Nam tiến tìm cơ hội trúng tuyển đại học

Thí sinh dự thi trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM năm 2010 Ảnh: Quang Phương
Thí sinh dự thi trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM năm 2010 Ảnh: Quang Phương
TP - Số hồ sơ của thí sinh miền Bắc, miền Trung đăng ký dự thi các trường ở phía Nam lên đến vài chục ngàn bộ.

> Lưu ý nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường
> Điểm chuẩn ĐH Khoa học Xã hội &Nhân Văn TPHCM

Thí sinh dự thi trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM năm 2010 Ảnh: Quang Phương
Thí sinh dự thi trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM năm 2010. Ảnh: Quang Phương.

Trong số hơn 59.000 hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ của thí sinh tỉnh Nam Định năm nay có gần 2.000 hồ sơ nộp vào các trường từ Thừa Thiên - Huế trở vào. Trong đó phần lớn là các trường ở TP HCM, số hồ sơ đăng ký trường ĐH Công nghiệp TPHCM hơn 320 bộ, gấp đôi năm ngoái.

Hồ sơ Nam tiến của thí sinh ở miền Trung chiếm số lượng áp đảo. Thanh Hóa có gần 11.500 hồ sơ dự thi các trường ĐH, CĐ phía Nam (trên tổng số gần 90.000 hồ sơ đăng ký dự thi của cả tỉnh); Nghệ An gần 19.000 hồ sơ (trên tổng số 92.000 hồ sơ); Hà Tĩnh có gần một nửa hồ sơ Nam tiến trong tổng số hơn 42.200 hồ sơ.

Dễ đỗ, dễ kiếm việc

Cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh ở các Sở GD&ĐT lý giải, nhiều thí sinh chọn cách “Nam tiến” vì nghĩ rằng cơ hội trúng tuyển cao hơn so với thi các trường ngoài Bắc. Số lượng thí sinh các tỉnh phía Bắc (từ Thừa Thiên - Huế trở ra) Nam tiến gia tăng cũng góp phần cải thiện chất lượng nguồn tuyển của các trường phía Nam.

“Tỉ lệ đỗ ĐH của học sinh Nam Định thuộc diện cao nhất nước (khoảng 25% số thí sinh dự thi) không chỉ do sức học của các em mà còn do cách chọn trường rất thực tế”, ông Trần Hữu Chiên, Trưởng phòng GD Trung cấp Chuyên nghiệp và GD Thường xuyên, Sở GD&ĐT Nam Định cho biết.

Ông Ngô Đức Tuấn, trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ quan điểm này: “Thường những em xuất sắc thi hết ở ngoài đó rồi. Đa phần thi trong này là những em cảm thấy không địch nổi với thí sinh ở ngoài kia. Ví như ĐH Luật TP Hồ Chí Minh thường lấy điểm thấp hơn ĐH Luật Hà Nội. Năm ngoái, khối C Luật Hà Nội lấy 20 - 21 điểm trong khi trong này chỉ lấy 17 - 18 điểm”.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh nói: “Năm nay trường tôi nhận được hơn 81.000 hồ sơ, gần gấp đôi năm ngoái, trong đó các tỉnh phía Bắc đóng góp khoảng 7.000 - 8.000 hồ sơ”.

Ông Nguyễn Ngọc Thái, chuyên viên phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng nhận xét, tỉ lệ trúng tuyển so với thí sinh đăng ký dự thi vào trường này của thí sinh miền Bắc có vẻ nhỉnh hơn chút xíu so với thí sinh miền Nam.

Dễ tìm việc cũng là một lý do quan trọng để thí sinh Nam tiến. Phần lớn thí sinh miền Bắc nộp hồ sơ đăng ký dự thi các trường phía Nam đều có người nhà làm ăn hoặc sinh sống trong Nam.

“Có em thoạt tiên chỉ cần một chỗ để học ĐH, ra trường tính đường ra Bắc sau. Nhưng vào đây rồi lại không muốn ra. Trong này thị trường lao động rất sôi động.

Nhiều em cho biết họ thích xin việc trong này vì các đơn vị tuyển dụng đều tuyển theo năng lực, ít có chuyện chạy chọt cửa sau. Sau năm thứ nhất, đa phần các em đi làm thêm và khi ra trường đều có cơ sở để xin việc”, cán bộ phòng Đào tạo của một trường ĐH ở TP Hồ Chí Minh nhận xét.

Chật vật thuê phòng thi

Năm nay, nhiều trường ĐH, CĐ tại TPHCM vẫn phải thuê địa điểm thi ở các trường tiểu học mới có đủ phòng thi. Do khan hiếm phòng thi nên một số trường phải thuê địa điểm thi ở nhiều quận khác nhau và cách nhau hàng chục cây số.

ThS. Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing cho biết: Năm nay, đợt 1 trường có 15 địa điểm thi với 600 phòng thi, đợt 2 với 8 địa điểm thi có 350 phòng thi. Các địa điểm thi nằm ở nhiều quận huyện khác nhau như: Tân Bình, Phú Nhuận, Q.10, Q.7 và cả ở Q.8.

“Do số lượng phòng thi và địa điểm thi nhiều nên dự kiến vào đầu tháng 6 khi làm xong số báo danh của thí sinh, chúng tôi sẽ đưa toàn bộ thông tin địa điểm thi lên mạng của trường để các em theo dõi”, ông Tuấn cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG