớp 12, từ đó bỏ thi tốt nghiệp, học sinh đạt điểm trung bình cả năm đạt từ mức trung bình trở lên được cấp bằng tốt nghiệp, học sinh đạt khá giỏi được cấp bằng khá giỏi.

Làm được điều này giải quyết được rất nhiều vấn đề tồn tại nổi cộm trong ngành giáo dục hiện nay như ngồi nhầm lớp, chống tiêu cực trong học tập thi cử, đạo đức thầy trò được nâng cao, chất lượng giáo dục được nâng cao…

Việc thi đại học vẫn phải duy trì như hiện nay vì trong toàn xã hội rất nhiều ngành nghề mà các trường ĐH/CĐ đào tạo, mỗi ngành nghề đòi hỏi chất lượng học sinh ở một số môn học nhất định. Số lượng học sinh hết lớp 12 thì rất đông trong khi nhu cầu xã hội đào ĐH/CĐ có hạn (10 - 20% số học sinh tốt nghiệp), việc tuyển sinh ĐH/CĐ phải đảm bảo tính công bằng XH.

Để đảm bảo các yêu cầu nêu trên giữa đầu ra phổ thông và đầu vào ĐH/CĐ cách duy nhất phải tổ chức thi như hiện nay. Còn việc thi trắc nghiệm chỉ nên thi các môn Lý, Hoá, Sinh, Ngoại ngữ như hiện nay để đảm bảo cho học sinh còn có cả tính tư duy lôgích và sáng tạo vốn là vẻ đẹp của toán học, văn hay ý đẹp vốn là vẻ đẹp của văn học.

Vũ Huy Hoàng; Email: huyhoanghhpt@yahoo.com Từ lâu của tôi đã nghĩ như anh Lê Duy Hiệp.

Từ lâu tôi đã luôn thắc mắc tại sao lại phải có một kỳ thi tốt nghiệp các cấp trong khi nếu điểm học tập của học sinh mà là điểm thực chất thì ta hoàn toàn có thể lấy điểm trung bình cả năm học lớp 5, lớp 9 và lớp 12 mà xét luôn tốt nghiệp các cấp đó cho học sinh chứ.

Nếu chất lượng giáo dục cho ta điểm thực của học sinh thì cần gì phải thi tốt nghiệp, rất tốn kém, vất vả cho học sinh vì vừa kiểm tra tất cả các môn cuối học kỳ 2, rồi lại chuẩn bị thi tốt nghiệp cũng hơn nửa số môn đó, sau đó lại thi đại học nữa, liên tục trong có 3 tháng.

Buồn cười nhất là học sinh học qua hết tất cả các môn tại trường nhưng thi tốt nghiệp không đỗ lần 1, thì sẽ thi lần 2, rất tốn kém và mệt mỏi, mà thi lần 2 cứ như thi lấy lệ cho xong, nhưng vẫn phải thành lập hội đồng thi, công tác làm đề, an ninh, bảo mật, ..... có kém gì thi đại học đâu nhưng cuối cùng chỉ là để công nhận các em đã học hết cấp học của mình. Nếu vậy thì bỏ thi tốt nghiệp đi.

Tôi thấy ý kiến của anh Lê Duy Hiệp sau đây rất hợp lý, và cũng là suy nghĩ của tôi từ rất lâu rồi: "Nếu có phải bỏ thì nên bỏ hết tất cả các kỳ thi tốt nghiệp các cấp".

NGUYEN DUY SON; Email: sonveronio@yahoo.com.vn

Tôi hoàn toàn đồng ý với một số ý kiến của các bài viết nêu trên, điều quan trọng chưa phải là thi bằng cách gì? Điều quan trọng nhất mà ngành giáo dục nên quan tâm là "chất lượng giáo dục kiến thức và đạo đức" như thế nào? 

Theo tôi chúng ta cần phải thực hiện các bước theo lộ trình từ trong ra ngoài , có thể như sau : 1. Giáo dục và sàng lọc lại ngành Giáo dục nước nhà - ưu tiên số 1. 2. Tiếp tục phát huy những điểm hay và linh hoạt trong việc thực hiện thi trắc nghiệm, tuy nhiên không phải thi trắc nghiệm 100%. Hãy để những ý tưởng , những sáng tạo của các em được phát huy và chúng ta khuyến khích những bài tự luận và phát hiện những tài năng... 3. Trong giáo dục Đại học có thể áp dụng thi kiểm tra...bằng thi trắc nghiệm.

Chấn hưng nền giáo dục nước nhà đâu phải từ những em học sinh, đâu phải từ cách kiểm tra...? Điều quan trọng chúng ta quên mất, đó là: TIÊN VỊ KỶ, NHỊ VỊ NHÂN. HÃY XEM LẠI CHẤT LƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH GIÁO DỤC TRƯỚC KHI THỰC HIỆN NHỮNG VIỆC KHÁC.

Do Gia Quyet

Toi cung la nguoi trai qua cac thoi ky hoc tap nhu nhung nguoi khac, nen cung hieu ro tam long cua GS Van Nhu Cuong cung nhu cua nhieu thay co khac. Toi dong y voi GS va cac thay co khac la chung ta can phai xem xet lai van de thi trac nghiem va su dung ket qua mot lan thi cho ca hai muc dich: Tot nghiep THPT va Dai hoc (CD, TC...).

Tuy nhien, van de o cho: Khong phai la viec thi tot nghiep se lam thut lui nen giao duc nuoc nha, cung khong han la lam cho cac em hoc sinh tro thanh mot cai may, thu dong nhu mot so y kien cua cac thay co.

Cuoc thi la ket qua chung cho ca mot qua trinh hoc tap, nhung nguoi dua chu truong thi trac nghiem la muon kiem tra khoi luong kien thuc cua cac em tren dien rong. Viec thi trac nghiem cho ky thi tot nghiep cung nhu vao dai hoc cung khong yeu cau rang: Tat ca cac bai kiem tra cua cac em hoc sinh cung phai thi trac nghiem, va giao vien cung phai day hoc theo kieu thi trac nghiem, va do cung khong la nguyen nhan cua tieu cuc trong giao duc.

Don gian, do la cuoc thi kiem tra kien thuc cua cac em sau mot khoa hoc hoac kiem tra kien thuc co du tieu chuan de tiep tuc hoc dai hoc hay khong. Chung ta khong nen vin vao viec thi ¨trac nghiem ¨ de do loi cho nhung van de khac.

Viec giang day nhu the nao de cac em co duoc kien thuc tot, lam the nao de chung ta khong co tieu cuc trong thi cu... chung ta can co nhung phuong phap giang day moi, phu hop va nhung bien phap cung ran de ngan chan tieu cuc chu khong phai do thi trac nghiem thi chung ta phai day hoc sinh theo loi thi trac nghiem. Lam nhu vay qua may moc va suy dien.

Toi thua nhan rang, viec thi trac nghiem de nay sinh tieu cuc hon so voi thi tu luan. Nhung chung ta phai giai quyet van de goc de cua no, chu khong phai la giai quyet van de o phan ngon. Neu chung ta khuyen khich cac thay co giao, hoc sinh phat hien tieu cuc, xu ly that nghiem khac va tuyen duong nhung nguoi phat hien (nhu cong diem cho moi hoc sinh phat hien tieu cuc cua thay co giao...) thi chac chan chung ta se co mot doi hinh cac nha giao trong sach, nghiem tuc, coi trong phap luat, thi cho du cuoc thi trac nghiem co de nay sinh tieu cuc cung khong co tieu cuc.

Ben canh do, chung ta cung can phai nghien cuu them tai sao nhieu nuoc ho co the ap dung thanh cong viec thi chac nghiem ma khong xay ra nhieu van de nhu cua chung ta. Tu do chung ta cung co them cach giai quyet cho van de nay.

Tran Van Anh; Email: Giacatkhongminh1234@yahoo.com

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của GS Văn Như Cương. Không nên nhập hai kỳ thi làm một. Thi trắc nghiệm không đánh giá được chính xác năng lực học sinh. Thi trắc nghiệm dẫn đến tiêu cực rất nhiều. Ví dụ: Bài thi không được cắt phách. Người chấm có thể sửa bài làm của thí sinh nhanh chóng. Chỉ cần 2 phút cán bộ chấm thi có thể tô đúng đáp án.

Đề nghị Bộ GD ĐT nên xem xét ý kiến của nhân dân trước khi đưa ra quyết định, nếu không sai lầm cả một thế hệ tương lai của đất nước.

Nguyễn Quốc Tuấn; Email: Richuan_Nguyen@yahoo.com

Về việc không nên gộp 2 kỳ thi làm một: Tôi hoàn toàn đồng ý vì điều kiện hiện nay chưa thể loại bỏ hoàn toàn tiêu cực (nếu không muốn nói là tiêu cực còn tràn lan) trong việc thi tốt nghiệp và đánh giá học sinh THPT thì chỉ có thi đại học,cao đẳng (theo tôi và nhiều người là làm rất nghiêm túc) mới phân loại được học sinh.

Những học sinh xuất sắc mới có đủ điều kiện (về kiến thức) vào ĐH vì xã hội chưa thể đáp ứng (và cũng không nên đáp ứng) tất cả những ai có nhu cầu là có thể học ĐH.

Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm về hệ ĐH tại chức: Hiện nay, ĐH tại chức đã không còn ý nghĩa là đang làm chuyên ngành gì đó, có nhu cầu học cao lên thì thi vào ĐH tại chức chuyên ngành mà mình đang làm để nâng cao kiến thức phục vụ công việc được tốt hơn. Có thể khẳng định rằng có đến 90% số người đi học TC là để có bằng ĐH chứ không phải để nâng cao kiến thức.

Có bằng ĐH để nhờ người thân xin việc, được xếp lương bậc ĐH, có bằng ĐH để bằng anh bằng em; và điều quan trọng là để vào ĐH tại chức rất dễ: chỉ cần có bằng TN Trung học, đăng ký thi, ghi tên học ôn 2 - 3 tháng (chỉ cần đóng tiền, không nhất thiết phải học), đến ngày thi thì thi (rất dễ đỗ vì các thầy coi thi ĐH tại chức rất dễ tính, cho nhìn bài nhau thoải mái, cốt sao đừng quá ồn ào, số người thi không nhiều hơn số chỉ tiêu tuyển là bao).

Sau 4 - 5 năm học ( mỗi năm 2 kỳ, mỗi kỳ 2 - 3 tháng, học ngoài giờ hành chính, mỗi ngày 3 - 4 tiết ) là chắc chắn có bằng ĐH. Chi phí đơn thuần (không tính chi phí cơ hội) cho học ĐH tại chức khoảng 15 - 20 triệu đồng (gồm khoảng 10 triệu học phí , 3 - 5 triệu đóng quỹ lớp để tiếp thầy, 1 - 2 triệu đóng cho lớp khi thi tốt nghiệp, đi riêng khoảng 1 triệu nữa) trong suốt 5 năm học nên nhiều người theo được.

Có thể nói rằng học ĐH tại chức ngày nay là HỌC ĐẠI, nhất là các trường kinh tế, quản lý. Tôi cam đoan nếu bạn có đủ tài chính là có bằng ĐH. Bản thân tôi có 1 bằng chính quy và đã có 1 bằng ĐH tại chức kinh tế, sắp có thêm bằng ĐH tại chức ngoại ngữ nên tôi khá rành về việc đi học tại chức.

Cơ quan tôi hiện nay có đến 70 % lao động trong độ tuổi 25 - 45 đã và đang học ĐH Tại chức mặc dù lao động chân tay là chính.

Về thi trắc nghiệm: Tôi đã từng nhiều lần thi tự luận và thi trắc nghiệm. Rõ ràng thi trắc nghiệm bao quát được kiến thức rộng hơn trong bài thi vì số lượng câu hỏi nhiều. Muốn làm được bài thi trắc nghiệm đạt điểm cao thì phải có kiến thức thực sự, còn trông chờ vào sự may rủi khi bôi đen thì hiếm khi được trên 4 điểm, vì có 3 - 4 đáp án cho mỗi câu hỏi.

Nhưng nếu tuyệt đối hoá 100 % các câu hỏi là trắc nghiệm là không nên, nhất là đối với những môn khoa học xã hội, cần sự hành văn nhiều. Theo tôi, nên kết hợp giữa 2 hình thức thi trắc nghiệm và thi tự luận với tỷ lệ phù hợp cho từng môn thi.

Trịnh Thái Bình -  Nghiên cứu sinh chuyên nganh kinh tế tại Pháp; Email: vietthaikienvu@yahoo.com

Gộp hai kỳ thi, cái nhìn từ Pháp

Bài viết của GS Văn Như Cương đã đề cập đến 2 vấn đề bức xúc của giáo dục nước ta hiện nay. GS Cương đã nêu quan điểm đồng tình với GS Nguyễn Lân Dũng trong một bài viêt về những bất cập khi gộp 2 kỳ thi làm một.

Trong bài viết này tôi xin nêu một ý kiến nhỏ thông qua những kinh nghiệm khi đứng lớp tại một trường lớn của Pháp. Tại Pháp, từ lâu những học sinh tốt nghiệp THPT đều được vào thẳng các trường ĐH. Các trường lớn, có uy tín thì có tổ chức một kỳ thi tuyển chọn thêm. Tuy nhiên việc không tổ chức tuyển chọn thêm vào đại học đòi hỏi phải có những điều kiện nhất định.

Một là giáo dục cấp cơ sở phải nghiêm túc. Tại Pháp, việc chấm điểm từ kiểm tra đến thi cuối năm đều được thực hiện không có chuyện chạy chọt hay dễ dãi để có điểm tốt. Điểm của học sinh đạt được là do thực lực của các em. 

Ở đây cũng không có bệnh thành tích, nâng điểm của các nhà trường hay giáo viên. Đặc biệt các bậc phụ huynh nếu thấy con em mình chưa có khả năng theo các lớp trên, họ cũng xin nhà trường cho con em mình được ở lại trường để năm vững kiến thức của năm đó. Chuyện này là rất thường tình tại Pháp, ngay cả đối với những gia đình người Việt tại Pháp.

Hai là việc phân loại, định hướng học sinh được thực hiện trước khi vào THPT. Chương trình THPT tại Pháp được phân ra thành rất nhiều loại nhằm đáp ứng năng lực, nguyện vọng, sở thích của từng học sinh. Chương trình THPT được chia làm 3 loại chính: Chương trình chung( Bac général), Chương trình khoa học kỹ thuật ( Bac technologique) và Chương trình hướng nghịêp (Bac professionnel).

Việc phân loại học sinh như vậy có tác dung rất lớn để hướng các em đến công việc trong tương lai phù hợp với khả năng vả sở thích của các em. Mặt khác nó sẽ có một tác dụng rất lớn là giảm một phần những lãng phí không cần thiết về nhân tài vật lực.

Thứ ba là khâu đào tạo ở bậc tiếp theo phải thật nghiêm túc để tiếp tục sàng lọc những sinh viên học lực kém. Tại Pháp hiện nay, tỷ lệ sinh viên ra trường không có bằng lên tới 50%. Việc chấm thi từ kiểm tra đến kết thúc môn tuyệt nhiên không có tiêu cực và gian lận. Thông thường, mỗi môn chỉ có khoảng 50% sinh viên vượt qua kỳ thi đã là cao.

Đây đang là một vấn đề của nền giáo dục Pháp vì nếu tính Chính phủ Pháp đầu tư khoảng 7000 euro cho một sinh viên, thì mỗi năm, nước Pháp đang lẵng phí cả hàng chục triệu euro. Bên cạnh đó nền giáo dục Pháp hiện nay cũng không cạnh tranh được với các nước Anh, Mỹ.

Đối chiếu với 3 yêu cầu tối thiểu trên, rõ ràng chúng ta chưa thể đáp ững được để có thể gộp hai kỳ thi lại làm một. Bệnh thành tích và tiêu cực còn tràn lan khắp nơi, từ người học đến người dạy, phụ huynh và cả chính quyền nữa. Việc thi đua dạy tốt, học tốt từ ý tưởng tốt đẹp ban đầu là phát động phong trào học tập vô hình chung đã trở thành căn bệnh kinh niên: bệnh thành tích mà hậu quả là chúng ta đang trở thành những người nói dối, tề ngồi nhầm lớp vẫn tràn lan.

Tiêu cực ở đại học thì còn tràn lan hơn và không thể kiểm soát được. Ở Việt Nam, cứ vào Đại học là cầm chắc tấm bằng Kỹ sư, Cử nhân mà không hề có sự sàng lọc. Chúng ta hiện nay cũng chưa có sự phân loại và định hướng cho các em học sinh. Vì vậy, tốt nghiệp xong, tất cả đều muốn vào Đại học mà chúng ta thì không thể đón tiếp hết các em học sinh vào học đại học được.

Tôi cũng đồng ý với GS Cương và GS Dũng rằng tính chất của hai kỳ thi này là hoàn toàn khác nhau nên không thể gộp lại được. Mục đích chính để cho Bộ GD muốn gộp hai kỳ thi lại làm một, theo tôi hiểu là để giảm những chi phí và lo toan của xã hội cho kỳ thi Đại học hàng năm.

Tuy nhiên nếu chúng ta sàng lọc sinh viên trong Đại học bằng một cơ chế thi cử nghiêm túc thì chi phí đã bỏ ra cho số sinh viên phải rời trường vì yếu kém (khoảng 400 USD/ năm/sinh viên) còn lớn hơn rất nhiều xã hội, phụ huynh phải bỏ ra cho kỳ thi tuyển vào đại học. Đó là chưa tính các em lãng phí 1-2 năm để học lại hoặc chuyển trường. Còn nếu không có sự sàng lọc, chúng ta sẽ đưa ra xã hội những sản phẩm chất lượng tồi.

Tôi nghĩ rẵng Bộ GD cần đưa ra một giải pháp khác để cho việc thi tuyển vào Đại học diễn ra tốt đep, suôn sẻ cả cho các trường Đại học và cho học sinh và phụ huynh. Nếu thấy phức tạp mà bỏ luôn thay vì cần phải giải quyết vần đề thì Bộ GD đã không làm tròn vai trò của mình.

Tôi rất mong Bộ GD cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định mà nó ảnh hưởng đến tương lai của nên giáo dục nước nhà, tương lai của đất nước và "phải hỏi ý kiên nhân dân" như Thủ tướng đã chỉ đạo. Bản thân người viết cho rằng đến năm 2015 hoặc 2020 chúng ta gộp lại vẫn chưa muộn.

Võ Xuân Đường; Hãy thận trong khi nêu ý kiến trên báo chí

Tôi không tán thành với ý kiến của giáo sư Cương về một nền giáo dục "bôi đen''. Đất nước ta phát triển như hiện nay la do nền giáo dục mà ra. Không có giáo dục sao Tổ quốc lại chấn hưng sau hơn 30 năm giải phóng.

Nếu nói nó bị bôi đen thì mỗi chúng ta đều có trách nhiệm, nhất là giáo sư - một người thầy ở tầm cỡ giáo sư. Chúng ta tin rằng nền giáo dục nước nhà sẽ chấn hưng và phát triển. Chúng ta vừa thử nghiệm để tìm ra cái chung tốt đẹp, có lẽ ai cũng mong muốn cái đẹp cái hay cái tốt cái thiện sẽ đồng hành trong mỗi chúng ta.

Còn việc thi trắc nghiệm tôi hoàn toàn tán thành thi trắc nghiệm vì thi trắc nghiệm làm cho người học phải hiểu biết nhiều hơn. Tôi hoàn toàn phản đối ý kiến của giáo sư cho là thi trắc nghiệm không tốt. Ví dụ thi học lái xe về lý thuyết thi trắc nghiệm buộc người học biết một cách căn bản về luật giao thông đường bộ. Thi trắc nghiệm buộc học sinh không thể học tủ học lệch.

Tôi mong giáo sư tâm huyết cùng Đảng và Nhà nước góp sức xây dựng một nền giáo dục chấn hưng và phát triển.

Phạm Ngọc Luận; Lớp luyện thi Đại học Hóa 176/15/15/15 Trương Công Định, TP Vũng Tàu; Email: ngocluan66@yahoo.com

Chúng tôi rất tâm huyết với những điều mà GS Văn Như Cương đã phát biểu. Thi trắc nghiệm kiểu này sẽ làm thui chột tài năng của học trò chúng ta mất thôi. Tôi xin kể với quý vị chính câu chuyện của học trò tôi để quý vị rõ:

Năm vừa rồi, tôi có 3 học trò dự thi vào Đại học Bách Khoa TPHCM, trong đó có 2 học trò cùng thi hai khối A và B (Khối B cả hai trò đều thi vào Đại học Y Dược TPHCM). Khi có kết quả kỳ thi, các thầy trò chúng tôi họp mặt tại quán nước. Chuyện trò rôm rả, hai học trò kia hỏi nhau: Chỉ số "rùa" của mày bao nhiêu? Cậu kia trả lời: Cũng khá. Hơn mày một điểm.

Tôi bất ngờ vì các cháu cho biết chỉ số "rùa" là khả năng đánh mò vào đáp án. Điều ngạc nhiên gây sốc cho tôi là môn Sinh vật hai trò kia học lớt phớt (vì mục đích chính là thi khối A) nên đánh bừa. Vậy mà một cháu được 8,5 điểm; một cháu được 7,5 điểm.

Tôi không dám hỏi các cháu về chỉ sồ "rùa" khi thi của môn tôi nữa vì tôi sợ bị thất vọng và ám ảnh. Tôi có nói với các cháu rằng Bộ Giáo dục Đào tạo mà biết chuyện này chắc hết tổ chức trắc nghiệm luôn. Các cháu cười hì hì: Chuyện nhỏ thầy ôi... Vô vàn học trò có chỉ số rùa như tụi em thầy à.

Hiện nay tôi đang luyện thi môn Hóa cho hàng chục học trò trường chuyên Lê Quý Đôn và trường THPT Vũng Tàu; và thú thật là đang nỗ lực hết mình để học trò không"ngu"đi khi phải học và thi trắc nghiệm kiểu này.

Đồng tình với quan điểm của GS Văn Như Cương, chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cần sớm tổ chức lấy ý kiến nhân dân, phụ huynh, học sinh về vấn đề thi trắc nghiệm và nhập hai kỳ thi vào một để chuẩn bị lộ trình cải cách tốt nhất cho nền giáo dục.

Nên sớm khảo sát chỉ số "rùa" của các tân sinh viên ở một vài trường ĐH bằng phiếu thăm dò không ghi rõ địa chỉ để biết rằng số lượng đánh mò các câu trắc nghiệm của số tân sinh viên này. Chúng tôi cũng tha thiết đề nghị các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, các học sinh phổ thông, các tân sinh viên hãy góp ý cho ngành giáo dục về vấn đề này.

Xin đừng vô cảm trước vận mệnh của ngành giáo dục bởi không ai khác, chính con em chúng ta sẽ lãnh hậu quả " hai trong một, không chột cũng què".

Lâm Chí Hiếu; Email: sonduong_hb06@yahoo.com.vn

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của GS Văn Như Cương nêu trong bài báo và xin cảm ơn GS đã có nhiều ý kiến tâm huyết với bgành, với đất nước, nên đã dám nêu rõ chủ kiến của mình.

Thật tiếc là ở Việt Nam ta hiện nay hình như chưa thực sự có cơ chế nào cho phản biện xã hội nên các ý kiến tham gia chỉ như "đá ném ao bèo" mà thôi, còn lại là mạnh ai nấy làm. Khi thực tế là "ngay cả khi trong nội tại Bộ GD&ĐT có ông Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng và một Thứ trưởng khác nữa (không tiện nêu tên) không đồng tình với chủ trương này và nói thẳng với lớp nhà giáo lâu năm chúng tôi rằng nên góp ý với Bộ GD&ĐT" thì làm sao ý kiến của GS có thể được chú ý, hoặc giả như có cũng chỉ là cách làm chiếu lệ, hình thức của ai đó mà thôi.

Phạm Ngọc Chí; 75 Trần Nhân Tôn, P9, Q5, TP Hồ Chí Minh; Email: phamngocchi@gmail.com THI TRẮC NGHIỆM LÀM MẤT KHẢ NĂNG TƯ DUY CỦA HỌC SINH

Bộ Giáo dục có chủ trương cải cách giáo dục nhằm là cho ngành giáo dục chúng ta trở nên chất lượng và hiện đại với hàng loạt phong trào hai không, ba không và bây giờ là bốn không đã mang lại những kết quả đáng mừng.

Nhưng việc cho học sinh thi trắc nghiệm thì chúng ta cần xem xét lại, vì thi trắc nghiệm sẽ đánh mất đi tính "tư duy, sáng tạo" của học sinh và chất lượng đôi khi cũng khó đánh giá được. Ví dụ: hai học sinh cùng thi chung nhưng một học sinh biết làm sẽ phải tính toán thật kỹ mới đưa ra kết luận, một học sinh không biết làm thế là đánh liều vào bài làm đôi lúc trúng. Vậy chẳng phải đây là một trò chơi "may rủi" đối với học sinh sao?

Tôi nhớ một lần được xem cuốn sách hướng dẫn ôn thi trắc nghiệm văn mà không thể nào không cười được. Tôi xin đuợc nhắc lại nội dung câu hỏi: Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao được sinh ra từ lò nào? có ba đáp án: lò gạch, lò rèn, lò than.

Thực sự nếu duy trì kiểu thi trắc nghiệm này thi e rằng khả năng tư duy của học sinh sẽ mất đi rất nhiều. Nếu bây giờ ta thử làm một cuôc khảo sát đối với học sinh về việc có nên đánh liều vào bài làm khi không biết không thì tôi dám chắc rằng trên 90% học sinh sẽ trả lời là có.

Việc tiếp đến là loại bỏ kỳ thi đại học và chỉ xét tuyển thông qua kỳ thi tốt nghiệp và kết quả trong các năm học của học sinh.,Đây được xem là một biện pháp nhằm giảm chi phí tiền của nhà nước trong việc tổ chức thi cử.

Thế nhưng liệu chúng ta có giám sát được chặt chẽ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và kết quả học tập trong các năm của học sinh không. Nếu tiến hành biện pháp này thì chắc chắn việc chạy điểm cho con em minh trong các trường phổ thông sẽ trở nên căng thẳng và chắc sẽ có tiêu cực xảy ra.

Ngoài ra, công tác tuyển sinh ở các trường đại học, cao đẳng liệu có công bằng hay là chúng ta tạo cơ hội cho tiêu cực phát triển? Cải cách giáo dục là một điều tất yếu đối với đất nước ta khi mà chất lượng ngành giáo dục còn thấp, nhưng để làm sao cho có hiệu quả và công bằng thì bộ giáo dục nên xem xét thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Đỗ Hải Vương; Email: dohaivuong@gmail.com  Xin giáo sư đừng quá bi quan

Đọc bài báo này, cùng với một số bài báo khác trong đó có phỏng vấn GS Văn Như Cương về thi trắc nghiệm và các vấn đề liên quan, tôi có nhận định ngắn gọn là giáo sư không có nhiều thiện chí với thi trắc nghiệm.

Tôi là người đã từng học qua chương trình phổ thông, rồi lên đại học. Nay tôi lại quay lại ôn lại chương trình phổ thông để giúp em trai tôi (hiện đang học lớp 12) ôn thi đại học, thì trắc nghiệm là hình thức thi mà tôi cảm thấy rất văn minh, tiến bộ, giúp giải quyết được nhiều vấn đề: kiểm tra kiến thức toàn diện, phân loại được thí sinh.

Trắc nghiệm sẽ không có chỗ cho học tủ, học vẹt mà là học hiểu và hiểu sâu. Nước ta mới áp dụng hình thức thi này, và kết quả cũng khá khả quan, tại sao giáo sư lại không chịu chấp nhận những kết quả đó.

Câu chuyện giáo sư kể về một thí sinh ở Hải Dương theo tôi nghĩ là thiển cận, đó chỉ là những hạt sạn, những hạt cát rất nhỏ, chỉ là những ngoại lệ có thể bỏ qua. Không ai đến trường thi mà từ đầu giờ đến cuối giờ chỉ chọn lựa ngẫu nhiên các đáp án để làm bài thi cả, mà hoạ có đi chăng nữa thì xác suất may mắn là rất nhỏ.

Hãy nghĩ đến những cái lớn sẽ đạt được trước khi nghĩ đến những điều nhỏ nhặt để đánh giá một hình thức thi mới thành hình ở Việt Nam.

Dao Thi Minh Thanh; Email: thanhtc68@yahoo.com.vn

Gộp hai kỳ thi làm một trong điều kiện hiện nay của Việt Nam là chưa hợp lý vì:

Thứ nhất: Kỳ thi đại học nghiêm ngặt và nghiêm túc hơn thi tốt nghiệp rất nhiều, và đúng như ý kiến của thầy Cương chúng ta không có đủ chỗ cho mọi tú tài học đại học vì vậy tiêu cực sẽ gia tăng, tỷ lệ con nhà nghèo được học đại học sẽ giảm để nhường chỗ cho con nhà giàu.

Thứ hai: ngay lập tức gộp hai cuộc thi làm một sẽ gây hoang mang cho nhiều phụ huynh và học sinh bởi nhiều vấn đề trong đó yếu tố tiêu cực là rất lớn nhất là lại tổ chức thi trắc nghiệm như hiện nay.

Tôi đồng tình với việc đổi mới giáo dục nhưng không phải cách đổi mới như hiện nay vì có thể đẩy lùi giáo dục Việt Nam đi nhiều thập kỷ. Nếu cần thiết phải gộp hai kỳ thi làm một thì nên xét tốt nghiệp để các cháu có đủ điều kiện tối thiểu để lập nghiệp và tổ chức thi đại học thì hợp lý hơn.

Trầm Tuấn Anh; Email: tuananhdwg@yahoo.com

Tôi là người thường xuyên đọc báo Tiền phong nên tôi đã được đọc cả hai bài viết về nền thi cử hiện tại và những tâm huyết của một nhà giáo được coi là bậc lão làng.

Thế hệ chúng tôi (tốt nghiệp cấp 3 năm 1990) ai cũng biết hiện tượng Giáo sư mở trường tư thục đầu tiên của Hà Nội và một trong những mô hình đầu tiên cho nền giáo dục mới của Việt Nam. Hiện trường của Giáo sư vẫn là một trong những trường phổ thông tốt nhất Hà Nội và cả nước. Kể cả năm học vừa qua thi tốt nghiệp nghiêm nhất thì trường của Giáo sư vẫn là trường đỗ tốt nghiệp 100%.

Tôi nghĩ những tâm huyết mà giáo sư viết ở cả trong hai bài báo đáng để những nhà cải cách giáo dục và những nhà đang làm công tác quản lý giáo dục quan tâm. Đặc biệt báo Tiền phong là một trong những tờ báo dám làm những việc nhạy cảm (theo quan điểm của cá nhân tôi) vậy nên với những khát vọng làm cải cách giáo dục có hiệu quả tôi cũng rất mong tờ báo hãy lập một diễn đàn để tất cả các tầng lớp trong xã hội có thể đóng góp ý kiến nhằm mang lại cho nước nhà một nền giáo dục có bản sắc và tiên tiến.

Tôi nghĩ Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân là một nhà quản lý và đổi mới xuất sắc nhưng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng chắc chắn biết GS Cương là nhà giáo thế nào, ý kiến của Thủ tướng chỉ đạo ra sao. Chúng ta rất cần đổi mới nhưng không vì quá cần đổi mới mà không biết lắng nghe các bậc tiền bối trong làng giáo dục, các nhà giáo tâm huyết vói giáo dục để đánh đổi tất cả.

Không cẩn thận, chúng ta phải trả giá bằng một thế hệ ảnh 2Bui Van Thanh; Email: buivthanh@yahoo.com

Tôi hoàn toàn ủng hộ và đồng tình với những gì mà GS Cương đã phân tích rất kỹ về vấn đề thi trắc nghiệm. Bài viết của GS Cương là rất đầy đủ. Hy vọng Bộ GD và ĐT nghiên cứu lại và lấy ý kiến rộng rãi trong đội ngũ giáo viên và những nhà nghiên cứu GD. Nếu thấy thi tự luận tốt hơn thì nên duy trì. Còn chống gian lận thì phải tìm biện khác làm sao đạt được cả hai mục đích là tốt nhất.  Không cẩn thận, chúng ta phải trả giá bằng một thế hệ ảnh 3

Cuối cùng kính mong tờ báo uy tín nhất trong các vấn đề nhạy cảm hãy ủng hộ GS Cương và các nhà giáo tâm huyết để tìm lời giải cho vấn đề này.

Chúng tôi không thi trắc nghiệm đại học, chúng tôi phải trải qua kỳ thi đại học cực kỳ khó khăn, ai đỗ đại học thời chúng tôi đều được đánh giá là học giỏi. Chúng tôi ra trường 12 năm nay làm việc tốt. Thế hệ chúng tôi đang trưởng thành vậy cớ sao cứ phải theo các nước đã có cơ sở vật chất đầy đủ cho nền giáo dục tiên tiến? Chúng ta phải đổi mới, nhưng chúng ta cần phải làm từng bước.

Nhi Hồng; Email: hoathom_thomngat@yahoo.com

Tôi là một nhà giáo, đã và dang thực hiện các phương pháp kiểm tra, thi đánh giá kết quả học tập; đồng thời đang có con học ở các cấp học phổ thông và đại học. Tôi hết sức tâm đắc vớí những trăn trở của GS Văn Như Cương.

Một là với những điều kiện giáo dục hiện nay ở nước ta không thể thực hiện việc nhập kỳ thi tốt nghiệp với thi ĐH. Hai là không thể coi việc thi trắc nghiệm như là một "cứu tinh" cho đổi mới giáo dục. Việc triển khai trfắc nghiệm tràn lan theo ý chủ quan của một số lãnh đạo nghành giáo dục sẽ cho ra đời một lớp "người máy" vô cảm, "hớt ngọn", không có cảm thụ cũng không có tư duy lô gich, không biết diễn đạt, trình bày...

Đây là những hẹ quả vô cùng tai hại cho thế hệ mai sau. Mặc dù với việc thực hiện thi trắc nghiệm như hiện nay thì giáo viên chúng tôi nhàn nhã, không mất nhiều thời gian và... có thể nhờ cả chồng, con chấm bài hộ khi bân việc... Nhưng với lương tâm nhà giáo thì quả thật vô cùng trăn trở cho tương lai.

Nguyễn Hồng Phương: Email: ngphuonghn@gmail.com

Tôi rất tâm đắc với bài viết của GS Cương, những gì ông đã viết ra và đưa lên công luận là rất gần với thực tế. Song, tôi vẫn mong muốn có nhiều nhà giáo tâm huyết như GS Cương viết nhiều hơn về giáo dục nước nhà, nhất là vào giai đoạn như thế này.

Tôi xin cảm ơn Giáo sư Cương về bài viết này, đã mang lại cho tôi thêm phần hiểu biết về giáo dục - đào tạo của nước ta hiện nay và trong tương lai.

Dang Quang Thu; Email: dangquang_thu@yahoo.com

Tôi cũng là một nhà giáo, cũng được Nhà nước giao trọng trách giáo dục lớp trẻ. Quả thật khi thi trắc nghiệm, đối với chúng tôi là những người thấy sẽ rất nhàn nhã không phải xem xét về vấn đề đọc bài hay soát bài làm của học sinh mà cứ theo đáp án đã có để chấm.

Tình trạng học sinh làm bài thi trắc nghiệm kéo tình trạng người thầy khó có thể biết được trình độ thật sự của học sinh như thế nào và liệu rằng học sinh có hiểu hết được vấn đề như chính bài làm của các em. Và quan trọng hơn trong mỗi bài kiểm tra kiến thức của các em là ở chỗ các em làm sai ở đâu và chúng tôi chỉ bảo cho các em như thế nào để có thể hiểu rõ ngay cái sai của mình.

Thi trắc nghiệm cũng có điều hay đó là kiểm tra kiến thức của các em được một cách rộng rãi, nhưng lại hạn chế cho những điều tôi đã nêu trên. Tôi hoàn toàn tán thành những ý kiến và quan điểm mà giáo sư Văn Như Cương đã đưa ra trong bài viết này.

Bảo Châu

Ý kiến của GS Cương là một vấn đề theo tôi cần được được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu. Nhưng theo tôi, trong điều kiện nền giáo dục Việt Nam hiện nay, cần phải chọn một điểm đột phá mấu chốt và thi cử là nội dung bức xúc nhất cần đột phá. Nhưng khi đột phá rồi thì nhiệm vụ của chúng ta là tạo môi trường để thầy dạy nghiêm túc, trò học nghiêm túc.

Theo tôi lúc này là có hệ thống đánh giá, tuyển dụng cán bộ trong cơ quan nhà nước một cách độc lập, bằng cấp chỉ là cần chứ chưa đủ để tuyển vào cơ quan nhà nước, làm như các cơ quan tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài họ cần là thực tế người được tuyển dụng làm như thế nào, chứ họ ít quan tâm người ấy có những bằng cấp gì.

Phạm Tú Tài; Email: Tutai2007@vnn.vn

Điều hôm nay tôi đọc được trên bài báo của GS Văn Như Cương tôi đã nghĩ từ lâu rồi mà không biết kêu với ai. Là một nhà giáo tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, nên tôi rất lo lắng về những chủ trương mà Bộ Giáo dục đưa ra.

Có lẽ những nhà quản lý giáo dục của Việt nam quá quan liêu và duy ý chí. Họ không biết rằng kỳ thi tốt nghiệp năm vừa rồi vẫn còn đầy rẫy tiêu cực (tuy có nghiêm túc hơn năm trước) và không thể so với kỳ thi đại học. Yêu câu thi tốt nghiệp và thi đại học hoàn toàn khác nhau vậy thì nhập làm sao được.

Mai Việt Khánh Minh; Email: maivietkhanhminh@gmail.com

Là người từng có nhiều nhiệt huyết với ngành giáo dục từ những năm 60 của thế kỷ trước, tôi thấy băn khoăn với những cải cách trong giáo dục trong khoảng 20 năm vừa qua.

Nhiều lúc cứ như gà mắc tôc: nào là chữ cải tiến, nào là sách cải cách, nào là thi trắc nghiệm...làm cho bố không dạy được con viết, em không dùng được sách của anh, ngôn ngữ cộc lốc như gà công nghiệp... Hiện nay lại có 2 không, 4 không...

Thiết nghĩ, đối với giáo dục thì dẫu 1.000 không cũng không bằng "Dạy tốt, học tốt" (2 tốt) Đề nghị các cơ quan chức năng nên có cân nhắc, nghiên cứu, chu đáo đối với lĩnh vực được coi là: Quốc sách hàng đầu - Giáo dục.

thanhthuylx07@yahoo.com  Ý kíên người trong cuộc khi thực hiện kiểm tra bằng phương pháp trắc nghiệm

Tôi là một giáo viên đang đứng lớp, đang thực hiện việc kiểm tra bằng phương pháp trắc nghiệm. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc kiểm tra bằng phương pháp trắc nghiệm. Đọc bài phê phán việc kiểm tra trắc nghiệm và cho rằng đó là việc "bôi đen giáo dục" tôi có các ý kiến sau:

- Qua thời gian kiểm tra bằng phương pháp trắc nghiệm tôi thấy rằng để chọn được một câu trả lời đúng, các em phải hiểu kỹ bài, bíêt cách chọn lọc phương án đúng nhất. Với phương pháp này ngoài việc kiểm tra đơn thuần một cách công bằng còn rèn luyện cho các em một phương pháp làm việc sau này, biết cách chọn lọc phương án tối ưu trong công việc , bíêt quýêt đoán trong công việc.. theo tôi nghĩ rất cần khi các em ra đời . Cũng có khi hên xui trong phương pháp này nhưng tôi nghĩ rất ít.

- Để soạn một bài kiểm tra trắc nghiệm, giáo viên chúng tôi phải đầu tư rất nhiều thời gian so với kiểm tra tự luận. Chưa kể khi sửa một bài trắc nghiệm chúng tôi mệt rất nhiều lần so với sửa bài tự luận vì chúng tôi không đơn thuần chọn a, b,c ... mà phân tích rõ tại sao chọn, tại sao không.

- Học sinh của trường tôi không phải là học sinh trường chuyên lớp chọn nhưng các em rất thích thú với cách kiểm tra này vì giúp các em hiểu bài rõ hơn, sinh động hơn.

Sao cứ mãi bôi đen giáo viên chúng tôi thế, khi bảo chúng tôi thích thú phương pháp này chỉ đơn giản là do con chấm, vợ chấm... bài dùm được. Nghề giáo là một nghề cao đẹp, tôi thiết nghĩ đa số giáo viên chúng tôi đều trăn trở với nghề, đều muốn trang bị tốt kíên thức cho học sinh. Đừng một vài trường hợp riêng rẽ (mà tôi tin rất ít) mà quy chụp cho giáo viên chúng tôi.

Do Duc Chinh; Email: ducchinh@dng.vnn.vn  Toi phan doi thi tac nghiem tran lan

Toi phan doi thi tac nghiem tran lan vi cac ly do sau:

- Hoc sinh sau nay khong biet viet cau van cho dung chinh ta, chu xau, cam nhan van hoc bi giam, tu duy kho cung...

- Chi can boi den theo xac suat la da co thể có 7.5 diem/3 mon. Suy ra khong phan loai duoc hoc sinh kem va rat kem. Hoc sinh cung khong biet duoc minh kem va rat kem de ren luyen. Giua kem va trung binh hau nhu khong co khoang cach. Chi can hoc lech vai chuong, phan con lai lam bai theo xac suat...

- Khong giam duoc tieu cuc ma toi e rang tieu cuc se manh hon, tinh vi hon nho viec copy rat nhanh, tham chi giam thi cung co the giup hoc sinh lam bai.

- Chung ta se tao ra mot the he co van hoa Yes-No. Hien nay tren truyen hinh dang dan dau truyen ba van hoa Yes-No. Co le nhung y tuong thi trac nghiem can xem ky cac tro choi tren truyen hinh se hinh dung ra tac dong viec thi sau nay.

Lê Tuấn; Email: letuan9@yahoo.com

Tôi là người ngoại đạo về quản lý giáo dục, nhưng qua kinh nghiệm bản thân đã đi từng học, từ trường chuyên đến các lò luyện thi, học ở trong nước cũng như nước ngoài, tôi cũng mong muốn đóng góp ý kiến về những vấn đề mà GS. Cương nêu ra.

1. Về việc gộp 2 kỳ thi, tôi đồng tình là chúng ta không nên vội vàng, đặt mục tiêu năm 2009 sẽ thực hiện. Để thực hiện được việc này trước hết các khâu tổ chức học, chấm điểm, chấm thi ở các cấp học dưới phải được thực hiện nghiêm túc.

Có thể giao cho một số trường làm thí điểm, họ có quyền chọn sinh viên dựa trên kết quả học các cấp dưới mà không qua thi cử. Từ đó rút kinh nghiệm, mở rộng việc thực hiện.

2. Về việc thi trắc nghiệm, tôi không đồng tình với GS. Cương. Trong các tranh luận phản đối thi thực nghiệm, đa phần ý kiến đều nêu lý do cần "tự luận". Tuy nhiên, thực tế dạy, thi trước đây liệu có giúp học sinh nâng cao được khả năng "tự luận" hay cũng chỉ là " luyện" các "kiểu, dạng bài" có thể có trong đề thi biến để rồi biến cũng học sinh thành "thợ giải toán"?

Trước đây, chính GS. Cương cũng từng tham gia các " lò luyện thi đại học" chắc hẳn GS. biết rõ bản chất? Với người đi sâu vào ngành toán, khả năng tự luận là rất cần thiết, nhưng có thực tế hay không để đòi hỏi tất cả các học sinh của ta có khả năng "tự luận" vốn là kỹ năng khá khó, ngay cả đối với học sinh chuyên?

3.Tinh thần xây dựng nền giáo dục nước nhà Giáo dục nước ta bị đánh giá là một trong vài lĩnh vực cuối cùng còn chưa thoát khỏi tình trạng "bao cấp". Tôi thấy những cải cách gần đây và những ý tưởng cải cách sắp tới của Bộ GD-ĐT đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.

Tuy nhiên, cái mới thường sẽ bị sức ỳ của cái cũ cản trở. Giáo dục cũng sẽ không là ngoại lệ và chắc chắn sẽ có những ý kiến trái chiều từ các vị trong ngành.

Mọi ý kiến nên được tôn trọng, tuy nhiên ý kiến cũng phải được nêu từ tinh thần xây dựng, cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề để chấn hưng nền giáo dục nước nhà, không nên góp ý theo kiểu "nếu tôi là bộ trưởng, việc đầu tiên của tôi là xin từ chức".

Lê Anh Nuôi; Email: vanratngu@gmail.com Cải cách vội vã là sai lầm lớn, tác hại lâu dài

Tôi chỉ là anh giáo làng có khoảng hai chục năm giảng dạy. Cái nhạy cảm của người trong cuộc mách bảo tôi rằng cải cách lần này có vẻ vội vã, thiếu tính khoa học, sẽ là sai lầm lớn. Mạnh dạn, táo bạo là tốt, nhưng chớ lấy cả nền giáo gục nước nhà ra thí nghiệm tràn lan như vậy.

GS Văn Như Cương có lý khi nói rằng thi trắc gghiệm khó đánh giá đúng năng lực của học sinh. Cái này quá rõ, vậy mà các cơ quan chức năng của Bộ GDĐT vẫn cứ làm ngơ?

Thêm nữa, nhập 2 kỳ thi vào 1 để cuối cùng không biết ai tài ai không. Vậy thử hỏi làm sao tuyển được nhân tài, trong khi ta mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu học đại học của các cô cậu tú? Người dân kém hiểu biết nhất cũng có thể thấy được điều này dẫn đến gì: Tiêu cực trong khâu tuyển chọn vào đại học. Khi mà có hàng vạn người sàn sàn như nhau thì sẽ chọn ai đây?

Tôi có cảm giác rằng thực chất Bộ GD ĐT muốn đẩy trách nhiệm của kỳ thi đại học về các trường. Cuối cùng thì các trường vẫn phải sàng lọc lại lần nữa. Điều này quá rõ trên thế giới, nhất là các trường danh tiếng.

Chẳng nhẽ một cậu tú được điểm khá nào đó có thể vừa vào Khoa Văn, vừa vào Khoa Toán, của Đại học Quốc gia, hoặc thậm chí khoa Thanh nhạc của Nhạc viện? Liệu tất cả các học sinh sau lần cải cách này đều toàn tài, toàn diện được như thế không? Vậy cái kỳ thi "không quốc gia" mà các trường sẽ tiến hành nay mai quản lý thế nào? "Mặc kệ" các trường?

Tôi có một đồng nhiệp bên Trung Quốc, họ cũng thấy việc có một kỳ thi quốc gia rất khó khăn trong tuyển chọn vào đại học, nhất là khâu phỏng vấn tại khoa và trường. Các nưóc khác ta. Họ rõ ràng giàu có hơn ta. Họ đáp ứng được hơn ta nhiều nhu cầu học tập bậc đại học cao đẳng của dân.

Cải cách đúng là cần thiết, nhưng vấn đề là làm thế nào. Lần này nghe chừng tiếng nói của những nhà chuyên môn không được lắng nghe lắm. Dư luận rất lhó hiểu các vị quan chức của Bộ GD ĐT, nhất là khi những bất cập chưa làm đã rõ.

Nguyễn Đức Khang; Email: khang31590@yahoo..com

Quả thật, em với tư cách là một học sinh rất ủng hộ bài báo trên của thầy Cương .Nhất là ở đoạn: " các nước khác đều đã làm rồi..." .Thầy đã nêu ra 3 lý do rất xác đáng để không thể bỏ kỳ thi đại học được .Mỗi nước có một hoàn cảnh riêng, do đó không thể áp dụng một cách máy móc được.

Như ỏ trên đã nói với điều kiện hiện nay ở nước ta có 3 lý do để không thể gộp cả hai kỳ thi làm một được:

- Thi cử không nghiêm túc (kỳ thi tốt nghiệp không nghiêm túc như kỳ thi đại học, do nhiều yếu tố mà một trong đó là thi tốt nghiệp nhiều địa phương làm ko nghiêm túc).

- Các trường đại học của ta không đủ để nhận hết toàn bộ số học sinh tốt nghiệp vào đại học do nhu cầu quá lớn. Hơn nữa ngay trong bâc đại học việc thi cử cũng không đủ độ minh bạch để sàng lọc được hết để đảm bảo chất lượng sinh viên sau khi ra trường.

Việc gộp hai kỳ thi làm một có lợi là tiết kiệm được hàng tỷ đồng nhưng nó sẽ gây ra nhiều vấn đề tiêu cực khác trong xã hội.

Là một học sinh đang học lớp 12, đã học qua năm học cả nước chống tiêu cực trong giáo dục, cụ thể là trong thi cử em không phủ nhận những hiệu quả của nó nhưng em vẫn thấy vẫn còn nhiều vấn đề lắm... Mà đó là em đang học trong 1 trường trong thủ đô , nói chi là các trường ở địa phương.

Bạn của anh em hiện nay là sinh viên BK, trong khi tiếng Anh thì không biết chia động từ to be thế nào trong khi đó thi tốt nghiệp tiếng Anh 9 điểm. Hỏi ra mới biết cả cái hội đồng thi ấy ai cũng như vậy.

Bên cạnh đó ta còn nên xét lấy một vấn đề đó là nếu gộp lại hai kỳ thi thì chất lượng học sinh sẽ ra sao? Hiện nay ở một số trường đại học lớn như BK HN thì số lượng sinh viên tăng ca tăng lên đột biến trong khi chương trình học vẫn vậy. Có phải đó là do chất lượng học sinh kém hơn chăng?

Từ năm 2002 đến nay Nhà nước đã cho tổ chức thi đại học toàn quốc, em cho rằng đó là đúng để hạn chế được nhiều vấn đề tiêu cực. Nhưng theo đánh giá của em thì từ đó đến nay đề càng ngày càng dễ hơn (một trong những bằng chứng đó là điểm của các trường đại học top trên càng ngày càng cao).

Ngay cả em bây giờ đang học thi nếu gặp những bài khó thì thường bỏ qua vì biết khi thi sẽ không khó đến thế đâu, thế nhưng vài năm về trước thì đố dám bỏ. Nếu như vậy có phải là chúng ta đang tự hạ mức rào xuống để tự làm giảm đi chất lượng của học sinh?

Trên đây là một số ý kiến của em, rất mong mọi người đã đọc.

TOAN; Email: TOANTRAN@YAHOO.COM

TOI HOAN TOAN UNG HO Y KIEN CUA GIAO SU VAN NHU CUONG. TOI HIEN NAY DANG O USA. MAC DAU CO THI TRAC NGHIEM NHUNG HIEN NAY TOI DANG HOC UNIVERSITY.

 TAT CA CAC MON DEU LA TU LUAN. HOC SINH PHAI HOC WRITING, READING RAT NHIEU, SAU DO VIET SUMMARY, COMMENTS, THI NGHIEM CUNG PHAI VIET REPORT. CUOI MOI KHOA HOC PHAI LAM PROJECT, BAO CAO TRUOC LOP...

NEU HOC SINH CHUNG TA CHI BIET LAM TRAC NGHIEM, LAM SAO VIET NOI MOT CAU VAN VIET NAM. TOM LAI, BO THI TRAC NGHIEM, HOAC IT NHAT KET HOP CA 2 CACH THI.

Uyên Phương, TPHCM: Trắc nghiệm không phải là phương thuốc vạn năng

Tôi rất đồng tình với ý kliến của GS Văn Như Cương. Có một điểm nữa tôi muốn bổ sung liên quan đến chuyên thi trắc nghiệm, là hình thức thi này sẽ làm cho chúng ta không thể nào phát hiện được sự gian dối.

Ngoài việc do tô đen bằng bút chì, có thể bị thay đổi dễ dàng sau khi thi bởi ai đó, việc thí sinh có làm đúng mã đề mình được phát hay không trên thực tế là không thể kiểm soát vì không ai lưu lại thông tin này. Như vậy, việc trộn đề và phát đề để tránh tình trạng 2 thí sình ngồi gần nhau làm khác đề sẽ không còn giá trị gì nữa.

Đúng như GS văn Như Cương nói, thí sinh (hoặc ai đó) ra dấu về các đáp án trở nên quá dễ dàng và không thể kiểm soát. Trước đây, khi 2 bài giống nhau khi làm tự luận, chúng ta có thể dựa trên cách hành văn, các lỗi sai giống nhau... để xác định, thì nay tuyệt đối không thể vì ô bôi đen tròn tròn nào cũng giống nhau.

Một thực tế tệ hại nữa của nước ta khiến việc thi trắc nghiệm bất cập là trình độ, sự chuẩn bị cho việc ra đề thi loai này chưa tốt. Điều này tuy tế nhị nhưng chúng ta cần phải can đảm nhìn thẳng vào thực tế. Chúng ta không có chuyên gia ra đề trắc nghiệm một cách đúng nghĩa, chúng ta cũng không có cơ sở dữ liệu đề thi đủ tốt, đủ đa dạng, đủ tin cậy. Mà 2 yếu tố này có ý nghĩa quan trọng quyết định sự thành bại của một kỳ thi trắc nghiệm.

Trắc nghiệm là một phương thức tốt để kiểm tra kiến thức, nhưng không phải phương thuốc vạn năng. Các nhà quản lý xin hãy thận trọng và cân nhắc.

Trần Minh; Email: hongtan1234@yahoo.com.vn

Tôi không đồng tình với quan điểm của thầy Văn Như Cương. Tôi cho suy nghĩ của thầy là cực đoan và không chịu đổi mới tư duy. Tôi không hề có một ngày hoạt động trong ngành giáo dục nhưng tôi là một người sử dụng rất nhiều lao động có trình độ đại học và bản thân tôi là sản phẩm của nền giáo dục cũ.

Tôi xin thưa với thầy Cương là chỉ có 30% kiến thức học được từ phổ thông và đại học có ích cho công việc tương lai còn lại 70% còn thiếu chúng tôi phải đào tạo lại và người lao động học hỏi được thông qua công việc chuyên môn. Vì vậy tôi muốn lật ngược tỷ lệ này bằng sự cách tân trong giảng dạy và thi cử.

Tôi ngán ngẩm với cách dạy và học hiện nay theo cách mà con tôi đang học. Xin thưa với thầy Cương rằng tôi gặp rất nhiều học sinh trường Lương Thế Vinh của thầy trên đường đi học thêm các môn học khác vì trường của thầy cũng không đáp ứng đủ nhu cầu học của học sinh.

Tôi hoàn toàn ủng hộ cách tân chương trình thi cử của Bộ Giáo dục. Thầy đừng bao giờ vin vào còn một vài nước như Trung Quốc và Nhật Bản duy trì cách thức thi cử này. Tôi nói thật tình vì tôi là người nhận và mua sản phẩm của các thầy nên tôi biết khuyết tật của nó thông qua hệ thống đào tạo.

Hoàng Đình Nguyên

Tôi đã đọc những ý kiến xung quanh vấn đề thi trắc nghiệm và thi nhập hai kỳ thi làm một của GS Văn Như Cương trên báo Tiền phong. Bản thân tôi có ý kiến là:

Về vấn đề thi nhập hai kỳ thi làm một: Nếu thì riêng đại học thì có thể thí sinh A vào được đại học (nếu chưa muốn nói là trường tốt) nhưng nếu thi nhập hai kỳ thi làm một thì liệu rằng thí sinh ấy có thể vào được đại học không.

Tôi nhớ mấy năm trước gần quê tôi có mấy thí sinh học rất giỏi vào đại học điểm rất cao nhưng thi tốt nghiệp thì điểm lại rất thấp. Bởi thực tế hiện nay học sinh học lệch rất nhiều, Có thể khối mình thi thì học rất giỏi nhưng khối khác thì rất kém (nếu không muôn nói là không quan tâm lắm).

Thien An; Email: drthanh2002@yahoo.com

Toi khong biet day co chinh xac la y kien cua GS Cuong khong, hay la chi do nha bao ghi lai? Chung ta dang co gang cai cach su tri tre su bat cap trong trong giao duc hang nam sau muoi nam nay. Sao ta cu co muon niu keo cai hoc vet (thuc chat la nhu the) ai co con dang hoc hien nay moi tham thia cai lac hau cua su hoc tu chuong, tra bai, thuoc long la nhu the nao?

Toi nghi du the nao di nua cung khong nen dua len mat bao nhung tu ngu voi dung y gay soc (nen giao duc "boi den"). The la the nao? Chung ta muon dat nuoc thoat khoi tri tre, thi phai doi moi, bat dau la doi moi giao duc, truoc tien la phai doi moi phuong phap day va hoc, phuong phap danh gia day va hoc.

Phai that binh tinh, phai that tham thia voi noi xau ho cham tien. Phai co mot cai dau ban linh du tam va mot cai tam trong sang thi chung ta moi giai quyet duoc van de. Toi nghi cung nen co dien dan trao doi ve van de nay de lam sao tranh duoc nhung cai khong thuan loi trong tien trinh cai cach giao duc.

Ho Nhin; Email: nguyenphat@yahoo.com

Thua GS. Theo toi nen dung tren toan cuc viec phat trien giao duc quoc gia va hoi nhap quoc te trong hien tai va tuong lai dai. Do la net dac trung cua chien luoc phat trien giao duc cua bat ky quoc gia nao.

Chi tu viec thi cu nhu GS neu ra, ma dung tu "boi den" nen giao duc la khong nen. Tuy nhien viec ban luan nen nam trong boi canh chung ta dang mong muon va dang lam chuan hoa va phat trien giao duc Viet Nam va hoi nhap voi cac nen giao duc tren the gioi, dac biet cac nen giao duc cua cac nuoc phat trien.

Toi cung muon nhac GS nho lai chuyen dao tao Dai hoc theo tin chi, chung ta cung mat gan 25 nam ban luan, nhung theo thoi gian, chung ta cung thay duoc tinh uu viet cua no va dang ap dung trong cac truong DH.

Nhung luan chung cua GS dua ra co cai dung va chua dung trong tinh hinh hien nay va trong tuong lai phat trien giao duc. Thuc te da chung minh co cai dung trong qua khu nhung chua chac da phu hop voi hien tai trong boi canh the gioi luon van dong va phat trien.

Đặng Thị Bích Ngân; Email: ngandang2001@yahoo.com

Tôi đã có dịp theo học ở Canada 5 năm. Tôi thấy những cuộc thi cho từng môn học nếu áp dụng thi trắc nghiệm bao giờ cũng kèm theo thi vấn đáp; hoặc trong một bài thi có nhiều phần, trong đó có một phần trắc nghiệm.

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của GS Văn Như Cương. Mong những người có trách nhiệm trong Bộ Giáo dục hãy lắng nghe ý kiến thực tế của tình trạng giáo dục nước nhà để có thể đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất.

Nguyễn Đình Trung; Email: trungvpp@yahoo.com Cần phải xem xét thật kỷ lưởng môn thi trắc nghiệm

Tôi là cựu sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Từ khi áp dụng thi trắc nghiệm ở năm học vừa qua tôi có những suy nghỉ về vấn đề này như sau:

Thứ nhất: Thi trắc nghiệm khi làm bài sai các câu hỏi có bị trừ điểm không?Điều này là không như kỳ thi vừa qua (GS Cương đã có dẫn chứng như trường hợp ở Hải Dương).

Thứ hai: Thi trắc nghiệm đã thật sự tránh gian lận trong thi cử chưa? Điều này GS Cương cũng đã phân tích rất rõ.

Thứ ba: Thi trắc nghiệm không phát huy được tính sáng tạo của học sinh, như môn toán chẳng hạn. Ngoài ra tôi rât tán thành ý kiến của GS Cương về vấn đề nên để tách riêng hai kỳ thi và cần phải thi viết nhiều hơn hoặc thi vấn đáp và bài viết tự luận là hay nhất, nó phù hợp hơn với điều kiện đất nước và nó mang tính thực tế hơn.

Tôi có một suy nghĩ chung như thế này: Nếu như một học sinh hoăc sinh viên khi viết về một bài làm của mình thì nhớ rất lâu còn thi trắc nghiệm "đúng" hoặc "sai" thì chỉ ba hôm sau người đó sẽ quên ngay. Thi viết nhớ 10 thi trắc nghiệm chỉ nhớ 5 mà chỉ mang tính máy móc không thể hiện được nhiều tính sáng tạo trong bài viết. Người chấm cũng máy móc mà thôi.

Trần Văn Sót: Thi trắc nghiệm để chống tiêu cực là ngụy biện

Tôi hoàn toàn đồng tình với GS Văn Như Cương về việc này. Theo tôi nên đình lại việc nhập hai kỳ thi lại một. Hiện nay một số người cho rằng thi trắc nghiệm là chông được tiêu cực trong thi cử, tôi cho rằng đây là sai lầm lớn, sự nguỵ biện cho ý tưởng cá nhân.

Tại sao ta không đi tìm giải pháp khác cho việc chống gian lận như giáo dục ý thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh giúp họ và nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng về tác dụng của thi thật, tác hại của sự dối trá để mọi người tự giác thực hiện lại cứ cho rằng thi trắc nghiệm mói chống được tiêu cực trong thi?

Họ quên rằng thi trắc nghiệm sẽ làm lụi bại sự nghiệp giáo dục, làm xói mòn tính sáng tạo, truyền thống, ngôn ngữ của dân tộc ta.

Email: thanhtc68@yahoo.com.vn; Đổi mới như hiện nay có thể đẩy lùi giáo dục nhiều thập kỷ

Tôi đồng tình với quan điểm của thầy Văn Như Cương. Gộp hai kỳ thi làm một trong điều kiện hiện nay của Việt Nam là chưa hợp lý vì:

Thứ nhất: Kỳ thi đại học nghiêm ngặt và nghiêm túc hơn thi tốt nghiệp rất nhiều, và đúng như ý kiến của thầy Cương chúng ta không có đủ chỗ cho mọi tú tài học đại học vì vậy tiêu cực sẽ gia tăng, tỷ lệ con nhà nghèo được học đại học sẽ giảm để nhường chỗ cho con nhà giàu.

Thứ hai: Ngay lập tức gộp hai cuộc thi làm một sẽ gây hoang mang cho nhiều phụ huynh và học sinh bởi nhiều vấn đề trong đó yếu tố tiêu cực là rất lớn nhất là lại tổ chức thi trắc nghiệm như hiện nay. Tôi đồng tình với việc đổi mới giáo dục nhưng không phải cách đổi mới như hiện nay vì có thể đẩy lùi giáo dục Việt Nam đi nhiều thập kỷ.

Email: phamthunguyet@yahoo.com; Không cẩn thận, chúng ta phải trả giá bằng một thế hệ

Là giáo viên, tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của GS Văn Như Cương. Các nước phát triển đã đưa vào thực hiện từ lâu. Hình thức này có những ưu và nhược điểm, chính vì thế trên thế giới đã có những điều chỉnh, và không chỉ thực hiện nó riêng rẽ, mà còn kết hợp với các hình thức khác, để cho việc đánh giá bảo đảm chính xác.

Sau chủ chương áp dụng hình thức trắc nghiệm, gần đây dư luận lại “ xôn xao” về hình thức thi cho sử dụng tài liệu. Có phải lúc nào, môn nào cũng áp dụng hình thức này được không?

Thiết nghĩ, chúng ta áp dụng cái gì, đổi mới gì (nhất là đối với ngành GD) thì cũng nên có những nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng vì cái được, mất trong ngành này không chỉ là đồng tiền, bát gạo mà mỗi sai lầm, chúng ta phải trả giá bằng một thế hệ.

MỚI - NÓNG