Sau 40 năm, hai sĩ quan Xô Viết tìm bạn chiến đấu Việt Nam

Sau 40 năm, hai sĩ quan Xô Viết tìm bạn chiến đấu Việt Nam
TP -  Hai cựu sĩ quan Liên Xô, những người đã sang Việt  Nam từ giữa những năm 1960 để huấn luyện  bộ đội tên lửa Việt Nam và trực tiếp chiến đấu một số trận chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc, giờ thăm lại Việt Nam và nhắn tìm những đồng đội Việt Nam 40 năm trước.
Sau 40 năm, hai sĩ quan Xô Viết tìm bạn chiến đấu Việt Nam ảnh 1
Đại úy V.V.Skoryak bên tổ hợp tên lửa ZRK S-75 trong thời gian bảo dưỡng kỹ thuật - Ảnh chụp tại khu vực gần vĩ tuyến 17

Trong bài báo Những bí mật Nga trong chiến tranh Việt Nam, sau khi xem bộ phim tài liệu cùng tên, nhà báo Aleksey Lensov (Đài Tiếng nói nước Nga) viết:

“Ngay từ năm 1964, ở Liên Xô đã bắt đầu thành lập các đơn vị, mà trước hết là từ binh chủng tên lửa, dành cho “công tác miền Nam”, như cách gọi hồi đó. Theo qui tắc bảo mật, từ “Việt Nam” không hề được nhắc đến, nhưng tất cả đều hiểu rằng, những người được chọn vào các đơn vị này sẽ đi Việt Nam tham gia chiến đấu”.

Theo tác giả bài báo,  mùa xuân năm 1965, các chuyên gia quân sự Xô Viết đã đặt chân đến Việt Nam để lắp ráp các bệ đặt tên lửa đất đối không và tiến hành huấn luyện kỹ thuật cho các chiến sĩ Việt Nam.

Tiền phong xin nhận làm cầu nối liên lạc giữa 2 cựu chiến binh Xô Viết V.I.Todorasko và V.V.Skoryak với các đồng đội cũ ở Việt Nam.

Hai quân nhân Việt Nam trên hai tấm ảnh và những bạn chiến đấu cũ của các cựu chiến binh Xô Viết trên đây xin liên lạc qua các số máy điện thoại (04) 9434341, 0912056787, 0913226034.

Trong cuốn sách “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam – Chuyện xảy ra như thế nào" (1965-1973) do NXB “Examen” phát hành tại Matxcơva năm 2005, các tác giả cũng cho biết, vào tháng 7/1965, ở Việt Nam đã thành lập Tiểu đoàn 63 (Chỉ huy trưởng Mozaev B.I.) và Tiểu đoàn 64 (Chỉ huy trưởng Ilinykh F.P.) thuộc Trung đoàn 236 Bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam.

Ngày 24 /7/1965, trận đánh bằng tên lửa phòng không đầu tiên đã diễn ra trên bầu trời Việt Nam. Ba máy bay phản lực Mỹ đã bị 3 tên lửa Xô Viết vít cổ (ngày 24/7 sau đó đã trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội tên lửa Việt Nam).

Sau đó 3 ngày, 4 máy bay Mỹ lại tan xác trên bầu trời miền Bắc. Được sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia quân sự Liên Xô, các sĩ quan chiến sĩ Việt Nam đã trưởng thành rất nhiều và chính họ  đã tiếp tục viết nên những trang sử  hiển hách trong trận chiến bảo vệ vùng trời thân yêu của Tổ  quốc.

Một ngày giữa tháng 9/2007, Tiền phong nhận được thông tin: có 2 cựu chuyên gia quân sự Xô Viết thời kỳ 1965-1970 muốn trở lại Việt Nam thăm chiến trường xưa và tìm gặp các đồng đội cũ đã từng sát cánh bên nhau chiến đấu chống kẻ thù chung.

Dành dụm tiền lương hưu, các cựu binh Xô viết muốn quay trở lại mảnh đất thân thương đã gắn bó một thời tuổi trẻ, như một hành trình phải có trước khi đi hết cuộc đời của mình.

Người thứ nhất là ông Todorasko Valentin Ivanovich, 72 tuổi, trung tá về hưu. Ông đã phục vụ tại Việt Nam với cấp bậc thượng úy, là chuyên gia huấn luyện về chuyển phát lệnh vô tuyến tại các tiểu đoàn 63, 64 thuộc Trung đoàn 236 từ tháng 4/1965 đến tháng 5/1966.

Ông Todorasko đã trực tiếp chiến đấu trong trận đầu ra quân của bộ đội tên lửa Việt Nam, ngày 24/7/1965 và sau đó tham gia bắn hạ nhiều máy bay Mỹ. Từ năm 1965 đến nay, cụ vẫn chưa có dịp trở lại Việt Nam.

Người thứ hai là ông Skoryak Valery Vasilevich,  66 tuổi , trung tá về hưu.  Khi sang giúp Việt Nam, Skoryak là đại úy tại bộ phận công trình, công binh của binh chủng PK-KQ với tư cách là chuyên gia về các thiết bị phóng và tên lửa  trong khoảng thời gian từ  tháng 1 đến tháng 12/1970. 

Đại úy Skoryak đã từng có những chuyến công tác thường xuyên đến các điểm phòng không của bộ đội Việt Nam dọc theo vĩ tuyến 17. Hiện ông là ủy viên BCH Hội Hữu nghị Nga-Việt vùng Sverdlovsk (Ural).

Trong hành trang sang Việt Nam lần này của ông Todorasko có 2 tấm ảnh mà ông nâng niu giữ gìn suốt hơn 40 năm qua. Đó là 2 bức chân dung mà 2 quân nhân Việt Nam tặng thượng úy Todorasko trước khi chia tay vào tháng 1/1966.

Phía sau tấm ảnh bên trái, người tặng viết bằng tiếng Nga, xin tạm dịch như sau: Chúng ta đã bên nhau trong thời gian ngắn ngủi, giờ xin tạm biệt Todorasko! và một chữ ký không rõ.

Còn phía sau tấm ảnh bên phải có dòng đề tặng, cũng viết bằng tiếng Nga: Tặng bạn chiến đấu Valentin. Phuc Can. Hà Nội 1/1/1966, kèm theo chữ ký Trần. Có thể giả định họ và tên của người trong tấm ảnh bên phải là Trần Phúc Cần (Căn). Mong muốn của ông là nối lại mối liên lạc và gặp lại các bạn chiến đấu Việt Nam này.

Ngày 25/9/2007, các cựu chuyên gia quân sự Xô Viết từ  Ekaterinburg bay sang TPHCM. Được biết, các thành viên phía Nam của trang web www.nuocnga.net (một trang web do những người Việt Nam yêu mến nước Nga lập nên) đã có kế hoạch đón những người bạn cũ của Việt Nam.

Cùng đi với 2 cựu chiến binh lần này còn có ông Anatoly Davydov - cựu quân nhân về hưu cũng là người rất có cảm tình với Việt Nam. Ông là người sáng lập chi hội hữu nghị Nga - Việt vùng Ural và có nhiều hoạt động tích cực trong việc giúp Việt Nam  mở phòng lãnh sự (đã đi vào hoạt động) tại TP  Ekaterinburg vùng Ural. Sau TPHCM, đầu tháng 10 đoàn sẽ ra thăm Hà Nội và sẽ trở về Nga ngày 10/10/2007.

MỚI - NÓNG