Tường thuật từ vùng tâm bão

Tường thuật từ vùng tâm bão
TP - Tất cả lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Bình đã có mặt ở Bố Trạch. Đến 15 giờ, dự báo bão đang có hướng chuyển lên phía Bắc, cả ban chỉ huy lại tập trung lực lượng hướng về vùng Quảng Đông có cảng biển Hòn La xung yếu...
Tường thuật từ vùng tâm bão ảnh 1
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đang nắm tình hình bão tại Quảng Bình

Nơi đây gió đã mạnh lên cấp 7-8. Sóng biển vỗ vào kè đá cảng Hòn La toé tung mù mịt. Gió đã làm đổ sập nhà điều hành của dự án.

Ngay sáng 3/10, gió bão đã làm tốc mái và đánh sập trường tiểu học Quảng Đông. May là học sinh đã được thông báo nghỉ học từ sớm nên không có thiệt hại về người.

Chủ tịch huyện Quảng Trạch chạy như con thoi về các vùng phải di dời dân để chỉ đạo. Tình hình trở nên cấp bách và khẩn trương hơn khi Sở chỉ huy tiền phương của trung ương đã chọn Quảng Bình làm nơi đóng quân chỉ đạo các công tác ứng phó với bão.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đến thị sát tình hình chuẩn bị ở các địa phương xung yếu có các cửa biển của Bố Trạch và Quảng Trạch.

Làm việc nhanh với Ban chỉ huy PCLB của tỉnh tại huyện Bố Trạch, Phó Thủ tướng chỉ đạo: Gần 11.000 dân trong diện di dời, nhưng phải di dời khẩn cấp hơn 5.000 nhân khẩu ở Thanh Khê, Lý Hòa, Quảng Phúc, Cảnh Dương.

Theo ông Trần Công Thuật, phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lúc này Quảng Bình đồng thời triển khai cả hai nhiệm vụ. Vừa đối phó với bão vừa đối phó với mưa lũ và rất có thể lặp lại tình trạng của cơn bão số 2.

Mực nước trên các triền sông Kiến Giang, Long Đại, Gianh, Lý Hòa mưa lớn, kết hợp với triều cường dâng cao ở mức báo động 2-3. Lũ quét, lũ ống cùng với gió bão làm cho công tác ứng phó với bão số 5 gian nan và phức tạp hơn.

Đại tá Nguyễn Văn Phúc, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thông tin: Lực lượng cứu hộ này đã tập trung cứu hộ 8 thuyền đánh cá với trên 40 ngư dân đang neo đậu trong khu vực nguy hiểm ở cảng Hòn La.

19 giờ 30 ngày 3/10, thông tin từ Quảng Trạch cho biết: Đã có 1 sà lan hút bùn bị trôi, trên sà lan có 2 người và một người được xác định là mất tích. 70% nhà dân ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch) bị bão cuốn tốc mái. Từ huyện Lệ Thủy cũng cho biết có khoảng gần 2.000 hộ gia đình bị ngập từ 0,5-1m.

Nghệ An: Nhiều hộ dân chủ quan

Chiều và tối hôm qua (3/10), mưa lớn diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh. Ngay sau khi lệnh của Ban PCLB địa phương được phát đi, 11.300 hộ dân gồm 53.000 người thuộc các huyện thị Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu được di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; 4.020 chiếc thuyền đánh cá của ngư dân vào nơi neo đậu an toàn.

Huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức di dời được trên  2.300 hộ chủ yếu ở các huyện Quỳnh Bảng, Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Lập. Huyện Diễn Châu đã tổ chức di dời được gần 5.500 người, tập trung ở các xã Diễn Hải, Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Trung. Tuy nhiên, theo quan sát của Tiền phong, một số hộ dân vẫn không chịu rời nhà.

Nguyên nhân là nhiều người dân nhận được thông tin bão số 5 có dấu hiệu xoay hướng, vào bắc Quảng Bình. Ông Ngô Đình Nhậm, Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Công tác di dân tại đây còn gặp nhiều khó khăn bởi tâm lý chủ quan của các hộ dân”.

Vấn đề đáng ngại nữa đối với người dân Nghệ An là tình trạng xuống cấp  của 630 hồ đập lớn, nhỏ. Nhiều đập chứa nước bị xói lở, nước khoét sâu vào thân đập, cống thoát nước rò rỉ.

Một cán bộ Sở NN-PTNT cho biết: “Trong số 630 hồ đập phân bố rải rác trên địa bàn tỉnh, có 580 hồ do các HTX và huyện quản lý. Do bị sử dụng vô tội vạ, không có tiền để duy tu bảo dưỡng hồ đập nên nhiều cái xuống cấp. Nếu mưa lớn gây quá tải, chúng tôi buộc phải tìm phương án thoát nước thủ công bằng cách cho nước tràn qua mặt hồ, đập”.

Hà Tĩnh: Một số tuyến đê biển bị vỡ

Chiều hôm qua, PV báo Tiền phong có mặt tại xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Mưa như trút, gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9. Hơn 3.000 người dân ven biển được sơ tán vào sâu trong đất liền. Anh Giang - Chủ tịch UBMTTQ xã cho biết không cần đợi lệnh di dân của huyện, tỉnh phát ra, hàng trăm ngư dân xóm Hội Thuỷ đã chủ động tìm nơi tránh bão ngay từ sáng sớm.

“Nhiều ngư dân lên thuyền, bám dọc sông Lam chạy về Bến Thủy, Xuân An; Có người sang Vinh nương nhờ nhà người quen!”, anh Giang kể.

“Việc di dân phải hoàn thành trước 12 giờ trưa, ai không đi buộc phải cưỡng chế!”, Bí thư Huyện uỷ Hoàng Đình Hà nói. Xã Xuân Hội được xem là một điểm xung yếu của Nghi Xuân, bám dọc bờ biển và sông Lam. Đê Hội Thống dài 17km chỉ chịu được gió cấp 7, cấp 8.

Hai địa điểm dành cho người dân Xuân Hội tránh bão là trụ sở UBND xã và trường tiểu học. Trong lớp 2A, hàng chục cụ già và trẻ em đứng ngồi không yên, những đôi mắt lo âu nhìn ra trời mưa, mong cho bão tan nhanh.

Cuối giờ chiều, bầu trời đen kịt. Trên mặt đê Hội Thống gió dữ dội, từng đợt sóng cao ngất ầm ĩ đổ vào bờ. Tuyến đê bảo vệ đồng tôm Xuân Hội vỡ 100m, nước biển tràn vào. Qua điện thoại, Bí thư Huyện ủy Hoàng Đình Hà thông báo: “Đê Song Nam (xã Cương Gián) bị sóng đánh gây sạt lở gần 100m!”...

Thanh Hóa : Sơ tán hơn 3 vạn dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Sáng 3/10, tại Thanh Hóa hơn 3 vạn dân vùng biển ở 2 huyện Tĩnh Gia và Quảng Xương đã di dời đến nơi trú ẩn an toàn để tránh cơn bão số 5. Trước đó, tỉnh Thanh Hóa đã lập phương án di dời khoảng hơn 10 vạn dân ở các xã ven biển lên vùng an toàn.

Ông Mai Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đến trưa 3/10, khi nhận được thông tin mới về hướng di chuyển của cơn bão số 5, công tác di dời dân ở Thanh Hóa đã tạm dừng. Tuy nhiên, tại những khu vực đã lập phương án di dời dân, lực lượng dân quân tự vệ, công an, bộ đội được bố trí túc trực 24/24 giờ.

MỚI - NÓNG