Gala tôn vinh xiếc

Gala tôn vinh xiếc
TP - Diễn ra trong hai đêm 12 và 13-4 tại Rạp xiếc Trung ương, Gala xiếc toàn quốc lần đầu tổ chức nhân Ngày xiếc quốc tế 17-4.
Gala tôn vinh xiếc ảnh 1
Đu siêu nhân tại gala xiếc. Ảnh: LĐXVN

Hiệp hội xiếc thế giới nhất trí chọn 17-4 là ngày xiếc thế giới-trước đó đây là ngày xiếc châu Âu- hi vọng mọi người chung sức giữ gìn, bảo tồn, phát triển ngành xiếc qua nhiều tiết mục độc đáo, theo kịp yêu cầu khán giả.

Việt Nam hưởng ứng bằng nhiều hình thức: Mít tinh, hội thảo, biểu diễn. Liên đoàn xiếc Việt Nam (LĐXVN) huy động một số đoàn đóng góp các tiết mục đặc sắc phục vụ công chúng: Đoàn xiếc Hà Nội, TPHCM, đoàn xiếc T.Ư I, II, III thuộc LĐXVN, đoàn nuôi dạy thú thuộc LĐXVN, đoàn xã hội hóa.

Hai đêm gala, khán giả có dịp thưởng thức các tiết mục đoạt giải cao: Đu siêu nhân (Siêu nhân bay), huy chương vàng và giải khán giả yêu thích nhờ 10.000 lượt bầu chọn, trong khuôn khổ Liên hoan xiếc quốc tế lần thứ III tại Albacete (Tây Ban Nha); Tung mũ nghệ thuật của đoàn xiếc TPHCM, huy chương vàng LH xiếc toàn quốc, huy chương đồng liên hoan (LH) xiếc quốc tế; Nhào lộn trên cột, huy chương đồng LH xiếc quốc tế lần II. Đoàn Hà Nội góp Uốn lượn trên vòng, giải tài năng trẻ LH xiếc quốc tế.

Xiếc khỉ, xiếc gấu đoạt huy chương đồng LH xiếc quốc tế, xiếc trăn trong trích đoạn “Thạch Sanh” cũng góp vui trong gala này. Ngoài xiếc nghệ thuật, khán giả được thưởng thức xiếc hài, ảo thuật do các nghệ sỹ thuộc LĐXVN biểu diễn.

Trong khuôn khổ kỷ niệm ngày xiếc quốc tế, ngoài hai đêm gala các đoàn xiếc tổ chức các chương trình riêng. LĐXVN biểu diễn đúng tối 17-4 tại Rạp xiếc T.Ư và rạp bạt ở TP  Đà Nẵng. Đoàn xiếc Hà Nội trước đó diễn hai đêm 8 và 9-4, TPHCM tổ chức vào 17 và18-4.

Ông Vũ Ngoạn Hợp, giám đốc LĐXVN nhấn mạnh: “Ngày xiếc quốc tế là dịp quốc tế nói chung, Việt Nam nói riêng hướng tới mục đích để ngành nghệ thuật lao động vất vả được bảo tồn và phát triển”.

Về trường hợp voi xiếc thuộc đoàn xiếc thú Sao Mai (Hải Dương) quật chết học sinh 13 tuổi ở TP Biên Hòa ngày 10-4, ông Vũ Ngoạn Hợp chia sẻ:

“Đây là trường hợp đầu tiên của Việt Nam, lại xảy ra với đoàn xiếc lưu động. Ở rạp xiếc T.Ư có quy chuẩn hẳn hoi đối với các tiết mục xiếc thú: Về thú biểu diễn, bảo vệ, người dạy thú. Ví dụ, chỉ cần khỉ biểu diễn, chúng tôi phải bố trí bảo vệ sẵn sàng quanh sân, người dạy thú trên sân khấu kiểm soát tình hình.

Riêng với xiếc voi, nguyên tắc là người lạ không được phép tới gần, mặc dù bình thường voi hiền tính. Như trường hợp đáng tiếc vừa rồi, có thể thấy voi bị ném đá, kéo đuôi dẫn đến bực bội, nhất là người tiếp xúc không phải người dạy thú. Bình thường phải tuân theo nguyên tắc giữ voi để không ai chọc phá được. Voi luôn được giữ tại khu thú dữ biệt lập, cấm người lạ tới gần”.

MỚI - NÓNG