Hơn 2 triệu người sẽ phải nộp thuế thu nhập

Hơn 2 triệu người sẽ phải nộp thuế thu nhập
Trao đổi với báo chí sáng 24/10, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, với mức khởi điểm 4 triệu đồng, khoảng 2,3 triệu người nằm trong diện nộp thuế thu nhập cá nhân. Khoản thu này trong năm 2009 ước tính gần 13.000 tỷ đồng.

>> Thanh toán tiền mặt cản trở thực thi Luật thuế thu nhập
>> Toàn văn dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân

Hơn 2 triệu người sẽ phải nộp thuế thu nhập ảnh 1
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh. Ảnh: Vnexpress

- Bộ trưởng giải trình thế nào về mức khởi điểm tính thuế 4 triệu đồng khi nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng mức khởi điểm trên không phù hợp với tình hình trượt giá?

- Mức 4 triệu đồng căn cứ trên lương tối thiểu. Ví dụ nhà nước tăng lương tháng tối thiểu 20% mỗi năm, đến 2009 sẽ được gần 1 triệu đồng và hệ số lương bình quân là 2,34 thì lương của cán bộ mới sẽ hơn 2 triệu đồng. Những người có thu nhập cao hơn trung bình có nghĩa vụ đóng góp đối với nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo về việc tiếp thu ý kiến nhân dân về dự án Luật Thuế Thu nhập cá nhân trình Quốc hội xem xét. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua tổng hợp 155 ý kiến, có 35 ý kiến vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của luật vì khả năng quản lý thuế chưa cao, chưa kiểm soát hết thu nhập, trong bối cảnh việc thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến. Hơn nữa, xã hội ta vẫn chưa có thói quen công khai thu nhập của bản thân...

Đến một lúc nào đó xã hội phát triển, kinh tế phát triển và thu nhập của người dân ngày càng tăng, mức 4 triệu đồng trở thành mức phổ biến. Khi đó chúng ta có thể hạ mức thu thuế xuống 2-3% (mức thấp nhất hiện nay là 5%), để bản chất của nó đúng là thuế thu nhập cá nhân. Nếu trượt giá chúng ta lại nâng mức khởi điểm chịu thuế thì khi đó phải gọi là thuế thu nhập cao hoặc trung bình cao.

Việc thu thuế cũng đã tính đến nhiều yếu tố để đảm bảo cuộc sống người dân. Ví dụ thu nhập hằng tháng 5 triệu đồng mà độc thân thì 1 tháng chỉ đóng 50.000 đồng. Nếu thu nhập 10 triệu đồng có 2 người phụ thuộc phải đóng 160.000 đồng, nếu có 3 người phụ thuộc thì không phải đóng. Như vậy chúng ta chỉ thu một phần rất nhỏ trong thu nhập của người dân.

- Thị trường chứng khoán ở VN mới hình thành và chức đựng nhiều rủi ro, quan điểm của ông thế nào trước đề xuất chưa đánh thuế thu nhập từ chứng khoán?

- Chúng ta dựa trên nguyên tắc có thu nhập thì đánh thuế. Chứng khoán là một hoạt động đầu tư, có những giai đoạn hoạt động này thu lãi nhiều. Kinh doanh tất nhiên phải cũng rủi ro, đầu tư, góp vốn lấy cổ tức, đã là hình thức phát sinh thu nhập thì phải đóng thuế. Chúng ta đánh thuế theo năm nên tổng lỗ lãi trong năm đều được bù trừ. Nếu có lỗ thì cho chuyển lỗ sang năm sau để bù trừ, giống như thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm.

- Trong luật có tính đến gia cảnh để giảm trừ mức thuế, nhưng việc xác định số người phụ thuộc rất khó. Làm thế nào để tránh được những gian dối trong kê khai?

- Trong luật dân sự và luật hôn nhân đã quy định thế nào là người phải nuôi dưỡng. Sau này những người nằm trong diện chịu thuế phải kê khai bản thân và thân nhân, cấp mã số thuế. Khi đã cấp mã số thuế thì việc đối chiếu kiểm soát gia cảnh đó có khả năng làm được. Tôi cho rằng có thể thời gian đầu việc kiểm soát hơi mất thời gian.

Ở trên thế giới, mỗi người sinh ra đã được cấp mã số thuế, theo dõi từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành. Còn ở nước ta phải làm dần từng bước, phù hợp với trình độ hiện đại hóa của cơ quan thuế.

Nếu dự luật được Quốc hội thông qua, có bao nhiêu người phải nộp thuế thu nhập cá nhân?

- Chúng tôi ước tính khoảng 2,3 triệu người phải nộp thuế với khoản thu gần 13.000 tỷ đồng, chiếm hơn 4% GDP.

- Trong số 2,3 triệu người mà ông vừa nói có một bộ phận lớn là kinh doanh cá thể, hành nghề tự do... Làm thế nào để kiểm soát thu nhập của họ để thu thuế?

- Những đối tượng trên là một bài toán khó trong việc quản lý. Tuy nhiên chúng ta vẫn có những biện pháp mang tính thủ công là điều tra thu nhập, thống kê thu nhập, yêu cầu kê khai thu nhập. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế sẽ tính ra thu nhập bình quân.

Chính phủ đã có một đề án về công tác quản lý thuế gửi kèm với dự thảo luật này. Trong đó, chúng tôi nhấn mạnh thực hiện tiếp đề án thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ đang giao cho ngân hàng triển khai thực hiện. Nếu các cơ quan triển khai đồng bộ, thì khả năng quản lý thu nhập ngày càng tốt hơn.

- Nhưng thưa ông, thời gian qua, việc thu thuế một bộ phận nghệ sĩ mà cơ quan thuế đã lúng túng?

- Hiệu quả của thuế thu nhập cá nhân này chính là thuế khấu trừ ngay tại nguồn. Muốn vậy, cơ quan chi trả cho người ta phải kê khai và khấu trừ luôn. Ngoài việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở đó phải có hóa đơn chứng từ khi thanh toán.

Tuy nhiên, việc thực hiện các phương án trên là một quá trình. Trước đây, khi mới thực hiện Pháp lệnh thuế thu nhập cao, chúng ta cũng không thu được thuế từ các tiểu thương, nhưng dần tăng cường công tác quản lý, chúng ta cũng thu được khá. Năm vừa qua, chúng ta thu cho ngân sách 4.000 tỷ đồng.

- Sáng nay, nhiều đại biểu đã đề nghị lùi thời gian áp dụng luật đến năm 2010 để ngành Tài chính chuẩn bị kỹ lưỡng, ngành ngân hàng cũng có thời gian thực hiện chủ trương thanh toán qua tài khoản. Quan điểm của ông thế nào?

- Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Pháp lệnh thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao làm cơ sở cho việc thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân. Chính phủ đã trình Quốc hội cho thời điểm thi hành luật thuế này là 1/1/2009 (dự kiến thông qau cuối năm 2007) cũng là để có thêm thời gian chuẩn bị. Ngoài ra quyết toán thuế bắt đầu vào cuối năm nên thực tế chúng ta có khoảng 2 năm để có chuẩn bị các giải pháp đồng bộ.

Tôi tin sẽ thực hiện được luật này ngay trong năm 2009. Bản thân tôi cũng không có tư tưởng tăng cán bộ thuế.

Theo Vnexpress

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.