Bớt xén suất ăn công nhân

Bớt xén suất ăn công nhân
TP - Không những phải ăn những bữa cơm ngày càng đạm bạc, hàng nghìn công nhân đang sống trong nỗi lo ngộ độc thực phẩm khi các cơ sở cung cấp suất ăn tìm nhiều cách bớt xén nguồn thực phẩm vốn rẻ mạt, mất vệ sinh, ôi thiu từ các phiên chợ chiều.

Bữa cơm bị chặn… đủ đường

“Nghe Công đoàn thông báo từ tháng 6, giá bữa cơm công nhân tăng lên 12.000 đồng/suất nhưng chỉ lèo tèo vài miếng, tụi em ăn không no. Với thức ăn chỉ có nước canh, đồ xào vài cọng rau cộng thêm vài miếng thịt kho, bữa cơm có lẽ chỉ còn khoảng 10.000 đồng”- chị Nguyễn Thị Sáu, công nhân Công ty may Plakei ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 cho biết. Chủ doanh nghiệp cung cấp suất ăn cho công ty này là một cơ sở ở quận Phú Nhuận.

Người đại diện cơ sở này cho biết, giá suất ăn của công nhân nơi đây là 12.000 đồng nhưng qua nhiều khâu bị bớt xén, chỉ còn 9.000-10.000 đồng/suất.

Tại Công ty W. Vina, ở quận 12, các công nhân cho biết, để tiết kiệm, nơi đây thuê một số người vào nấu ăn theo lương khoán. Tuy nhiên, ông V.A.H, ở công ty này cho biết, theo thỏa thuận, mỗi suất cơm có giá 11.000 đồng, nhưng thực tế các hộ được thuê vào nấu cũng ăn chặn một phần làm cho bữa ăn chỉ còn lại khoảng 9.000-10.000 đồng/suất.

Một khảo sát mới đây về suất ăn của công nhân được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương tiến hành trên 24 khu chế xuất, khu công nghiệp ở tỉnh này cho thấy, đa số các công ty đặt suất ăn của công nhân với giá 8.000-10.000 đồng nhưng đến khi suất cơm đến miệng công nhân chỉ còn lại 5.000-6.000 đồng.

“Cơm của công nhân cũng qua khâu trung gian như chiết khấu hoa hồng cho người ở công ty ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn, nên bữa cơm vốn đã teo tóp càng bị bóp hơn”- một cán bộ của Chi cục An toàn Vệ sinh tỉnh Bình Dương, cho biết.

Chị Huỳnh Thị L., công nhân Công ty Green River Wood ở xã An Phú, huyện Thuận An (Bình Dương) nói: “Công nhân tụi tôi làm việc trong điều kiện vất vả, nhưng bữa cơm chỉ có giá 8.000 đồng. Vậy mà mới đây tụi tôi còn được biết nó đã bị ăn chặn chỉ còn 6.000-7.000 đồng/suất ăn”.

Sau khi hàng trăm công nhân bãi công đòi tăng chất lượng bữa ăn, người ta mới vỡ lẽ công ty này cho người ở ngoài đấu thầu nấu ăn, buộc họ phải chi 10% tiền thuế, tiền phục vụ, vận chuyển và cả tiền… hoa hồng, do đó bữa ăn của công nhân đã bị bớt xén.

Theo nhiều công ty cung cấp suất ăn và doanh nghiệp thì bữa cơm của công nhân bị bớt xén là do giá cả gia tăng. Giám đốc công ty cung cấp suất ăn công nghiệp M.N dẫn chứng: “Cách đây 3 năm, cá hường giá chỉ 8.500 đồng/kg, nay vọt lên 28.000 đồng/kg. Gạo từ 6.000 đồng, nay tăng lên 15.000 đồng/kg, thịt heo cũng tăng từ 40.000 đồng lên 90.000 đồng/kg. Đó là chưa kể mọi thứ khác như gas, điện, nước giá cũng tăng phi mã nên suất ăn đã bị doanh nghiệp bóp lại”.

Thiếu chất và kém vệ sinh

Theo Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương, “chất lượng bữa ăn cho dù đã có cải thiện nhưng vẫn nghèo nàn. Thứ thông thường và rẻ nhất như rau xanh nhưng nhiều nơi công nhân vẫn không được cung cấp đầy đủ”. Khi được hỏi về suất ăn tại công ty, chị Trần Thị Viết Phượng, công nhân Công ty giày da C.P ở khu công nghiệp Đồng An, huyện Dĩ An (Bình Dương) kể: “Nhìn hộp cơm khô khốc, vài miếng thịt heo và miếng trứng chiên mỏng dính, cộng với chén canh “đại dương”, tụi tôi phát ngán”.

Thi thoảng chúng tôi mới thấy có trái chuối tráng miệng”. Đã 3 năm làm việc ở Công ty Copal trong Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 (TPHCM), chị Lê Thị Hoài cho biết, sau những phản ứng mạnh mẽ của công nhân, mới đây bữa cơm mới được tăng lên 11.000 đồng/suất.

Theo ông Nguyễn Văn Đạt- Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Bình Dương, hiện tỉnh này có hơn 690.000 công nhân đang làm việc cho hơn 10.000 doanh nghiệp. Bữa cơm của họ vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

“Với mức 10.000 đồng/suất ăn/ công nhân ăn chưa đủ no chứ nói giúp họ đủ chất dinh dưỡng, vậy nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp cho công nhân suất ăn 5.000-8.000 đồng, thiếu trầm trọng chất đạm, tinh bột rau xanh…” - ông Đạt cho biet.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp- Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, những lần khảo sát suất ăn của công nhân ở các khu công nghiệp tại TPHCM cho thấy, hầu hết khẩu phần ăn của công nhân đều thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Đó là chưa kể điều kiện nấu ăn mất vệ sinh khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm dễ xảy ra.

Chỉ trong 3 ngày cuối tháng 6, tại TPHCM có 500 công nhân của 2 Cty phải vào viện do ngộ độc thực phẩm gây ra là một ví dụ. Sở Y tế TPHCM cho biết, hai đơn vị cung cấp suất ăn gây ra 2 vụ ngộ độc trên đã mua thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, nhiễm khuẩn trong khi điều kiện nấu ăn rất dơ bẩn là nguyên nhân gây ngộ độc.

Ngoài những bữa cơm bị cắt xén, theo Sở Y tế TPHCM nguy cơ ngộ độc tập thể xảy đến với công nhân ở các khu chế xuất, công nghiệp rất lớn, tuy nhiên, rất khó xử lý khi các cơ sở cung cấp suất ăn cho công nhân thuê cơ sở nấu ăn vào chế biến tại công ty và mua suất ăn từ bên ngoài mang vào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.