Rối có nên cứ ở ao làng?

Rối có nên cứ ở ao làng?
TP - Hơn chục tích trò cổ thay nhau khuấy động mặt nước tại Trung tâm đào tạo, huấn luyện thi đấu thể thao tỉnh Hải Dương, mang dấu ấn từng phường rối, tụ họp trong Liên hoan múa rối toàn quốc lần 1.

Liên hoan khai màn tối 13-6, mỗi ngày có hai suất diễn rối nước. Sáng hai phường, tối lại hai phường. Do tính chất khuyến khích tích trò càng dân gian càng hay, nên điểm qua tiết mục biểu diễn dễ thấy cũng bằng ấy trò: Tễu giáo đầu, Múa tiên, Quay tơ dệt lụa, Chọi trâu, Cáo bắt vịt, Quần long vũ hội, Bật cờ… Kỳ thực, tích trò cổ truyền lại đến nay cũng vào chừng 20 trò, không nhiều lựa chọn. Vả lại, phần thủy đình dựng ở bể bơi Yết Kiêu (Hải Dương) chưa hẳn đủ thỏa mãn khán giả.

Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD): “BTC khuyến khích sự khác biệt, phong phú ở mỗi phường rối. Thực tế, các phường khi diễn trò gây cảm giác ít khác biệt do ảnh hưởng lẫn nhau. BGK khi chấm dựa vào tiêu chí đánh giá về trình độ biểu diễn, điều khiển rối, kết hợp âm nhạc nhuần nhuyễn đến đâu”. Các màn rồng phun lửa, bật cờ (cờ giấu dưới nước, bật lên không hề ướt nước) không phải phường nào diễn cũng nuột cả. Hay như phường rối Nguyên Xá có chất riêng, với màn Ngũ phương chạy đàn-kết hợp rối dây với rối sào điêu luyện.

Điều thú vị ở các phường rối này: Khi trình diễn họ là nghệ sĩ, về với đời thường họ gắn bó với cuộc sống thôn dã, với đủ nghề mưu sinh: Làm ruộng, sửa xe, phụ hồ… Mục đích chính của liên hoan là giao lưu, đánh giá thực trạng múa rối dân gian, nên các nhà tổ chức luôn kỳ vọng nghệ thuật này có sức sống lâu bền trong dân. Chính thế mà đại diện Cục NTBD cho rằng, cứ nên để các phường rối này phát triển tự nhiên, thậm chí hồn nhiên (như đưa ca khúc Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng vào tiết mục Vũ hội quần long). Không khuyến khích các nghệ nhân nghiệp dư này dựng vở rối, vì khi ấy sẽ phải có người dàn dựng, có kịch bản thì thành ra chuyên nghiệp mất rồi.

Dễ nhận thấy chất dân gian khá đậm từ dáng dấp đến tích trò diễn. Đặc thù đi diễn nghiệp dư nên cách tính công cho diễn viên cũng lạ. Buổi diễn được tính từ trưa đến tối tính thành nửa ngày, riêng tối biểu diễn tính hẳn một công, sáng hôm sau dọn đồ về được tính thêm nửa công, thành chẵn hai công. Theo đó mà nhân thành tiền, cỡ 300 ngàn đồng/buổi diễn. Dù chỉ diễn vào dịp nông nhàn, nhưng nhiều phường rối như Nguyên Xá, Đào Thục cũng diễn cỡ hơn trăm buổi mỗi năm. Không chỉ riêng hội làng, phường rối biểu diễn cả ở dịp mừng công, hoặc theo đặt hàng của các tua du lịch địa phương.

Dù mở rộng đất diễn khỏi ao làng, trưởng phường rối Nguyên Xá- ông Nguyễn Trọng Đường nói: “Hầu hết đều là các tích trò truyền thống, bên cạnh một số tích trò hiện đại. Cách đục quân (con rối) cũng theo lối thủ công truyền thống. Ở các nhà hát múa rối, thường 100 lượt diễn phải sửa lại quân, chúng tôi tận dụng, gõ quân ra, thuê sơn son thếp vàng lại. Cách làm không phải thế nào cũng xong, đầu tiên phải cạo hết lớp sơn cũ, đánh giấy ráp rồi mới sơn màu, phải dùng sơn ta”.

Truyền nghề ở mỗi phường rối luôn được xem trọng, trong mục đích bảo tồn văn hóa dân gian. Các nghệ nhân cao tuổi tỏ ra lạc quan về lớp trẻ kế cận. Rối thường truyền nghề theo gia đình cha-con, anh-em, nên nhiều bí mật, dấu ấn không lo mai một. Vả lại chỉ những ai tâm huyết với nghề mới trụ lại được, do hoạt động nghiệp dư phải tự lo kinh phí, đảm bảo đời sống cho mỗi người trong phường rối. Nắm bắt kỹ thuật điều khiển rối không quá khó, phần quan trọng là điều khiển nhịp nhàng, ăn với lời ca tiếng nhạc. Khó nhất vẫn là điều khiển rối dây. Số người học thể loại này cũng không nhiều.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG