Náo loạn tại mỏ vàng ở Bình Định

Náo loạn tại mỏ vàng ở Bình Định
TP - Trong 6 ngày qua, trên 500 hộ dân xã Ân Tường Tây (Hoài Ân – Bình Định) đồng loạt phản đối doanh nghiệp khai thác vàng gây ô nhiễm. Công an huyện kịp thời có mặt để ngăn cản tình trạng quá khích, nhưng người dân địa phương đã “giữ chân” một Phó trưởng công an huyện suốt 2 ngày tại hiện trường.

Ngày 11-11-2010, UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép cho Cty TNHH Thương mại Đức Nghĩa khai thác quặng vàng tại khu vực xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân với diện tích 11,4 ha; diện tích đất sử dụng các công trình phụ trợ khác là 5,13 ha. Trữ lượng khoáng sản được phép khai thác là 30.065 m3. Thời hạn khai thác trong 9 năm.

Trước đó, giữa tháng 9-2011, công ty này đã khai thác. Tuy nhiên, ngay sau đó hàng chục người dân xóm 4, thôn Phú Hữu 1, xã Ân Tường Tây đã kéo đến phản đối, yêu cầu ngừng hoạt động. Doanh nghiệp Đức Nghĩa đã phải tạm ngừng hoạt động một thời gian, nhưng vẫn lén lút thuê công nhân tiếp tục khai thác vàng tại các hố Bà Tu và nhánh suối Tre. Nguồn nước từ hai hố này đổ về theo hai dòng suối chảy thẳng xuống các cánh đồng Bàu Gốc, Suối Đá, Đồng Quang khiến hàng chục héc ta lúa mùa vụ của nhân dân không thể gieo sạ.

Bức xúc trước tình trạng này, người dân xã Ân Tường Tây đã làm đơn xin các cấp can thiệp không để tình trạng khai thác vàng gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và quyền lợi của nhân dân. Trong lúc đề nghị đó chưa có lời đáp, một số người dân trong thôn Phú Hữu đã bị nước thải độc từ hố vàng chảy xuống ăn hỏng hết móng tay, móng chân khiến sự việc càng căng thẳng.

Doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác vàng và để hàng loạt bao tải chứa thuốc rửa vàng (chất độc xyanua) thách thức người dân. Trong hai ngày 27 và 28-12, sự việc trở nên căng thẳng khi người dân thôn Phú Hữu kéo nhau vào bãi vàng đập phá một số máy móc, dụng cụ khai thác vàng của Cty Đức Nghĩa khiến công an huyện phải đến can thiệp.

Sáng ngày 28-12, tại thôn Phú Hữu đã xảy ra giằng co giữa lực lượng công an huyện và người dân khiến một số người dân bị xây xước nhẹ, một người phải nhập viện vì ngất xỉu.

Người dân đã ngăn chặn, xịt lốp xe công an và “giữ chân” Phó trưởng công an huyện, ông Lê Sinh Bình cùng 1 bảo vệ Cty Đức Nghĩa tại một nhà dân và không cho về. Nhiều người cho rằng lực lượng công an huyện quá “lạnh lùng” với dân khiến họ phải ngăn xe, giữ người chỉ để nhận được lời giải thích chính đáng tại hiện trường mà họ cho rằng có đủ chứng cứ buộc tội doanh nghiệp khai thác vàng xả thải độc ra môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân.

Đôi bàn tay của bà Võ Thị Có bị ăn hết móng được cho là do nước thải từ mỏ vàng đổ xuống tại ruộng rau của bà
Đôi bàn tay của bà Võ Thị Có bị ăn hết móng được cho là do nước thải từ mỏ vàng đổ xuống tại ruộng rau của bà .

Ông Võ Trọng Thu - Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây nói: “Chúng tôi đã có mặt tại hiện trường từ ngày 23-12 đến nay để động viên người dân không quá bức xúc nhưng dân không nghe. Nguyên nhân dẫn đến sự giằng co này cũng vì doanh nghiệp khai thác vàng không chịu hợp tác. Trong khi một số dây chuyền khai thác, sản xuất được xem là không đảm bảo nhưng doanh nghiệp lại thách thức, khiến dân bức xúc”.

Còn Phó GĐ Công an tỉnh Bình Định - ông Trần Ngọc Thanh, lại khẳng định không có chuyện công an đánh dân bầm tím, mà trái lại người dân đã giữ người trái luật 2 ngày tại một nhà dân không cho về. Ông Thanh cũng cho biết, vừa nhận được công văn khẩn của UBND tỉnh do Chủ tịch tỉnh Lê Hữu Lộc ký yêu cầu Cty TNHH thương mại Đức Nghĩa tháo dỡ lán trại, thu hồi vật tư thiết bị, thực hiện nghiêm túc chủ trương đình chỉ thi công của tỉnh. Chúng tôi sẽ trực tiếp thông báo công văn này tới người dân và vận động ổn định tình hình trong nay mai”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.