Coi 50 tỷ là to thì khó làm phim lịch sử lắm!

Coi 50 tỷ là to thì khó làm phim lịch sử lắm!
TP - Mặc dù khá tâm huyết với phim lịch sử nhưng nhà biên kịch gạo cội Lưu Nghiệp Quỳnh chưa từng và cũng không có ý định viết kịch bản phim lịch sử. Vì ông cho rằng nó quá khó, ngay từ khâu duyệt kịch bản.

>>Không làm được phim lịch sử là có tội
>>"Chúng tôi đã vượt qua số 0"

Đêm hội Long Trì với trang phục diễn viên lấy từ đoàn cải lương
Đêm hội Long Trì với trang phục diễn viên lấy từ đoàn cải lương. Ảnh: T.L

Ông Lưu Nghiệp Quỳnh nói: Đòi hỏi của các hội đồng chuyên môn về phim lịch sử hay căn cứ vào các nhà sử học, khảo cổ- tiêu diệt hết sự sáng tạo của nghệ sĩ. Phim gì cũng phải mang bóng dáng cái tôi của biên kịch và đạo diễn. Không tìm thấy hai bóng dáng đó, phim hoàn toàn thất bại.

Có ý kiến cho rằng phim lịch sử phải được Nhà nước coi trọng và tài trợ triệt để giống như phim hoạt hình và phim tài liệu. Ông nghĩ sao?

Tôi đồng ý nhưng số tiền Nhà nước tài trợ cũng chả thấm gì. Việt Nam mình cứ coi phim 50 tỷ đồng là to thì khó làm phim lịch sử lắm. Tôi tham dự các cuộc xét duyệt tổng dự toán cho các phim, phần lớn các sếp đều bảo, thôi nhà nghèo chỉ có thế này, liệu cơm gắp mắm, chả còn cách nào.

Theo tôi, phải căn cứ kịch bản phân cảnh của đạo diễn để tính ra kinh phí làm phim. Muốn làm phim lịch sử tốt, toàn bộ các bộ phận phải rà soát lại, phải có người cầm trịch hiểu biết về điện ảnh rất sâu sắc.

Vấn đề nữa là tiền Nhà nước tài trợ thực sự rót vào đúng nghĩa để làm phim bao nhiêu % tùy từng phim, nhưng nói chung bị bớt xén rất nhiều. Ở hãng phim truyện của tôi, nhận tổng kinh phí làm phim về, hãng cắt béng 1/3 hay 1/4 để… trả lương cho cán bộ nhân viên. Như thế cấp trên có quyền bảo phim kém là lỗi tại các anh. Đây là bài toán luẩn quẩn.

Đâm ra có người bảo đừng trông chờ vào Nhà nước mà cứ kêu gọi tư nhân đầu tư, họ sẽ quản lý đồng vốn của mình chặt chẽ, vừa tìm cách để phim có khán giả. Như thế, phim lịch sử vừa dễ hay lại vừa có thị trường?

Ý tưởng đó vào thời điểm này cũng chưa khả thi lắm. Theo tôi có 3 loại phim lịch sử. Thứ nhất là giáo khoa minh họa hoàn toàn lịch sử, cũng cần làm cẩn thận, Nhà nước cần đầu tư hoàn toàn để làm. Thứ hai là giải trí, thế giới làm rất nhiều, phải tính đến lợi nhuận, nên chi tiết lịch sử chỉ là phụ.

Theo tôi, rất ít tư nhân dám lao vào làm loại phim này. Vì bản thân hội đồng duyệt kịch bản phim lịch sử thường rất khe khắt xem có sát với lịch sử. Cứ duyệt thế thì hầu như phim rất ít khách, vì sách sử khán giả biết hết cả rồi, người ta cần cái gì mới lạ ở phim đó. Trong các nhà sản xuất tư nhân dám bỏ tiền túi ra làm tôi chỉ thấy nhóm của ông Lý Huỳnh, nhưng lại rất thiên về võ thuật.

Loại thứ ba là phim lịch sử có tính nghệ thuật. Đây là loại rất nhiều nước quan tâm, vì qua đó uy tín, vị thế của quốc gia, của điện ảnh quốc gia được thể hiện. Nền tảng văn học lịch sử mạnh thì phim lịch sử sẽ mạnh. Ví dụ Chiến tranh và hòa bình của L.Tolstoi Nga làm, Mỹ làm 2 lần, gần đây liên minh châu Âu 8 nước lại làm.

Chúng ta có rất nhiều tác phẩm văn học rất hay, ví dụ gần đây Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh hay Vạn Xuân (về Nguyễn Trãi) của Yveline Féray. Theo tôi đó là những tác phẩm có thể làm ra những bộ phim nghệ thuật cao. Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm đầu tư một cách thích đáng dòng phim này.

Phim lịch sử của Việt Nam yếu một phần là do khâu nghiên cứu lịch sử có vấn đề, khiến các nhà làm phim không có những quy chuẩn để dựa vào?

Các nước chuẩn hóa được, người ta giở từ điển ra, chẳng hạn thế kỷ XI đầy tớ, quan văn, quan võ, nhà vua, hoàng hậu, cung nữ… mặc gì có hết. Minh họa đầy đủ kiểu dáng, chất liệu, thêu hoa văn loại nào… Họa sĩ Việt Nam muốn làm phim lại vào Bảo tàng Lịch sử. Bản thân Bảo tàng lại không có xuyên suốt các thời kỳ, chỉ có đồ của vua quan nhà Nguyễn là nhiều.

Phim là tổng hòa các bộ môn ghép lại. Mà đụng vào phim lịch sử, hoàn toàn chưa có cái gì chuẩn, nên cứ làm ra là cãi nhau về phục trang, về đầu tóc, các đồ vật hàng ngày, thậm chí cả ngôn từ xưng hô. Lỗ Tấn nói: Cứ đi mãi rồi thành đường.

Chúng ta cứ làm, song phải rút kinh nghiệm, phải ghi vào sổ sách, đóng dấu. Có thế mới dần xây dựng được một nền tảng vững chắc chuẩn hóa. Muốn có phim lịch sử hay, cơ bản nền điện ảnh- bao gồm tất cả các khâu- phải mạnh. Trước hãng phim truyện làm 1-2 năm mới xong một phim, giờ làm truyền hình ngày rưỡi/tập. Phim hiện đại còn như thế, phim lịch sử còn tệ đến đâu?!

Vì sao cách đây cả hai thập kỷ trong điều kiện khó khăn hơn, chúng ta lại có được những phim lịch sử tương đối hay như Đêm hội Long Trì- Kiếp phù du?

Theo tôi, phim đó cũng tàm tạm. Nó vững chãi bởi bây giờ nhiều phim dở quá. Phim của đạo diễn Hải Ninh làm cẩn thận, suy nghĩ sâu sắc thì có, nhưng để thành tác phẩm đại diện cho phim lịch sử Việt Nam thì tôi nghĩ là còn lâu. Phục trang toàn lấy từ đoàn cải lương ra.

MỚI - NÓNG