Chuyện đời một ngôi sao opera quốc tế

Tian đóng vai Lý Bạch trong vở opera cùng tên Ảnh: Mark Kiryluk
Tian đóng vai Lý Bạch trong vở opera cùng tên Ảnh: Mark Kiryluk
TP - Chuyện đời của một ngôi sao opera quốc tế gốc Trung Quốc cũng thú vị như sự nghiệp của ông. Trong những người đầu tiên đưa Hao Jiang Tian đến với âm nhạc có một người Việt. Ông trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 22-4.
Tian đóng vai Lý Bạch trong vở opera cùng tên Ảnh: Mark Kiryluk
Tian đóng vai Lý Bạch trong vở opera cùng tên. Ảnh: Mark Kiryluk.

Trong cuộc họp báo chương trình hòa nhạc Hennessy lần thứ 15 tại Hà Nội, Hao Jiang Tian nói: “Cảm ơn một người bạn Việt Nam đã mở ra cho tôi một cửa sổ âm nhạc.” Khi đó, Tian 16 tuổi, được một người Việt Nam lớn tuổi làm cùng nhà máy dạy chơi ghi ta và hát một số bài hát Việt Nam.

Sinh ở Bắc Kinh giữa những năm 1950, bố là nhạc trưởng, còn mẹ là nhạc sĩ, Tian bị ép học piano, trong khi cậu muốn thành họa sĩ. “Tôi luôn tập đàn trong nước mắt,” Tian nhớ lại. Cách mạng Văn hóa mang đến sự giải thoát cho kẻ tội đồ của dương cầm, nhưng sau đó là sự hối tiếc.

“Tôi nghe thông báo trên loa rằng thày dạy piano của tôi đã bị bắt. Lập tức, tôi hét lên vì vui sướng (thầy bị bắt thì khỏi phải học). Ba mươi năm sau trở lại Bắc Kinh, tôi đến thăm, xin thầy tha lỗi vì khi ông bị bắt tôi lại vui sướng. Ông cười với lệ trong mắt: ‘Ồ, vào cái thời đó, khó mà chỉ ra được ai đúng, ai sai”.

Bố mẹ bị đưa đến trại cải tạo, còn cậu tới nhà máy làm việc trước khi bước sang tuổi 15. “Tôi bắt đầu hút thuốc, uống rượu, đánh lộn. Đột nhập vào các thư viện lấy trộm sách. Và hát những bài hát không được phổ biến. Hầu hết tình ca thời đó đều bị cấm”.

Một cuộc gặp bất ngờ đã hé mở sự nghiệp cho Tian. “Đến thăm người bạn, tôi không trèo lên căn hộ tầng 5 của bạn mà đứng dưới gọi. Bạn tôi không có nhà, nhưng một người hàng xóm ngó ra cửa sổ và hỏi tôi có phải là ca sĩ.

Tôi nói không, và hỏi tại sao. “Vì giọng nói của cậu rất vang”. Hóa ra, đó là ca sĩ chuyên nghiệp. Ồng ta nói tôi cũng có thể trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Một năm sau, các nhạc viện ở Trung Quốc mở lại, Tian thi tuyển vào Nhạc viện Bắc Kinh và là người duy nhất đỗ trong số 500 thí sinh.

Năm 1983 Trung Quốc mở cửa. Như nhiều người trẻ khác, Tian khao khát mở rộng tầm mắt. Tháng 12-1983, Tian 28 tuổi, đến Mỹ. Ông kể với PV Tiền Phong: “Khi mới sang Mỹ, tôi bị sốc văn hóa nặng. Tôi không biết tôi sẽ đi đâu, đi được bao xa, sẽ làm được gì và trở thành người như thế nào. Tôi chỉ biết cố gắng, vì tôi còn trẻ”.

Hôm trước đến New York, hôm sau Tian đã có mặt ở nhà hát Metropolitan. Có 35 USD trong túi, vốn tiếng Anh đủ để chào và tạm biệt, anh dành ra 8 USD để mua vé xem vở Enani, có Pavarotti. “Trong giờ nghỉ giữa buổi diễn, một cặp người già đến chỗ tôi bắt chuyện, và chìa cho tôi mấy tấm vé.

Tôi nghĩ họ muốn bán vé, nên nói: “Không, không, không”. Họ thì “Có, có, có!”. Cuối cùng, họ giúi vé vào tay tôi và bỏ đi. Tôi nhận ra đó là những tấm vé đắt tiền nhất. Khi phần hai của vở diễn bắt đầu, Pavarotti hát ngay trước mũi tôi”.

Tròn 10 năm sau, Tian đứng chung với Pavarotti trên sân khấu Metropolitan, diễn I Lombardi. Và có dịp kể cho Pavarotti câu chuyện. Tian kể: “Vào lúc chúng tôi bước ra chào khán giả khi hạ màn, Pavarotti nắm tay tôi bằng tay trái, và dùng tay phải thu hút sự chú ý của khán giả để họ vỗ tay cho tôi. Bảy lần trình diễn chung sau đó, ông đều làm như vậy”.

Việc kết nối văn hóa Đông Tây rất quan trọng. Tôi tin vào sự hội nhập, vì ngày nay cả thế giới mở cửa. Âm nhạc là ngôn ngữ nghệ thuật quan trọng kết nối con người.

Tôi hạnh phúc được đứng trên sân khấu, và hơn thế nữa có thể giúp đỡ các nghệ sĩ trẻ ở châu Á học tập, phát triển sự nghiệp ở phương Tây; giúp các nghệ sĩ phương Tây khám phá văn hóa, âm nhạc châu Á; kết nối các nhà hát ở châu Á và phương Tây để cùng thực hiện những vở opera mới.

Tôi đến đây hy vọng được nghe các nghệ sĩ Việt Nam và giúp họ làm một vở opera Việt Nam hiện đại để mang đến các sân khấu opera phương Tây. Sao không? Hao Jiang Tian  

Nguyễn Mạnh Hà
Bài viết trích dịch một số tư liệu của WNYC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG