Tăng lương tối thiểu lên 1 triệu đồng

Tăng lương tối thiểu lên 1 triệu đồng
TP - Từ 1/1/2008, mức lương tối thiểu cao nhất trong doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng từ 450.000 lên 620.000 đồng, với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 710.000 lên cao nhất là 1.000.000 đồng. 
Tăng lương tối thiểu lên 1 triệu đồng ảnh 1
Người lao động trong các doanh nghiệp sẽ được tăng lương tối thiểu từ 1/1/2008. Ảnh: Hồng Vĩnh

Hôm qua 22/10, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã họp báo thông báo thông tin trên. Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu đối với công chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang chưa được thông báo. 

Ông Phạm Minh Huân - Vụ trưởng Vụ Tiền lương tiền công (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) cho biết: Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong các loại hình doanh nghiệp sẽ góp phần cải thiện một bước đời sống của người lao động, phù hợp với khả năng của các doanh nghiệp.

Hiện nay, mức lương tối thiểu quy định đối với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước có sự chênh lệch (từ 1,58 đến 1,93 lần), trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thực hiện được mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội. Để đảm bảo đời sống của người lao động và đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu đối với các doanh nghiệp trong nước theo vùng như áp dụng đối với doanh nghiệp FDI.

Hằng năm sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI theo hướng mức điều chỉnh lương tối thiểu đối với doanh nghiệp trong nước tăng cao hơn so với doanh nghiệp FDI để tiến tới thực hiện thống nhất mức lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp (dự kiến vào năm 2012), theo như cam kết khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo ông Huân, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với doanh nghiệp từ 1/1/2008 là căn cứ vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, dự kiến GDP tăng 8,5 - 9%/năm, năng suất lao động xã hội tăng 13%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 7,5 -  8%/năm; mức tiền công trên thị trường tăng khoảng 10%/năm.

Thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu sẽ bắt đầu từ 1/1/2008.

Sẽ trình Chính phủ công bố vào tháng 11/2007

Tại cuộc họp báo, bà Huỳnh Thị Nhân - Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội - cho biết: Hiện, Bộ này đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan dự thảo các Nghị định để trình Chính phủ công bố vào tháng 11/2007.

Sở dĩ Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội công bố mức lương tối thiểu của các loại hình doanh nghiệp sớm hơn dự kiến nhằm tạo cơ sở để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đàm phán tiền lương, tiền công đối với người lao động; hạn chế tối đa các cuộc đình công trái pháp luật, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế nói chung.

Cụ thể, quy định lương tối thiểu theo 3 vùng đối với cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI như sau:

Vùng I, gồm các quận thuộc TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Vùng II, gồm các huyện thuộc TP Hà Nội; TP Hồ Chí Minh; các quận thuộc TP Hải Phòng; TP Hạ Long (Quảng Ninh); TP Biên Hoà (Đồng Nai); TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu); thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Thuận An, Di An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương).

Vùng III là các địa bàn còn lại.

Chênh lệch mức lương tối thiểu giữa 3 vùng trên khoảng 10%.

Đối với doanh nghiệp trong nước, dự kiến mức lương tối thiểu của lao động làm việc tại vùng I là 620.000 đồng/tháng (tăng 38% so với hiện nay); vùng II là 580.000 đồng/tháng; vùng III là 540.000 đồng/tháng (tăng 20%)

Đối với doanh nghiệp FDI, điều chỉnh mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 3/2006 của Chính phủ, tăng khoảng từ 13 - 15% so với mức lương tối thiểu hiện nay. Tùy theo từng vùng có các mức cụ thể sau: Vùng I là 1.000.000 đồng/tháng; vùng II là 900.000 đồng/tháng; vùng III là 800.000 đồng/tháng.

Ông Huân khẳng định: Việc quy định, điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1/1/2008 sẽ giảm dần được khoảng cách chênh lệch mức lương tối thiểu giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Đồng thời, việc thực hiện phương án trên cơ bản không tác động lớn tới chi phí của doanh nghiệp vì mức thực trả hiện nay tương đương với mức dự kiến điều chỉnh, các doanh nghiệp chủ yếu tăng thêm chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Việc quy định mức lương tối thiểu vùng chỉ áp dụng đối với các loại hình doanh nghiệp, không áp dụng đối với khu vực hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang. Đây là mức lương thấp nhất, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận tiền lương không được thấp hơn mức lương này.

Trên cơ sở mức lương tối thiểu quy định năm 2008, vào quý IV hàng năm, căn cứ mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng và cung cầu lao động trên thị trường để xác định mức điều chỉnh cho năm sau và sẽ công bố trước để doanh nghiệp chủ động tính toán phương án điều chỉnh tiền lương và trả lương của doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.