“Nhái phong cách” - nguy hiểm hơn sao chép tranh!

“Nhái phong cách” - nguy hiểm hơn sao chép tranh!
TP - Dư luận trong giới hội họa nói nhiều đến chuyện tranh “nhái phong cách” của một số họa sĩ ít nhiều danh tiếng và thu nhập cao, nhưng cụ thể đó là ai thì ai có thể nói thẳng thắn về chuyện này?

Báo TP đã tiến hành gặp gỡ một số họa sĩ  bị “nhái” phổ biến nhất. Họa sĩ Đào Hải Phong, sau khá nhiều cân nhắc, đã đồng ý trả lời phỏng vấn của chúng tôi:

Nhìn nhận của riêng anh về tình trạng tranh “nhái phong cách” của một số họa sĩ, trong đó có anh? Tình trạng này, theo anh, dẫn đến hậu quả gì cho uy tín của hội họa VN trên thị trường tranh trong nước và quốc tế?

Khoảng 5 năm trở lại đây, tình trạng sao chép tranh không xin bản quyền tác giả đã thành phổ biến. Nhưng nguy hiểm hơn là tình trạng tranh “nhái phong cách” như chị vừa nói.

“Nhái phong cách” - nguy hiểm hơn sao chép tranh! ảnh 1
"Bến thuyền đêm" của Đào Hải Phong

Lượng tranh nhái giờ đây nhiều hơn cả tranh thật và được rải đầy các gallery lớn nhỏ Hà Nội và TPHCM. Về loại tranh này, tôi muốn miêu tả bằng từ “rất quái thai”.

Ví dụ: motif nhà của tôi (họa sĩ ĐHP) được lồng ghép với motif cây của họa sĩ Lê Thanh Sơn một cách thô thiển và vụng dại; phong cách của họa sĩ Hồng Việt Dũng được sử dụng để làm nền cho một vài dạng tranh chân dung khác nhưng nếu không thật hiểu biết và tinh mắt, người ta chỉ có thể gật đầu tin đó là tranh Hồng Việt Dũng,...

Do vậy, dần dà, hội họa VN  giảm uy tín và nay thực sự rất mất uy tín trên thị trường quốc tế.

Những dạng tranh nào, theo anh, đã và đang bị “nhái” nhiều nhất? Của những họa sĩ nào?

Đó là những dạng tranh đẹp, được công chúng yêu thích và có thị trường. Họa sĩ bị “nhái phong cách” nhiều ở Hà Nội là Lê Thanh Sơn, Hồng Việt Dũng, Phạm Luận, Lê Thiết Cương, Đặng Xuân Hòa, Thành Chương, Đinh Quân, Quách Đông Phương và tôi. Trong TP HCM có Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Diệu Thúy.

Anh không e ngại nếu phải điểm mặt, chỉ tên những gallery chủ mưu việc làm nhái tranh nói trên chứ?

Gallery vớ vẩn thì tôi không để ý nhưng nổi cộm nhất là Mai Gallery ở số 183- Hàng Bông, Hà Nội và Vĩnh Lợi Gallery, TP HCM. ở đó, có tất cả những kẻ nhái phong cách, những “cascadeur” của thị trường hội họa. Họ chấp nhận làm tay sai cho những gallery này.

“Nhái phong cách” - nguy hiểm hơn sao chép tranh! ảnh 2 “Nhái phong cách” - nguy hiểm hơn sao chép tranh! ảnh 3
Hai bức tranh của Nguyễn Văn Đức, được MaiGallery giới thiệu trên trang web của mình, rất giống về bố cục, cách xử lý màu sắc trong tranh của Đào Hải Phong

Việc “nhái” phong cách trong hội họa đúng là chưa được đề cập trong các văn bản pháp chế ở nước ta, mà chỉ được nhắc đến trong lương tâm nghề nghiệp của người cầm bút vẽ. Tuy nhiên, tình trạng này có vẻ gia tăng theo thời gian và ngày càng được “chuyên nghiệp hóa”. Theo anh, vì sao lại như vậy?

Đơn giản là vì đang có một sự xuống cấp đạo đức nghề nghiệp cũng như  lợi dụng khái niệm nghệ thuật để kiếm tiền trong lĩnh vực hội họa ở VN.

Tôi từng trò chuyện với một số người làm công việc “nhái phong cách”. Họ đưa ra rất nhiều lý do hoàn cảnh sống bắt buộc, ràng buộc về kinh tế của gallery khiến họ không thể (hoặc chưa thể chấm dứt hợp đồng),...

Họ cũng tự nhận thấy là mình hèn, mình đang làm ra một thứ tranh vẽ nhợt nhạt, cải lương,... Họ còn nói rằng một khi thứ tranh đó có người mua, thì có nghĩa nó vẫn có ích nhất định với người khác,...

Đó là những biện minh để lấp liếm cho việc lừa bịp và coi thường công chúng. Khi bán những thứ tranh “nhái” ấy, người bán thậm chí còn nói đó mới là tranh “xịn”, người vẽ nó chính là người sáng tác ra phong cách này nọ,...

Vấn đề ở đây là: chúng ta cần xem “người khác” chính là ai? Chắc hẳn là công chúng, là người mua tranh rồi. Tôi thì vẫn cứ nghĩ người quan tâm và mua tranh hẳn là thành đạt trong sự nghiệp, sành sỏi trong làm ăn, sành điệu trong hưởng thụ... và khá giả. Thế mà họ dễ dàng chấp nhận thưởng thức tranh nhái sao? Thật buồn...

Sau cuộc gặp với họa sĩ Đào Hải Phong, chúng tôi đã ghé thăm website của Mai Gallery tại địa chỉ: www.maigallery-vietnam.com. Ở đó, Gallery này sử dụng tiếng Anh cho toàn bộ thông tin về mình.

Logo của nó là “a leading art gallery of Vietnam” (tạm dịch: một gallery nghệ thuật hàng đầu của Việt Nam).

Và mời bạn xem một cửa sổ thông tin về họa sĩ Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1976, người có hàng loạt tranh tựa như tranh của họa sĩ Đào Hải Phong và họa sĩ Bùi Hữu Hùng vẽ từ giữa những năm 1990 thế kỷ trước, khi Đức mới 20 tuổi...

Về họa sĩ Đào Hải Phong:

Sinh năm 1965 tại Hà Nội. Năm 1987: Tốt nghiệp khoa Thiết kế mỹ thuật- Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Một số triển lãm đáng chú ý: Năm 1993: Triển lãm Những ký ức Hà Nội  tại Hội Mỹ thuật Việt Nam; Năm 1994: Triển lãm Nghệ thuật Việt Nam  tại gallery Roy Miles, Luân Đôn, Anh; Năm 1995: Triển lãm Phía sau bóng tối tại gallery Hoa Sen, 65- Quán sứ, Hà Nội; Năm 1996: Triển lãm Ba họa sĩ đương đại Việt Nam   tại gallery LKF, Hồng Kông; Năm 1997: Triển lãm Một thoáng nhìn Hà Nội  tại gallery Đức Minh, TP HCM và nhiều triển lãm nhóm, cá nhân khác tại Hồng Kông, Singapore cho đến nay.

Thoạt nhìn, đa số tranh anh được xếp vào hàng tranh phong cảnh, làng quê, và được thực hiện bằng ngôn ngữ thị giác trực tiếp, đơn giản với màu sắc mạnh mẽ, sinh động như xanh, đỏ, xanh lá và trắng.

Những màu này có phần rực rỡ vào điều chắc chắn là anh đã sử dụng những màu này là do vẻ rực rỡ của chúng. Anh chồng lớp này lên lớp kia một cách cẩn thận, tạo thành những bề mặt nặng về gợi tả chất.

Điều này đã tách biệt Đào Hải Phong khỏi nhóm những họa sĩ cùng thời với anh.  

Ian Findlay - Brown
(Tạp chí Tin tức Nghệ thuật châu Á)

MỚI - NÓNG