Tùng Dương cống hiến nhiều nhất

Tùng Dương và Lê Cát Trọng Lý- hai quán quân của Cống hiến 2010 Ảnh: BTC
Tùng Dương và Lê Cát Trọng Lý- hai quán quân của Cống hiến 2010 Ảnh: BTC
TP - Nếu hàng năm đều đặn có sản phẩm chất lượng, Tùng Dương sẽ tung hoành cống hiến một thời gian nữa.

> Uyên Linh trắng tay với giải Cống hiến

Tùng Dương và Lê Cát Trọng Lý- hai quán quân của Cống hiến 2010 Ảnh: BTC
Tùng Dương và Lê Cát Trọng Lý- hai quán quân của Cống hiến 2010. Ảnh: BTC.

Âm nhạc đại chúng của ta lâu nay vẫn thiếu một giải thưởng kiểu Grammy Việt và Cống hiến đang dần bù vào chỗ thiếu đó, dù nó không được bầu bởi một viện hàn lâm. Cống hiến có thể xem như kết quả của một cuộc trưng cầu ý kiến báo giới về đời sống âm nhạc trong năm. Gu nhạc của nhà báo chắc cũng đa dạng như của khán giả vậy. Cho nên Cống hiến có thể xem là tấm gương phản ánh một năm ca nhạc.

Và khuôn mặt được đánh giá cao nhất năm 2010 là Tùng Dương. Anh chiếm 2/4 giải thưởng. Tùng Dương thực sự là tài năng nổi bật vài năm nay. Anh luôn có cách tỏa sáng trong nhiều dòng nhạc khác nhau từ tiền chiến, dân gian đương đại cho tới nhạc đỏ.

Với Li ti- Tùng Dương khẳng định phong cách chủ đạo anh đang theo là nhạc điện tử. Vậy nhưng nếu ai chưa biết Tùng Dương mà xem buổi hòa nhạc jazz do NSƯT Quyền Văn Minh tổ chức ở Hà Nội tháng 11-2010, sẽ tưởng Tùng Dương sinh ra để hát nhạc jazz. Nếu đều đều hằng năm có sản phẩm chất lượng, Tùng Dương chắc sẽ tung hoành Cống hiến một thời gian nữa.

Li ti của Tùng Dương là một thử nghiệm kết hợp các giai điệu pop Việt Nam với phong cách điện tử và dàn nhạc giao hưởng Tây phương. Một đầu bài khá xương nhưng kết quả cuối cùng cũng đã được nhìn nhận. Li ti chiến thắng oanh liệt, là đề cử duy nhất đạt lượng phiếu bầu quá bán, gấp hơn 5 lần đề cử tiếp theo.

Về trường hợp NSND Y Moan, rút cuộc BTC cũng có giải pháp riêng. Trong thông cáo mới đây, BTC khẳng định chương trình Ngọn lửa cao nguyên là sự trình diễn những kết tinh sáng tạo trong giọng hát tuyệt vời của Y Moan được hun đúc từ hàng chục năm trước.

Và: “Những giá trị sáng tạo gắn với Y Moan là những giá trị to lớn bất biến với thời gian, muốn tôn vinh Y Moan cần có một giải thưởng xét quá trình cống hiến trong nhiều năm. Càng không thể đưa Y Moan với thành tựu mấy chục năm đã được khẳng định vào đề cử của một giải thưởng hằng năm với những sáng tạo mang tính thử nghiệm như Tùng Dương, Đức Tuấn, Thanh Lam... hay sáng tạo mang tính thời vụ như Uyên Linh...

Đưa Y Moan vào đề cử Ca sĩ của năm sẽ là không hợp tiêu chí và là một sự khập khiễng, không những không tôn vinh được Y Moan mà còn làm hạ thấp giá trị của anh”. Nghe cũng có lý, nhưng xét cho cùng, mọi cống hiến trong năm đều bình đẳng. Có một giải cống hiến trọn đời cho Y Moan là rất nên nhưng giả sử ông được đề cử và không trúng giải Cống hiến 2010 cũng là chuyện bình thường.

Ở hạng mục Chương trình của năm - lẫn lộn cả truyền hình với hòa nhạc, việc Ngọn lửa cao nguyên của Y Moan vươn lên đứng thứ hai về lượng bình chọn là một kết quả đáng chú ý. Việt Nam Idol 2010 và đêm nhạc của Y Moan đã giành được gần như toàn bộ sự ưu ái của các nhà báo, chỉ để lại vài số lẻ phiếu bầu cho 3 chương trình còn lại.

Đặc biệt, cũng là cuộc thi hát truyền hình cấp quốc gia, nhưng Sao Mai Điểm hẹn đội sổ với đâu có 4 phiếu. Không hiểu sao, BTC nhất định phải nhét các chương trình truyền hình vào hạng mục này trong các chương trình riêng của nghệ sĩ vốn không thiếu.

Tuy nhiên, điều gây khó nhất cho BTC là không phải tất cả những người bỏ phiếu đều từng xem những chương trình hòa nhạc trực tiếp, trong khi ca nhạc truyền hình rất dễ tiếp cận.

Vai trò đạo diễn âm nhạc của Huy Tuấn tại Việt Nam Idol được đánh giá khá cao. Anh chỉ cách Nhạc sĩ của năm Lê Cát Trọng Lý vài phiếu. Có lẽ Huy Tuấn sẽ là lựa chọn đầu tiên cho Nhà sản xuất của năm, nếu có. Tất nhiên việc bổ sung hạng mục này vẫn còn hơi xa vời với độ chuyên nghiệp của nền âm nhạc cũng như của giải Cống hiến. Nhưng ngay trước mắt, một giải có thể thêm vào: Ca khúc của năm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.