Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM bị phạt quá nhẹ

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM bị phạt quá nhẹ
TP - Mức xử lý quá nhẹ của UBND TPHCM đối với bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, trong vụ 'ém' thông tin nước tương nhiễm 3-MCPD khiến dư luận hết sức bức xúc.

>> 5.000 hồ sơ VSATTP 'bốc hơi': Vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Lưu trữ

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM bị phạt quá nhẹ ảnh 1
Ông Lê Trường Giang trong một lần họp báo - Ảnh: Lê Nguyễn

Liên quan đến trách nhiệm trong vụ "ém" thông tin nước tương chứa chất 3-MCPD ngày 23/10, báo chí đã đồng loạt đưa tin việc UBND TPHCM ra quyết định điều chuyển Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thé Dũng sang vị trí công tác khác.

Song, dư luận vẫn còn bức xúc bởi mức xử lý quá nhẹ của UBND TPHCM đối với bác sĩ Lê Trường Giang, cấp phó của bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, giữ chức Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) TPHCM.

Trong vụ "ém" thông tin về tình hình sản xuất, lưu thông nước tương có hàm lượng 3-MCPD đã được phát hiện từ năm 2005 nhưng Sở Y tế TPHCM  không công bố mà để mặc người dân tiêu thụ nước tương có chất độc hại.

BS Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM được phân công giữ nhiệm vụ  Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về chất lượng VSATTP TPHCM. Ở vị trí này, BS Giang có đầy đủ thông tin về tình hình nước tương có 3-MCPD trước khi dư luận xã hội đặt vấn đề.

BS Giang đã thừa nhận khi kết thúc đợt thanh tra năm 2005, Thanh tra Sở đã có báo cáo miệng cho BS. Giang về tình hình sản xuất, lưu thông nước tương có hàm lượng 3-MCPD vượt quá quy định của Bộ Y tế.

Ngoài Thanh tra Sở, Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) cũng đã có công văn (số 1574/YTDP/VSATTP ngày 28/12/2006) báo cáo sơ kết công tác kiểm tra vệ sinh an toàn cơ sở sản xuất nước tương cho BS Giang.

Khi nhận được công văn này, BS Giang đã không đưa vào hệ thống quản lý công văn đến của Sở Y tế mà tự ý đưa thẳng cho Trưởng phòng Quản lý VSATTP và Chánh Thanh tra Sở Y tế, không báo cáo với Giám đốc Sở Y tế.

Ngoài ra, BS Lê Trường Giang cũng đã thừa nhận: “Với trách nhiệm của mình, tôi đã chấp thuận theo đề nghị của TTYTDP phối hợp với Viện Vệ sinh y tế công cộng tổ chức Hội thảo về công nghệ sản xuất nước chấm an toàn vào tháng 12/2006…

Với trọng trách là lãnh đạo công tác quản lý VSATTP, khi nắm rõ thông tin “về tồn dư chất 3-MCPD trong nước tương”,  BS Lê Trường Giang đã không có hành động gì để ngăn chặn và công khai vấn đề này mà chỉ lấy kinh phí và tổ chức hội thảo chỉ nhằm… cảnh báo cho doanh nghiệp. Còn người tiêu dùng thì cứ mặc nhiên dùng nước tương nhiễm 3-MCPD!

Trong hội thảo, cả TTYTDP, Viện Vệ sinh y tế công cộng và Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn cũng đã thông báo các số liệu thống kê về kết quả kiểm tra và kiểm nghiệm của các cơ sở trong thời gian qua…”.

Một vấn đề nữa là, BS Lê Trường Giang đã không xin ý kiến Ban Giám đốc Sở, vi phạm nguyên tắc công chức khi tự ký công văn số 4820/SYT-NVY ngày 17/10/2005 gia hạn việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm nước tương đến hết tháng 2/2006.

Khi phân tích các mốc thời gian đề trên các văn bản do BS Giang soạn ra, mới thấy được “nghệ thuật” sự linh hoạt của ông Giang khi áp dụng thủ thuật hành chính. 

Cụ thể, ngày 25/3/2005, Bộ Y tế ký QĐ 11 quy định hàm lượng 3-MCPD không quá 1mg/kg. Ngày 25/4/2005, ông Giang ký công văn 1722 yêu cầu các cơ sở công bố hàm lượng đúng quy định. Ngày 1/8/2005, ông Giang ký tiếp công văn 3531 chốt lại hạn chót thời gian công bố vào ngày 30/8/2005.

Tuy nhiên, thật mâu thuẫn khi mà ngày 16/9/2005, ông Giang lại ký công văn 4326 gửi Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)  xin gia hạn  công bố theo yêu cầu của câu lạc bộ nước chấm (!).

Chính từ việc này, sau đó Cục VSATTP có công văn 607 (hoả tốc) cho phép gia hạn thời gian công bố thêm 6 tháng. Và căn cứ vào cho phép của Cục VSATTP, ông Giang đặt bút ký công văn 4820, cho phép gia hạn ngày công bố đến 30/2/2006.

Tuy nhiên, trong báo cáo số 3002 do chính BS Giang soạn và ký gửi báo cáo Thành ủy, HĐND và UBND TPHCM về tình hình phát hiện và xử lý nước tương có chất 3-MCPD, trong nội dung văn bản này hoàn toàn không nêu đến công văn 4326 và 4820.

Dư luận cho rằng, có phải BS Giang “nặn” ra hai công văn này như một cách “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa qua mặt cấp thẩm quyền, vừa thỏa hiệp với các doanh nghiệp sản xuất nước chấm?

Trong “Báo cáo tổng kết hoạt động chương trình đảm bảo VSATTP thành phố năm 2006” và “Kế hoạch hành động đảm bảo VSATTP năm 2007” (ban hành ngày 12/4/2007), đều do BS Lê Trường Giang ký với tư cách Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành, không hề có kết luận, chỉ đạo xử lý triệt để vi phạm, không công bố công khai cho người dân mà chỉ tiến hành công bố cho các doanh nghiệp, cho phép các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất nước tương có hàm lượng 3-MCPD vượt quá quy định của Bộ Y tế. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.