Sập Phân viện KHXH TPHCM: Nguy cơ được báo trước

Sập Phân viện KHXH TPHCM: Nguy cơ được báo trước
TP - Theo tìm hiểu của chúng tôi, Phân viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã nhiều lần gửi văn bản khiếu nại đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời vì một số tòa nhà thuộc phân viện bị lún, nứt, có nguy cơ đổ sập.
Sập Phân viện KHXH TPHCM: Nguy cơ được báo trước ảnh 1

Toàn cảnh hiện trường sau khi sự cố xảy ra, ảnh chụp sáng 10/10. Ảnh: H.H

Như Tiền phong đã thông tin, việc Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương xây dựng cao ốc Pacific (địa chỉ 43-45-47 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1) đã làm sụp đổ nhiều tòa nhà liền kề thuộc Phân viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ vào tối 9/10. Xung quanh việc thi công công trình này có rất nhiều vấn đề khuất tất cần được cơ quan chức năng làm rõ.

Bị đình chỉ vẫn tổ chức thi công

Trao đổi với phóng viên một số báo, đài vào sáng 10/10, Chủ tịch UBND phường Bến Nghé  - bà Phạm Thị Thu Giang cho biết trước khi sự cố xảy ra, trong quá trình Cty TNHH Bia Thái Bình Dương (sau đây gọi tắt là Cty TBD) tổ chức thi công phần móng cao ốc Pacific, Phân viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ (gọi tắt là PVKHXH) đã nhiều lần gửi văn bản khiếu nại, khẩn cầu, đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có biện pháp xử lý kịp thời vì một số tòa nhà thuộc phân viện bị lún, nứt, có nguy cơ đổ sập.

Theo đó, vào tháng 11/2006, PVKHXH đã có công văn khiếu nại Cty TBD và nhà thầu thi công không đảm bảo các quy định về an toàn cho các công trình xây dựng liền kề trong quá trình thi công phần móng và tầng hầm cao ốc gây nứt tường và khiến một số tòa nhà của PVKHXH có nguy cơ sập. Ngày 18/6/2007, Phân viện tiếp tục có công văn kêu cứu về sự xuất hiện thêm nhiều vết nứt cho các tòa nhà...

Khiếu nại của PVKHXH cũng đã được các cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý kịp thời. Các đơn vị quản lý trật tự đô thị phường, quận khảo sát, lập biên bản vi phạm và báo cáo vụ việc lên các cấp có thẩm quyền.

Sau khi tổ chức kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, ngày 7/12/2006, Sở Xây dựng (XD) đã có quyết định số 112 buộc Cty TBD (chủ đầu tư) và Cty đầu tư phát triển đô thị Long Giang (đơn vị thi công) lập tức ngưng thi công công trình, khắc phục sự cố, yêu cầu di dời người và tài sản thuộc PVKHXH ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có nguy cơ xảy ra sự cố sụp đổ các tòa nhà.

Quyết định này cũng nói rõ việc tạm ngưng thi công là do các bên liên quan vi phạm các quy định về trật tự an toàn trong xây dựng, gây rạn nứt trụ sở PVKHXH.

Bên cạnh việc đình chỉ thi công, Cty TBD còn bị buộc phải chấm dứt hình thức chủ đầu tư “kiêm nhiệm” vai trò tư vấn giám sát bằng cách thuê đơn vị tư vấn có năng lực. Ngày 4/1/2007, Sở XD đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty TBD với mức phạt 29 triệu đồng.

Quyết định 112 cũng nói rõ công tác thi công cao ốc Pacific chỉ được phép tiếp tục nếu các bên liên quan thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Sở XD.

Thế nhưng, sau khi đạt được thỏa thuận và ký biên bản nghiệm thu về việc khắc phục sự cố với PVKHXH (thực chất Cty TBD chỉ cho trám trét lại các vết nứt) vào ngày 4/6 vừa qua, Cty TBD lại tiếp tục cho thi công ồ ạt. Hậu quả là các tòa nhà của PVKHXH tiếp tục bị lún, nứt với mức độ còn nghiêm trọng hơn lần trước.

Theo kết quả khảo sát của lực lượng quản lý trật tự đô thị địa phương thì các tòa nhà trên xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới kéo dài. Vì vậy, ngày 17/7/2007, đến lượt UBND quận 1 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng và buộc chủ đầu tư khắc phục hậu quả. Hậu quả chưa được khắc phục thì sự cố nghiêm trọng đã xảy ra.

Chủ đầu tư “kiêm” vai trò nhà thầu thi công?

Ngày 10/10, Cty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Long Giang (gọi tắt là Cty LG) đã có công văn số 928 gởi Báo Tiền phong “cung cấp thông tin liên quan đến sự cố sập trụ sở PVKHXH”. Công văn này cho biết: Ngày 22/2/2006, Cty LG ký hợp đồng kinh tế với Cty TBD thi công hạng mục cọc khoan nhồi và tường vây của gói thầu công trình cao ốc Pacific.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc thi công hai cọc thí nghiệm, việc thương thảo hợp đồng để tiếp tục thi công các phần việc còn lại không đạt kết quả nên hai bên đã thống nhất ký thanh lý hợp đồng vào ngày 25/12/2006.

Bà Phạm Thu Huyền – trưởng phòng hành chính Cty LG khẳng định: “Việc không xóa tên Cty LG ra khỏi tên nhà thầu thi công ghi trên bảng hiệu thi công công trình đặt tại công trường là trách nhiệm của chủ đầu tư.

Thực tế, Cty chúng tôi đã rút hết máy móc thiết bị và nhân sự khỏi công trường từ cuối tháng 4/2007. Sự cố dẫn đến sập trụ sở PVKHXH là do nhà thầu khác đang thi công hạng mục tầng hầm của công trình cao ốc Pacific”.

Nhà thầu nào thực tế đã thi công và làm sập đổ một số tòa nhà thuộc PVKHXH ? Theo một số nguồn tin, sau khi LG rút lui, việc thi công tầng hầm do chính … chủ đầu tư đảm nhận. Cụ thể là Cty TBD đã thuê mướn nhân công và tổ chức thi công các phần việc còn dở dang.

Trao đổi với báo giới, ông Ngô Duy Tân cam kết sẽ chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại do sự cố xảy ra. Tuy nhiên, đến cuối ngày 10/10, vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu mà một số cán bộ PVKHXH cung cấp cho cơ quan chức năng thì trong số các tài sản bị chôn vùi trong đống đổ nát có cả các công trình nghiên cứu về vùng Nam Bộ, các đề tài nghiên cứu khoa học nhà nước, cấp bộ lưu trữ trong ổ cứng các máy vi tính.    
MỚI - NÓNG