3 nhà KH người Mỹ, Anh đoạt giải Nobel Y học 2007

3 nhà KH người Mỹ, Anh đoạt giải Nobel Y học 2007
TP - Ba nhà di truyền học là Mario Capecchi, Oliver Smithies (người Mỹ) và Martin Evans (người Anh) giành giải Nobel Y học 2007 trị giá 1,54 triệu USD nhờ những phát hiện đột phá trong kỹ thuật điều khiển gene của loài chuột.

>> Trao giải Ig Nobel cho những phát minh ngớ ngẩn nhất

Ủy ban Nobel cho biết ba nhà khoa học trên được trao giải vì đã khám phá cách thức điều khiển về mặt di truyền học các tế bào mầm trong phôi thai loài chuột.

Bằng kỹ thuật biến đổi gene từ trong phôi thai, các nhà khoa học có thể tạo ra loài chuột mang những bệnh phổ biến ở người như ung thư, Alzheimer, bệnh tim, đái đường, xơ nang và các căn bệnh khác. Nhờ đó các nhà khoa học sẽ biết được những gene này ảnh hưởng như thế nào tới sức khoẻ và bệnh tật.

Theo Ủy ban Nobel, loài chuột đã được biến đổi gene này cung cấp cho các nhà nghiên cứu một mô hình thí nghiệm có thể giúp họ khám phá nguồn gốc nhiều căn bệnh ở người và tạo ra những loại thuốc mới để ngăn ngừa, điều trị bệnh.

Ủy ban Nobel còn cho biết, con chuột đầu tiên được biến đổi gene theo cách này được thông báo năm 1989. Đến nay đã có hơn 10.000 gene khác nhau ở chuột được nghiên cứu theo cách này và khám phá của ba nhà khoa học sẽ dẫn tới việc tạo ra một kỹ thuật “vô cùng mạnh mẽ”.

Vài nét về ba nhà khoa học

3 nhà KH người Mỹ, Anh đoạt giải Nobel Y học 2007 ảnh 1
Ông Capecchi

Ông Capecchi sinh năm 1937 tại Italia hiện là công dân Mỹ, giáo sư sinh học và di truyền học của Đại học Utah (Mỹ).

Ông tốt nghiệp ngành hóa học và vật lý Đại học Antioch năm 1961, có bằng tiến sĩ lý sinh của Đại học Harvard năm 1967.

Giáo sư Capecchi nổi tiếng là người đi tiên phong trong kỹ thuật biến đổi gene ở loài chuột.

Ông Evans sinh năm 1941 tại Anh quốc, hiện là giáo sư di truyền học về các loài có vú tại Đại học Cardiff. Giáo sư Evans khám phá các tế bào mầm trong phôi thai chuột từ cuối những năm 1970 tại Đại học Cambridge (Anh).

3 nhà KH người Mỹ, Anh đoạt giải Nobel Y học 2007 ảnh 2
Ông Evans

Nhà khoa học này giúp phát hiện cơ chế để các tế bào tạo thành mô trong phôi thai chuột, giúp tạo ra phương pháp biến đổi gene chuột với sự chính xác gây kinh ngạc.

Ông Smithies sinh năm 1925 tại Anh quốc, hiện là công dân Mỹ. Ông nghiên cứu y học và hóa sinh tại Đại học Oxford và tới Đại học Wisconsin Mỹ từ năm 1951. Từ năm 1988, ông Smithies làm việc cho Đại học Bắc California.

Giáo sư di truyền học Smithies là người phát triển kỹ thuật “nốc ao” (knock-out) hay còn gọi là “khử gene” có thể khiến gene chuột ngừng hoạt động nhằm nghiên cứu chức năng của nó.

3 nhà KH người Mỹ, Anh đoạt giải Nobel Y học 2007 ảnh 3
Ông Smithies

Phương pháp này được sử dụng tại các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, giúp các nhà khoa học có thể tạo ra những căn bệnh của người trên động vật.

Giải Nobel sẽ có nhiều bất ngờ

Giải Nobel Y học được công bố ngày 8/10, mở đầu cho mùa giải Nobel 2007 đã hâm nóng dư luận suốt những ngày qua với vô số dự đoán.

Hôm nay (9/10), Nobel Vật lý sẽ được công bố; tiếp theo là Nobel Hóa học (10/10); Nobel Văn học (11/10); Nobel Kinh tế (15/10). Giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố vào ngày 12/10 với tổng số 181 cá nhân, tổ chức được đề cử.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore, người đi đầu trong cuộc chiến chống lại hiện tượng nóng lên trên toàn cầu, được xem là ứng cử viên sáng giá nhất cho giải Nobel Hòa bình. Nhà hoạt động môi trường người Canada Watt- Cloutier được xem là đối thủ nặng ký nhất của ông Al Gore trong việc xét giải Nobel Hòa bình.

Giới thạo tin cũng đưa ra dự đoán cho các giải Nobel khác với những ứng cử viên sáng giá nhất. Tuy nhiên, ngay cả ông Stein Toennensson, Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế ở Oslo (Na Uy), cũng tâm sự rằng ông luôn bị bất ngờ trước kết quả giải Nobel.

Theo thông lệ, kết quả các giải Nobel luôn được giữ bí mật tới phút chót nên các dự đoán trước khi công bố luôn hâm nóng dư luận.

T.Đ
Tổng hợp

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.