Viết lại chuyện ngàn năm

Viết lại chuyện ngàn năm
TP - Vẫn còn nhiều dấu hỏi xung quanh việc phục dựng, trùng tu lại nhóm tháp G thuộc thánh địa Mỹ Sơn, song không thể phủ nhận, câu chuyện ngàn năm trước của Mỹ Sơn lần đầu được tái hiện một cách bài bản và khoa học
Viết lại chuyện ngàn năm ảnh 1

Mỹ Sơn bí ẩn

Tháp Chăm Mỹ Sơn - một địa chỉ bí ẩn với không chỉ nhiều học giả, nhà sử học trong nước mà còn có sức hút lạ kỳ với những chuyên gia nước ngoài. Kiến trúc sư Kazik (KTS Kazimer Kawiatkowsky, người Ba Lan) là một trong nhiều ví dụ khi ông gần như đã bỏ cả cuộc đời của mình để sống chết cùng Mỹ Sơn.

Nhận thức được tầm quan trọng của Mỹ Sơn, năm 2003, UNESCO cùng UBND tỉnh Quảng Nam bắt đầu một dự án với nhiều e ngại của giới học giả hiểu biết về tháp Chăm, văn hoá Chăm - Dự án phục dựng nhóm tháp G của thánh địa Mỹ Sơn.

Một sự thật là cho đến hôm nay, vẫn chưa ai đưa ra được câu trả lời chính xác nhất về tháp Chăm, về nguyên liệu gạch và sự kết dính của gạch Chăm đó là gì. Cùng với đó là cả một không gian bao la, u tịch và huyền bí nơi thánh địa Mỹ Sơn ngày nay vẫn chưa thể vén được bức màn bí ẩn.

Trong nhiều lần trò chuyện, ông Nguyễn Công Hường - Trưởng BQL di tích Mỹ Sơn khẳng định, hễ cứ bắt tay nghiên cứu, đụng vào Mỹ Sơn nói riêng và văn hóa Chăm, tháp Chăm nói chung là cứ như lạc vào ma trận. Ông Hường nói: Người Chăm cổ quả là huyền bí bởi, những chất họ làm ra, những cách mà họ dựng lên đền tháp khiến chúng ta sau này như u mê vậy”.

Ông Hường gần 20 năm là quản gia ở thung lũng thần linh Mỹ Sơn, đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc nghiên cứu, khai quật khảo cổ, nhưng rồi cuối tất cả đều lặng lẽ bó tay ra về. Có thể nói, Mỹ Sơn giờ đây là độc nhất vô nhị, là nơi tái hiện đầy đủ nhất, chân thực nhất về ký ức xa xưa của người Chăm, một ký ức vàng son về một nền văn hóa mà cho tới nay, dường như vẫn là thách thức, khó chạm tới.

Mỹ Sơn bây giờ được giới nghiêm, bảo vệ, săn sóc rất chu đáo của BQL di tích. Những ngày không mưa, du khách nườm nượp vào khu đền tháp, đắm chìm trong không gian u tịch, được trở về với ngàn xưa. Chưa cần thiết phải mân mê từng ngón tay vào các nét hoa văn tinh xảo, huyền bí ở mặt ngoài, mặt trong tháp, chúng ta đã có thể cảm nhận rõ hơi thở của nét văn hóa Chăm đang thấm vào mạch máu. Mỹ Sơn là thế, và nó cũng vĩ đại bởi sự bí ẩn thâm nghiêm mà cho tới nay, giải mã tháp Chăm vẫn là câu chuyện nối dài.

Đã đụng đến nghiên cứu Mỹ Sơn tức là khảo cổ học rồi mới có thể tính đến câu chuyện phục dựng, nên lần này, UNESCO, Viện Bảo tồn di tích Việt Nam, tỉnh Quảng Nam mời hẳn nhóm chuyên gia ở Viện Nghiên cứu Lerici ở Đại học Bách khoa thành phố Milan (Ý) sang đảm trách. Nói đến Ý, ai cũng biết đất nước hình chiếc ủng nằm bên bờ Địa Trung Hải bảo tồn cho nhân loại những kỳ quan hàng ngàn năm tuổi như đấu trường La Mã hay tháp nghiêng Pisa.

Có lẽ, sự kỳ vọng rất lớn vào nhóm nghiên cứu này của UNESCO đã khiến sau 6 năm đằng đẵng, giờ đây nhóm nghiên cứu mới hé lộ một phần kết quả ban đầu. Theo ông Phan Văn Cẩm – GĐ Trung tâm bảo tồn danh thắng Quảng Nam, kết quả bước đầu là rất khả quan, khi nhóm đã tìm ra được chất kết dính giữa hai viên gạch Chăm một cách tương đồng nhất.

Dầu rái (một loại tinh dầu chiết xuất từ cây dầu rái được trồng nhiều ở vùng núi Quảng Nam) chính là chất kết dính đó. Theo KTS Masa Landoni - trưởng nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu Leciri, dự án bao gồm khảo cổ học và tìm ra được chất kết dính của gạch Chăm cổ và phục chế được loại gạch đó.

Viết lại chuyện ngàn năm ảnh 2

Chuyện ngàn năm giờ là...phiên bản

Theo nữ KTS Masa Landoni, các nhóm tháp G2,3,4,5 ít nhiều còn giữ được chút ít vẻ cổ kính uy nghiêm của một nền văn hóa Chăm cổ. “Đối với nhóm tháp này, nguyên tắc làm việc bất di bất dịch của chúng tôi là tránh đụng vào nó càng nhiều càng tốt. Đó là sự uy nghiêm, là cái gốc tích của người Chăm xưa còn giữ lại, vì thế nếu không cần thiết, chúng tôi không đụng vào và giữ nguyên hiện trạng. Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu khu tường bao và nhóm tháp G3 + G5. Công việc chủ yếu là tìm ra được kỹ thuật xây dựng, vật liệu gốc và chất kết dính của gạch Chăm như thế nào” - KTS Landoni nói.

Trái với nhóm tháp G3 và G5, nhóm tháp G1 dường như đang đứng trước nguy cơ sụp đổ có thể biến mất bất cứ lúc nào nên nhóm nghiên cứu đã dùng kết quả khảo cổ học thu được từ các nhóm tháp khác để áp dụng cho G1.

Ông Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện bảo tồn di tích Việt Nam đã giới thiệu cuốn sách Hướng dẫn khảo cổ và trùng tu tháp Chăm - Tư liệu đúc kết từ dự án trùng tu tôn tạo nhóm tháp G. Theo ông Vinh, đây là tài liệu tổng hợp những kinh nghiệm mấu chốt từ quá trình trùng tu, cung cấp, hướng dẫn nguyên tắc và các chỉ dẫn cụ thể dành cho đội ngũ cán bộ bảo tồn, trùng tu của Việt Nam trước công trình khảo cổ và kiến trúc Chăm cổ tại tỉnh Quảng Nam và Việt Nam trong tương lai. 

“Tuyệt đối với Mỹ Sơn không thể dùng xi măng bởi nó sẽ mọc rêu và hoàn toàn hư hỏng theo thời gian. Với G1, chúng tôi bên ngoài dùng chất liệu dầu rái còn bên trong dùng vôi. Chúng tôi đã lấy mẫu chất kết dính giữa 2 viên gạch Chăm cổ, đưa về Milan phân tích và cho thấy, loại keo này có nhiều chất Lamar, được tìm thấy nhiều trong dầu rái” – bà Landoni thông báo.

Sự háo hức của nữ KTS này trong buổi hội thảo thông báo kết quả đã được thay thế bằng nét căng thẳng và ít nhiều bộc lộ sự không tự tin ngay bên lề hội thảo, khi phải đối diện với nhiều câu hỏi hóc búa. Bà Masa Landoni cho rằng, chất kết dính mà nhóm nghiên cứu của ĐH Milan tìm ra không phải hoàn toàn là thứ mà người Chăm cổ xưa đã sử dụng: “Tôi không muốn nói đó là chất kết dính đã tạo nên dáng dấp Mỹ Sơn ngàn năm, mà chúng tôi chỉ coi đó là loại chất tương thích”.

Tương tự, với gạch, bà cũng cho hay đó là loại gạch tương thích nhất mà thôi, không thể hoàn toàn là thứ mà người Chăm đã tạo ra viên gạch của họ. Khó có thể đòi hỏi gì hơn với nhóm nghiên cứu, đặc biệt là khó để bà Masa Landoni đưa ra được câu trả lời làm thỏa mãn những người yêu Mỹ Sơn, yêu văn hóa Chăm, mà những người đó, nói như bà Katherine Mulller Marin, trưởng đại diện UNESCO Hà Nội rằng, không chỉ là dân xứ Quảng, không chỉ là người Việt Nam mà là cả nhân loại.

Dẫu sao, các chuyên gia cũng hứa hẹn: Có thể tìm ra được nguyên lý xây dựng, chất kết dính cũng như gạch của người Chăm cổ, với điều kiện là có tiền và có thời gian.

Bà Masa ngại ngần là phải. Làm sao có thể trả lời được câu hỏi mà hàng trăm năm nay, cả nhân loại đi tìm chỉ với thời gian ngắn ngủi ? Bởi thế, câu chuyện phục dựng và tìm ra được cách thức người Chăm xây tháp cũng như cách họ nung gạch, phết keo kết dính hôm nay vẫn chỉ là phiên bản. Còn nguyên bản, có lẽ mãi mãi đã vùi chôn?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG