Sốt 'Cánh đồng bất tận', vì sao?

Sốt 'Cánh đồng bất tận', vì sao?
TP - Thông tin từ nhà sản xuất, Cánh đồng bất tận đạt hơn ba tỷ đồng sau ba ngày công chiếu. Có người còn đoán: Doanh thu của phim sẽ “bất tận”. Thử lý giải ca hy hữu của điện ảnh Việt Nam này.

 >> Xem phim 'hot' 'Cánh đồng bất tận' qua ảnh

Trailer "cánh đồng bất tận"

 
Sốt 'Cánh đồng bất tận', vì sao? ảnh 1

Tiếp thị hoàn hảo

Trong hai ngày lên lớp cho sinh viên điện ảnh Hà Nội, đạo diễn Phillip Noyce, tác giả của những bộ phim ăn khách: Bộ sưu tập hài cốt, Salt... hơn một lần nhắc tên Cánh đồng bất tận.

Ông gọi đó là bộ phim ấn tượng, có lúc hỏi “Ai tối nay định đi xem Cánh đồng bất tận, ai xem phim Mỹ?”. Không hiểu sao mà chả cánh tay nào giơ lên tỏ ý dành quan tâm cho điện ảnh Mỹ.

Noyce cũng không quên nhắc tên người quen cũ - Hải Yến, vai chính của phim. Thậm chí Tăng Thanh Hà- người có một vai rất mờ nhạt không phải vì thời lượng ít- trong Cánh đồng..., cũng xuất hiện trong phát ngôn đầy sức nặng của ông. Một sự ưu ái quá lớn dành cho những người làm phim.

Buổi ra mắt Cánh đồng bất tận ở TPHCM được miêu tả là cực kỳ ấn tượng, với màn tạo cảnh quan cánh đồng miền Tây Nam Bộ nên thơ ở rạp chiếu.

Đoàn làm phim Cánh đồng bất tận ngày ra mắt
Đoàn làm phim Cánh đồng bất tận ngày ra mắt.

Chưa kể trailer nóng bỏng, trả lời phỏng vấn khéo léo của đạo diễn- diễn viên trước công chiếu. Báo mạng thì rầm rộ giật tít kiểu “Dàn sao nô nức đi xem Cánh đồng bất tận”, “Xem phim hot Cánh đồng bất tận qua ảnh”.v..v..

Câu chuyện cuốn hút

Khi ca sĩ Hồng Nhung tuyên bố sẽ tìm đọc truyện vì quá xúc động với phim, có người thốt trên báo: “Trời, giờ này mà chưa đọc truyện?!” Nếu bạn không biết Cánh đồng bất tận, ấy là bạn lạc hậu- có vẻ nhiều người nghĩ thế.

Vậy là chia ra hai loại khán giả. Người đọc truyện rồi thì tò mò về một “Cánh đồng bất tận từ chữ đến hình”, so sánh bắt bẻ từ câu thoại trở đi. Còn lại là những người chưa đọc, hoàn toàn bất ngờ về sự khốc liệt của chuyện phim.

Bị người vợ trẻ phản bội, Út Võ từ một người đàn ông yêu quí gia đình, trở nên phẫn chí, đẩy các con vào cuộc sống trôi dạt hết cánh đồng này cánh đồng khác. Ngày nọ có người đàn bà bị đánh ghen, dồn đuổi chạy lên thuyền của họ. Tình cảm gắn bó của hai đứa trẻ vị thành niên với cô gái điếm không đủ đánh thức từ tâm của người cha.

Vậy là chia ra hai loại khán giả. Người đọc truyện rồi thì tò mò về một “Cánh đồng bất tận từ chữ đến hình”, so sánh bắt bẻ từ câu thoại trở đi. Còn lại là những người chưa đọc, hoàn toàn bất ngờ về sự khốc liệt của chuyện phim.

Cho đến ngày Sương bỏ đi vì “ba mấy cưng ác quá, ác như vậy làm sao sống nổi”. Điền vì thương xót Sương mà giết người rồi bỏ trốn. Nương bị kẻ côn đồ cưỡng hiếp trước mặt cha, đẩy bi kịch của họ đến tận cùng. Út Võ tỉnh ngộ.

Kết phim, hai cha con lên bờ bắt đầu một cuộc sống bình thường. Nương mặc áo hoa, mang trong bụng đứa con hoài thai từ cuộc cưỡng bức, gương mặt thanh thản “đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”.

Một số nhà phê bình, biên kịch điện ảnh cho rằng, với một truyện đầy ắp chất cine như Cánh đồng bất tận, khi chuyển thành phim thì không thể chỉ kể bằng đối thoại, độc thoại, bằng cảnh quay đẹp hoặc âm nhạc nổi bật như đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã làm.

“Ngôn ngữ điện ảnh ít quá”- họ nói. Tuy nhiên, khán giả Việt Nam xem phim chủ yếu là xem câu chuyện. Họ thấy chuyện hay, được kể một cách suôn sẻ lớp lang, xem có thể khóc được, thế là đạt rồi. Ngay trong nghề cũng nhiều người đoán Cánh đồng bất tận sẽ ẵm hết các giải Cánh Diều năm nay.

Dàn diễn viên gây tranh cãi

Chưa có bộ phim nào mà ra khỏi rạp, khán giả lại phân hóa đến thế về diễn xuất của hai diễn viên chính: Dustin Nguyễn và Hải Yến.

Diễn xuất của Dustin Nguyễn và Hải Yến là chủ đề được bàn luận của “Cánh đồng bất tận”
Diễn xuất của Dustin Nguyễn và Hải Yến là chủ đề được bàn luận của “Cánh đồng bất tận”.

Gương mặt Dustin Nguyễn ra chất chuyên nghiệp ngay khi hiện ra màn ảnh, với điếu thuốc trên môi, ngồi mũi thuyền thờ ơ quan sát Sương bị đuổi đánh, neo lên thuyền của mình. “Ba mấy cưng đẹp trai dễ sợ”- Sương nhận xét. Nhưng bảo anh là ông nông dân, ông thợ mộc miền sông nước thì không hẳn. Nụ hôn của Út Võ và Sương cũng là nụ hôn thành thục của hai tài tử, chẳng chút quê mùa.

Kịch nhất có lẽ là cảnh Út Võ mặc dù bị quật tơi bời bằng những khúc gỗ to như thân cây, gục ngã, rồi lại có thể đứng phắt dậy giơ hai tay kêu “trời!” khi phải chứng kiến nỗi thống khổ của con gái mình. Tuy nhiên, nếu không phải Dustin Nguyễn vào vai chính, chắc gì khán giả hăng say bàn luận đến thế.

Hải Yến diễn bắt đầu “được” từ cảnh: Sau đêm tình tự với Út Võ, cô tưởng sẽ có được một không khí dễ thở hơn, nhưng trong bữa cơm gia đình, ông ta quăng tiền xuống mâm: “Tôi trả tiền hồi hôm”. Vẻ mặt của Sương lúc ấy sượng, cố thản nhiên, ánh mắt đau đớn. Giá chi tiết Sương nhét tiền vào áo ngực được khai thác tiếp: Chiếc áo mà cô mua cho Nương sau này là bằng số tiền cô moi từ đó.

Nhiều sạn - không sao?

Phim mở đầu bằng cảnh Sương bị đánh ghen tàn bạo, mình mẩy bầm dập, áo quần tả tơi, bị đổ keo dán sắt vào “chỗ ấy”. Chi tiết này trong truyện vốn đã gây kinh ngạc cho người đọc của Nguyễn Ngọc Tư về độ tàn nhẫn, vào phim lại đẩy thêm một cấp độ nữa.

Lên thuyền đến ngày thứ ba mà Sương vẫn nằm rên hừ hừ, tay bịt “chỗ ấy”, xuống đìa sen tắm táp, máu chảy thành giọt đỏ loang mặt nước. Có nhất thiết nhấn nhá đến vậy?

Gần cuối phim, Út Võ dùng dao bổ củi chém sả vào lưng kẻ côn đồ (hình như là đội viên đội kiểm dịch, bắt vịt của ông), trong khi chưa đủ lý do để hành động như vậy. Ngay chuyện đội này vì sao xuống tay tàn bạo với cha con ông cũng không rõ- có phải họ là người nhà, người thân của kẻ bị Điền dìm chết? Chi tiết Sương trồng cây sống đời khá hay nhưng lúc bị Út Võ ném xuống sông cũng đột ngột, chẳng có cơn cớ gì.

Kẻ bị chém sả, tấm lưng đẫm máu hóa ra chạy nhanh như ngựa, đuổi kịp cô gái 17 bẻ gẫy sừng trâu là Nương, và còn dễ dàng làm được cái việc cưỡng hiếp cô. Tóm lại chả biết đau là gì. Có khán giả reo lên: “Đúng là dòng máu anh hùng!”

Cảnh quay trong Cánh đồng bất tận đẹp, độc đáo. Có lời chê: “Quá đẹp so với sự bi thảm của bối cảnh”. Một bộ phim buồn không thể đẹp? Thậm chí chiếc thuyền nếu tạo hình đẹp thêm một chút cũng không hại gì. Phải chăng ta đã quen “vừa nghèo vừa xấu” trong phim ảnh.

Cái kết tươi sáng cũng bị phàn nàn là không trung thành với nguyên tác. Nhưng với loại khán giả sợ cảnh bạo lực trong phim Việt Nam như tôi, một kết thúc có hậu khiến lòng dịu đi.

MỚI - NÓNG