Phòng chống thảm họa âm nhạc trong nhà trường

Phòng chống thảm họa âm nhạc trong nhà trường
TP - Âm nhạc cho trẻ em, kể cả vấn đề làm sao phòng chống “thảm họa âm nhạc” được đưa ra đào xới tại một hội thảo ca khúc vừa qua.

Thừa và thiếu

Có thể rút ra vài bài học từ clip Chú ếch xanh quay ở Ý từ 2003 bỗng dưng được chú ý. Theo nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến: “Chú ếch xanh trở thành hiện tượng với bản phối mới, lối trình bày mới, cách đầu tư chuyên nghiệp tạo nên sự sinh động, hấp dẫn của bài hát quen thuộc”. Chắc chắn, phần trình diễn của bé Hương Trà được quan tâm vì trước hết có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên cũng phải khẳng định Chú ếch xanh hay, thuộc hàng kinh điển trong ca khúc thiếu nhi. Cũng như Con cò bé bé hay Một sợi rơm vàng… sau vài chục năm, vẫn được “giới trẻ” đón nhận.

Nhiều ý kiến tại hội thảo Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay- thực trạng và giải pháp (diễn ra ngày 24-5 tại Hà Nội) cho rằng đang thiếu bài hát hay cho con trẻ. Thực tế, chưa chắc con trẻ cảm thấy thiếu, vì mỗi thế hệ lớn lên sẽ lại học những bài “còn mãi với thời gian” như những bài mới. Còn nếu người sáng tác cảm thấy thiếu thì càng tốt. Sẽ có nhiều bài hát hay hơn.

Nhiều khả năng những người làm nhạc cho thiếu nhi đang lo lắng vì tình hình vượt khỏi sự kiểm soát. Trong thời buổi bùng nổ truyền thông, trẻ em không chỉ thích những gì mà người lớn cho nghe. ThS. Nguyễn Thị Hải chỉ ra: “Chỉ cần vài cái nhấp chuột các em đã tiếp cận với nhiều thể loại ca nhạc. Các em quen được nghe, xem những tác phẩm chất lượng cao trong và ngoài nước. Các bài đó được đầu tư về âm thanh, phối khí, dàn dựng. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều tới việc tiếp nhận và thưởng thức. Một ca khúc đến được với trẻ thơ ngày nay không đơn giản chút nào”.

Nhiều vị phụ huynh kể với nhạc sĩ, nhà báo Trần Lệ Chiến rằng con em họ chỉ thích nghe nhạc Hàn, nhạc Hoa - dù không hiểu ca từ. Có thể khán giả nhí bị lôi cuốn bởi tiết tấu, phong cách của ca sĩ ngoại. Từ hiện tượng này có thể thấy tầm quan trọng của việc dàn dựng và truyền bá ca khúc. Chúng ta thiếu cái đó hơn là thiếu bài hát.

“Lệch chuẩn” về thẩm mỹ của người hát và người nghe dẫn đến sự xuống cấp của nền nhạc trẻ. Hiện đang đầy rẫy bài hát nhảm và ngày càng tăng những thảm họa âm nhạc. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN nhận thấy: “Không thể khoanh vùng bài hát nào vào nhà trường, bài hát nào cho giới trẻ ngoài nhà trường. Nên hướng tới cái nhìn tổng thể, dung hòa về một nền âm nhạc dành cho tuổi trẻ”.

Kinh hoàng giờ học nhạc

Một trong những biện pháp quan trọng giúp trẻ em miễn dịch với nhạc kém chất lượng là trang bị hiểu biết từ trong trường học. Nhưng, theo nhạc sĩ, nhà báo Trần Lệ Chiến, âm nhạc ở trường phổ thông đang “trở thành môn học nhạt nhẽo”. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân miêu tả đại thể giờ học nhạc, cô giáo cầm đàn oóc đến từng lớp gieo rắc “kinh hoàng” cho học sinh. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nhận định: “Tai nạn trong hệ thống giáo dục âm nhạc phổ thông chính là cây đàn organ điện tử - đâu đâu cũng học và hát theo. Trong khi cây đàn này được coi là cỗ máy làm thui chột khả năng sáng tạo bẩm sinh và chai lỳ khả năng cảm thụ âm nhạc đa dạng”.

Cô giáo Ngô Thu Hiền, thâm niên 14 năm dạy nhạc ở bậc tiểu học, cho rằng giáo dục nghệ thuật chưa được nhận thức đúng dẫn đến nội dung môn học nghèo nàn. Cụ thể, một bài hát các em phải học trong 4 tiết, trong đó có những bài đã thuộc từ thuở mầm non mà vẫn phải hát đi hát lại. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho hay, đã đặt vấn đề với Chính phủ về một chương trình giáo dục âm nhạc mới trong trường phổ thông, thiết kế riêng cho từng vùng miền, bám sát vào màu sắc dân ca của mỗi nơi. Nhạc sĩ nói: “Bản chất môn âm nhạc không phải là dạy nhạc lý như cho người chuyên nghiệp, mà là truyền tình yêu, sự thích thú đối với âm nhạc, nối tiếp mạch nguồn từ lời mẹ ru”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG