Festival cầu Long Biên 2010: Quyên tiền ủng hộ miền Trung

Festival cầu Long Biên 2010: Quyên tiền ủng hộ miền Trung
TP - Một lễ hội hoành tráng về cây cầu lịch sử của ban tổ chức thay đổi nội dung ở phút chót. Festival Cầu Long Biên năm nay hướng tới mục tiêu gần gũi người dân.

>> Festival cầu Long Biên 2010: Vấn đề là kinh phí

Tạo hình cây cầu Long Biên trong lễ hội 2010
Tạo hình cây cầu Long Biên trong lễ hội 2010 .

Bớt rườm rà

Chương trình lễ hội lần đầu đưa ra kéo dài trong bốn ngày dịp diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, sau dời sang tháng 11, trong ba ngày. Đại diện ban tổ chức, bà Nguyễn Nga cho biết: “Xuất phát từ thực trạng bão lũ miền Trung, lễ hội gút gọn trong hai ngày cuối tuần 20 và 21-11”.

Theo đó, ban tổ chức quyết định lược phần được coi là tốn kém nhất- trình diễn nghệ thuật trên con thuyền rồng tiên theo các dòng sông từ Hoa Lư tới Hà Nội, sau đó kết thúc ở vịnh Hạ Long.

Ban tổ chức đặt ba hòm quyên góp tiền trong hai ngày lễ hội, đặc biệt hi vọng ở đêm nhạc trẻ 20-11. Lễ hội được tổ chức từ đóng góp của người dân, nghệ sỹ không đặt vấn đề cát sê… dành tiền tương trợ khúc ruột miền Trung.

Ý tưởng “Cầu rồng kể chuyện nghìn năm” vẫn là chủ đề xuyên suốt hai ngày lễ hội. Cây cầu Long Biên trong hai ngày trở thành nơi tái hiện lịch sử, hội tụ ước mơ hướng về tương lai.

Phía cầu dẫn từ Hà Nội sang Gia Lâm trở thành phần Ký ức, chia làm 11 đoạn. Một đoạn tái hiện thời tiền Thăng Long, mười đoạn còn lại tương ứng với mười thế kỷ phát triển từ Thăng Long đến Hà Nội, minh họa bằng các triển lãm tái hiện không gian Hà Nội xưa. Ngoài ra còn có một số nhân vật huyền thoại, cổ tích do các nghệ sỹ xiếc, chèo hóa thân kể chuyện cho người dự hội.

Nhánh cầu từ Gia Lâm dẫn sang trung tâm Hà Nội được dành riêng cho chủ đề Ước mơ. Trải dọc cung đường này là nơi để các nghệ sỹ, người dự hội vẽ tranh, triển lãm hướng về một hành tinh xanh. Ý tưởng hành động vì mục tiêu chống biến đổi khí hậu được ban tổ chức xem như cách “khoác lên cầu chiếc áo thân thiện, vì hành tinh xanh”. Cuộc đi bộ vì hòa bình ngày 20-11 không nằm ngoài mục đích đó.

Trông chờ ở người dự hội?

Với mong muốn mỗi người dân là một nghệ sỹ, ban tổ chức hi vọng từng người tham gia lễ hội tham gia đóng góp vào thành công. Đến với ngày hội của cây cầu lịch sử, người dự có thể mặc trang phục truyền thống, hoặc trang phục đặc trưng của vùng miền. Từng người kể chuyện lịch sử theo cách của mình.

Ban tổ chức cho biết thêm, trong lễ kéo cờ của hơn 70 quốc gia-ở đoạn cầu mất nhịp- khách mời và người tham dự được khuyến khích mặc trang phục đặc trưng, mang đến nét văn hóa của quốc gia mình.

Năm nay, nhờ phương pháp mã vạch, BTC khống chế lượng người trên cầu khoảng 1.500 người mỗi đợt, để đảm bảo trọng tải trong mức chịu đựng của cầu Long Biên. Người dự phải chờ tới lượt, bù lại sẽ có không gian thông thoáng hơn.

Khu ẩm thực, gian hàng Việt và bạn bè quốc tế được đẩy hết sang phía chân cầu phía Gia Lâm. Còn nhớ, năm ngoái người dự hội nghỉ chân ở các gánh hàng rong xưa ngay trên cầu, gây lộn xộn và xả rác vô tư. Vấn đề đáng băn khoăn hơn cả có lẽ là chuyện bố trí giao thông, tránh tình trạng lộn xộn năm trước.

MỚI - NÓNG