Hà Nội : Đường hiện đại - phố 'nhà quê'

Hà Nội : Đường hiện đại - phố 'nhà quê'
TP - Trên 800 tỷ đồng cho 1.000 m đường, đường vành đai I (đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Hà Nội) được coi như con đường đắt nhất hành tinh. Vậy mà, sau khi hoàn thành, một tuyến phố chẳng giống ai đã hình thành. Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

>> Sẽ phá dỡ công trình vi phạm trên con đường 'đắt nhất hành tinh'

Hà Nội : Đường hiện đại - phố 'nhà quê' ảnh 1

Những ngôi nhà siêu mỏng như thế này lại đua nhau mọc lên hai bên đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Ảnh: Phùng Sưởng

Tuyến phố “lẩu thập cẩm”

Tháng 5/2007, đường Kim Liên- Ô Chợ Dừa hoàn thành và đưa vào đưa vào sử dụng.

Tâm trạng buồn vui đan xen đến với nhiều người khi con đường hoàn tất.

Có trên 1.000 hộ trong diện giải phóng mặt bằng dự án (khoảng 5,6 ha đất), với số tiền GPMB lên đến trên 600 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị xây lắp của 1km đường vào khoảng 100 tỷ đồng.

Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa có mặt cắt 50 m với 6 làn xe cơ giới, 4 làn xe thô sơ được coi là con đường hiện đại nhất Hà Nội.

Con đường hoàn thành và cũng có gần 1.000 hộ từ ngõ ngách không tên bỗng trở thành mặt tiền phố lớn. Giá đất của khu vực tăng đột biến. Có những vị trí trước khi làm đường, giá 1 m2 đất chỉ 40 triệu đồng thì nay đã được đẩy lên trên 100 triệu đồng/m2.

Sơ bộ, giá trị đất của khu vực tăng lên sau khi có đường cũng bằng đủ số tiền xây dựng tuyến đường. Khoản lợi này rơi vào tay những hộ dân may mắn,  Nhà nước không thu được một xu.

Tuyến phố hiện như một nồi “lẩu thập cẩm”. Những ngôi nhà đủ các hình dạng nham nhở (tam giác, hình vuông, chữ nhật, hình bình hành, hình thang...) mọc lên. Và cũng đủ kích thước, rộng vài chục mét vuông, cả trăm mét vuông nhưng cũng có ngôi nhà chỉ rộng hai chục mét vuông.

Đặc biệt, trên tuyến phố có dải đất dài 18 m (rộng một đầu 30cm, một đầu khoảng 1m) đã được chia làm 4 ô lắp mái tôn cửa khung nhôm kính. Đoạn phố còn là nơi thể hiện của hàng loạt kiểu dáng kiến trúc “đông - tây, kim - cổ” kết hợp, đủ màu sắc.

Hơn thế, con đường mới không phải là con đường cũ mở rộng mà chạy song song với con đường cũ. Vậy là khoảng cách giữa hai con đường đã tạo thành một dãy phố. Tuyến phố bám con đường đắt nhất hành tinh có một diện mạo chẳng giống ai!

Hà Nội : Đường hiện đại - phố 'nhà quê' ảnh 2

Đoạn Kim Liên – Ô Chợ Dừa chưa thông xe, làm cho đoạn phố Nguyễn Lương Bằng – Ô Chợ Dừa sáng, chiều nào cũng tắc. Ảnh: Phạm Yên

Vì sao lại có tuyến phố lộn xộn như vậy?

Trước đó, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng tuyến phố hai bên con đường này. Có nghĩa là mỗi bên đường được mở rộng thêm 50 m, tạo thành quỹ đất khoảng 11 ha. Diện tích đất này sẽ được xây dựng những chung cư cao tầng, trung tâm thương mại dịch vụ phục vụ tái định cư tại chỗ và tạo nguồn kinh phí đầu tư cho con đường.

Đặc biệt, sau khi tuyến đường hoàn thành Hà Nội sẽ có được một tuyến phố văn minh, hiện đại. Rất tiếc, điều này đã không thực hiện được!

Lại thêm những tuyến phố nham nhở?!

Hiện thành phố Hà Nội đang giao Ban Quản lý các dự án trọng điểm (Ban trọng điểm) chuẩn bị đầu tư đường vành đai 1 (đoạn từ Ô Chợ Dừa đến Voi Phục). Tuyến đường có chiều dài 2,7 km. Ba phương án (PA) được chủ đầu tư đưa ra. PA 1: Đường có quy hoạch 50 m (theo quy định 1998)- giống như đoạn Kim Liên- Ô Chợ Dừa.

Trong đó khoảng 1,5 km tuyến chạy song song với đường La Thành, chiều dài còn lại chạy trùng với đường La Thành; PA2: Mặt cắt đường thu hẹp còn 32 m nhưng sẽ được xây dựng thêm đường bê tông trên cao nằm đúng tim đường quy hoạch; PA 3: Tận dụng đường La Thành, xây dựng đường mới và đường bê tông trên cao. Tổng mức đầu tư lần lượt cho 3 phương án là: 2.468 tỷ đồng; 2.695 tỷ đồng và 3.066 tỷ đồng.

Trong các văn bản góp ý kiến cho việc xây dựng tuyến đường này, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Sở GTCC Hà Nội, Sở QHKT... đều ngả theo phương án 1. Các cơ sở để đưa ra định hướng là: PA 1 đảm bảo quy hoạch được duyệt, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ trên toàn tuyến, khai thác đơn giản, đảm bảo mỹ quan đô thị (!?)...

Tuy nhiên, cũng như đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, phương án quy hoạch và xây dựng tuyến phố hai bên đường không được tính đến. Dự kiến có khoảng gần 3.000 hộ dân trong diện phải GPMB. Số tiền dành GPMB (theo phương án 1) dự kiến đắt gấp 8,3 lần số tiền xây lắp đường.

Để làm con đường này, Hà Nội vẫn phải dùng vốn vay và vốn đối ứng trong khi đó, phương án phát  triển quỹ đất tạo vốn xây dựng đường, tạo khu tái định cư tại chỗ cho dân lại bị “bỏ quên”.

Điều hiển nhiên là nếu thực hiện PA 1, Hà Nội lại có thêm những tuyến phố với hàng ngàn ngôi nhà lộn xộn, nham nhở mọc lên. Phải chăng Hà Nội quá nhiều tiền nên không tính đến việc tạo vốn từ quỹ đất hai bên đường?

Nếu không thay đổi tư duy về việc phát triển đường gắn chỉnh trang, xây dựng tuyến phố, không biết đến bao giờ Hà Nội mới có được những tuyến phố văn minh, hiện đại xứng đáng với tầm vóc Thủ đô.

Ý kiến bạn đọc

Nguyễn Thị Hoà

Có ai xót tiền dân không ?

Tôi xin có thêm ý kiến về việc những hộ dân sau khi giải phóng mặt bằng lại được ra mặt đường : Tôi không nói là họ được hưởng lợi nhiều từ việc đang từ phía trong ngõ lại được ra mặt đường vì hầu hết họ cũng là gặp may hơn khôn, chỉ trừ một số người do địa vị công tác mà biết trước quy hoạch ( hoặc họ là người có quyền vạch ra hoặc phê duyệt quy hoạch ) mua đón đất hoặc nhà ở những nơi sẽ ra mặt đường.

Chỉ biết là sau đây một thời gian, nếu lại thay đổi quy hoạch như mở rộng thêm đường nữa chẳng hạn thì chính Nhà Nước sẽ phải trả tiền đền bù theo giá mặt tiền những diện tích nhà mà vừa qua còn nằm trong ' vùng sâu vùng xa ".

Như vậy chỉ do không nhìn xa trông rộng một chút mà rồi tốn thêm không biết bao nhiêu tiền mồ hôi nước mắt đóng thuế của dân, và sẽ đẻ thêm ra những con đường đắt nhất ( và cũng có thể là xấu nhất ) hành tinh nữa .

Người có dân trí bình thường như tôi mà cũng thấy là mỗi lần mở đường nên lấy vào thêm vài chục mét nữa thì sao những người tài cao học rộng lại không biết.

Mặt tiền này Nhà nước tha hồ quy hoạch chuẩn rồi xây dựng, bán hoặc cho thuê đều đắt hàng cả. Nhà nước được lợi mà bộ mặt thành phố lại đàng hoàng. Có ai xót tiền dân không ?

Tên: Quan-Ky

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của các bạn, với một tuyến phố đầu tư đắt tiền như vậy không nên để tình trạng nhà siêu mỏng + xây nhà không đồng đều, nhà cao nhà thấp.

Ngày xưa chúng ta chưa phát triển, chưa mở cửa thị trường và tầm nhìn còn "ngắn" thì để cho dân xây dựng các kiểu nhà như vậy được, còn ngay nay, chúng ta mong muốn có một cuộc sống văn minh hơn nhưng những quy hoạch tối thiểu mà bất cứ người dân nào cũng thấy bật cập thì các cấp chính quyền lại vẫn để nó tồn tại.

Vì vậy tôi cho rằng cần phải có quy hoạch cụ thể hơn, quy mô hơn từ hệ thống cống thoát nước, đường dây cáp, thiết kế nhà, v.v. sao cho phù hợp với xu thế một đất nước đang trên đà phát triển, tránh tình trạng hôm nay xây mai phá ngày kia đào v.v.

Không chỉ có tuyến đường vành đai 1, mà còn nhiều tuyến đường khác nữa, cần có sự đầu tư đúng mức, dứt khoát không để tình trạng dở dang và phải xếp thứ tự những tuyến đường ưu tiên ví dụ như tuyến đường bê tông - Thanh Xuân, đường Trường Chinh (ngã ba Lê Trọng Tấn), tuyến đường Khương Đình (Kim Giang) và nhiều tuyến đường khác nữa tình trạng tắc đường xảy ra hàng ngày.

Nếu chúng ta có các giải pháp tốt trong việc quy hoạch, quản lý xây dựng tại các đô thị thì chúng ta sẽ nhanh chóng chấm dứt tình trạng xây dựng bừa bãi, giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông hiện nay và nhanh chóng có được bộ mặt kiến trúc đô thị hiện đại.

Tên: Pham Hai

Đọc bài này của Quý toà soạn, người dân Phường Ngã tư sở chúng tôi, cũng không hiểu việc quy hoạch mở đường ở nút ngã tư sở như thế nào mà có chỗ hè rộng đến 4, 5m, nhưng có chỗ hè chỉ có 1m (gần trụ sở mới UBND Phường). Mong Quý toà soạn đến thị sát và có bài báo nói về việc quy hoạch nút giao thông này. Trước kia được Thành phố tuyên truyền đây sẽ là nút giao thông đẹp nhất của Thủ đô ? Nhưng bây giờ nếu đi qua thì thấy nó cũng lộn xộn chẳng kém gì phố nhà quê

Trần Văn Anh

Liệu báo chí có thành công?

Tôi sống ở Hà nội cũng đã được mười năm và chứng kiến Hà nội xây dựng thêm nhiều đường mới mà khi khởi công người ta mô tả là sẽ rất đẹp hiện đại và không mắc phải nhưng sai lầm cũ. Vậy mà tất cả những gì chúng ta thấy là vấn đề vẫn là "khổ lắm nói mãi".

Khi cầu vượt Ngã tư sở khánh thành chúng ta đã thấy những ngôi nhà siêu mỏng và báo chí đã vào cuộc và lên tiếng nhưng kết quả sau bao lâu vẫn tồn tại những ngôi nhà đó.

Và giờ đây lại lặp lại với con đường đắt nhất hành tinh, những ngôi nhà siêu mỏng. Tôi tự hỏi liệu các cơ quan quản lý về xây dựng với các chuyên gia hàng đầu và được đi học ở nước ngoài về lại không biết được điều đó hay họ biết được nhưng không làm gì được vì lí do này hay lí do khác?

Mong rằng lần này báo chí vào cuộc sẽ góp phần xây dựng được con đường đắt nhất xứng đáng với giá trị của nó.

Tên: Anh Pham, London, Vương quốc Anh

Đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội giải trình với nhân dân

Đây là một dự án lãng phí vô cùng lớn và phi lý. Với trách nhiệm của người đứng đầu thành phố, đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội giải trình với nhân dân tại sao lại thông qua dự án này?

Nếu giải phóng rộng thêm 2 bên đường rồi lấy đất bán lại, bù kinh phí xây dựng đường thì những người dân hai bên đường sẽ không có cơ hội làm những ngôi nhà chẳng giống ai kia.

Các bạn đọc đã phân tích kỹ vấn đề này rồi. Một dự án phi lý như thế thì trách nhiệm của cơ quan công quyền phụ trách việc này ở đâu? Đề nghị phóng viên báo TPO yêu cầu UBND TP Hà Nội giải trình cho nhân dân rõ. Trân trọng.

Tên: Nguoi Ha noi

Cần làm rõ vì sao không mở rộng thêm 50m hai bên đường ?

Cảm ơn quý tòa soạn báo đã lên tiếng phê phán cho bạn đọc cả nước về cách quy hoạch đô thi của nhứng người có trách nhiệm ở Hà nội. Với cách làm như thế này của Hà nội thì bao giờ Hà nội mới đẹp được ? Đây có phải là hiện tượng gây lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân không ?

Đề nghị Quý báo tiếp tục lên tiếng về vấn đề này. Trong bài báo có đề cập đến : "Trước đó, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng tuyến phố hai bên con đường này. Có nghĩa là mỗi bên đường được mở rộng thêm 50 m, tạo thành quỹ đất khoảng 11 ha. Diện tích đất này sẽ được xây dựng những chung cư cao tầng, trung tâm thương mại dịch vụ phục vụ tái định cư tại chỗ và tạo nguồn kinh phí đầu tư cho con đường" .

Vậy lý do vì sao những người có trách nhiệm của Hà Nội lại không thực hiện theo phương án đó? Người dân khu này kháo rằng, một số vị ( hoặc người nhà của họ ) đã nhanh chóng mua đất từ trước, để khi mở đường là ra mặt đường, nên không muốn thực hiện theo phương án mà bài báo nêu ra ? Rất mong Quý toà soạn nên có bài điều tra để làm rõ những vấn đề nghi vấn trên cho bạn đọc biết.

Qua tiêu đề của bài báo: Đường hiện đại - phố 'nhà quê'. Bạn đọc có cảm nhận là :Với cách làm của Hà nội như thế, thì chẳng mấy chốc sẽ: Nông thôn hoá Hà nội.  Kính chúc Quý toà soạn sức khoẻ !

Tên: Minh

Liệu có mắc mớ gì không ?

Được biết khi xem xét đề án quy hoạch con đường này, Bộ Xây dựng đã đề xuất ý kiến cần có quy hoạch cả phố dọc con đường nhưng ý tưởng rất hay này đã không được lãnh đạo thành phố Hà nội đồng ý! Vậy đâu là ý tứ liên quan việc này? Lẽ nào lãnh đạo TP lại không thích con đường được quy hoạch đẹp đồng bộ với phố xá hai bên ?

Hẳn lãnh đạo TP và những người có liên quan không lạ gì kinh nghiệm quy hoặch đồng bộ đường và phố ở nước ngoài,như ở Trung quốc chẳng hạn:Ở đó khi thực hiện quy hoặch để đền bù giải toả,nếu đường rộng 100m thì họ sẽ quy hoặch phố để giải toả đền bù thêm mỗi bên 50m nữa.

Độ"sâu" 50m này thường gồm đến 3 lớp nhà,trong đó chỉ có thể có tối đa một lớp nhà phải đền bù giá cao ở vị trí mặt đường. Sau giải toả cả 50m chiều sâu đều đươc nhà nước hay ban quản lý bán theo hình thức đấu giá đất mặt phố(mới quy hoạch),tiền chênh lệch thu được trường hợp như ở đường Kim liên -Ô chợ dừa có thể đủ để làm con đường đó!

Phố hai bên quy hoạch nhà cao tầng, trong đó tầng một không được dung để ở,chỉ để bố trí là nơi kinh doanh buôn bán hay dịch vụ.Điều này là hoàn toàn hợp lý vì xét cho cùng giá trị gia tăng của các khu đất liên quan có được chính là do nhà nước bỏ tiên đầu tư xây dựng con đường mà có.

Kinh nghiệm hay như thế sao không thấy được áp dụng ở đây? và cả ở Việtnam nữa? Dư luận đặt câu hỏi liệu các nhà lãnh đạo TP có ngây thơ đến mức bỏ qua một cơ hội ai cũng rõ như vậy hay có vấn đề gì mắc mớ ở đây?

Liệu có chuyện do biết trước thông tin về quy hoạch, nên một số người đã mua rẻ được nhiều mảnh đất trong khu vực, chờ nhà nước bỏ tiền làm đường để hưởng lợi bất chính còn con đường, còn những dãy phố ở đây xấu đẹp thế nào họ không cần biết.

Đề nghị Chính phủ hãy vào cuộc để người dân Thủ đô được rõ.

Tên: Nguyễn Văn Hậu

Tôi biết rằng thành phố Hà Nội đang có chủ trương một số tuyến phố trọng điểm sẽ ngầm hoá tất cả các loại dây điện: từ điện thoại đến điện sinh hoạt, thắt sáng. Con đường Kim Liên - Ô chợ Dừ a cũng là con đường được thiết kế như vậy.

Thế mà con đường này chưa cắt băng khánh thành đưa vào sử dụng đã có tới 5 điểm trên đường đã được những ông ngành điện chôn cột điện kéo dây điện ngang qua phố (ngay bức ảnh của phóng viên chụp nhà siêu mỏng chúng ta cũng thấy dây điện kéo ngang qua phố).

Như vậy, liệu tuyến đường mới có hiện đại không? Chúng tôi đề nghị ông Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra và cho thoá dỡ các điểm kéo dây điện ngang qua tuyến phố này.

Tên: Tommy Nguyen

Quả thật, tôi đồng tình với các ý kiến của các bạn đã phản ảnh. Là công dân của Việt Nam và là người thủ đô, tôi thấy buồn cho sự phát triển đô thị kiểu này của Hà Nội.

Và tôi cũng không hiểu, các nhà làm quản lý và quy hoạch đô thị, chính quyền thành phố nghĩ gi mà để tình trạng đến như vậy? Theo tôi , khi mở con đường mới này, không thể để tình trạng nhà siêu mỏng tái diễn.

Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng chỉ đơn cử ở một số nước ở châu Á như: Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia... người ta lấy vào từ mặt đường 100 đến 200m để cho việc xây dựng các công trình: Khách sạn, Toà nhà thương mại, Toà nhà văn phòng, thậm chí cả chung cư cao cấp... Việc phát triển như vậy mà đồng bộ các tuyến đường thì thật là tuyệt đẹp, mang lại nét hiện đại của môt khu đô thị.

Tôi đồng ý với ý kiến, việc phân các vị trí đất này thông qua đấu thầu là hợp lý, và dùng tiền nay để bù đắp vào tiền giải phóng mặt bằng.... Chúng tôi tha thiết kính mong lãnh đạo Tp Hà Nội lắng nghe những ý kiến này của dân, để từ đó phát triển thủ đô của chúng ta ngày càng hiện đại và phát triển. Đừng để người dân chúng ta phải xấu hổ khi ra với bạn bè thế giới.

Tên: Nguyễn Văn Hoàng

Đọc nhiều ý kiến về vấn đề giải toả, đền bù, làm đường ở Hà Nội tôi thấy:

1. Chính quyền hầu như không có biện pháp, tầm nhìn để cải tạo mặt phố cho xứng đáng với tên gọi "Hà Nội - thủ đô của cả nước".

2. Hậu quả có những ngôi nhà siêu nhỏ, siêu mỏng như vậy là do các cấp chính quyền vô trách nhiệm, không thể để hậu quả xảy ra rồi thì quận đá "quả bóng" cho phường, rồi có khi phường lại đá ... cho cán bộ. Chẳng lẽ mọi việc diễn ra hàng ngày như vậy mà lại không có một ai ( là cán bộ quận, phường) biết? quá vô lý!

3. Theo tôi nghĩ, những người là cán bộ phụ trách việc xây dựng trên địa bàn (quận, phường) này nên xem lại cách làm việc của chính mình, nếu không còn đủ năng lực làm việc thì hãy nghỉ để cho bộ máy quản lý nhà nước đỡ cồng kềnh, nhà nước bớt được một số tiền trả lương vô ích.

Tên: Nguyễn Thị Tĩnh

Hà Nội cần học kinh nghiệm giải phóng mặt bằng của Đà nẵng

Khi Thành phố Đà nẵng muốn mở một con đường, họ không chỉ giải phóng phần đất mặt đường, đất vỉa hè và rộng hơn nữa để có thể xây dựng đựơc những dãy nhà đẹp hai bên đường đó. Đất hai bên đường khi đã giả phóng, họ bán đấu giá để bù vào kinh phí làm đường, kinh phí đền bù cho các hộ di dời. Hà nội nên học phương thức này để nhà nước đỡ thiệt thòi và chắc chắn sẽ không có nhà siêu mỏng.

Hà nội cần mạnh dạn để vài chục năm nữa thủ đô sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Có lẽ cũng cần suy ngẫm về phương án của Malaysia: di dời các cơ quan hành chính, các Bộ,...về một trung tâm cách thủ đô cũ chừng 30 km. Nhà nước chỉ phải góp đất, 4 nhà thầu bỏ tiền xây dựng, và họ cũng xây dựng các khu chung cư và biệt thự liền kề để bán lấy tiền bù cho tiền xây dựng.

Như vậy, ta vẫn giữ được nét văn hoá cổ kính của Hà nội hiệnnay và lại phát triển được khu mới hiện đại, đỡ tốn kém cho việc mở đường giao thông như con đường Ô Chợ Dừa - Kim Liên!

Tên: Bùi Huy Tuấn - 61 Ngô Thì Nhậm - Hà nội

Đọc bài “Đường hiện đại phố nhà quê”, tôi rất đồng tình với ý kiến : “…Trên 800 tỷ đồng cho 1.000 m đường, đường vành đai I (đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa) được coi như con đường đắt nhất hành tinh.

Vậy mà, sau khi hoàn thành, một tuyến phố chẳng giống ai đã hình thành”. Là một công dân của Thủ đô Tôi thật sự lo cho cách làm của thành phố chúng ta hiện nay trong việc mở đường.

Nếu đem so sánh về thu nhập GDP bình quân đầu người/năm giữa nước ta với các nước phát triển (năm 2006 GDP bình quân đầu người ở Việt nam khoảng 700 USD/người; các nước tiên tiến trên dưới 20.000 USD/người). Thu nhập GDP/người của Việt nam chỉ bằng 1/30 so với các nước phát triển. Nhưng chi phí mở đường lại cao gấp 5 lần của họ (đoạn đường Kim liên –Ô chợ dừa chúng ta làm hết 49 triệu USD/1 km trong khi các nước họ làm chỉ hết khoảng 9 triệu USD/1 km).

Điều này thật sự phi lý, nếu tiếp tục như tình trạng hiện nay thì chúng ta không bao giờ hy vọng có được cơ sở hạ tầng và các đô thị hiện đại như các nước trên thế giới.

Cách thức mở đường tại các đô thị lớn của chúng ta hiện nay đang làm, theo tôi có một số bất cập sau:

1. Chi phí mở đường quá cao (như đã dẫn chứng ở phần trên). Chúng ta sẽ không bao giờ có được những đô thị hiện đại vì nó quá với khả năng tài chính của chúng ta.

2. Bộ mặt kiến trúc của các con đường mới mở rất xấu, manh mún; đến một lúc nào đó chúng ta lại phải tốn chi phí để đập bỏ và xây dựng lại nhằm tạo bộ mặt mới cho kiến trúc đô thị (sẽ tốn nhiều lần tiền của và thời gian để làm việc này).

3. Gây mất công bằng xã hội: Giá trị của những ngôi nhà, mảnh đất được ra mặt đường sau khi mở đường được tăng lên nhiều lần so với trước khi con đường được mở. Chúng ta phải khẳng định rằng giá trị tăng thêm này là do mở đường mà có, Chi phí mở đường do cả xã hội bỏ ra để làm (tiền từ ngân sách, tiền nhà nước vay của dân hoặc vay nước ngoài…) , nhưng giá trị của những mảnh đất, ngôi nhà mới ra mặt đường được tăng lên này lại thuộc sở hữu của các cá nhân và họ được hưởng lợi quá lớn do việc mở đường đem lại cho họ (nhiều khi còn lớn hơn so với việc trúng xổ số độc đắc; một đời người lao động bình thường khó có thể tích lũy để có được một tài sản lớn như vậy…).

Rõ ràng là những người này họ đã không phải làm gì cả nhưng họ được hưởng lợi quá lớn từ việc mở đường mà tiền thì do xã hội bỏ ra để làm, việc này đã tạo ra sự mất công bằng lớn trong xã hội từ việc mở đường tại các đô thị lớn hiện nay tại Việt nam.

Giải pháp nào để khắc phục những bất hợp lý trên: Theo tôi khi mở các con đường tại các đô thị ngoài phần diện tích mặt đường và vỉa hè của con đường, chúng ta sẽ lấy thêm hai dải đất 2 bên của con đường ( có chiều rộng từ 20 – 50 mét mỗi dải đất tuy theo chiều rộng của con đường). Hai dải đất này sẽ được cho bán đấu giá và sẽ được xây dựng theo đúng quy hoạch của đô thị nhằm tạo ra bộ mặt đô thị hiện đại trên những con đường mới mở.

Nếu làm được như vậy về cơ bản sẽ khắc phục được 3 điều bất hợp lý nói trên trong việc mở đường tại các đô thị lớn ở Việt nam vì :

+ Sẽ giảm được việc chi tiền từ ngân sách nhà nước để mở đường: Tiền thu được từ việc bán đấu giá 2 dải đất 2 bên đường mới là rất lớn sẽ dùng để chi phí cho giải phóng mặt bằng , chi phí làm con đường…

+ Bộ mặt kiến trúc con đường mới sẽ hiện đại : Buộc những cá nhân tổ chức mua quyền sử dụng đất phải xây dựng theo đúng quy hoạch kiến trúc mới của con đường, Chấm dứt tình trạng xây nhỏ lẻ manh mún như hiện nay đang diễn ra tại các con đường mới mở.

+ Xóa bỏ được tình trạng mất công bằng xã hội khi mở đường mới hiện nay (như đã nêu ở trên): Không còn tình trạng một số cá nhân được hưởng lợi khi sở hữu đất, nhà tự nhiên được ra mặt đường (giá trị tăng thêm này do xã hội bỏ chi phí ra để làm đường đã được thu về cho xã hội từ việc bán đấu giá đất 2 bên đường).

Tôi tin tưởng rằng, nếu chúng ta có các giải pháp tốt trong việc quy hoạch, quản lý xây dựng tại các đô thị thì chúng tã sẽ nhóng chóng chấm dứt tình trạng xây dựng bừa bãi hiện nay và nhanh chóng có được bộ mặt kiến trúc đô thị hiện đại tại các đô thi lớn của chúng ta.

Tên: Một bạn đọc

- Hàng chục năm nay Hà nội mở thêm nhiều đường mới. Cái bức xúc phải mở đường đó là tắc nghẽn giao thông, chứ chưa thấy một nhà lãnh đạo Hà Nội nào đề cập tới tính hiện đại của mặt phố có con đường mới mở.

Dự án mở đường đầu tiên (đường Cầu giấy) đã đúc kết và dư luận phản ánh những khiếm khuyết về kiến trúc mặt phố. Thế nhưng những dự án sau đó, vấn đề kiến trúc mặt phố của những con đường cũng chẳng được quan tâm.

Xét về mặt quản lý, quan tâm không có nghĩa là nhắc nhở bằng miệng, lưu ý này lưu ý nọ, mà nội dung đặt ra phải được thực hiện bằng quy trình xây dựng dự án.

Ai làm việc này? Đầu mối nằm ở đâu? Có lẽ trả lời được ngay đó là sở Quy hoạch -kiến trúc thành phố.

Tên: Quân Phụng

Người dân sao phải chịu trách nhiệm cho việc quản lý đô thị

Thật đúng là chuyện biết rồi, khổ lắm nói mãi. Thế nhưng khi để xảy ra tình trạng đô thị manh múng, xây nhà sai phép, không phép, xây sai ở Ngã Tư Sở, giờ là khu Kim Liên - Ô Chợ Dừa thì người phải chịu trách nhiệm nặng nề nhất vẫn là người dân.

Dường như trách nhiệm của các cơ quan chức năng, UBND TP Hà Nội được đề cập đến rất ít. Được nhân dân giao phó trách nhiệm mà cơ quan quản lý không làm hết chức năng nhiệm vụ thì phải thấy có lỗi với dân.

Tốn biết bao tiền của để rồi không đâu vào đâu. Nghe mà xót thay, tiền đóng thuế để xây cơ sở hạ tầng lại ra thế này đây. Không biết các cơ quan quản lý có thấy có lỗi không, hay đến lúc truy cứu trách nhiệm lại chỉ sang ban này ngành nọ.

Chặt vài cái nhà hay phá toàn bộ một dãy nhà cũng chẳng là vấn đề gì,  tiền của người khác mà... Xét cho cùng cũng chỉ khổ người dân.

Tên: Nguyen Ngoc Luan

Nếu những con đường mới mở rộng sau này còn làm giống như đường Kim Liên nối dài thì e rằng mặt phố vẫn "Nham nhở" và không giống vẻ mặt của một thủ đô.

Tôi thấy rằng, chính quyền nên có chính sách đền bù thoả đáng cho người dân trên tuyên đường đi qua NHƯNG quan trọng hơn cả, ngoài đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông, nên đền bù từ mặt tiền vào sâu từ 10 -20 m tuỳ theo điều kiện.

Sau đó, BQL sẽ xây nhà theo quy hoạch, bán đấu giá lại cho người dân. Như vậy, giải quyết được: 1. Nhà nước có thể thu lại được tiền đã đền bù để giải phóng mặt bằng qua việc thu lời được từ việc bán chênh lệch giá nhà đất (lên giá) từ giá trị đất tại đường đó tăng lên do đường xá to đẹp hơn. 2. Nhà nước không phải lo lắng là ai được lợi trong việc đường xá đẹp, giá đất lên. Người được lợi chính là nhà nước, Nhà nước lấy tiền đó tiếp tục đầu tư cho hạ tầng.

Tên: Thanh Hai

Nhà nước đầu tư gần 1000 tỷ đồng mà hiệu quả tạo được tuyến phố không đẹp, chẳng đáng tiếc lắm sao? Theo ý tôi, khi đầu tư vào các chương trình phải giải toả để làm đường/phố như vậy, nên chăng nhà nước giải toả sâu hơn lề đường mỗi bên khoảng 5-10 mét tuỳ vào tuyến phố, sau đó đấu giá bán lại toàn bộ các nhà mặt phố với chiều sâu phù hợp.

Tôi chắc rằng tiền bán các lô đất mặt phố đó sẽ bù lại hơn rất nhiều chi phí phải mở thêm. Hơn nữa, để cho các nhà mặt phố cũ đỡ thiệt thòi, nhà nước có thể ưu tiên bán cho họ trước. Thân ái.

Tên: Một bạn đọc

Theo toi cac nha quan ly xay dung Ha noi can phai co chuong trinh hoc tap tham quan tieu chuan xay dung , quy chuan xay dung va cac thanh pho do thi cua Trung quoc ve de ap dung cho Viet Nam ngay tu bay gio thi 10-20 nam sau minh moi co do thi hien dai nhu ho duoc khong thi cu chap va nhu hien nay .

Xay dung quy chuan , tieu chuan moi thi rat lau va kho , nen chang ta tham quan , hoc hoi va van dung theo tieu chuan cua ho da lam thi do ton kem tien bac va thoi gian, ta can phai co tam nhin xa va rong trong dau tu ha tang do thi , tu kinh nghiem cua Trung quoc trong nhung nam qua den bay gio ho tang cuong du lich dich vu thu hoi von that la tuyet hao.

Tên: Một bạn đọc

Tôi nghĩ rằng Hà Nội không có biện pháp để xử lý tình trạng nhà siêu mỏng? Phải chăng Chính quyền cũng bó tay ? Hà Nội không phải chỉ của người dân Hà Nội mà Hà Nội là của cả nước cần phải có giải pháp ngăn chặn tình trạng nhà siêu mỏng như hiện nay.

Tên: Nguyễn Cường

Đúng như bạn PS viết: cái phố này chẳng giống ai: tầu không ra tầu, tây không ra tây, hiện đại thì không mà cổ kính thì không phải. Điềm ghép vào ở hai đầu chưa định dạng ra loại đường đô thị. Lại có những khe nhỏ thông từ phố này ra cái đường đê nhỏ xíu. Có nhà cao, nhà thấp, có nhà chỉ dầy 30cm(của cơ sở thương binh).

Kết cấu mặt cắt ngang không thích hợp đối với dải phân cách giữa xe thô sơ và cơ giới. Trên đường Đại cồ Việt đã phải xoá bỏ dạng cắt ngang này, sao lại áp dung vào đây.

Nhìn vào con đường, người ta nhận thấy ngay rằng Lãnh đạo thành phố không chú tâm đến chúng. Đây là con đường nhà quê trong thành phố. Đề nghị thành phố nên nghiêm túc trong chỉ đạo hạ tầng đô thị.

Tên: mrtuan

Tôi hoàn toàn nhất trí với tiêu đề và nội dung bài báo. Ở các nước khi mở đường, họ lấy luôn 2 bên đường sâu vào 50-100m, thậm trí 200m như Malayxia. Còn ở ta thì đường cứ cong queo như rắn luợn, hãy nhìn xem, mất bao nhiêu tiền để làm đường Kim Mã, thế mà bây giừo nhiều chỗ vỉa hè không có, một loạt nhà xiêu mỏng ra đời.

Rồi đến đoạn điều Giang Văn Minh có một đoạn thôi và cong queo vằn vèo. Tổng bí thư đã có lần về gặp gỡ cử chi tại phường Phúc Xá, người dân đã phản ảnh tình trạng xây dựng lộn xộn ở đây. Đến bây giờ làm đường quanh chợ tưởng rằng sẽ được 1 con đường đẹp đẽ rồi không di chuyển chỗ Long Biên đi thì cũng phải nâng cấp chợ và đường quang chợ để tránh tại nạn, vệ sinh môi trường, các tệ nạn tiêm chích, hút hit. Thế mà đường chả ra đường, chợ chả ra chợ, vỉa hè cũng không nốt.

Một đoạn đường đắt nhất hành tinh, 800m mà chi tới 140 triệu USD. Nhức nhối quá. Thực ra tôi chẳng hiểu các nhà lãnh đạo Hà Nội nghĩ gì mà để  xây dựng trái phép, quản lý đô thị lộn xộn vậy.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.