Trần Lập lại xây tường

Trần Lập lại xây tường
TP - Trần Lập tỏ ra đa tài. Cứ bẵng đi một thời gian lại biết anh trong một nghề mới: quảng cáo, truyền thông, xây dựng nội dung ý tưởng kịch bản cho các công ty sản xuất phim. Việc gì cũng làm quần quật.
Trần Lập lại xây tường ảnh 1

Có một Trần Lập hàn vi, một Trần Lập đổi đời từ khi Bức Tường ra đời, một Trần Lập khắc khoải vì Bức Tường sụp đổ, một Trần Lập sướng mê tơi khi tái lập Bức Tường và chuẩn bị ra mắt album mới của cả ban nhạc đầu tuần tới.

Tuổi trẻ gian khó

Trần Lập vốn ít chịu nói về gốc gác gia đình. Hôm sửa lại trang web cá nhân, anh đọc lại một bài tự bạch của mình trên báo, rồi cười. Những tấm ảnh đen trắng, úa màu được scan lại, gợi kỷ niệm thuở thơ bé nghèo khổ, nghịch ngợm và ham học. Tên đầy đủ của anh là Trần Quyết Lập, sinh năm 1974 và lớn lên tại Hà Nội, gốc gác đất Hội Phủ Dày, Nam Định.

Con út, nhà nghèo, đông anh em. Lập thường bị nhốt trong nhà mỗi khi cả nhà đi làm. Sự vắng lặng biến Lập từ cậu bé nhút nhát thành nhút nhát hơn. Để bớt sợ hãi, Lập thường gào to các bài hát phải nghe từ chiếc loa Liên Xô cũ mà bố cậu mang về từ đơn vị. Hình như đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Lập sẽ đến với Rock.

Lập mê vẽ tranh và đọc truyện nhưng nhà nghèo, không đủ tiền cho con đi học vẽ tại Cung Thiếu nhi. Chưa đầy 8 tuổi, Lập được bố mẹ phân công mang ô phiếu đi mua đậu phụ, cá ướp hoặc xếp hàng mua gạo tiêu chuẩn …

Những năm 1990, bố mẹ ốm đau nặng hơn, gia đình các anh chị đều khó khăn. Học hết phổ thông, Lập đi làm thêm, rán quẩy nóng giao cho hàng phở mỗi sáng, và dán mành lốp xe thồ hàng đêm. Thấy làm đêm mà ban ngày ngủ thì phí, Lập ôn thi mãi cuối cùng cũng trúng tuyển vào Trường nghệ thuật HN khoa Sân khấu, lớp kỹ thuật biểu diễn.

Ngày đi học, đêm làm thợ đột máy cóc cơ khí. Một lần cùng bạn bè tới tụ điểm ca nhạc, Lập liều mình lên hát thử và được nhận vào hát với cat- se 10.000đ/tối. Anh bỏ làm cơ khí, nhờ NSƯT Trọng Thủy xin vào Nhạc viện HN, học NSND Trần Hiếu. Tối, anh đi hát sàn nhảy để giúp đỡ mẹ và đóng tiền học. Rồi anh thi tiếp vào khoa Thanh nhạc của Trường nghệ thuật HN, với sự chỉ dẫn trực tiếp của NSƯT Phan Muôn...

Lập cũng nói anh từng bỏ ngang mấy năm được đào tạo thành diễn viên chuyên nghiệp của Nhà hát Kịch Hà Nội, để kiếm tiền bằng vẽ tranh, hát sàn nhảy, đóng vai phụ cho phim… Nhưng chẳng có gì ra hồn. Cho đến khi ban nhạc Bức Tường (The Wall) ra đời. Năm ấy, Trần Lập 21 tuổi. Đó là ngày đáng nhớ nhất.

Bức Tường tham gia chương trình SV 1996, SV 2000, các liên hoan ban nhạc sinh viên năm 1996, 1997, 1998, nhanh chóng được chọn làm đại diện của âm nhạc VN đương đại tham dự Festival Khuôn mặt Việt Nam - Khuôn mặt Pháp ngữ tại thành phố Cahors, miền Nam nước Pháp năm 2003 với liveshow Bài ca sông Hồng.

Trần Lập lại xây tường ảnh 2
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong nước, Bức Tường đều đặn thực hiện hàng loạt liveshow: Tâm hồn của đá (2002), Bức Tường và những người bạn (2003), Bông hồng thủy tinh (2004) - truyền hình trực tiếp VTV3, Tour xuyên việt 9+ (4 live show ở 4 thành phố lớn) – 2004, Những hòn đá lăn (2005), Cầu Vồng Italy, Rock Storm (26 chương trình).

Tháng 12- 2006, Bức Tường chia tay nhau và tạm biệt người hâm mộ bằng chương trình The Last Saturday (Ngày thứ Bảy cuối cùng) trước khoảng 2 vạn khán giả tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ - Hà Nội. Đó là đêm đông nhất và cuồng nhiệt nhất của người mộ điệu nhạc rock. Tháng 7 năm nay, Bức Tường tái hợp với thành viên mới là tay guitar bass Minh Đức (thành viên cũ của Ngũ Cung, Rosewood).

Bức tường giữa việc và vợ

4 năm Bức Tường vỡ vụn, ai về nhà nấy, nhạc cụ của ai người đó giữ gìn cẩn thận tại nhà. Chẳng ai có ý định bán đồ vì chán nó hay vì thiếu tiền tới mức đó, nhất là khi nó không chỉ đơn thuần là nhạc cụ, nó là kỷ vật.

Trần Lập lại xây tường ảnh 3

Thời gian ấy, Trần Lập luôn nghĩ về Bức Tường, “nhưng sao lại tiếc chứ, có gì mất đi đâu”. Anh chưa bao giờ rời xa rock. Bởi những dự án, những chương trình mới liên quan rock cứ đến với anh. Rockstorm trong 3 năm qua chẳng hạn, đúng là những cơn bão. Anh em trong ban nhạc cũng đều không coi The Wall đã nát thành gạch vỡ. Có điều những công việc và năm tháng lôi tuột đi để tới tận bây giờ họ mới chơi nhạc lại được bên nhau.

Chính Lập cũng không rõ vợ mình có phải là fan không, chỉ biết rằng cô ấy biết Trần Lập khi chưa biết Bức Tường. Trần Lập dường như đã tự dựng nên những bức tường giữa công việc và gia đình để an toàn cho những người thân. 

Trần Lập từng tổng kết về tính cách mình: “Tôi không lãng mạn hão, không ga lăng rởm. Tôi cuồng nhiệt nhưng không điên rồ, tôi tình cảm nhưng cũng không vô bờ bến. Tôi biết kiên nhẫn nhưng không ưa chờ đợi, tôi biết tha thứ và biết quên. Tôi đầy lỗi nhưng khó mà chuộc cho đủ, tôi dễ ngã lòng nhưng rút cuộc do tôi là đàn ông cho nên đôi khi tôi… mặc kệ”.

Một phát ngôn tỉnh táo. Theo Lập, dân chơi rock chẳng bao giờ cuồng say, “cái từ này không hợp với dân rock”. Họ chỉ cuồng nhiệt, đam mê trên sân khấu và sống nhiệt thành ngoài đời, vậy thôi.

Dân rock hầu như đều nhún vai và cười ha hả mỗi khi nghe thấy cái đánh giá hời hợt rằng rocker Việt không sống được bằng nghề, không chuyên nghiệp. Thực ra các band rock ngày nay ai cũng sống được với rock, chỉ là sống mạnh hay sống chưa đủ mạnh mà thôi. Đánh giá ấy thường đến từ những so sánh rock với không khí chạy đua trong giới showbiz thông thường. Bản thân sự chuyên nghiệp của họ đã cực kỳ rõ nét khi chỉ chọn một thể loại nhạc để đam mê, để học, để phấn đấu, để sáng tạo, để biết đau, biết hết mình với nó.

Chính Lập cũng không rõ vợ mình có phải là fan của Bức Tường không, chỉ biết rằng cô ấy biết Trần Lập khi chưa biết Bức Tường. Còn con cái thì còn nhỏ, rock quá xa lạ so với chị Xuân Mai.

Trần Lập dường như đã tự dựng nên những bức tường giữa công việc và gia đình để an toàn cho những người thân. Hễ ai hỏi anh sâu hơn về gia đình là sẽ nhận được những câu trả lời cực kỳ gọn lỏn. Nhưng với cuộc sống hằng ngày, Lập luôn biết tìm và tạo ra niềm vui. Anh nói, anh tự hào vì luôn mang lại sự tin cậy cho những người thân, bạn bè, đồng nghiệp và ít nhất điều này khiến cuộc sống thanh thản, tạo động lực sáng tạo cho nhiều điều mới mẻ.

Ngày khác của Bức Tường

Ngày 15- 10 tới, Bức Tường sẽ ra mắt album ca nhạc thứ tư mang tên Ngày khác, mang phong cách âm nhạc hoàn toàn mới và thống nhất hơn 3 album cũ. Phong cách hardrock & metal phức tạp trước đây được thay thế bằng phong cách modern rock mang tính chặt chẽ và sung mãn hơn nhiều. Lập nói: “Chúng tôi cùng chơi trở lại, bước đầu sẽ chú trọng các tác phẩm mới và những cơ hội mới do mình tự xây dựng nên. Chỉ có điều, sau chừng đó thời gian, chúng tôi giờ đây bình thản hơn, và bản lĩnh hơn…”

Hỏi modern rock có làm cho những ấn tượng về The Wall vốn in đậm trong lòng người nghe bị thay đổi không. Trần Lập bảo: Thay đổi chứ! Ấn tượng sẽ đậm lên. Âm nhạc mà Bức Tường sáng tạo ra qua mỗi thời kỳ vẫn là âm nhạc của Bức Tường. Việc thể hiện nó ra bằng chất liệu mới chỉ làm cho phù hợp hơn, tốt hơn với thời đại mới, bối cảnh mới.

Nhiều ca khúc của Trần Lập mang tính đời sống và tính tổng hợp cao như Đường đến đỉnh vinh quang, Bình minh sinh viên, Khám phá, Tâm hồn của đá, Bài ca sông Hồng, Bông hồng thủy tinh, Rung chuông vàng nên được dùng làm nhạc hiệu của nhiều chương trình truyền hình, vang lên ở nhiều sự kiện. Đó là hạnh phúc của Lập, bởi làm được cái gì đó khó lẫn trong thời buổi này rất khó, nhưng thực ra những ca khúc ấy lại không mấy đặc trưng phong cách sáng tác mà Lập dày công có được nhiều năm qua.

Trần Lập tỏ ra đa tài. Cứ bẵng đi một thời gian lại biết anh trong một nghề mới: quảng cáo, truyền thông, xây dựng nội dung ý tưởng kịch bản cho các công ty sản xuất phim. Việc gì cũng làm quần quật.

Trần Thanh
tranthanhtp78@gmail.com

MỚI - NÓNG