Giám định ADN

Giám định ADN
TP - Hôm nay (19-7), tại Hòa Bình, Bộ LĐ-TB&XH cùng một số bộ, ngành và Trung tâm phân tích AND tổ chức hội thảo về Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin (Đề án), nhằm tìm lại tên cho hàng trăm nghìn liệt sỹ vô danh.

Định danh hàng vạn hài cốt liệt sỹ vô danh:

Giám định ADN

> Có những thân nhân liệt sỹ không thể chờ lâu hơn nữa

Được dùng ngoại cảm

Ông Lê Hồng Sơn - Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện có khoảng 548.000 liệt sỹ vô danh và liệt sỹ chưa quy tập được. Trong đó, có khoảng 230.000 hài cốt liệt sỹ chưa tìm được và 318.000 hài cốt liệt sỹ trong các nghĩa trang nhưng chưa biết tên. Đề án ra đời bắt nguồn từ yêu cầu bức xúc của thân nhân và xã hội đối với việc xác định các thông tin còn thiếu trên bia mộ liệt sỹ. Việc áp dụng các biện pháp khoa học để tìm tên cho liệt sỹ vô danh là bức thiết.

Theo Đề án, việc xác định thông tin liệt sỹ sẽ được triển khai bằng nhiều biện pháp như: thông qua các nhà ngoại cảm; thông qua công nghệ gene (giám định ADN); qua sơ đồ mộ chí nơi chôn cất; di vật để lại của liệt sỹ gắn với hài cốt được tìm kiếm, cất bốc; thông tin từ nhân dân, đồng đội. Trong đó, việc xác định vị trí hài cốt liệt sỹ thông qua các nhà ngoại cảm.

Theo Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, qua gần 20 năm hoạt động, đã tìm được hàng ngàn mộ liệt sỹ. Kết quả tìm kiếm cho thấy, tìm mộ liệt sỹ có thân nhân đi cùng hoặc có một số thông tin về liệt sỹ thì độ chính xác cao. Tìm mộ không có danh tính hoặc không có thân nhân đạt kết quả 6-16%. Nhiều đợt tìm kiếm đã cho kết quả khả quan.

Trong khi đó, việc áp dụng quy trình công nghệ phân tích gene để định danh hài cốt liệt sỹ cũng đã được các cơ quan khoa học của Việt Nam xây dựng và duy trì liên tục trong 10 năm qua. Theo thống kê, cơ quan chức năng đã tiến hành giám định gene được khoảng 300 bộ hài cốt liệt sỹ, trong đó xác định đúng danh tính cho liệt sỹ đạt khoảng 60%. Số gene của liệt sỹ đã được phân tích còn lại chưa ráp nối được với thân nhân liệt sỹ.

Lập trung tâm phân tích gene và định danh hài cốt liệt sỹ

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Bùi Hồng Lĩnh cho biết: “Quan điểm chỉ đạo là phải làm hết sức mình, tìm cho tới liệt sỹ cuối cùng”. Theo ông Lĩnh, mục tiêu của Đề án là tiếp tục quy tập hài cốt liệt sỹ, đồng thời xây dựng các kho dữ liệu và các trung tâm thông tin để đối chiếu, áp dụng công nghệ giải mã gene, trả lại tên cho các liệt sỹ. Dự kiến, Đề án cũng sẽ xây dựng các trung tâm thông tin, giúp thân nhân và cơ quan chức năng thuận tiện trong việc tìm kiếm, xác định tên tuổi liệt sỹ. Trường hợp, khi tìm kiếm bằng biện pháp tâm linh (thông qua nhà ngoại cảm) mà hài cốt đó có tranh chấp thì cơ quan có thẩm quyền sẽ giám định ADN. Còn với những hài cốt mới bốc về mà tên tuổi chưa rõ thì cũng lấy mẫu phân tích ADN để xác định danh tính liệt sỹ.

Giám định ADN ảnh 1

Theo Đề án, trong giai đoạn 2012-2013, sẽ tập trung tuyên truyền, vận động mọi tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ. Giai đoạn 2014-2018, thực hiện thí điểm bằng phương pháp ADN tại Nghệ An (nơi có 18.672 mộ liệt sỹ) và Tây Ninh (nơi có 20.087 mộ liệt sỹ), đồng thời thành lập bộ máy và xây dựng một trung tâm giám định ADN tại Hà Nội (trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH). Giai đoạn sau năm 2018, thành lập bộ máy và xây dựng một trung tâm giám định ADN tại TP HCM (trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH) và tiếp tục thực hiện việc xác định hài cốt liệt sỹ theo các phương pháp trên phạm vi toàn quốc.

Cũng theo Đề án, để phục vụ triển khai xây dựng và đưa vào thực hiện, bên cạnh một số cơ sở phục vụ giám định gene thuộc Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện KH-CN Việt Nam), Viện Giám định pháp y Quân đội (Bộ Quốc phòng), Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an)... cần thiết phải có một đơn vị độc lập, đủ năng lực để thực hiện việc giám định gene cho hàng ngàn hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. Do đó, Cục Người có công đang khẩn trương nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện dự án thành lập Trung tâm phân tích gene và định danh hài cốt liệt sỹ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG