Top 200 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam

Top 200 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam
TPO - Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa công bố bản cáo cáo xếp hạng 200 công ty hàng đầu Việt Nam và đưa ra những đánh giá liên quan đến sự phát triển của các DN này. Tuy nhiên các DN lớn nhất VN chỉ tưởng đương DN nhỏ và vừa trên thế giới.

Theo đánh giá của UNDP, các Cty lớn nhất của Việt Nam dù đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, rất năng động và tham vọng nhưng vẫn cần thêm trợ giúp từ phía chính phủ về mặt kỹ năng và thị trường để có thể duy trì được tính cạnh tranh của mình.

Theo ông Jago Penrose, chuyên gia phân tích chính sách tài chính của UNDP, hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất của VN do Nhà nước sở hữu. Trong đó, phải kể tới: Agribank, VNPT, EVN, BIDV, Vietcombank, Viettel...

Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở 2 trung tâm kinh tế lớn là thành phố Hồ Chí Minh (54 doanh nghiệp) và thành phố Hà Nội (45 doanh nghiệp).

Những doanh nghiệp này sử dụng gần 30% nhân công trong khối doanh nghiệp Nhà nước nói chung, gần 2/ 3 tài sản, hơn 40% doanh thu và hơn 40% thuế đóng của tất cả các doanh nghiệp nhà nước có trong điều tra doanh nghiệp.

Cũng theo ông ông J.Penrose, trong danh sách 200 DN hàng đầu này, khối DN có vốn nước ngoài chiếm tới gần một nửa, sử dụng tới 2/3 lực lượng lao động và sở hữu hơn một nửa lượng tài sản. Gần 60% doanh thu và 45% thuế nộp cho Nhà nước cũng từ sự đóng góp của khối DN này.

Trong ngành chế tạo, 110 DN chế  tạo lớn nhất chiếm hơn 15% lao động, gần 25% tài sản, hơn 25% doanh thu và gần 30% thuế đóng của tổng số 23.469 DN chế tạo trong điều tra.

Bản báo cáo cũng cho thấy các Cty nước ngoài lớn có vai trò chủ đạo trong sản xuất và đặc biệt quan trọng đối với việc tuyển dụng lao động. Trong số các DN sản xuất hàng đầu, các Cty nước ngoài chiếm gần một nửa, sử dụng 2/ 3 lực lượng lao động, sở hữu hơn 50% lượng tài sản và gần 60% doanh thu và 45% thuế nộp.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về “tầm” của top 200 DN hàng đầu của VN so với các DN lớn ở các nước, ông Jago Penrose thẳng thắn: “Những DN được xem là lớn nhất của VN chỉ gần tương đương với các DN nhỏ và vừa trên thế giới và các DN hàng đầu này cũng phải còn rất lâu nữa mới vươn tới được chuẩn quốc tế”.

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam cũng cho rằng điều quan trọng với DN Việt Nam nếu muốn vươn tầm quốc tế là phải tập trung về “chất” chứ không phải về “lượng”. Điều này phản ánh qua năng lực làm ăn, tỷ lệ lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh trên thực tế.

“Qua quá trình phỏng vấn hơn 100.000 DN, chúng tôi nhận thấy họ đã áp dụng 3 chiến lược lớn để nâng cao tính cạnh tranh. Đó là cải thiện các hoạt động kinh doanh chính, mở rộng thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên thành công của các chiến lược này còn phụ thuộc vào khả năng tiếp cận với các công nghệ, vào nguồn nhân lực có tay nghề, các lĩnh vực kinh doanh mới cũng như các nguồn đầu tư mang tính đầu cơ không ổn định”- ông Jago Penrose nhấn mạnh.

Vào top 200: Phải đầu tư mạnh vào chất xám

Các tiêu chí để UNDP xếp hạng top 200 doanh nghiệp hàng đầu dựa trên các khía cạnh: nguồn lao động, tài sản, doanh thu và mức thuế nộp cho Nhà nước. Trừ các Cty 100% vốn nước ngoài, khảo sát của UNDP áp dụng với các doanh nghiệp thuộc cả khối Nhà nước, tư nhân và liên doanh với nước ngoài.

Theo ông Johnathan Pincus , trong 3- 5 năm tới, top 200 DN hàng đầu VN có thể thay đổi và sẽ có những DN chưa từng được biết đến xuất hiện, cùng với đó là sẽ có những DN hiện tưởng “vững chân” trong top 200 phải ra đi.

Để lọt vào top 200, theo ông J.Pincus, doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực công nghệ, liên kết quá trình sản xuất, kinh doanh với khâu đào tạo tại các trường đại học để sáng tạo công nghệ mới. Tuy nhiên, vấn đề rất quan trọng này dường như vẫn chưa được các doanh nghiệp ở VN đánh giá cao.

“Nếu VN có hệ thống giáo dục tốt, nhất quán, phù hợp với thiết chế của Nhà nước, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, tương lai sẽ rất khả quan hơn rất nhiều. Điều quan trọng với doanh nghiệp VN là phải đi đầu đẩy mạnh đầu tư vào chất xám”- ông Johnathan Pincus nói.

Ông cũng chỉ ra, thế giới đang phát triển với tốc độ chóng mặt của các sáng chế, phát minh mới nhưng sự phân bổ các sáng chế này lại bất bình đẳng rõ rệt- Hiện hơn 50% sáng chế phát minh của thế giới thuộc sở hữu của các nước giàu nhất tập trung ở khu vực: Bắc Mỹ, Bắc Âu... Trong khi, 5 tập đoàn hàng đầu thế giới cũng chiếm tới hơn 60% kinh phí chi cho các nghiên cứu sáng chế, phát minh.

“Để giảm thách thức từ hội nhập, không còn cách nào khác, VN phải học hỏi, đầu tư không ngừng cho công nghệ. DN VN không nên để bị trói tay đằng sau mà phải giải phóng đôi tay”- Ông Pincus nói.

10 doanh nghiệp hàng đầu trong top 200 Việt Nam

1. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam
2. Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam
|3. Tổng Công ty Điện lực Việt Nam
4. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam
5. Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô
6. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam
7. Công ty TNHH Pouyen Việt Nam
8.Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam
9. Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh
10. Tổng Công ty Viễn thông Quân đội

(Nguồn: Bản Nghiên cứu 200 doanh nghiệp hàng đầu VN của UNDP)

MỚI - NÓNG