'Khẩn cấp' là... vô thời hạn!

'Khẩn cấp' là... vô thời hạn!
TP - Nhiều chung cư tại Hà Nội đang xuống cấp trầm trọng, được các cơ quan đánh giá “tối nguy hiểm” từ lâu, chính quyền nhiều lần yêu cầu khẩn cấp di dời… nhưng một số hộ dân sống tại chính "khu nhà chết" đó lại nhất định không chịu chuyển đi, bất hợp tác để nấn ná đòi quyền lợi. 
'Khẩn cấp' là... vô thời hạn! ảnh 1
Nhà tối nguy hiểm B6 Giảng Võ, Hà Nội - một trong số 77 chung cư nguy hiểm cần kiểm định hiện nay tại Hà Nội. Ảnh : TP

Tháng 7/2006, Giám đốc Sở TN-MT&NĐ Hà Nội Vũ Văn Hậu báo cáo Bộ Xây dựng: Thủ đô có 77 chung cư nguy hiểm cần kiểm định.

Một năm sau, tháng 7/2007, ông Hậu vẫn “đề nghị bố trí đủ nguồn vốn ngân sách TP để tổ chức kiểm định đánh giá chất lượng 77 chung cư nguy hiểm trên địa bàn”.

Hơn 2 năm kể từ khi HĐND thành phố ra Nghị quyết 07/2005/NQ-HĐND đôn đốc việc xã hội hóa cải tạo các chung cư cũ, xuống cấp và nhà nguy hiểm tại Thủ đô - vẫn chưa một dự án “xã hội hóa” phá cũ, xây mới chung cư cũ nát, nguy hiểm nào trên địa bàn Hà Nội khởi công!

Trao đổi với PV Tiền phong, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ XD) Trần Chủng vừa cho biết: Hiện cả Thủ đô mới có 3 chung cư nguy hiểm “đến tay” Cục này giám định.

Ông Trần Chủng cũng khẳng định: Kết luận “tối nguy hiểm” đồng nghĩa có thể sập đổ bất cứ lúc nào, phải “khẩn cấp di dời” để đảm bảo tính mạng, tài sản cho dân. KHẨN CẤP phải được hiểu là “ngay tắp lự”, chứ không thể là vài tháng hay vài năm…

Tuy nhiên, Cục trưởng cũng thừa nhận nhiều trường hợp đã ra quyết định “khẩn cấp di dân” nhưng năm này sang năm khác vẫn cứ là “khẩn cấp”.

Nguyên nhân chủ yếu do về mặt kỹ thuật đã xác định được tính nguy hiểm nhưng trong hệ thống quy phạm pháp luật chưa hề có văn bản, chế tài nào quy định cụ thể: mức độ nguy hiểm loại nào thì tương ứng với thời hạn tối đa phải di dời khỏi tòa nhà là bao lâu (Ví dụ: nguy hiểm mức D thì tối đa 15 ngày phải di dời, nguy hiểm mức C tối đa 1 tháng phải di dời…).

Chính vì vô thời hạn nên việc nấn ná của người dân hiện nay có cơ hội kéo dài bao lâu tuỳ thích.

Và cũng chính vì không quy định thời hạn nên chính quyền cùng nhiều cơ quan, đơn vị hữu quan không có cơ sở để thúc đẩy nhanh việc lập  và phê duyệt phương án, kế hoạch, dự án… trong khi những người dân không đồng tình lại có cơ sở để nán lại khu nhà nguy hiểm, đưa ra nhiều đòi hỏi mà nếu đáp ứng được phải mất vài năm.

Điển hình tại Hà Nội phải kể đến chung cư tối nguy hiểm B6 Giảng Võ (Ba Đình, HN). Gần 10 tháng trôi qua - cư dân B6 vẫn luôn trong tình trạng “thực hiện ngay việc di dời” mà... chẳng có gì thay đổi.

Để có thể nấn ná ở lại “khu nhà chết”, những người không muốn chuyển đi đưa ra rất nhiều lý do.

Nhưng có một lý do vô cùng thực tế mà giờ đây những người hiểu vấn đề chung cư nguy hiểm đều đã tường tận là: kéo dài thêm mỗi tháng thì mỗi cửa hàng mặt tiền tầng trệt khu chung cư này sẽ thu về thêm nhiều triệu đồng, mỗi năm xấp xỉ gần trăm triệu đồng/hộ kinh doanh…

Và, cả một dãy cửa hàng như vậy thì số tiền thất thu nếu phải dời đi sẽ không hề nhỏ!

Còn kẽ hở?

Trong Luật nhà ở có nhắc đến nguy cơ sập đổ, có tính đến việc phải cưỡng chế phá dỡ, có lưu ý “trừ trường hợp khẩn cấp”, song lại không quy định cụ thể “trường hợp khẩn cấp” thì thời hạn tối đa là bao lâu kể từ khi kết luận là nguy hiểm - phải di dời toàn bộ người và tài sản ra khỏi tòa nhà?

"Ở nhiều nước, một ngôi nhà đã được cơ quan có thẩm quyền khám nghiệm và kết luận là nguy hiểm thì sẽ bị dán tem “gạch chéo”.

Người sống tại đó phải “lên đường” ngay, không bàn cãi gì nữa, vì đó là “luật”.

Việc rời khỏi ngôi nhà nguy hiểm là cần thiết, cấp bách, hoàn toàn riêng và không liên quan gì đến việc nhà nguy hiểm đó sẽ được xử lý ra sao, xây lại thế nào, do ai xây lại… bởi tính mạng là quan trọng nhất.

Tiền bạc, tương lai, lợi ích… tính sau, vì còn nhiều thời gian để lo và còn được pháp luật bảo vệ, nhưng tuyệt nhiên không thể nói: “Tôi phải được biết nhà này sẽ xây lại cao bao nhiêu tầng… Tôi phải được biết ai sẽ xây lại nhà… Tôi phải được tiếp tục bán hàng ở tầng trệt…” thì mới chịu di dời!"

Ông Trần Chủng - Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ XD)

Chính vì Luật thì chung chung, hệ thống văn bản pháp quy cũng chưa quy định rõ nên tại các địa phương có nhà nguy hiểm cần di dời - chính quyền chỉ biết lo lắng và cũng ra thông báo chung chung là “ngay”, nhưng “ngay” là bao lâu thì còn ‘’tùy tâm’’ người dân và… phụ thuộc nhiều yếu tố!

Thế nên, với trường hợp B6 Giảng Võ, UBND TP HN cũng rất lo nhưng đồng thời với lo lắng là “đưa quả bóng” sang UBND quận Ba Đình.

Còn UBND quận Ba Đình thì loay hoay gần 10 tháng nay vẫn chưa di dời được dân khỏi nhà nguy hiểm, dù trách nhiệm đã được phân định gắn liền quyền hạn, dù quỹ nhà tạm cư gồm 107 căn ở tổ 28 Thanh Lương đã sẵn sàng, dù hàng chục hộ dân đã tới tấp gửi đơn thư xin di dời khẩn cấp…

Cuối tuần qua, sau nhiều tháng đình trệ, UBND quận Ba Đình mới họp lại và chỉ đạo “khẩn cấp di dân khỏi nhà nguy hiểm B6 Giảng Võ về nơi tạm cư Thanh Lương, sẽ cưỡng chế nếu hộ nào không chịu di dời”.

Đông đảo người dân B6 Giảng Võ mong rằng thái độ cương quyết này sẽ không lặp lại như những lần trước, tức là “ra văn bản cho… hết trách nhiệm, họp cho… có”.

Cũng cuối tuần qua, được tin quyền Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo sẽ về chung cư nguy hiểm B6 Giảng Võ để kiểm tra, nhiều người dân mừng mừng tủi tủi, mong như trời hạn mong mưa, nhưng tiếc rằng cuộc thị sát này lại hoãn… khiến họ lo lắng: Phải chăng việc di dời vẫn còn xa lắm?

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...