Chính phủ giải trình những vấn đề Quốc hội quan tâm

Chính phủ giải trình những vấn đề Quốc hội quan tâm
Trong phiên họp chiều nay 26/10, theo đề nghị của Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc đã trao đổi, giải trình, làm rõ hơn báo cáo của Chính phủ và một số vấn đề mà ĐBQH quan tâm.

Chỉ số tăng giá 10 tháng của năm 2007 là 8,12%

Theo Tổng cục Thông kế, chỉ số tăng giá 10 tháng của năm 2007 là 8,12%. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: Nếu không có biện pháp chỉ đạo điều hành quyết liệt thì chỉ số tăng giá sẽ vượt ngưỡng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cần lưu ý yếu tố này để xác định chỉ số tăng giá năm 2008.

Bộ trưởng Kế hoạch- đầu tư Võ Hồng Phúc đã trình bày làm sáng tỏ thêm báo cáo của CP về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội năm 2008, chỉ số giá tiêu dùng...

Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội năm 2008 trong báo cáo của CP là 8,5-9%, phấn đấu ở mức cao hơn. Nhiều ĐBQH đề nghị nên xác định một con số là 9 %. Bộ trưởng cho biết, khi xây dựng chỉ tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan của CP, các địa phương cho rằng đưa ra 8,5-9 % là phù hợp.

Lý do như sau : Theo dõi chuỗi phát triển, thì tốc độ tăng trưởng của chúng ta liên tục trong những năm từ kế hoạch năm năm 2001-2005 đạt 7,5%, năm 2006 đạt ở mức 8,17 %, 2007 dự kiến 8,5%.

Có được kết quả đó do các yếu tố sau: Đầu tư liên tục từ 2002 đến 2005 ở mức chiếm gần 39% GDP, năm 2005, tỷ lệ đầu tư mức 40,4% GDP, năm 2006 dự kiến 40,5%.

Với kết quả đầu tư như vậy cho chúng ta tăng trưởng ở mức 8-8,5% .Năm 2008, dự kiến nâng tỷ lệ đầu tư lên 42,% GDP. Nhưng đầu tư cho năm 2008 chưa tác động ngay vào tăng trưởng GDP năm 2008, đầu tư bao giờ cũng có tác động chậm hơn, thường là 2 năm. Cho nên kết quả đầu tư của năm 2008 sẽ tác đông tăng trưởng GDP vào năm 2009- 2010. Tăng trưởng của năm 2008 là kết quả đầu tư của những năm 2006-2007.

Căn cứ vào tình hình đầu tư của thời gian qua nên chúng ta đưa ra con số như vậy. Kinh nghiệm của các nước muốn có tốc độ tăng trưởng cao hơn 10%, thì có nước đầu tư huy động đến 44% GDP.

Theo Bộ trưởng, một điều nữa cần nghĩ đến là chúng ta luôn luôn phải thực hiện 3 nhiệm vụ trong báo cáo kinh tế xã hội là : kinh tế, xã hội và môi trường, nếu tập trung quá mức vào tăng trưởng kinh tế mà chú trọng tăng trưởng cao dẫn đến tình trạng đầu tư chỉ tập trung ở một số vùng có khảng năng phát triển cao, không chú ý đến vùng nghèo vùng sâu, vùng xa và những vùng kém phát triển, không chú ý đến chỉ tiêu môi trường.

Cần phát triển hài hoà giữa kinh tế - xã hội và môi trường nên giữ mức độ tăng trưởng hợp lý. Mức tăng trưởng này khi làm kết họach 2008 cũng đã tính dài hơn cho phát triển cả 5 năm 2006-2010 đồng thời nhìn xa hơn sau năm 2010.

Bộ trưởng cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng từ 8,5-9% là hợp lý đồng thời tạo đà cho từ 2009 - 2010 duy trì cở mức cao hơn, và chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm, 10 năm tiếp theo tăng trưởng ở mức hai con số.

Chính phủ khi xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng năm 2008 là như vậy phải có bước chuyển tiếp phát triển bền vững hài hoà kinh tế- xã hội và môi trường. Xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mục tiêu tăng trưởng , đưa ra các chỉ số mang tính định hướng, phải có số dao động lý định đè điều chỉnh phù hợp, linh hoạt.

Theo Tổng cục Thông kế, chỉ số tăng giá 10 tháng của năm 2007 là 8,12%. Bộ trưởng nhấn mạnh: Nếu không có biện pháp chỉ đạo điều hành quyết liệt thì chỉ số tăng giá sẽ vượt ngưỡng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cần lưu ý yếu tố này để xác định chỉ số tăng giá năm 2008. Nếu ấn định một con số cụ thể thì việc xử lý, điều hành của CP không linh hoạt và không sát hợp với thị trường.

Dịch bệnh : Nguyên nhân chủ yếu vẫn là chủ quan, lơ là

Đề cập công tác phòng chống thiên tai, công tác phòng chống dịch bệnh, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Đây là yếu tố ảnh hưởng đến nông nghiệp, nông thôn và nền kinh tế. Cơn bão số 2 và số 5 gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Mùa lũ bão còn chưa hết và có thể còn kéo dài tới đầu tháng 12. Các cơ quan trung ương, địa phương đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống mỗi khi có bão lũ, nên hạn chế nhiều thiệt hại.

Để thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai từ nay đến cuối năm và trong năm 2008, theo Bộ trưởng, giải pháp quan trọng nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ, chính quyền cơ sở và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân địa phương theo phương châm 4 tại chỗ.

Đồng thời Chính phủ (CP) đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác dự tính, dự báo, đầu tư giúp các địa phương khôi phục các công trình thuỷ lợi ở những nơi xung yếu, nhất là những nơi đang bị ảnh hưởng do cơn bão số 5, bảo đảm an toàn hồ chứa và những nơi bị sạt lở; khắc phục hệ thống thông tin cho tàu thuyền, các khu neo đậu tránh trú bão và các giải pháp có tính chất dài hạn khác.

Về công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, Bộ trưởng cho biết năm 2007 đã xảy ra nhiều loại dịch bệnh, trong đó nghiêm trọng nhất là 5 loại bệnh: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh trên lợn, liên cầu khuẩn ở lợn có lây sang người và bệnh dại. Các ổ dịch mang tính chất nhỏ lẻ.

Nguyên nhân của dịch bệnh, theo Bộ trưởng, ngành chăn nuôi đã được chú trọng và đẩy mạnh, nhưng chủ yếu làm theo phương thức nhỏ lẻ phân tán, thả rông vịt gà, chó mèo, trâu bò. Vi rút, vi khuẩn gây bệnh tồn tại nhiều trong môi trường nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch nếu lơ là chủ quan không có biện pháp phòng ngừa.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự chủ quan, lơ là của người chăn nuôi; công tác chỉ đạo, tổ chức các biện pháp phòng chống dịch nhiều nơi thiếu chặt chẽ, đồng bộ nhất là cấp cơ sở. Hiện nay, mùa đông đang đến gần, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.

MỚI - NÓNG