Bão dữ tàn phá từ Nghệ An đến Quảng Bình

Bão dữ tàn phá từ Nghệ An đến Quảng Bình
TP - 18 giờ 30 chiều qua, bão số 5 (tên quốc tế là Lekima) đã đổ bộ vào Hà Tĩnh - Quảng Bình. Khu vực tâm bão số 5 đổ bộ trực tiếp là xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) và huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Bão dữ tàn phá từ Nghệ An đến Quảng Bình ảnh 1

Nhà điều hành dự án tại cảng Hòn La (Quảng Trạch, Quảng Bình) bị bão quật đổ chiều 3/10 - Ảnh: Minh Toản

Như vậy, tâm bão số 5 đâm ngang qua đèo Ngang, ngọn đèo ranh giới của hai tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ.

Theo bản tin phát lúc 23 giờ 30 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư (TTDBKTTV), hồi 22 giờ, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 18,0 độ vĩ bắc; 105,9 độ kinh đông, trên đất liền giữa hai tỉnh Quảng Bình – Hà Tĩnh.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật trên cấp 11. Bão số 5 gây ra gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị); cấp 6, giật cấp 7 ở thành phố Đồng Hới; cấp 11, giật cấp 13 ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh); cấp 8, giật trên cấp 11 ở Hòn Ngư (Nghệ An).

Bão dữ tàn phá từ Nghệ An đến Quảng Bình ảnh 2
Người dân Quảng Bình sơ tán tránh bão - Ảnh: Võ Minh Châu

Dự báo trong 24 giờ tiếp theo, bão số 5 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 4/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,1 độ vĩ bắc; 102,5 độ kinh đông, trên lãnh thổ Thái Lan.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển nam vịnh Bắc Bộ đêm qua còn có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có gió mạnh cấp 6, cấp 7, riêng các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11, sau gió yếu dần.

Cho đến 23 giờ ngày 3/10, tại Quảng Bình, thông tin từ huyện Tuyên Hoá cho biết đã có 450 ngôi nhà bị sập và tốc mái, 560 ha cây rau màu vụ đông vùa trồng sau bão số 2 đã ngập và mất trắng hoàn toàn. Nghiêm trọng nhất là băng chuyền vật liệu băng qua QL12A của Nhà máy xi măng Sông Gianh đã đổ sụp. Chưa có thông tin thiệt hại về người.

Huyện Lệ Thuỷ, mực nước sông dâng cao trên 4 m ở báo động 3, khiến cho gần 2.000 ngôi nhà bị ngập từ 0,5-1 m. 300 ha rau màu bị nhấn chìm. Hệ thống đường liên thôn liên xã bị ngập có nơi sâu gần 2m. 10 trường học và 9 chợ bị ngập hoàn toàn. Tại ga Đồng Hới có hai đoàn tàu SE2 và SE4 bị kẹt lại ga vì mưa to và gió lớn. Có 2 người bị thương.

Hiện tượng mất điện trên diện rộng Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Quảng Bình mất điện từ 18 giờ cho đến 21 giờ. Hà Tĩnh đến 23 giờ mới có điện. Nghệ An chập chờn lúc có lúc không. Theo nhận định ban đầu, để bảo đảm an toàn lưới điện khi bão đổ bộ vào đất liền, các Trung tâm truyền tải điện đã cắt điện theo quy trình an toàn.

Tại Bố Trạch (Quảng Bình), thời điểm bão đổ bộ vào đất liền có gió cấp 12 và giật trên cấp 14, lượng mưa từ 300 – 500 mm. Tại Hà Tĩnh, có 8 tàu cá và 3 tàu vận tải bị nạn ven biển nhưng lực lượng cứu hộ không thể xử lý vì gió quá to. Tại huyện này có hàng chục tàu cá bị chìm. Bộ Tư lệnh BĐBP nhận định là có thiệt hại về người. Từ 16 giờ trở đi, các phương tiện cứu hộ không thể hoạt động do gió quá to.

Bão dữ tàn phá từ Nghệ An đến Quảng Bình ảnh 3
Người dân Hà Tĩnh tránh bão - Ảnh: Minh Toản - Võ Minh Châu

Tính đến 20 giờ tối qua (3/10), do ảnh hưởng của bão số 5, trên khu vực ven biển toàn quốc đã xảy ra 23 sự cố với 93 người, 47 tàu cá và 2 phương tiện vận tải bị nạn. Theo số liệu thống kê tối 3/10 từ BCH phòng chống lụt bão T.Ư, tại Cà Mau đã có 1 người mất tích, tại Quảng Bình có 1 người bị thương, tại Quảng Ngãi có 1 người chết.

Bão cũng đã làm chìm 12 phương tiện, hư hỏng 6 phương tiện, làm tốc mái hàng trăm ngôi nhà.Tại xã Nam Thịnh (Thái Bình), trong lúc đi xuồng từ lều nuôi ngao vào bờ tránh bão, 2 ngư dân đã bị sóng đánh chìm. Bộ đội Biên phòng Thái Bình đã điều động lực lượng cứu vớt, nhưng chỉ đưa được 1 ngư dân vào bờ.

Tại khu vực biển cách Hòn Khoai (Cà Mau) khoảng 26 hải lý về hướng Tây Tây Nam, tàu đánh cá của Trà Vinh  TV0236TS với 6 ngư dân hành nghề giã cào do ông Nguyễn Đăng Sơn ở Long Vĩnh (Trà Vinh) làm thuyền trưởng bị hỏng máy trôi dạt. Thuyền trưởng đề nghị cứu hộ khẩn cấp. Biên phòng Cà Mau đã liên lạc và huy động một tàu cá của ngư dân Sông Đốc tổ chức đi cứu nạn.

Mặc dù đã thực hiện việc cấm tàu thuyền ra khơi nhưng trong ngày 3/10, các lực lượng đã ngăn chặn được thêm 373 tàu cá với 2.391 ngư dân cố tình vượt trạm kiểm soát (Trong đó, Thái Bình: 15 tàu/300 người; Ninh Thuận: 10 tàu/45 ngư dân; Bình Định: 31 tàu/97 ngư dân; Ninh Bình: 14 tàu/52 ngư dân; Thanh Hóa: 189 tàu/1.675 người).

MỚI - NÓNG