Có một nền văn học lớn trong một đất nước nhỏ

Có một nền văn học lớn trong một đất nước nhỏ
TP - Hungary chỉ có mười triệu dân mà có tới 15 người được giải thưởng Nobel trên các lĩnh vực như vật lý, sinh học, hóa học, văn học...
Có một nền văn học lớn trong một đất nước nhỏ ảnh 1
Kertesz Imre, nhà văn Hungary Nobel Văn chương năm 2002

Cách đây khoảng hơn ba mươi năm, tôi đọc thơ Petofi Sandor. Dù đọc qua bản dịch thì những vần thơ của ông vẫn bám chặt lấy tâm trí tôi, để rồi mỗi khi nhắc đến những Lecmantốp (Nga), Veclen (Pháp) hay Bairôn (Anh)... tôi không thể không nhắc đến Petofi Sandor. Từ Petofi, tôi bắt đầu đi sâu tìm hiểu về đất nước và văn học Hungary.

Cho đến hôm nay, tôi thực sự ngỡ ngàng khi biết quốc gia này chỉ có mười triệu dân mà đã có tới 15 người được giải thưởng Nobel trên các lĩnh vực như vật lý, sinh học, hóa học, văn học. Tôi hoàn toàn không có ý tuyệt đối hóa cái giải Nobel, bởi trong thực tế không thiếu những thiên tài đã có những cống hiến lớn cho nhân loại mà không hề nhận được cái giải này.

Cho dù thế thì chúng ta cũng không thể phủ nhận: một đất nước với ngần ấy dân mà có tới ngần ấy người được giải Nobel, đó là một hiện tượng độc nhất vô nhị của hành tinh, không thể không ngắm nghía, chiêm nghiệm. Rõ ràng, nếu tính theo đầu người thì Hungary có tỷ lệ người được giải Nobel cao nhất thế giới.

Đã có nhiều nhà nghiên cứu lý giải, phân tích hiện tượng này. Họ đưa ra khá nhiều căn nguyên, nhưng tựu trung lại có thể thâu tóm làm mấy ý như sau:

Một là Hungary nằm giữa lòng châu Âu, nhưng lại là điểm “giao thoa” đắc địa với châu Á. Văn hóa Hungary phát triển và “thăng hoa” nhờ sự giao thoa ấy.

Hai là ngôn ngữ Hungary, cho dù nó khá đơn độc, nó không thuộc về một ngữ hệ lớn nào, nhưng nó lại vô cùng độc đáo, uyển chuyển, phong phú, rất lợi thế cho văn học.

Tonu Kalvet, một học giả người Estoma, sau khi học thành thạo tiếng Hung đã có nhận xét như sau: “Tiếng Hung là thứ được ban tặng sức mạnh thần kỳ, tôi đã hoàn toàn bị nó chinh phục không gì cứu vãn nổi. Tất cả những ai biết một chút tiếng Hung đều cảm thấy như mình đã tìm ra một mỏ vàng trước đó chưa được phát hiện”.

Hồng y giáo chủ Giuseppe Mezzofanti (1774 – 1849) người nói được 58 thứ tiếng, trong thư gửi nhà ngôn ngữ học Tiệp Khắc Frank Agoston năm 1836 đã viết như sau: “Các vị có biết thứ ngôn ngữ nào mà những khả năng sáng tạo và vì sự hài hòa nhịp điệu của nó tôi xếp trên các ngôn ngữ khác, ngang với tiếng Hy Lạp và La tinh? Đó là tiếng Hung! Tôi biết những thi phẩm của các thi sĩ Hungary thế hệ mới, âm điệu của chúng đã làm tôi say mê. Ngay những người Hung cũng không biết ngôn ngữ của họ hàm chứa những báu vật thế nào...”.

Ba là hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra con người Hungary khá đặc biệt. Ngoài yếu tố di truyền, dân tộc Hung đã từng trải qua một quá khứ vô cùng đớn đau, bất hạnh. Dân tộc Hung đã có hàng ngàn năm sống “lang thang” trên những sa mạc, bình nguyên khắc nghiệt của vùng giáp ranh Âu - Á. Họ mới chỉ co cụm về tổ quốc giữa lòng châu Âu khoảng 1.100 năm nay.

Và tại đây họ lại phải hứng chịu những cuộc tàn sát đẫm máu của quân Nguyên Mông, chịu đựng 150 năm dưới ách thống trị của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ và sự áp bức của chế độ Habsbung. Chính những bi kịch thương đau đó đã thúc đẩy người Hungary có ý chí và nghị lực bền bỉ, trái tim quả cảm trong học tập, nghiên cứu và sáng tạo.

Bốn là Hungary có một nền giáo dục phát triển, một trong những nền giáo dục bậc cao của châu lục và thế giới, cho dù nền kinh tế quốc gia này hoàn toàn không thuộc hàng giầu có. Nền giáo dục tiến bộ chính là “cái nôi” đầu tiên gieo mầm và dung dưỡng nhân tài.

Trở lại chuyện văn chương. Trong số 15 người Hung được giải Nôben thì có một người là nhà văn, đó là Kertesz Imre. Sự kiện nhà văn này được giải Nôben văn chương (năm 2002) không chỉ tạo ra một niềm hân hoan đối với dân tộc Hung mà quan trọng hơn nó làm cho độc giả trên khắp hành tinh bấy lâu còn thờ ơ hay mặc cảm với nền văn học của đất nước nhỏ bé này phải điều chỉnh lại ý nghĩ chủ quan của mình.

Thực ra văn chương Hungary đã từng nhiều lần, nhiều người được đề cử giải Nôben. Ngay sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đã có hai nhà văn Hung được đề cử, đó la Fmoricz Zsigmond và Herczeg Ferenc. Đến năm 1957 nhà văn Fust Milan được đề cử.

Sau đó ít năm có thêm hai nhà văn khác được tiến cử là Weores Sandor và Illyes Gyula. Năm 1973, một nhà văn nữa được lọt vào danh sách xem xét, đó là Canada Watson Kirkconnel. Sau đó nhà thơ Mecs Imre vốn là linh mục cũng được đề cử.

Viện Hàn lâm nghệ thuật Sezechenyu cũng hai lần đề cử nhà văn nữ Szabo Magd. Hội Nhà văn Hungary thì năm 2000 đã tiến cử nhà văn Nadas Peter và gần đây tiến cử Meszoly Miklos...

Một số tên tuổi khác, tuy chưa được có trong danh sách đề cử giải Nôben, nhưng chỉ cần nhắc đến tên một vài tác phẩm của họ cũng đã đủ để chúng ta kính trọng, như Gárdonyi Géza, tác giả của các tiểu thuyết Những ngôi sao Eghe, Nàng Ido, tâm hồn bí ẩn; Kosztolanyi Dezso, tác giả tiểu thuyết Nero nhà thơ bạo chúa; Moricz Zsigmond, tác giả tiểu thuyết Đứa trẻ mồ côi; Jokai Mor, tác giả tiểu thuyết Con trai người có trái tim đá; Karinthy Frigyes, tác giả tiểu thuyết Tấm gương cong... Những tác phẩm này đều đã được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng của nhiều nước trên thế giới.

Tôi sẽ không làm cái việc phân tích từng tác phẩm làm dẫn chứng  chứng minh cho một nền văn học có tầm vóc như các nhà phê bình thường làm; tôi chỉ có thể nói: vạm vỡ như nền văn học Hungary, sự lãng mạn bay bổng tuyệt vời xen lẫn sự dữ dằn quyết liệt, chuyển tải những thông điệp, những ý tưởng mang tầm khái quát lớn, mệnh hệ đối với sự hưng vong của giống người, nó có khả năng cuốn hút, làm say lòng bất cứ độc giả yêu văn chương thứ thiệt nào trên trái đất.

Tôi quen Nguyễn Võ Lệ Hà, một người hoạt động trên lĩnh vực khoa học tự nhiên, từng bị cái ma lực của văn chương Hungary cuốn hút, để rồi cuối cùng cô bỏ hẳn nghề đã học để làm một dịch giả rất trung thành của văn chương Hung, dưới bút danh Hà Anh My.

Năm 1971, Hà tốt nghiệp cấp ba trường Chu Văn An – Hà Nội. Học lực nổi trội, Hà được chọn đi học ngoại ngữ chuẩn bị hành trang cho chuyến xuất ngoại. Năm 1973, Hà sang Hungary học Trường công nghiệp kỹ thuật xây dựng YBL – Miklos, khoa Kinh tế đô thị.

Suốt những năm học ở Budapest, chương trình hầu như không dính líu gì đến văn chương, nhưng những tác phẩm văn học và thứ ngôn ngữ uyển chuyển, linh diệu của đất nước này khiến Hà không thể dửng dưng. Chương trình học kiến trúc đô thị khá nặng, nhưng rảnh rỗi lúc nào, Hà lại đến thư viện đọc văn chương và luyện ngôn ngữ.

Trong những chuyến đi thực tập ngành học đã giúp Hà tiếp cận với những công trình kiến trúc, nhà bảo tàng, công viên...để cô hiểu sâu thêm nền văn hóa Hung.

Về nước, mặc dù làm việc ở Viện quy hoạch Hà Nội rồi chuyển sang làm báo Phụ nữ Việt Nam, nhưng tình yêu văn chương Hung chưa khi nào phai nhạt trong tâm hồn cô kỹ sư trẻ Nguyễn Võ Lệ Hà. Hà bắt đầu dịch.

Hà không ngờ tác phẩm nào do cô chuyển ngữ cũng được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, như Lứa tuổi hai mươi (tiểu thuyết của Berkesi Andras, in 1985, tái bản năm 2007), Nàng Ido (tiểu thuyết của Gardonhi Gezo, in năm 1987, tái bản năm 2000 và 2009), Tình yêu trong xanh (tập truyện ngắn nhiều tác giả, 1988), Tâm hồn bí ẩn (tiểu thuyết của Gardonhi Gezo, in 1988, tái bản 2009).

Ngoài ra Hà còn chuyển ngữ một số tác phẩm của các nước khác từ tiếng Hung sang tiếng Việt như Mười người da đen nhỏ, Truyện cổ tích thế giới chọn lọc...

Gần đây gặp Nguyễn Võ Lệ Hà ở tòa soạn báo Phụ nữ, tôi nói với cô rằng tôi muốn viết một điều gì đó về văn học Hungary. Hà đưa ra một số tác phẩm văn học Hungary ký tặng tôi, rồi nói: “Anh cứ đọc đi, anh sẽ thấy văn chương Hung rất đáng đọc đấy!”.

Đương nhiên là tôi không thể không đọc. Tôi đọc hầu như tất cả những cuốn Hà tặng. Tôi đặc biệt tò mò về nhà văn Hungary gốc Do Thái  Kertesz Imre được giải Nôben văn chương. Qua tác phẩm của ông mà tôi hiểu, tổ quốc Hung thời cổ đại đau thương đã đành, đến thời hiện đại cũng không chỉ có sự ngọt ngào.

Trong khoảng sáu mươi năm trở lại đây, không ít nhà khoa học trứ danh,  nhà văn nổi tiếng đã rời bỏ tổ quốc tìm nơi tỵ nạn, trong số ấy có cả những nhà khoa học sau đó được giải Nôben.

Đọc  Kertesz Imre, tôi thường liên tưởng đến nhà văn Pháp gốc Trung Quốc Cao Hành Kiện được giải Nôben văn chương cùng thời kỳ với Kertesz Imre. Cao Hành Kiện được giải năm 2000, Kertesz Imre được giải  năm 2002. Không khí thời đại giống nhau, nhưng tinh thần đón nhận sự kiện này từ hai quốc gia rất khác nhau.

Ở Trung Quốc, một đất nước hơn một tỷ dân (gấp hơn trăm lần dân số Hungary), hầu như người ta không bình luận gì đáng kể khi Cao Hành Kiện được vinh danh Nôben. Sau đấy, tại Bắc Kinh, người ta cho xuất bản một tổng tập các nhà văn được giải Nôben, nhưng đến cái giải Nôben năm 2000 của Cao Hành Kiện thì người ta bỏ trống, coi như không có tên ông trong cuốn sách này.

Ở Hungary, nhà văn Kertesz Imre không phải là một người “ngoan đạo” được chính thể Hung ưu ái. Cũng đã có lúc người ta coi ông như một nhà văn lạc loài, hoang hoải. Trong diễn văn đọc tại buổi lễ nhận giải Nôben, Kertesz Imre công khai chỉ trích chính quyền Hung.

Thậm chí trong bài viết có tiêu đề “Tổ quốc, quê hương, đất nước”, Kertesz Imre gọi đất nước Hungary như một cái nhà tù giam ông. Nhưng chính phủ Hung hầu như “không chấp”, “không lấy đó làm điều”. Bởi họ đủ thông minh để hiểu rằng cái niềm vinh hạnh mà Kertesz Imre mang lại cho tổ quốc họ mới là lớn lao, danh giá.

Có lẽ khi nói về những căn nguyên để đất nước nhỏ Hungary có một nền văn học lớn cũng cần phải kể thêm yếu tố rất “nhậy cảm” này nữa.

Cổ Nhuế - Hà Nội, đầu năm Canh Dần

MỚI - NÓNG